RSS Feed for Bàn kế hoạch phát triển nhân lực cho chương trình điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 10:36
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bàn kế hoạch phát triển nhân lực cho chương trình điện hạt nhân

 - Nhằm chia sẻ, đánh giá hiện trạng, nhu cầu nhân lực, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam, ngày 16/9, tại Hà Nội, Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức hội thảo "Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân".

Cơ hội và thách thức trong tuyên truyền điện hạt nhân ở Việt Nam

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam rất coi trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân, trong đó phát triển nguồn nhân lực về hạt nhân là một trong những yếu tố quan trọng được Nhà nước Việt Nam quan tâm. Vì thế, ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư hai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến năm 2020. Đồng thời, để thực hiện đề án này, Thủ tướng cũng đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo về đào tạo và phát triển điện hạt nhân.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo,Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh “Chúng tôi mong muốn các đại biểu có những chia sẻ rõ hơn về đánh giá hiện trạng, nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng như công tác lập kế hoạch của các cơ quan liên quan. Đồng thời, chúng tôi cũng mong nhận được ý kiến góp ý cụ thể cũng như những chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hạt nhân, đặc biệt trong việc phát triển nguồn nhân lực. Từ đó, để tạo được đội ngũ cán bộ được trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tài liệu cần thiết để đáp ứng nhất định yêu cầu cho việc triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong nhiều khía cạnh khác nhau như xây dựng hệ thống văn bản quy hoạch pháp luật, thẩm định an toàn, nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường”.

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã cử 300 sinh viên sang Liên bang Nga theo học các chuyên ngành liên quan đến nhà máy điện hạt nhân; cử nhiều lượt cán bộ đi khảo sát, học tập kinh nghiệm, đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài... đáp ứng bước đầu cho việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bộ đã xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu chương trình phát triển điện hạt nhân, yêu cầu ứng dụng an toàn, an ninh năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Đồng thời, Bộ cũng xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo đại học và sau đại học.

Tại hội thảo, các chuyên gia của IAEA đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân, phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân từ thực tế các nước; đưa ra các khuyến cáo để các cơ quan liên quan của Việt Nam hoàn thiện kế hoạch và triển khai thực hiện, nhằm mục tiêu đảm bảo nguồn nhân lực về số lượng, cơ cấu, chất lượng kịp thời cho các giai đoạn triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đảm bảo an toàn, an ninh và hiệu quả.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực dưới đại học và đào tạo sau tuyển dụng cho dự án điện hạt nhân; Bộ Khoa học và Công nghệ bồi dưỡng chuyên gia, nhân lực quản lý nhà nước và pháp quy hạt nhân cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Trước đó, Cục Năng lượng nguyên tử cũng đã phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế tổ chức Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong thông tin, tuyên truyền phát triển điện hạt nhân”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật mã số VIE2012 về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân với Việt Nam.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động