Dự thảo Nghị định Điều lệ tổ chức hoạt động của EVN
13:39 | 22/05/2013
>> Dự thảo quyết định hình thành và phát triển thị trường điện lực Việt Nam
>> Dự thảo quyết định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá điện
>> Quy định nguyên tắc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh
Theo Dự thảo, chức năng chủ yếu của EVN là: tiến hành các hoạt động đầu tư, ký kết các hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nhằm bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trực tiếp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật. Các quan hệ kinh tế giữa EVN với các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết được thực hiện thông qua hợp đồng.
Đầu tư vào các công ty con, các công ty liên kết; chi phối các công ty con trên cơ sở tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của các công ty đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Dự thảo.
Thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết; Thực hiện những công việc khác mà Nhà nước trực tiếp giao cho EVN tổ chức thực hiện.
Mục tiêu kinh doanh là: kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao.
Giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; sản xuất, kinh doanh điện năng là ngành, nghề kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu triển khai, đào tạo; làm nòng cốt để ngành Điện lực Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả;
Ngành, nghề kinh doanh chính: sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia.
Xuất nhập khẩu điện năng; Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện.
Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây truyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện.
Ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính: Xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư thiết bị ngành điện; Xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị nhà máy điện, thiết bị đường dây và trạm biến áp, thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin; sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu cách điện, trang bị bảo hộ lao động;
Đầu tư kinh doanh cơ khí điện lực; Tư vấn quản lý dự án; tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán và giám sát thi công công trình nhà máy điện, các công trình đường dây và trạm biến áp, công trình viễn thông - công nghệ thông tin, các công trình công nghiệp và dân dụng; Đầu tư tài chính và kinh doanh vốn mà Nhà nước giao cho EVN.
Đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác đào tạo lao động với nước ngoài; Dịch vụ tự động hóa và điều khiển; Kinh doanh các dịch vụ công nghệ thông tin (nghiên cứu, phát triển, triển khai, tư vấn và đào tạo) trong và ngoài nước, quản lý hệ thống thông tin nội bộ.
Cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành của EVN gồm: Hội đồng thành viên EVN; kiểm soát viên; Tổng giám đốc EVN; các Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng; bộ máy giúp việc của EVN. Trong đó, Hội đồng thành viên EVN có từ 5 - 9 thành viên, có nhiệm kỳ là 5 năm.
Tổng giám đốc EVN là người đại diện theo pháp luật của EVN; điều hành hoạt động hàng ngày của EVN theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên EVN phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN; chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên EVN và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN theo đề nghị của Bộ Công Thương và thẩm định của Bộ Nội vụ. Còn Tổng giám đốc EVN do Bộ Công Thương bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật. Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc EVN là 5 năm.
Cũng theo dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương sẽ miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với tổng giám đốc EVN nếu tổng giám đốc để EVN lỗ 2 năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (do chủ sở hữu giao trong 2 năm liên tiếp) hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được (trừ các trường hợp như lỗ theo kế hoạch, lỗ có lý do khách quan được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận...).
Trong trường hợp để EVN lâm vào tình trạng thua lỗ không giải trình được kể trên thì tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả, không những Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN bị kỷ luật, miễn nhiệm mà còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định.
Về nghĩa vụ về tài chính của EVN, dự thảo Nghị định quy định: EVN tự chủ về tài chính, tự cân đối về các khoản thu chi; kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư do chủ sở hữu nhà nước giao; đăng ký, kê khai và nộp đủ thuế; thực hiện nghĩa vụ đối với chủ sở hữu nhà nước và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; Quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn kinh doanh bao gồm cả phần vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác; quản lý sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác do Nhà nước giao, cho thuê…
Ngoài quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với lãnh đạo EVN, dự thảo cũng nêu rõ thù lao, tiền lương và các lợi ích khác của Chủ tịch Hội đồng Thành viên, thành viên Hội đồng, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng EVN, trong đó mức tiền lương và thưởng tương ứng với kết quả, hiệu quả kinh doanh của EVN và kết quả hoạt động quản lý, điều hành.
Chế độ chi trả tiền lương, tiền thưởng cho các chức danh nói trên sẽ được thực hiện theo phương thức tạm ứng 70% của số tiền lương tạm tính cho tháng đó; số 30% còn lại chỉ được quyết toán và chi trả vào cuối năm. 30% tiền lương và tiền thưởng còn lại được chi trả cho các đối tượng tương ứng nêu trên căn cứ vào quy chế quản lý tài chính của EVN và quy chế giám sát, đánh giá đối với các thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng EVN.
Hàng năm, các thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng EVN được tạm ứng 70% tổng số tiền thưởng của năm; số 30% còn lại được quyết toán và chi trả sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Trường hợp kết quả xếp loại doanh nghiệp và kết quả đánh giá về quản lý, điều hành của Hội đồng Thành viên và từng thành viên Hội đồng, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng EVN không đáp ứng yêu cầu thì những cá nhân này sẽ không được quyết toán 30% số tiền lương năm (đối với các đối tượng hưởng lương) và không được hưởng 30% số tiền thưởng còn lại của nhiệm kỳ.
NangluongVietnam.vn
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Hàng chục tỷ USD bí mật vào Triều Tiên như thế nào?
Quan hệ Nga-Nhật và chai rượu mùa nho năm 1855
Quân cảng Cam Ranh: Bí mật địa thế chiến lược quân sự
Chiêu 'miệng hố chiến tranh' của Triều Tiên thất bại
Báo Nga bình luận về chuyến công du của Thủ tướng
Nực cười với ‘lợi ích cốt lõi’ của Trung Quốc
Truyền thông Nga: Việt Nam đàm phán mua tên lửa của Nga?