Các con số trong ‘Thống kê năng lượng Việt Nam 2019’ nói lên điều gì?
07:30 | 13/01/2021
Mười sự kiện tiêu biểu của ngành Năng lượng Việt Nam năm 2020
Là một trong các đơn vị tư vấn đầu ngành về năng lượng Việt Nam, từ năm 2008 đến 2015, IE luôn được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ thu thập, xử lý và biên soạn các niêm giám thống kê về năng lượng việt Nam. Năm 2020, song song với việc lập “Quy hoạch điện VIII” và là Trưởng liên danh Tư vấn trong lập “Quy hoạch tổng thể năng lượng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, IE cũng được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ biên soạn ấn phẩm “Thống kê Năng lượng việt Nam 2019”- VES-2019.
Dự thảo VES-2019, cũng như các ấn phẩm thống kê năng lượng trước đây đã được hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm nghiên cứu Năng lượng châu Á - Thái Bình Dương (APERC, Tokyo, Nhật Bản) và được định dạng chung phù hợp với các khuyến nghị của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA).
Một số thống kê tổng hợp trong VES-2019
Thứ nhất: Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp:
Hình 1 - Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp (TPES) giai đoạn 2010 - 2019:
Năm 2019, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp (TPES) của Việt Nam là 89.792 KTOE, tăng 11,0% so với năm 2018. Trong khi đó, cả giai đoạn 2011 - 2019, tỷ lệ tăng trưởng chỉ là 6,1%/năm. Nhìn vào tăng trưởng của từng nhóm sản phẩm năng lượng trong TPES có thể thấy than có tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi, 13,2%/năm trong giai đoạn 2011 - 2019, kế tiếp là năng lượng tái tạo 10,5%/năm. Năng lượng sinh khối phi thương mại và chênh lệch xuất khẩu điện có mức tăng trưởng âm, tương ứng -31,4%/năm và -13,3%/năm.
Giai đoạn 2010 - 2019 chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của năng lượng phi thương mại trong cơ cấu TPES, từ 13,7% năm 2010 xuống còn 4,9% năm 2015 và đến năm 2019 ước tính chỉ còn 0,3%.
Năng lượng tái tạo, với thủy điện làm nòng cốt, cũng có sự gia tăng trong cơ cấu, từ 11% năm 2010 lên 14,7% năm 2015 và 18,4% vào năm 2018. Nhưng đến năm 2019 năng lượng tái tạo giảm xuống chỉ còn 15,8% - mặc dù năm này chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời.
Sự thay đổi đáng kể nhất là than. Năm 2010, than chỉ chiếm 28,1% cơ cấu và duy trì ở mức độ tương đương trong mấy năm kế tiếp. Tuy nhiên, giai đoạn sau 2015 chứng kiến sự gia tăng đáng kể của loại nhiên liệu này trong tổng cung, lên 44,3% năm 2018 và kỷ lục 50,0% năm 2019.
Xét trên quy mô dân số, chỉ số TPES trên đầu người của Việt Nam ở năm 2018 còn tương đối thấp, chỉ 848 kgOE/người, thậm chí còn thập hơn trung bình của toàn khối ASEAN là 1.041 kgOE/người. Tuy nhiên, cường độ TPES trên GDP lại khá cao.
Hình 2 - So sánh TPES theo quy mô GDP (kgOE/1000USD) năm 2018:
Thứ hai: Cơ cấu khai thác năng lượng thương mại trong nước:
Hình 3 - Cơ cấu khai thác năng lượng thương mại trong nước:
Năm 2019, lượng khai thác năng lượng thương mại trong nước đạt 56.650 KTOE, trong đó có than chiếm tỷ trọng lớn nhất 39,6%. Mặc dù cao hơn so với năm 2018, nhưng còn thấp so với 45,6% của năm đầu kỳ 2010. Chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 là dầu thô, chiếm 19,4% cơ cấu khai thác năng lượng thương mại. Mặc dù vậy, tỷ trọng của dầu thô liên tục giảm kể từ khi đạt đỉnh năm 2015.
