RSS Feed for Nếu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có ‘quyền tự chủ’ cần thiết? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 01:07
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nếu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có ‘quyền tự chủ’ cần thiết?

 - Có thể nói, sự chậm trễ trong quyết định đầu tư dầu khí không chỉ làm tăng tổng mức đầu tư mà còn làm lỡ cơ hội kinh doanh, kéo hiệu quả kinh tế của các dự án xuống so với nghiên cứu khả thi ban đầu được phê duyệt, do đó, đã đến lúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cần phải có quyền tự chủ cần thiết.


Ảnh hưởng của giá dầu thấp đến ngành dầu khí: Phản ứng và giải pháp đối phó


 

Hiện trạng

Thực tế hiện nay đã chứng minh rằng, kinh doanh trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam không còn “màu mỡ” như khi chúng ta khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ (cách đây gần 35 năm). Các mỏ lớn đang khai thác đều suy giảm sản lượng. Trữ lượng còn lại, dù đã phát hiện, hay có thể được phát hiện, phần lớn là những mỏ nhỏ, mỏ cận biên, mỏ khí ở xa hạ tầng cơ sở, vùng nước sâu hơn, xa hơn, khó khăn hơn... Chưa kể giá dầu thấp sẽ làm cho việc thăm dò khai thác các mỏ càng kém hiệu quả hơn.

Như chúng ta đều biết, bên cạnh đầu tư của nước ngoài, hoạt động đầu tư của Việt Nam (dưới hình thức đầu tư của doanh nghiệp nhà nước) cho lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, được điều chỉnh bởi nhiều luật. Ngoài Luật dầu khí, có 2 luật quan trọng điều chỉnh hoạt động này là Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật Quản lý vốn). Thực tế này dẫn đến tình trạng chồng chéo, cùng một dự án phải trình qua các cấp (lên Thủ tướng 2 lần): Một lần cho phép đầu tư theo Luật Dầu khí, một lần xin chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Hông Minh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam): Do các dự án thăm dò, khai thác dầu khí có một đặc điểm cơ bản là mang tính không chắc chắn (uncertainty) cao. Dẫn chứng là tại thời điểm phê duyệt chưa thể dự báo chính xác tuyệt đối mọi vấn đề (từ trữ lượng, số lượng giếng khai thác, số lượng giàn, đường ống, các thiết bị xử lý đi kèm, công suất tàu chứa, đến tổng mức đầu tư), vì vậy, trong quá trình triển khai 1 dự án phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.

Về nguyên tắc, tất cả những điều chỉnh, thay đổi này đều phải trình 2 lần qua các cấp có thẩm quyền lên cấp đã phê duyệt - tức là Thủ tướng (thậm chí lên tận Quốc hội). Điều này càng làm cho khối lượng công tác hành chính, giấy tờ, thủ tục trở nên quá cồng kềnh, kém hiệu quả.

Đặc biệt, khi tình hình biến động rất nhanh như đã nêu, doanh nghiệp trở thành “gã khổng lồ” nặng nề, không thể linh hoạt trong việc chuyển nhượng, mua lại, bán đi, hoán đổi quyền lợi; đàm phán, bổ sung, thay đổi các điều khoản hợp đồng, mà bản chất là thay đổi các tham số đầu vào của dự án, cuối cùng để tối ưu hóa giỏ đầu tư.

Đặc điểm các dự án đầu tư trong thăm dò, khai thác dầu khí như đã nêu là rủi ro cao, nhưng khi thành công thì mang lại lợi ích lớn. Một dự án tìm kiếm thăm dò, chưa biết có tìm thấy được dầu khí không, có thể cần đến 1 vài trăm triệu USD. Nếu tìm được một mỏ và đưa vào phát triển, khai thác thì chi phí đầu tư lên đến hàng tỷ USD, nhưng cũng không loại trừ được hết các rủi ro về trữ lượng, thương mại, giá dầu... Tuy nhiên, khi một dự án thành công, lợi ích mang lại có thể bù cho toàn bộ rủi ro của các dự án khác.

