RSS Feed for Quản trị và sử dụng hiệu quả tài nguyên thủy điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 08:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quản trị và sử dụng hiệu quả tài nguyên thủy điện

 - Về sự dụng hiệu quả nguồn nước nói chung và thủy điện nói riêng, ngay từ buổi đầu, Việt Nam chưa xây dựng Chiến lược, Quy hoạch tổng thể quốc gia - nghĩa là chúng ta thiếu những định hướng về công tác quản trị nguồn thủy điện với tính hệ thống. Do đó, những dự án, công trình thủy điện vừa qua tuy có thành tựu nhưng vẫn mang tính đơn lẻ, chưa nhìn thấy hết những tác động tích cực, tiêu cực về tài nguyên, môi trường và xã hội. Đã đến lúc cần tổ chức đánh giá, rà soát nguồn thủy điện còn lại và các nguồn đang sử dụng để xây dựng quyết sách quản trị chủ động, bền vững.

Từ kinh nghiệm Indonesia, Việt Nam nên khôi phục chương trình phát triển thủy điện


PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG [*]

Mở đầu

Việt Nam có trên 100 lưu vực sông với gần 3.500 sông, suối có chiều dài trên 10 km. Tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm khoảng 830-860 tỷ m3, nhưng trên 60% sản sinh từ nước ngoài. Tổng lượng nước đã được khai thác sử dụng hàng năm khoảng 81 tỷ m3, gần 10% tổng lượng nước trung bình hiện có. Về nước ngầm có tổng trữ lượng khoảng 63 tỷ m3/năm.

Nước là tài nguyên thiết yếu của con người, nhưng nguồn ở nước ta đang chịu nhiều sức ép từ nhu cầu sử dụng tăng, sử dụng hiệu quả thấp, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, sạt lở, hiện đã thấy rõ tính không bền vững của nguồn tài nguyên này. Việc thực hiện quản trị tài nguyên nước ở nước ta thời gian qua có nhiều bất cập, cần thiết nghiên cứu bổ sung đánh giá và cập nhật, sử dụng hiệu quả hơn.

Quản lý và quản trị nguồn nước

Quản lý và quản trị là hai khái niệm rộng, có nhiều cách hiểu khác nhau, hay được dùng đồng thời, thay thế cho nhau và có thể dẫn tới nhầm lẫn, thực ra hai khái niện có sự khác biệt. Theo Wikipedia tiếng Việt có thể hiểu như sau:

Quản lý (Management) là quá trình thực hiện kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát hoạt động thông qua các cá nhân, các nhóm và các nguồn lực khác nhau, để đạt được mục tiêu nào đó, ở tầm trung và thấp, với chức năng tác nghiệp, thi hành.

Quản trị (Administration) là quá trình hoạch định chiến lược, tổ chức, lãnh đạo, kiểm soát hoạt động các thành viên trong hệ thống tổ chức, sử dụng các nguồn lực để đạt mục tiêu đề ra.

Như vậy quản trị là toàn bộ quá trình ra quyết định từ chiến lược, chính sách, đặt các mục tiêu chung ở tầm cao, có tính tổng thể, chiến lược, vĩ mô.

Với những khái niệm như trình bày trên, trong lĩnh vực nguồn nước, nguồn thủy điện ở nước ta lâu nay chủ yếu mới làm nhiệm vụ quản lý, nội dung quản trị chưa được làm rõ đúng tầm, thiếu tính tổng thể, chiến lược.

Đặc điểm nguồn tài nguyên nước Việt Nam

Thứ nhất: Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc nước ngoài. Hai phần ba lượng nước của Việt Nam từ nước ngoài; gần đây các nước thượng nguồn đã và đang xây dựng nhiều công trình thủy điện, nhiều công trình chuyển, lấy nước, gây tình trạng nguồn nước chảy vào Việt Nam ngày càng giảm và tăng sự phụ thuộc.