Đáng chú ý là tỷ trọng năng lượng tái tạo liên tục gia tăng, từ 6,3% năm 2010 lên 15,1% vào năm 2019. Điều này là do có sự phát triển của các loại hình năng lượng tái tạo mới trong ngành điện là điện gió và điện mặt trời trong vài năm gần đây. Tính chung cả giai đoạn 2011 - 2019, năng lượng tái tạo tăng 10,9%/năm, trong khi thủy điện đạt tốc độ tăng thấp hơn một chút, chỉ 10,2%/năm.
Thứ ba: Xuất nhập khẩu năng lượng:
Hình 4 - Diễn biến xuất nhập khẩu năng lượng:
Có thể nhận thấy xu hướng giảm dần của xuất khẩu năng lượng trong những năm vừa qua, trong khi nhập khẩu năng lượng tăng dần. Sản lượng xuất khẩu của năm 2019 chỉ còn 8.834 KTOE, giảm 2,4 lần so với năm 2010. Trong khi đó lượng năng lượng nhập khẩu, sau một vài năm giảm sút do nhu cầu trong nước giảm, đã tăng mạnh trở lại kể từ năm 2015. Và đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam chính thức trở thành một quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng. Xét về lượng, năm 2019, năng lượng nhập khẩu là 44.342 KTOE, tăng 39,6% so với năm 2018.
Biểu đồ ở trên cho thấy sự thay đổi về chênh lệch xuất nhập khẩu từng loại năng lượng trong giai đoạn 2011 - 2019. Sự chuyển biến mạnh mẽ đến từ than và dầu thô, vốn trước đây được coi là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù vậy có sự khác biệt giữa hai loại năng lượng này. Tịnh nhập khẩu than đạt âm trước 2015, nhưng sau đó đạt giá trị dương và luôn tăng mạnh về mặt giá trị cho thấy sự phụ thuộc ngày càng cao vào than nhập khẩu. Trong khi đó, tịch nhập khẩu dầu thô tuy đạt giá trị dương từ 2018 nhưng cũng từ năm này tịnh nhập khẩu các sản phẩm dầu lại giảm cho thấy sự hoán đổi khi Việt Nam có thêm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Về tổng thể, tịnh nhập khẩu năng lượng chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong TPES, từ 6,0% năm 2015 tăng lên 39,5% năm 2019.
Thứ tư: Tiêu thụ năng lượng (TFEC):
Trong giai đoạn 2010 - 2019, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng trưởng 4,3%/năm đạt mức 61.853 KTOE vào năm 2019. Mặc dù vậy, trong hai năm liên tiếp 2018 và 2019 tốc độ tăng trưởng so với năm trước đó lại khá cao, 11,86% ở năm 2018 và 6,7% ở năm 2019. Điều này khiến cho chỉ số tiêu thụ năng lượng trên GDP tăng cao trở lại, bắt đầu là 364 kgOE/1.000 USD vào năm 2010, giảm dần xuống 295,7 kgOE/1.000 USD vào năm 2017, nhưng sau đó lại tăng lên 308,9 kgOE/1.000 USD và 307,9 kgOE/1.000 USD tương ứng ở 2018 và 2019.
Hình 5 - Cơ cấu tiêu thụ năng lượng theo dạng nhiên liệu:
Về cơ cấu, rõ nét nhất là tỷ lệ tiêu thụ điện trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng (TFEC) tăng liên tục, thể hiện sự chuyển đổi từ các dạng nhiên liệu khác sang điện.
Năm 2010, tỷ lệ này đạt 17,2% thì tới năm 2015 tăng lên 23,2%, và 29,1% vào năm 2019. Mặc dù than có tốc độ nguồn cung sơ cấp cao, nhưng tốc độ tăng trưởng trong TFEC chỉ đạt 5,2%/năm. Cơ cấu của than trong TFEC cũng không có nhiều biến động, xấp xỉ ở mức 23 - 25%. Năng lượng tái tạo có tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận, 6,6%/năm. Đóng góp trong cơ cấu TFEC cũng tăng từ 7,1% năm 2010 lên 8,6% năm 2019.