Nhưng nếu chúng ta không đồng thuận với quan điểm này, mà coi mọi dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải “hiệu quả và an toàn” theo nghĩa không chấp nhận rủi ro, thì hầu hết các dự án thăm dò, khai thác dầu khí có phần đầu tư của Việt Nam sẽ bị “nghẽn” ở các cấp phê duyệt.

Thời gian gần đây, khi các dự án dầu khí phải trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn) thì vấn đề này càng bộc lộ rõ hơn.

Chính lãnh đạo của Ủy ban này cũng có nhận định “do vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật” và cũng “theo quy định của pháp luật, Ủy ban không có thẩm quyền quyết định việc triển khai” một số dự án, nhưng sâu xa rất nhiều trường hợp do quan điểm đã đầu tư vốn nhà nước thì phải thành công.

Như vậy, trong lĩnh vực này trong khi đầu tư nước ngoài rất hạn chế, thì đầu tư từ nguồn trong nước lại vướng mắc về quan điểm, thủ tục.

Ngoài ra, cơ chế, chính sách tài chính cho doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt trong thăm dò, khai thác dầu khí chưa nhất quán, rõ ràng và còn nhiều bất cập. Phần để lại cho đầu tư từ lãi dầu khí nước chủ nhà thay đổi, chưa nhất quán. Đối tượng, quy chế trích lập, sử dụng Quỹ tìm kiếm, thăm dò còn bất cập, chưa phản ánh đầy đủ đặc thù của hoạt động tìm kiếm, thăm dò.

Minh chứng cụ thể cho việc chưa rõ ràng, nhất quán, là cho đến nay Quy chế tài chính Công ty mẹ - Petrovietnam vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Chi phí một số dự án không thành công đang treo, không biết hạch toán vào đâu.

Còn trong phát triển khâu sau (bao gồm cả lĩnh vực điện), quan trọng là đón bắt nhu cầu thị trường, kịp thời đầu tư vào các khu công nghiệp, nhà máy, dây chuyền công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Cho đến nay, các hoạt động đầu tư hình thức này được điều chỉnh chủ yếu bằng Luật xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Quản lý vốn. Nhưng để có sản phẩm cạnh tranh, công nghệ sản xuất cần phải tiên tiến, có bản quyền và phải phù hợp với nhu cầu thị trường cần nhắm tới. Đương nhiên trình tự thủ tục phải qua nhiều cấp hành chính, sẽ mất thời gian, trong khi thị trường biến đổi rất nhanh.

Như vậy, không chỉ chậm do không theo kịp thị trường mà còn xảy ra những trường hợp “nghẽn” do những vướng mắc vì luật chưa đề cập đến, hoặc chưa theo kịp thực tế vô cùng đa dạng. Ví dụ, như khi làm báo cáo đầu tư cho 1 nhà máy chế biến, cần lựa chọn và mua bản quyền công nghệ ngay từ giai đoạn đầu, nhưng khó thực hiện do chi phí này không biết hạch toán vào đâu với một dự án chưa được phê duyệt.

Một ví dụ khác là dự án gặp phải vấn đề pháp lý không được giải ngân vốn vay, trong khi vốn tự có cũng không được phép sử dụng, hậu quả là dự án bị đình trệ, gây lãng phí vốn đã đầu tư, giảm hiệu quả toàn bộ đời dự án. Câu chuyện Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, hay dự án Nhiệt điện Thái bình 2 là một vài trong số những ví dụ điển hình.

Có thể nói, sự chậm trễ không chỉ làm tăng tổng mức đầu tư mà còn làm lỡ cơ hội kinh doanh, kéo hiệu quả kinh tế của các dự án xuống so với nghiên cứu khả thi ban đầu được phê duyệt. Rõ ràng, không chỉ Luật Dầu khí, các luật khác cũng cần được điều chỉnh, cùng với các văn bản dưới luật đi kèm.

Còn theo nhìn nhận của TS. Nguyễn Thành Sơn - Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho đến nay Việt Nam chưa có một thị trường năng lượng được vận hành theo qui luật thị trường và có hiệu quả. Trong khi đó, thị trường năng lượng của thế giới đã, đang chuyển đổi rất nhanh sang mô hình thị trường hoàn hảo và số hóa.

