RSS Feed for Ảnh hưởng của giá dầu thấp đến ngành dầu khí: Phản ứng và giải pháp đối phó | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 22:10
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ảnh hưởng của giá dầu thấp đến ngành dầu khí: Phản ứng và giải pháp đối phó

 - Cuộc khủng hoảng giá dầu kéo dài liên tục trong thời gian qua (thậm chí ngày 20/4/2020 giá dầu WTI đã ở mức âm 37,6 USD/thùng) và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty dầu khí trên thế giới. Trước khủng hoảng “kép”, các doanh nghiệp dầu khí lớn đã phải tính đến các phương án tạm dừng sản xuất, cắt giảm đầu tư, giảm, hoặc cắt giảm tỷ lệ chi trả cổ tức, bán tài sản, đóng mỏ, cắt giảm nhân sự... và thậm chí là tuyên bố phá sản. Để bạn đọc có góc nhìn tổng thể, đa chiều về vấn đề này, các chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam có bài viết (dành riêng) cho TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM dưới đây. Rất mong các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc cùng chia sẻ.


Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam


ĐOÀN TIẾN QUYẾT, NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ, NGUYỄN THU HÀ - VIỆN DẦU KHÍ VIỆT NAM


I. Ảnh hưởng đối với doanh nghiệp dầu khí thế giới, phản ứng và biện pháp ứng phó

1. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí lớn sụt giảm:

Các công ty dầu khí lớn như: BP, Shell, ExxonMobil và Chevron mới đây đã công bố báo cáo sản xuất, kinh doanh quý 1/2020. Trọng tâm là các giải pháp để vượt qua khó khăn trong năm 2020 khi giá dầu và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đầu tiên là ExxonMobil thể hiện quyết tâm duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức, mặc dù đang mắc kẹt trong phía bất lợi của chu kỳ đầu tư. ExxonMobil vẫn đưa ra đánh giá lạc quan về triển vọng trong dài hạn và đã có kế hoạch tăng sản lượng sẵn sàng cho sự phục hồi.

Còn Chevron đưa ra thông điệp mạnh mẽ nhất về đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức. Do có lợi thế đòn bẩy tài chính thấp (tỷ trọng nợ phải trả nhỏ hơn tỷ trọng của vốn chủ sở hữu), dòng tiền mạnh và các khoản đầu tư linh hoạt, Chevron tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu trong năm 2020 (hiện tại thấp hơn 30% so với trước khi sụt giảm). Trong số các công ty lớn, Chevron có khả năng xem xét các thương vụ thâu tóm và sáp nhập nếu có cơ hội.

BP cũng tuyên bố đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức (với ngân sách trên 6 tỷ USD năm 2020) và cam kết tăng tỷ lệ chi trả cổ tức cho nhà đầu tư trong dài hạn. 

 

A screenshot of a cell phoneDescription automatically generated

Hình 1: Ngân sách cắt giảm của Top 15 doanh nghiệp dầu khí trên thế giới. Nguồn: Wood Mackenzie [1]

 

Royal Dutch Shell là doanh nghiệp duy nhất cắt giảm tỷ lệ chi trả cổ tức. Đây là lần cắt giảm đầu tiên của Shell kể từ năm 1940. 

Gazprom công bố lợi nhuận ròng giảm 17% trong năm 2019, xuống còn 1.269 tỷ RUB (16,8 tỷ USD) so với cùng kỳ. Lợi nhuận thấp chủ yếu là do khối lượng khí được bán ở châu Âu giảm, cũng như giá khí thấp hơn trên các thị trường xuất khẩu chính ở châu Âu.

Các dự án cơ sở hạ tầng thâm dụng vốn và các dự án thượng nguồn của Gazprom khiến điểm hòa vốn tăng cao trong vài năm qua. Nhưng Gazprom đang kỳ vọng vốn đầu tư thượng nguồn sẽ giảm 30% xuống còn 14,5 tỷ USD trong năm 2020.

Mặc dù vậy, Gazprom ước tính sẽ cần khoảng 52 USD/thùng trong năm 2020 để trang trải chi phí kinh doanh cơ bản, thăm dò và chi trả cổ tức. Điều này khiến Gazprom  trở nên kém linh hoạt hơn so với các doanh nghiệp dầu khí trong môi trường giá dầu thấp. Theo tính toán, điểm hòa vốn của Rosneft và LUKOIL lần lượt là 30 USD/thùng và 37 USD/thùng.

Tuy nhiên, Gazprom có ​​bảng cân đối kế toán mạnh, với mức độ đòn bẩy tương đối thấp - khoảng 18% - so với các doanh nghiệp của châu Âu, trung bình ở mức 29%. Hơn nữa, Gazprom đã công bố các biện pháp cắt giảm chi phí để ứng phó với môi trường vĩ mô không thuận lợi. Chi phí thượng nguồn và chi phí hoạt động của Gazprom dự kiến sẽ giảm thêm 20% trong năm 2020; giúp hạ thấp điểm hòa vốn của các dự án đầu tư.

Gazprom cho biết sẽ trích 30% lợi nhuận ròng để chi trả cổ tức trong năm 2019. Gazprom cam kết trả cổ tức bằng 50% lợi nhuận ròng vào năm 2021, theo chính sách mới được công bố vào cuối năm 2019.

Trong quý 1/2020, các công ty dầu độc lập của Mỹ đã cắt giảm ngân sách 20 tỷ USD, cao hơn 40% so với kế hoạch ban đầu. Các công ty khai thác dầu phi truyền thống tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng trong tháng 5 và tháng 6 do giá dầu vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, điều này không làm giảm các vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị mà các doanh nghiệp này phải đối mặt.

2. Ứng phó của các doanh nghiệp dầu khí khi giá dầu sụt giảm:

Doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí chịu tác động lớn từ việc giá dầu suy giảm, đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó với đợt sụt giảm kéo dài. Từ ngày 4/5/2020, các công ty dầu khí đã tiếp tục cắt giảm đầu tư hơn 20 tỷ USD, nâng tổng mức cắt giảm trong gần nửa đầu năm 2020 lên tới 82 tỷ USD (giảm 29% so với kế hoạch ban đầu).

Nhiều công ty dầu khí quốc gia có sự thay đổi toàn diện. PetroChina, Sinopec, CNOOC, Pemex và PTTEP điều chỉnh chi tiêu, trong đó nổi bật nhất là PetroChina. Trong khi các công ty cắt giảm từ 10 - 22% ngân sách, PetroChina đã cắt giảm tới 32%. 

Trong số 4 công ty dầu khí quốc tế công bố báo cáo tuần đầu tháng 5/2020 (BP, Shell, ExxonMobil và Chevron), chỉ có Chevron thay đổi chính sách đầu tư trong năm 2020,  tuyên bố sẽ cắt giảm thêm 2 tỷ USD, đưa tổng mức điều chỉnh giảm 29% so với báo cáo đầu tư ban đầu.

 

A screenshot of a cell phoneDescription automatically generated

Hình 2: Điều chỉnh ngân sách đầu tư cho lĩnh vực thượng nguồn. Nguồn: Wood Mackenzie [1]

 

Một số giải pháp được các công ty khai thác dầu độc lập tại Mỹ thực hiện gồm [1]:

Thứ nhất: Chi phí vốn (CAPEX) sẽ tiếp tục được cắt giảm trong nửa sau năm 2020: Các công ty cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí thêm 10 - 25% thông qua các biện pháp tăng cường hiệu quả vận hành và giảm giá dịch vụ nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm CAPEX.

Thứ hai: Hạn chế sản lượng mà không có sự can thiệp của chính phủ: Mức cắt giảm sản lượng dao động từ mức thấp khoảng 4 - 5% (như Concho Resources Inc.) đến mức cao 70% (như Continental Resources, Inc.). Do chi phí khai thác dầu ở thành tạo Bakken cao nên Concho Resources Inc. bị ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu xuống thấp.

Thứ ba: Các biện pháp phòng ngừa rủi ro giá thấp cũng được áp dụng: Nhiều công ty như Apache Corp., Devon Energy và Diamondback Energy cũng thực hiện phòng ngừa rủi ro giá dầu WTI dưới mức 40 USD/thùng để giảm bớt rủi ro giá dầu xuống thấp. Mức phòng ngừa này thậm chí còn thấp hơn mức giá hòa vốn trung bình của 1 giếng dầu phi truyền thống mới.

Thứ tư: Áp lực nâng cao năng lực tài chính: Các ngân hàng đang thắt chặt tín dụng trước tình hình giá dầu sụt giảm và qua đó các công ty dầu khí phải đối mặt với việc các ngân hàng điều chỉnh trần lãi suất cho vay, hoặc hạn mức tín dụng.

Thứ năm: Hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc sản lượng dầu thô sẽ tăng trở lại. Hess Corp. cho biết sẽ cân nhắc mở lại giàn khai thác (nếu giá dầu WTI duy trì ở mức 50 USD/thùng). Ngược lại, Parsley Energy cho biết mức giá ổn định khoảng 20 - 30 USD/thùng sẽ kích hoạt trở lại hoạt động khai thác.