Với cách thức thống kê mới thì năng lượng phi thương mại giảm 29%/năm trong giai đoạn 2011 - 2019. Điều này khiến cho cơ cấu của năng lượng phi thương mại trong TFEC chỉ còn 0,5% vào năm 2019. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho cơ cấu tiêu thụ theo ngành có sự thay đổi lớn.
Năm 2010, khu vực dân dụng chiếm tỷ trọng 27%, trong khi công nghiệp chỉ chiếm 39,4%. Đến năm 2019, công nghiệp vẫn là hộ tiêu thụ lớn nhất, nhưng tỷ trọng đã chiếm 51,3%, trong khi dân dụng chỉ còn 12%. Đứng thứ 2 là giao thông vận tải, chiếm 23,0% cơ cấu TFEC.
Thứ năm: Phát thải do đốt nhiên liệu:
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nguồn nhiên liệu hóa thạch đã khiến cho phát thải tăng nhanh, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
Năm 2019, tổng phát thải do hoạt động đốt nhiên liệu là 262 triệu tấn CO2, tăng 17,6% so với năm 2018 và tăng 1,8 lần so với năm 2010.
So sánh các chỉ số phát thải của Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, chỉ số phát thải trên dân số của Việt Nam khá thấp, trong khi phát thải trên quy mô GDP khá cao.
Lưu ý rằng, trong năm 2015, cường độ phát thải của Việt Nam vẫn còn thấp hơn Trung Quốc. Xu thế tăng cường độ phát thải là khá rõ rệt trong mấy năm vừa qua, trong bối cảnh Việt Nam huy động mạnh nguồn nhiệt điện than.
Hình 6 - So sánh phát thải trên quy mô dân số (kgO2/người) năm 2018:
Hình 7 - So sánh phát thải theo quy mô GDP (kgO2/USD) năm 2018:
Các thống kê chi tiết
Dự thảo VES-2019 có các bảng/hình mô tả chi tiết về:
1/ Tổng sản phẩm trong nước theo cơ cấu ngành giai đoạn 2010 - 2019, theo giá cố định, hiện hành và theo USD.
2/ Quy mô dân số giai đoạn 2010 - 2019.
3/ Các hoạt động của các loại nhiên liệu (than, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo) trong sản xuất, xuất - nhập khẩu, chuyển hóa năng lượng.
4/ Các hoạt động tiêu thụ năng lượng theo các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thương mại, giao thông vận tải, dân dụng, tiêu thụ phi năng lượng) giai đoạn 2016 - 2019. Đặc biệt, VES-2019 đã thống kê tiêu thụ năng lượng trong 12 phân ngành công nghiệp, một bước tiến quan trọng so với các thống kê trước đây.
5/ Tổng công suất nguồn điện theo các loại nhà máy điện; sản lượng điện hàng năm; tiêu thụ điện năng theo các ngành kinh tế; các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện… giai đoạn 2010 - 2019.
6/ Các bảng quyết toán và bảng cân bằng năng lượng tổng thể của các năm từ 2016 đến 2019.
7/ Giá nhiên liệu xuất - nhập khẩu và cho sản xuất điện.
8/ So sánh các chỉ số về năng lượng của Việt Nam so với thế giới và một số quốc gia trong khu vực Đông và Nam Á năm 2018.
Bảng các chỉ số kinh tế - năng lượng tổng thể:
Các con số thống kê nói lên điều gì?
Trong thời gian sắp tới, ấn phẩm VES-2019 sẽ được công bố. Chúng ta đều biết, cơ sở dữ liệu và thống kê năng lượng quốc gia có vai trò quan trọng trong việc nhận định, đánh giá, tổng kết về bối cảnh ngành năng lượng Việt Nam, làm cơ sở cho định hướng lập các chiến lược, quy hoạch và các giải pháp chính sách ưu tiên trong phát triển năng lượng trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Thời gian để IE thực hiện biên soạn VES-2019 khá gấp, chỉ được triển khai từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 11 năm 2020, khối lượng công việc khá nhiều (bao gồm xây dựng các biểu mẫu chuẩn, khảo sát thu thập số liệu, xử lý thông tin và hoàn thiện). Vì vậy, sẽ không tránh khỏi việc một số hạng mục trong VES-2019 vẫn còn ở dạng tạm ước (do chưa có số thống kê chính thức). Do đó, cần ghi nhận những nỗ lực lớn của IE - cơ quan biên soạn.
