Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [1]
08:27 | 11/10/2017
Chuyển dịch cơ cấu năng lượng: Việt Nam cần đổi mới thể chế
KOOS NEEFJES VÀ TS. ĐẶNG THỊ THU HOÀI - VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TW
KỲ 1: CHÍNH SÁCH VÀ CAM KẾT CỦA VIỆT NAM VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nền kinh tế của Việt Nam tương đối phụ thuộc vào năng lượng. Từ xưa đến nay, người dân nông thôn vẫn phụ thuộc vào năng lượng sinh khối để đun nấu và sưởi ấm, và thuỷ điện vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu hệ thống điện. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong ngành điện, công nghiệp, giao thông vận tải và tại các hộ gia đình đang tăng nhanh. Ngược lại, mặc dù Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo phi thuỷ điện nhưng các loại năng lượng này mới bước đầu được sử dụng.
Chính phủ Việt Nam đã phát triển nhiều chính sách và chương trình để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển ngành năng lượng. Một số tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp đã đặt vấn đề về năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường, tuy nhiên những nhóm này vẫn còn ít và không có tầm ảnh hưởng trong việc xây dựng, cũng như thực hiện chính sách.
Bộ Công Thương chủ trì tất cả các chính sách liên quan đến năng lượng, còn các bộ khác chủ trì các chính sách biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. "Đóng góp quốc gia tự quyết định" của Việt Nam (NDC) theo Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.
Bản đóng góp này bao gồm các cam kết thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm 8% phát thải khí nhà kính (KNK) vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) với các nỗ lực của quốc gia, và giảm 25% nếu có thêm sự hỗ trợ từ quốc tế.
Mục tiêu này chủ yếu đạt được thông qua ngành lâm nghiệp và ngành năng lượng. Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cam kết dỡ bỏ trợ giá gián tiếp đối với nhiên liệu hoá thạch và khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng. Tuy nhiên, trợ giá nhiên liệu hoá thạch vẫn còn tồn tại đối với than và khí trong ngành điện.
Thuế môi trường áp dụng cho sử dụng nhiên liệu hoá thạch còn thấp. Trên thực tế, Việt Nam có thể đạt được hiệu quả năng lượng và tăng cường khai thác năng lượng tái tạo hơn so với mục tiêu NDC, tuy nhiên để đạt được điều này, các chính sách và việc thực hiện chính sách phải được cải thiện.
Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng nhanh, và mặc dù có trữ lượng than, khí và dầu mỏ lớn, Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập khẩu thuần nhiên liệu hoá thạch. Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), các chuyên gia dự báo điện than sẽ chiếm hơn một nửa lượng điện vào năm 2030 (và một nửa lượng than sử dụng là than nhập khẩu).
Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, đến năm 2050, lượng điện tái tạo và thuỷ điện lớn sẽ chỉ chiếm hơn 40% trong cơ cấu điện. Các dự báo này dựa trên giả định nhu cầu sẽ tăng cao và nâng cao hiệu suất chậm, cũng như lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của thuỷ điện. Bộ Công Thương hiện đang lên dự thảo Kế hoạch hành động năng lượng tái tạo, kế hoạch này phải hiện thực hoá các cam kết trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo - như áp dụng phí các bon đối với sử dụng nhiên liệu hoá thạch, và nguồn thu sẽ đưa về Quỹ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc chuẩn bị kế hoạch này đang bị trì hoãn.
Việt Nam đã có một số chính sách hỗ trợ điện gió, sinh khối, phát điện từ chất thải và điện mặt trời (PV), tuy nhiên tỉ lệ khai thác vẫn rất thấp và quy mô của các dự án rất nhỏ. Một phần là do giá điện hỗ trợ (FiT) còn thấp, và quy định hành chính và kỹ thuật chi tiết vẫn còn thiếu, hoặc yếu. Một số chương trình và trợ giá của chính phủ tạo điều kiện cho việc nâng cao hiệu quả năng lượng. Hệ thống nhiệt và sấy sử dụng năng lượng mặt trời, nguyên liệu sinh khối đã, đang được ứng dụng ở các hộ gia đình và trong các ngành công nghiệp. Các hầm khí sinh học quy mô hộ gia đình và công nghiệp được ứng dụng trong đun nấu, sưởi ấm, sấy, phát điện. Ngoài ra, nhiên liệu sinh học cũng đang được khuyến kích sử dụng trong giao thông vận tải. Một số dự án thuỷ điện nhỏ và vừa vẫn đang được triển khai (một phần với vốn đầu tư tư nhân).
Việt Nam có tỉ lệ dân số được tiếp cận với nguồn điện rất cao. Lưới điện quốc gia và một số lưới mini trên đảo cung cấp điện cho hầu hết các cộng đồng và đến 99% các hộ gia đình. Kể từ năm 2013, chương trình cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo đã đặt mục tiêu đến năm 2020 cấp điện cho 100% số làng, xã và 1,3 triệu hộ gia đình. Tuy nhiên việc cấp điện tại khu vực nông thôn thường bị gián đoạn và mở rộng lưới điện là quá trình phức tạp, tốn kém, điều này làm cho các hệ thống điện tái tạo phi thuỷ điện trở thành các phương án hợp lý, nhưng hiện tiến hành chậm chạp.
Một nửa dân số vẫn phụ thuộc vào các nguồn sinh khối để đun nấu, nhưng ngày càng có nhiều người sử dụng khí sinh học và điện. Chương trình khí sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) cho biết, hệ thống khí sinh học đã được sử dụng tại 168 nghìn hộ gia đình kể từ năm 2003.
Việc dỡ bỏ trợ giá cho năng lượng hoá thạch và áp dụng quy định về phí, hoặc thuế các bon có thể sẽ làm tăng giá năng lượng. Các nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng đối với người nghèo và cận nghèo có thể được giảm thiểu bằng cách áp dụng biểu giá điện lũy tiến theo bậc thang, trong đó giá thấp nhất đối với các số điện tiêu thụ đầu tiên trong tháng và cao hơn khi tiêu thụ tăng. Tuy nhiên, chính sách giá điện được điều chỉnh lần gần đây - nhất là năm 2014 với mức lũy tiến thấp.
Đón đọc kỳ tới: Giá năng lượng, thị trường và việc làm