Thượng nguồn sông Hồng, sông Đà trên lãnh thổ Trung Quốc, đã và đang xây dựng các công trình thủy điện, dung tích hồ chứa vài chục tỷ m3, công suất lắp đặt hàng ngàn MW. Thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng 75 thủy điện, với tổng công suất lắp đặt 22.000MW. Trong đó, hai công trình có điều tiết lớn khoảng 38 tỷ m3: thủy điện Tiểu Loan 4200MW, Nọa Chất Độ 5.500MW. Vùng lưu vực thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia, đã có quy hoạch 11 công trình thủy điện trên dòng sông chính. Hiện Lào đã xây dựng một số công trình trên các sông nhánh, đang xây dưng thủy điện Xayaburi và chuẩn bị xây Donsahong [5,6,11].

Thứ hai: Nguồn nước phân bố không đều giữa các vùng và theo thời gian. 60% lượng nước tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 40% ở vùng từ phía Bắc đến thành phố Hồ Chí Minh (vùng chiếm trên 80% dân số); trong 4-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%lượng nước cả năm, các tháng còn lại chỉ chiếm 20-30%; giữa các năm cũng có biến động lớn. Mùa lũ hàng năm ở ba miền có lệch nhau, miền Bắc có sớm vào tháng 7, 8 và chậm dần vào miền Trung và Nam khoảng vài ba tháng.

Thứ ba: Nhu cầu nước tăng nhanh mà nguồn nước đang suy giảm. Hiện bốn lưu vực sông đang bị khai thác căng thẳng như: sông Mã, sông Hương, các sông tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa, Vũng Tàu, vv… Dự báo trong tương lai còn lan rộng hơn nhiều; một số khu vực nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức như Đồng bằng Bắc bộ, ĐBSCL, đã hình thành các phểu hạ thấp mức nước, diện tích phểu rộng hàng nghìn km2 [11].

Thứ tư: Tình trạng ô nhiễm nước ngày càng nặng cả về mức độ và quy mô, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp.

Thứ năm: Rừng đầu nguồn bị suy giảm mạnh, biến đổi khí hậu (BĐKH) thể hiện nước biển dâng, xâm nhập mặn đã có tác động mạnh tới nguồn nước.

Nguồn thủy điện và khai thác sử dụng

Nội dung quản trị nguồn nước gồm nhiều lĩnh vực từ thủy lợi, thủy điện, dân sinh…, trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập tới quản trị nguồn nước thủy điện [1,2,3.11].

Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật - môi trường về thuỷ điện Việt Nam được đánh giá khoảng 70-75 tỷ kWh, đến nay chúng ta đã khai thác khoảng 80% tiềm năng, hiện tại thủy điện đóng góp trên 40% tổng lượng điện sản xuất, nhưng dự kiến đến 2020 khoảng 18% và 2030 còn khoảng 13%.

Thực tế thời gian qua chúng ta xây dựng thủy điện với quy hoạch chưa tốt, đặc biệt là thuỷ điện vừa và nhỏ, mới chú ý tới hiệu quả phát điện là chính, chưa quan tâm đầy đủ việc sử dụng tổng hợp nguồn nước, chưa chú ý đầy đủ phòng lũ hạ lưu, sự cố có thể xẩy ra; cũng như quy trình vận hành hệ thống công trình thuỷ điện bậc thang. Thậm chí, một số công trình chưa kiểm định đã chạy, thiếu tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, trồng rừng thay thế,... đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng: mất rừng, hạn hán, môi sinh thay đổi, ảnh hưởng tới chiến lược phát triển xanh và bền vững.

Cụ thể, trên sông Đà có các nhà máy thủy điện lớn như: Hòa Bình 1.920 MW, Sơn La 2.400 MW, Lai Châu 1.200 MW, các thủy điện vừa: Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Chiến. Trên dòng Lô - Gâm - Chảy có thủy điện: Thác Bà, Tuyên Quang. Trên sông Mã, sông Chu có thủy điện: Trung Sơn, Hủa Na. Trên sông Cả có thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố. Trên sông Thu Bồn có thủy điện: A Vương, Sông Bung 2 và 4. Trên sông Sê San có thủy điện: Yaly, Sê San 3 và 4,... Trên sông Srepok có thủy điện: Srepok 3, 4 và 4A,.. Trên sông Đồng Nai có thủy điện: Trị An, Đồng Nai 2, 3, 4, 5... Tổng công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện từ nhỏ đến lớn đã đạt tới 19.500 MW (chiếm gần 43% tổng công suất nguồn điện hiện tại).

Năm 2017, các nguồn thủy điện đã sản xuất tới 86,4 tỷ kWh, chiếm khoảng 44% tổng sản lượng điện cả nước, góp phần to lớn cho phát triển đất nước. Mặt khác, một số nhà máy thủy điện lớn và vừa còn đóng vai trò quan trọng, tích cực, hiệu quả trong việc chống lũ, điều hòa, cấp nước tưới nông nghiệp và nước sinh hoạt cho hạ du.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, vận hành và quản lý, thể hiện:

Một là: Tuy đã xây dựng các thủy điện lớn thành công, khá hiệu quả, nhưng chúng ta thiếu Quy hoạch tổng thể sử dụng nguồn thủy điện với tính hệ thống, bao gồm ba mặt: Năng lượng, Kinh tế, Môi trường (3E); chưa làm rõ được các đặc điểm nguồn nước giữa các hệ thống sông ngòi trong nước và đặc biệt là những ảnh hưởng của nguồn nước từ ngoài biên giới Việt Nam.

Hai là: Đối với thủy điện nhỏ, năm 2006 Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã tổ chức xây dựng Quy hoạch thủy điện nhỏ, nhưng thực chất chỉ là một tài liệu liệt kê những địa điểm có thể xây dựng thủy điện cho trên 30 tỉnh trong cả nước. Quyết định số 2394/BCN ngày 1-9-2006 [1], theo đó gam công suất thủy điện nhỏ được quy định từ 1-30MW; cả nước có 714 dự án với tổng công suất 7.300MW. Đồng thời Bộ Công nghiệp lại cho phép các tỉnh có tiềm năng thủy điện nhỏ được xây dựng dự án và chỉ báo cáo bộ. Sau khi công bố quy hoạch này, tình trạng "ngành ngành", "nhà nhà" làm thủy điện bùng nổ, khó bề kiểm soát!

Ba là: Về quản lý nhà nước, các thủy điện lớn và vừa nói chung được thiết kế, xây dựng, vận hành đảm bảo quy định kỹ thuật. Nhưng ngay như Thủy điện Hòa Bình cũng được nhận xét là "niềm vui chưa trọn vẹn". Đối với thủy điện nhỏ thể hiện nhiều yếu kém từ nhà đầu tư đến các cấp chính quyền, thiếu kiến thức, ham rẻ, chỉ chú ý chủ yếu tới phát điện, để xảy ra sự cố về kỹ thuật, quản lý gây mất an toàn cho người và tài sản vùng hạ lưu.

Nhiều chuyên gia lớn về  thủy điện [8,9,10] có nhiều bằng chứng và nhận định: Việc quy hoạch và phát triển thủy điện nhỏ thời gian qua quá nóng, thiếu quản lý, được "bôi trơn" là ký duyệt. Từ đó, gây nhiều hệ lụy từ quy hoạch, thiết kế, công nghệ, vận hành không đảm bảo, ảnh hưởng xấu tới môi trường, kém hiệu quả kinh tế, thậm chí gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Nhưng có điều hơi lạ là, sau những sự cố ít thấy minh bạch hóa nguyên nhân và trách nhiệm!

Mới đây 9/7/2018 tại Hà Nội, hội thảo "Giải pháp công nghệ trong phòng chống lũ quét và sạt lở đất" đã có kết luận: Phá rừng, xây dựng thủy điện là nguyên nhân gây lũ quét và sạt lở đất. Đồng thời, công bố thống kê của Tổng cục phòng chống thiên tai từ 2010 đến 2017, đã xẩy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất, ảnh hưởng tới nhiều vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế hàng chục ngàn tỷ đồng [10].

Bởi vậy, sau rất nhiều kiến nghị của các tổ chức, nhà khoa học, Quốc hội đã có Nghị quyết 62/2013, về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Cạnh đó, Chính phủ đã cho rà soát và loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp, với tổng công suất khoảng 2.044 MW) do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, xã hội... Tuy nhiên, đến nay tình hình vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Một nội dung mà bài viết muốn đề cập là công tác quản trị nguồn thủy điện. Với nội hàm quản trị, đáng lý được đề cập sớm. Nhưng từ đầu chúng ta chưa chú ý đầy đủ với tầm vĩ mô của nó. Theo nhiều chuyên gia, chúng ta thiếu cách nhìn tổng quan, hệ thống, kể cả nguồn nước từ các nước láng giềng và khu vực. Chúng ta chỉ mới xây dựng quy hoạch, dự án từng công trình, rộng hơn một ít là lưu vực một dòng sông.

Tính tổng thể, hệ thống sông ngòi chưa được đề cập. Các Nghị quyết, Quyết định của các cơ quan hữu trách cũng chỉ yêu cầu về quản lý thủy điện [2,11]. Đồng thời cũng thiếu những tính toán tối ưu cơ cấu nguồn điện cho từng giai đoạn.

Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 16, thời Nhà Trần đã có ý tưởng đào kênh nối liền các sông miền Bắc và Trung để giao thông thuận tiện, đảm bảo an ninh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước. Đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn cho đào kênh Vĩnh Tế - An Giang, có giá trị lớn về trị thủy, giao thông, thương mại và an ninh. Điều đó thể hiện cha ông đã nhìn thấy và sử dụng tính hệ thống lâu dài của nguồn nước.

Sau một thời gian dài khai thác sử dụng nguồn thủy điện, nhìn lại với quan điểm quản trị thấy có nhiều bất cập ở hầu khắp các hệ thống sông ngòi, đăc biệt là nguồn nước Mê Kông, hệ thống sông ngòi bắc miền Trung, Tây Nguyên… càng lộ rõ trong bối cảnh BĐKH. Tình hình thiếu nước, khô hạn, phụ thuộc, mất nguồn cá, mất phù sa, lụt lội, sạt lở… đã trở nên nghiêm trọng.

Về thủy điện trên sông Mê Kông - một trong 11 con sông lớn nhất thế giới, có chiều dài 4800km, lưu lượng bình quân hàng năm khoảng 15.000m3/giây. Tỷ lệ dòng chảy đóng góp (%) từ Lào: 36; Campuchia:18; Thái Lan: 18; Trung Quốc: 16; Việt Nam:11; Myanma: 2. Tổng tiềm năng thủy điện khoảng 60.000MW, trong đó 28.900MW ở lưu vực phía trên nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, gồm 14 đập lớn (đã xây dựng 8) và trên 50% ở lưu vực dưới với 11 đập lớn: 7 ở Lào, 2 trên biên giới Lào - Thái, 2 ở Campuchia.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như Chương trình Đông - Nam - Á, Ủy hội sông Mê Kông, [4,5,6] cho thấy, tình hình rất phức tạp, khó khăn, chính quyền các nước ở trên lưu vực chính tỏ ra cương quyết, bất chấp những phản đối, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, Ủy ban sông Mê Kông (nay là Ủy hội sông Mê Kông) tỏ ra bất lực.

Phía Trung Quốc thiếu hợp tác, không chia sẻ thông tin, số liệu về các công trình thủy điện; công tác tham vấn cộng đồng không có, hoặc sơ sài.

Phía Việt Nam là nước ở cuối nguồn, có ảnh hưởng xấu nhất, nhưng thiếu những nghiên cứu chiến lược, tham vấn cộng đồng, khó chủ động đàn phán.

Với tình hình thực tế như vừa qua, sông Mê Kông đã và đang được khai thác thiếu quy hoạch, thiếu quản trị chung, thiếu đồng thuận giữa các nước, cũng như của các cộng đồng dân cư trên lưu vực. Từ đó đã gây nhiều hệ lụy lớn về môi trường, môi sinh, sinh kế của nhiều khu vực dân cư.

Nhiều năm qua, vùng hạ lưu thiếu nước, Biển Hồ cạn nước, đồng bằng Cửu Long mất lũ, mất phù sa, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn đã vào sâu 80-100km; vừa qua một số tình huống thể hiện chúng ta khá bị động. Đồng bằng Nam Bộ đang bị đe dọa có tính sống còn! Trong bối cảnh hiện nay và tương lai cần những hợp tác trong và ngoài vùng, nghiên cứu quản trị Mê Kông bền vững và công bằng lợi ích, tuy hết sức khó khăn, nhưng phải làm vì sinh kế bền vững.

Sông ngòi, thủy điện Tây Nguyên [4,11] gồm bốn hệ thống sông chính: Sesan, Srepok, sông Ba và Đồng Nai, tổng lưu lượng nước mặt khoảng 50 tỷ m3; tiềm năng thủy điện khoảng 5000MW, với khoảng 400 vị trí thủy điện, hiện đã có 11 thủy điện lớn, nhiều thủy điện vừa và nhỏ đang hoạt động. Chế độ dòng chảy có tác động lớn tới khí hậu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ. Nguồn nước ngầm được đánh giá khá dồi dào, nhưng đều ở độ sâu trên 100m. Với quy hoạch thủy điện như đã nói trên, nhiều năm qua Tây Nguyên phát triển thủy điện khá ồ ạt. Nhiều thủy điện đã được xây dựng thiếu quy hoach, quản lý kém, công nghệ lạc hậu, nhà thầu không chuyên, lấy lợi ích điện là chính,… Từ đó dẫn tới sông, suối bị cắt khúc, hệ sinh thái bị biến dạng thành sinh thái hồ, mất rừng, mất cân bằng nước, ảnh hưởng lớn tại khu vực Tây Nguyên và cả vùng các tỉnh Nam Trung bộ.

Với nhiều ý kiến tư vấn cảnh báo, Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã tổ chức rà soát, riêng Tây Nguyên đã loại bỏ 167 dự án nhỏ, tổng công suất 617MW, 75 vị trí tiềm năng. Tuy vậy, tình hình thủy điện và sử dụng nước ở Tây Nguyên, vẫn còn là vấn đề nan giải, khô hạn, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Vấn nạn nước ở đây có liên quan mật thiết với các tỉnh Nam Trung bộ - nơi đây chỉ có một số sông nhỏ, ngắn và dốc; lượng nước hàng năm trông chờ từ Tây Nguyên đổ về. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, khu vực này có khoảng 500 hồ chứa, loại nhỏ chiếm 80%, dung tích chỉ vài triệu m3/hồ, lại thường cạn nước, hàng năm xẩy ra thiếu nước nghiêm trọng, cần có biện pháp căn cơ đảm bảo lâu dài nguồn nước.

Nhận định

1/ Thủy điện Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong việc đảm bào nguồn điện cho phát triển đất nước và góp phần điều tiết nguồn nước cho nông nghiệp, giao thông, sinh hoạt,… hiện đang đóng góp trên 40% sản lượng điện quốc gia.

2/ Trong quá trình phát triển, Nhà nước và các ngành liên quan đã xây dựng, ban hành nhiều Thông tư, Chỉ thị, Quy hoạch góp phần quản lý vận hành các dự án từ trung ương tới địa phương.

3/ Đã có khả năng thiết kế, chế tạo trong nước nhiều thiết bị cơ khí thủy công.

4/ Đào tạo được đội ngũ về xây dựng và vận hành thủy điện ở tầm tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên,

5/ Ngay từ buổi đầu, chúng ta chưa xây dựng Chiến lược, Quy hoạch tổng thể quốc gia về sử dụng nguồn nước nói chung và thủy điện nói riêng, nghĩa là chúng ta thiếu những định hướng về công tác quản trị nguồn thủy điện với tính hệ thống. Những dự án, công trình thủy điện vừa qua tuy có thành tựu nhưng vẫn mang tính đơn lẻ, chưa nhìn thấy hết những tác động tích cực, tiêu cực về tài nguyên, môi trường và xã hội.

Kiến nghị

Thứ nhất: Tổ chức đánh giá, rà soát nguồn thủy điện còn lại và các nguồn đang sử dụng để xây dựng quyết sách quản trị chủ động, bền vững.

Thứ hai: Xây dựng dự án nghiên cứu bảo tồn và cân bằng nguồn nước (nước mặt và ngầm) cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ, rà soát mức độ sử dụng thủy điện ở Tây Nguyên; mở rộng, bổ sung các hồ chứa ở các tỉnh Nam Trung bộ, đề xuất giải pháp khoa học, căn cơ sử dụng tối ưu nguồn nước cho phát điện, phát triển kinh tế và sinh hoạt, cũng như các biện pháp phòng chống lũ, sự cố. Thiếu nước thì không thể phát triển!

Thứ ba: Về thủy điện và nguồn nước sông Mê Kông, cần tổ chức dự án tổng thể, nghiên cứu dòng chảy, công nghệ, môi trường, ngoại giao, vận động pháp lý, sự đồng thuận các tổ chức quốc tế, ý kiến cộng đồng. Ngay việc mua điện từ Lào, Trung Quốc cũng cần xem xét kỹ lưỡng,... để Việt Nam có tiếng nói thuyết phục, chủ động trong việc sử dụng nguồn nước trên tinh thần phân chia lợi ích công bằng. Việt nam cần chủ động, không thể để chịu áp lực "vũ khí nước" như đã và đang diễn ra.

Mặt khác, cần tổ chức rà soát, đánh giá ưu, nhược điểm các công trình nước đã thực hiện trong những thập niên qua để rút kinh nghiệm và khắc phục.

Thứ tư: Sớm xây dựng Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia, quy hoạch này là cơ sở khoa học và pháp lý cho các quy hoạch các phân ngành năng lượng: điện, than, dầu - khí, thủy năng, năng lượng tái tạo, hạt nhân theo đúng tinh thần Luật Điện lực sửa đổi 2014 và Luật Quy hoạch 2017, trên cơ sở xác định đúng mục tiêu, tiềm năng, nhu cầu năng lượng, khả năng tài chính, đảm bảo môi trường và an ninh năng lượng. Từ đó, kiến nghị cơ cấu hợp lý các nguồn năng lượng trong bối cảnh BĐKH, góp phần quản trị hiệu quả tài nguyên năng lượng.  


[*] Viện KHNL (Viện HLKH&CNVN); Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Lưu ý: Mọi trích dẫn và sử dụng bài viết này cần được sự đồng ý của tác giả thông qua Tạp chí Năng lượng Việt Nam bằng văn bản.



Tài liệu tham khảo chính

1. QĐ 3454/QĐ-BCN-QĐ phê duyệt QH TĐN toàn quốc-18-10-2005

2. CV số 4920/VPCP-Về việc tăng cường công tác quản lý các đề án thủy điện,18-10-2012

3. QHĐ VII ĐC-2016

4. Sông ngòi thủy điện Tây nguên, Website: nong nghiep.vn

5. Ngô thế Vinh, Trên bàn cờ Mekong những con đập thủy điện và tỵ nạn môi sinh, 2015

6.  Lang Anh, Vũ khí nước của Trung quốc và việc giải lời nguyền sông Mekong, 3-2016

7. Hoàn thiện CLPT điện lực VN đến 2025, nangluongvietnam online, 19-8-16

8. Thủy điện VN góp phần thúc đẩy kinh tế-Báo mới 3-10-2017

9. Vỡ trận thủy điện nhỏ ở các tỉnh phía Bắc-Báo mới 24-5-2017

10. Phá rừng, xây dựng thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất, Tuổi trẻ online,9-7-2018

11. Báo cáo HT: Nghiên cứu quản tri tài nguyên nước tại VN: thách thức, cơ hội và định hướng, Bộ TN&MT và WB, Hà Nội 6-2-2018

12. Bùi Huy Phùng-Phương pháp tính toán tối ưu phát triển bền vững HTNL, NXBKHKT, Hà Nội, 2011

13. Bùi Huy Phùng- Thách thức và kiến nghị phát triển bền vững Tạp chí Năng lượng Việt Nam ,9-2016.

14. Bùi Huy Phùng- Quy hoạch năng lượng tổng thể là cơ sở khoa học và pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, 6-2012

15. IEA-Renewable Energy Medium Term Market Report 2014&2015

16. Website: data.worldbank.org

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động