Thị trường mua - bán dầu mỏ, khí đốt trên thế giới đã được hình thành từ rất lâu, và đang được vận hành với những thay đổi, hoàn thiện có tốc độ cao (kể cả trên thị trường dài hạn, thị trường giao ngay), đặc biệt là thị trường giao dịch (mua đi bán lại) của các hợp đồng “tay đôi”, “tay ba”.

Rõ ràng là thị trường đầu tư về năng lượng trên thế giới đã định hình, nhưng hình như không có đất “dụng võ” cho các nhà đầu tư Việt Nam - vừa “đến muộn” vừa “tay không”.

TS. Sơn lấy dẫn chứng: Việc đầu tư vào các dự án khai thác, chế biến các nguồn năng lượng sơ cấp của Nga (dầu mỏ và khí đốt) ở vùng Viễn Đông (NLG Sakhalin 2, Sakhalin 3) gần đây, chúng ta đã nhìn thấy cơ hội, nhưng vì vướng cơ chế, thủ tục rườm rà, nên các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã “nhanh chân” đến trước, không còn “phần” cho các đối tác Việt Nam.

Thể chế dầu khí và những vấn đề cấp bách cần giải quyết sớm

Trong 9 nhóm giải pháp phát triển năng lượng gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị trong Văn bản kiến nghị giải pháp thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đặc biệt nhấn mạnh đến “nút thắt” cơ bản trong phát triển dầu khí của Việt Nam hiện nay liên quan đến đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, Nhà nước cần sớm điều chỉnh đồng bộ các luật chuyên ngành phù hợp với tình hình mới, theo hướng:

Thứ nhất: Luật Dầu khí điều chỉnh toàn bộ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, đầu tư trong nước, cũng như của nước ngoài, dành ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài, nhằm tìm kiếm các đối tác chiến lược quốc tế sẵn sàng chia sẻ, hợp tác lâu dài với Dầu khí Việt Nam.

Thứ hai: Các luật khác điều chỉnh sao cho đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí được chủ động, linh hoạt, phản ứng kịp thời với biến động thị trường và điều kiện tài nguyên dầu khí. Cần tách biệt chức năng bảo toàn, phát triển vốn với điều hành sản xuất, kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư vào dầu khí.

Thứ ba: Khung pháp lý cần tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng sản xuất, kinh doanh; tách bạch các trách nhiệm xã hội với nhiệm vụ bảo toàn vốn, phát triển doanh nghiệp cùng với chính sách tài chính, thuế, phí hợp lý.

Thứ tư: Tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có quyền tự chủ cần thiết và có đủ nguồn vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và chế biến dầu khí.

Mặt khác, Nhà nước cần sửa đổi kịp thời Luật Dầu khí và một số luật có liên quan khác theo hướng:

1/ “Đưa cuộc sống vào luật” (thay vì “đưa luật vào cuộc sống”) bằng cách tiếp thu tối đa các ý kiến phản hồi của các chủ thể chịu sự kiểm soát của luật.

2/ Hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các bộ luật, bằng cách xây dựng sao cho luật chuyên ngành điều chỉnh toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực của chuyên ngành đó. Trên tinh thần đó:

3/ Nhấn mạnh sự quản lý bằng pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước và hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước (các bộ, ngành, địa phương) vào lĩnh vực sản xuất của các chủ thể dầu khí.

4/ Hạn chế tối đa các văn bản “diễn giải luật”, cũng như các “thông tư hướng dẫn” của các bộ, ngành. Đặc biệt là:

5/ Xác định rõ một đầu mối chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và Nhân dân về an ninh năng lượng quốc gia để đảm bảo thống nhất trong điều hành, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển năng lượng...

Được biết, hiện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đang nghiên cứu các kiến nghị nêu trên của Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Chúng tôi tin tưởng, Ban Kinh tế Trung ương sẽ nghiên cứu và tham mưu cho Bộ Chính trị về các giải pháp nêu trên để kịp thời chỉ đạo Chính phủ, các cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 55, cũng như sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành Dầu khí Việt Nam./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động