Qua các chỉ số thống kê năng lượng ở trên, chúng tôi thấy chúng đã “nói lên” một vài điều như sau:
Thứ nhất: Cung cấp năng lượng trong giai đoạn 2010 - 2019 đã tăng bình quân 6,1%/năm và tổng tiêu thụ năng lượng tăng bình quân 4,3%/năm, đóng vai trò rất quan trọng đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội với bình quân tăng trưởng GDP 6,3%/năm. Tuy nhiên:
Thứ hai: Nếu so sánh với các nước về cường độ cung cấp năng lượng theo GDP năm 2018 thì Việt Nam đang ở mức rất cao - 431 kgOE/1.000 USD so với bình quân thế giới 172 kgOE/1.000 USD và cao hơn cả Trung Quốc - 295 kgOE/1.000 USD (Hình 2).
Mặt khác, cường độ tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn vừa qua giảm không nhiều, từ 364 kgOE/1.000 USD vào năm 2010 chỉ giảm xuống 307,9 kgOE/1.000 USD vào năm 2019. Điều này chứng tỏ hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam đang rất thấp và cần phải sớm cải thiện.
Thứ ba: Năm 2010 Việt Nam còn xuất khẩu tịnh năng lượng với mức tổng xuất khẩu cao hơn tổng nhập khẩu 17,3%, nhưng đến năm 2015 chúng ta đã trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng với cán cân phụ thuộc bên ngoài là 6,02% và đến năm 2020 ước tính tỷ lệ phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng đã vọt lên 39,54%. Như vậy, bài toán an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới sẽ cần có những biện pháp mới, làm sao để làm giảm bớt sự gia tăng này.
Thứ tư: Từ các hoạt động đốt nhiên liệu, phát thải CO2 trên đầu người của Việt Nam là 2.337 kgOE/đầu người vào năm 2018, tuy chỉ bằng gần 53% mức bình quân thế giới (4.417 kgOE/đầu người), nhưng nếu so sánh theo quy mô GDP thì phát thải CO2 của Việt Nam cao hơn rất nhiều mức bình quân thế giới, cũng như nhiều nước khác (Việt Nam: 1,19 kgOE/USD, thế giới: 0,4 kgOE/USD - Hình 7).
Có thể nhận định chung là: Trong tương lai, việc phát triển năng lượng cần đặc biệt chú ý vào hai lĩnh vực:
Một là: Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, bao gồm cả định hướng giảm bớt sự tăng trưởng các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhưng tạo ra giá trị GDP thấp (như sản suất - xuất khẩu xi măng - clinker…) nhằm giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất và cung ứng hàng hóa và dịch vụ.
Hai là: Phát triển mạnh năng lượng mới, tái tạo, nhằm tăng nguồn thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt và chặn đà tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ bên ngoài.
Ngoài ra, do thời điểm xuất bản ấn phẩm dự kiến là đầu năm 2021, nên chăng VES-2019 có tổng hợp ước tính về một số con số về sản xuất năng lượng của năm 2020 như: Ước sản lượng dầu thô 11,5 triệu tấn (trong đó có 1,8 triệu tấn khai thác ở nước ngoài); sản lượng than khoảng 48,6 triệu tấn, tăng 4,7% so cùng kỳ; sản lượng điện đạt 247,1 tỷ kWh, tăng 2,9% so với 2019. Đặc biệt, điện mặt trời được đưa vào vận hành vượt xa dự báo, với 11.700 MW (trong đó có hơn 7.900 MW điện mặt trời mái nhà)... Như vậy, tính cập nhật - thời sự sẽ hiệu quả hơn./.
NGUYỄN ANH TUẤN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM