RSS Feed for Sau sự cố 22-5: Cần nghiên cứu đánh giá khách quan | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 15:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sau sự cố 22-5: Cần nghiên cứu đánh giá khách quan

 - Theo tin đã đưa, vào lúc 14h19’ ngày 22-5-2013, đã xảy ra sự cố trên đường dây 500kV Di Linh - Tân Định trong lúc đường dây này đang truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện (HTĐ) 500kV Bắc - Nam, gây nhảy máy cắt tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam và dẫn tới mất điện toàn bộ khu vực với tổng công suất khoảng 9.400 MW trong nhiều giờ (đến 22h40’ thì cung cấp điện được khôi phục hoàn toàn). Nguyên nhân do xe cần cẩu đang cẩu cây dầu trong khu vực đường dây 500kV này di chuyển đến nơi khác trồng đã chạm vào đường dây ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định.

>> Nhật ký Năng lượng: 'An toàn hệ thống điện' và 'ý tưởng siêu dự án'
>> Sự cố đường dây 500kV và vấn đề an toàn hệ thống điện
>> Sẽ ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống điện tại miền Nam
>> Cần đầu tư thêm lưới điện đấu nối vào hệ thống 500kV
>> Phê duyệt cơ chế tài chính đầu tư lưới điện truyền tải
>> Lộ trình triển khai lưới điện thông minh của EVN SPC
>> Dự thảo Nghị định Điều lệ tổ chức hoạt động của EVN
>> Quy hoạch năng lượng tổng thể - Cơ sở khoa học, pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng

Hiện trường xảy ra sự cố trên đường dây 500kV  Di Linh - Tân Định trong lúc đường dây này đang truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500kV Bắc - Nam, gây nhảy máy cắt tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam và dẫn tới mất điện toàn bộ khu vực với tổng công suất khoảng 9.400 MW trong 4 giờ.

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)

Qua những thông tin trên đây, có thể nhận biết ngay được nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố mất điện đường dây 500kV là do sự tắc trách của người lái xe cần cẩu. Nhưng muốn nhận biết được nguyên nhân sâu xa dẫn tới rã lưới toàn bộ HTĐ miền Nam, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp tránh để xảy ra tình trạng tương tự sau này, như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thì cần có thời gian điều tra, khảo sát, phân tích đánh giá sâu sắc thực trạng công tác quản lý vận hành HTĐ miền Nam của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trong bài viết này, với sự hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân trong lĩnh vực quy hoạch phát triển và điều khiển HTĐ, chúng tôi muốn đưa ra một số nhận xét và phân tích đánh giá nhằm góp phần giải đáp nguyên nhân dẫn đến tình trạng rã lưới của HTĐ miền Nam trong sự cố 22-5 như sau:

1. Trường hợp sự cố mất  điện đường dây 500kV đang truyền tải công suất cao do dông sét (sự cố thoáng qua), cây đổ, cột điện đổ (sự cố duy trì)… xảy ra không phải là hiếm, đặc biệt đối với nước ta với khí hậu nhiệt gió mùa, dông bão nhiều, các đường dây 500kV trải dài trên địa hình hiểm trở, núi cao, rừng rậm. Sự cố 22-5 giống như sự cố cây đổ vào đường dây tải điện do công tác phát quang hành lang tuyến thực hiện không chu đáo.

Sự khác biệt và hy hữu ở đây chỉ là cái cách mà người ta để xảy ra sự cố "Do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500kV ở khoảng cột 1072 - 1073 gần trạm biến áp Tân Định".

2. Trong quản lý vận hành HTĐ, yêu cầu bảo đảm ổn định động hay ổn định quá độ (khả năng HTĐ khôi phục lại chế độ làm việc ban đầu, hoặc gần với chế độ ban đầu sau khi xảy ra một kích động lớn (ngắn mạch) luôn được đặc biệt chú trọng.

Để đáp ứng yêu cầu này người ta thường áp dụng một số giải pháp phổ biến sau đây:

a. Bố trí nguồn dự phòng sự cố (thường gọi là dự phòng quay, hay dự phòng nóng) tại các nhà máy điện với trị số công suất bằng khả năng tải cực đại của phần tử có công suất lớn nhất (thường là đường dây tải điện 500kV) để khi có sự cố mất điện bất kỳ phần tử nào trong HTĐ các tổ máy phát điện sẽ nhanh chóng tự động nâng công suất bù vào lượng công suất thiếu hụt.

b. Trong trường hợp không thể bố trí đủ nguồn dự phòng sự cố thì kết hợp thực hiện giải pháp tự động giảm tải - lần lượt cắt bớt các phụ tải: loại 3, loại 2, loại 1. Như vậy, sẽ có một lượng phụ tải với công suất tương đương công suất của phần tử bị sự cố không được cung cấp điện trong thời gian xử lý sự cố, nhưng HTĐ vẫn được đảm bảo hoạt động ổn định.

c. Trong trường hợp cả hai giải pháp trên đều không thể thực hiện, thì giải pháp chia tách HTĐ (tách lưới) thành các phần làm việc riêng rẽ, độc lập với nhau. Khi đó, tình trạng mất ổn định chỉ có thể xảy ra tại phần HTĐ có chứa phần tử bị sự cố.

Tuy nhiên, giải pháp chia tách HTĐ có nhược điểm rất lớn là nó làm suy yếu toàn bộ HTĐ. Ngoài ra, nó còn có thể dẫn tình trạng thiếu hụt công suất, suy giảm tần số và điện áp trong các hệ thống thành phần. Vì vậy, giải pháp tách lưới là không mong muốn, chỉ nên thực hiện khi nó là giải pháp duy nhất.

d. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã sử dụng hệ thống điều khiển truyền tải điện xoay chiều linh hoạt (FACTS) với các thiết bị bù được điều khiển bằng mạch điện tử công suât (thyristor) như: tụ bù tĩnh biến đổi (SVC), tụ bù dọc điều khiển thyristor (TCSC)… để nâng cao khả năng tải và tăng cường khả năng đảm bảo ổn định tĩnh, ổn định động của HTĐ.

Đặc biệt, thiết bị bù dọc TCSC được sử dụng rất có hiệu quả trong vai trò nâng cao khả năng ổn định động của HTĐ khi xảy ra sự cố thoáng qua trên đường dây  500kV đang tải công suât lớn.

3. Đối chiếu với thực trạng của HTĐ toàn quốc nói chung và HTĐ miền Nam nói riêng hiện nay, có thể nhận thấy, việc áp dụng hai giải pháp (a) - bố trí dự phòng sự cố (dự phòng quay) tại các nhà máy điện và giải pháp (b) - lắp đặt hệ thống tự động cắt giảm phụ tải trong quản lý vận hành nhằm nâng cao khả năng ổn định động của HTĐ là hoàn toàn khả thi.

Hãy thử xem xét khả năng thực hiện giải pháp (a) cho HTĐ miền Nam vào ngày 22-5 để thấy rõ tính khả thi của giải pháp đơn giản này. Hiện tại HTĐ miền Nam có khoảng 30 nhà máy phát điện tại chỗ, với tổng công suất đặt gần 11.000MW, trong đó thuỷ điện hơn 2.400MW, nhiệt điện (chủ yếu tua bin khí) hơn 8.500MW và hai đường dây 500kV tải điện từ phía Bắc vào (đường dây Pleiku - Di Linh - Tân Định và đường dây Pleiku - Phú Lâm) với khả năng tải mỗi mạch hơn 1.000MW.

Như vậy, tổng công suất nguồn cung cấp điện của HTĐ miền Nam là gần 13.000MW.

Tuy nhiên, vào thời điểm mùa khô công suất phát của các nhà máy thủy điện giảm mạnh, chỉ còn khoảng 50% công suất đặt, vì vậy tổng công suất khả dụng của tất cả các nguồn cung cấp điện khoảng 12.000MW, hoàn toàn thoả mãn nhu cầu phụ tải của HTĐ miền Nam 9.400MW, với lượng công suất dự trữ lên tới 2.600MW (gần 28%).

Với lượng dự trữ này, nếu bố trí khoảng 1.000MW dự phòng quay tại các nhà máy điện thì khi xảy ra sự cố mất điện đường dây 500kV Di Linh - Tân Định đang mang tải hơn 1.000MW lượng công suất dự phòng quay sẽ nhanh chóng bù đắp lượng thiếu hụt này và sự cố rã lưới HTĐ miền Nam sẽ được hạn chế.

Tóm lại, sự cố 22-5 là hết sức nghiêm trọng, do vậy cần phải được nghiên cứu, đánh giá khách quan.

Qua những phân tích, đánh giá trên đây có thể nhận thấy rằng, trong những năm qua, ngành Điện lực Việt Nam chưa đủ tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư thích đáng cho việc đổi mới, nâng cấp, sử dụng các trang thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào lĩnh vực điều khiển, tự động hoá, nhằm nâng cao độ tin cậy và khả năng đảm bảo ổn định của HTĐ.

Nói một cách khác, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đúng mức đến công tác tổ chức quản lý vận hành, phát triển HTĐ theo chiều sâu... bảo đảm cung cấp điện năng đầy đủ, ổn định và chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

NangluongVietnam.vn 

(Không được sao chép thông tin từ bài viết này khi chưa có sự đồng ý của  tác giả và Toà soạn NangluongVietnam)

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Vận mệnh quốc gia và lòng tự trọng...
Trò 'ngoại giao sức mạnh' của Trung Quốc sẽ trả giá đắt
Biển Đông: Sau 45 phát súng của Philippines!
Tập Cận Bình đang mạo hiểm với “Giấc mơ Trung Hoa”?
Muốn hiểu Trung Quốc hãy coi lịch sử Việt Nam
Hàn Quốc chọn đối sách nào cho vấn đề Triều Tiên?

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động