3. Các công ty dầu khí quốc gia châu Á và kế hoạch cắt giảm mạnh chi phí:

Các công ty dầu khí quốc gia tại châu Á đã phác thảo kế hoạch cắt giảm đầu tư ngắn hạn trong báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh quý 1/2020. Trong đó, nổi bật nhất là:

- PetroChina cắt giảm 32% (tương đương 13,7 tỷ USD) vốn đầu tư trong năm 2020 và dự kiến sẽ chi 28 tỷ USD cho cả lĩnh vực thượng nguồn, hạ nguồn, trung nguồn.

- Sinopec cắt giảm 22% (tương đương 4,5 tỷ USD) vốn đầu tư trong năm 2020, và đang dự kiến chi 16 tỷ USD cho các dự án thượng nguồn, hạ nguồn.

- CNOOC cắt giảm 11% (tương đương 1,4 tỷ USD) vốn đầu tư trong lĩnh vực thượng nguồn, chủ yếu là các dự án ở nước ngoài.

- Pertamina cắt giảm 24% (tương đương 0,9 tỷ USD) ngân sách trong lĩnh vực thượng nguồn, và hiện đang dự kiến chi 2,8 tỷ USD cho thượng nguồn trong năm nay.

- PTTEP cắt giảm 17% (tương đương 0,5 tỷ USD) từ ngân sách đầu tư năm 2020, dự kiến chi 2,2 tỷ USD cho lĩnh vực thượng nguồn.

Giá dầu biến động mạnh khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư. Các công ty dầu khí quốc gia tiếp tục cắt giảm ngân sách đầu tư, đồng thời duy trì việc làm và nâng cao hiệu quả kinh tế vẫn là ưu tiên chiến lược quan trọng trong năm 2020.

CNOOC ưu tiên lựa chọn các dự án ngoài khơi của Trung Quốc và sản lượng. Việc cắt giảm chi phí sẽ tập trung vào các dự án dầu khí ở nước ngoài (chủ yếu là dự án khai thác dầu cát ở Canada và các dự án trên bờ ở Mỹ). CNOOC đang duy trì được dòng tiền trên bảng cân đối kế toán và có đủ khả năng để tiến hành các kế hoạch.

Nhiều nguồn tin cho rằng, Petronas và PTTEP cũng thuộc nhóm này.

Trong khi đó, PetroChina cắt giảm mạnh chi phí, chắc chắn sẽ khiến sản lượng khai thác trên đất liền của Trung Quốc sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, PetroChina cho biết, có thể duy trì sản lượng dầu ổn định trong năm 2020. Dự báo sản lượng dầu thô sẽ giảm ít nhất 4%/năm trong 3 năm tới. Ổn định tình hình tài chính là mối quan tâm chính khi tỷ lệ đòn bẩy đã tăng 3% trong quý 1/2020, lên mức 23%. Các công ty dầu khí quốc gia khác như ONGC cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng tương tự.

II. Ảnh hưởng đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Giá dầu giảm trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên ở mức độ khác nhau. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng, doanh thu của PVN sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng), nộp ngân sách giảm khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng) [2].

Với phương châm “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”, PVN đã chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động của biến động giá dầu để xây dựng và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp ứng phó trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trước “khủng hoảng kép”. Theo đó:

1/ Nhóm giải pháp về quản trị: PVN tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, kinh doanh (tối thiểu 15%), giảm lương (10 - 20%), giảm hội họp... Tăng cường quản trị chi phí tối ưu, triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động.

2/ Nhóm giải pháp về tài chính: Đánh giá tác động dòng tiền, có phương án hạn chế tác động và tận dụng cơ hội tối ưu, tái cơ cấu nguồn vốn, giảm chi phí vốn; tiết giảm chi phí lãi vay; huy động vốn vay. Mặt khác, tăng cường quản lý thu hồi công nợ, cơ cấu lại các khoản nợ và đàm phán điều chỉnh lãi vay…

3/ Nhóm giải pháp về đầu tư: Cập nhật, đánh giá, phân loại xác định nhóm các dự án ưu tiên; phân kỳ đầu tư, điều chỉnh tiến độ hợp lý; giãn dừng các dự án chưa thực sự quan trọng; tăng cường kiểm soát các hợp đồng; tìm kiếm cơ hội đầu tư mua mỏ tận dụng giá dầu thấp…

4/ Nhóm giải pháp về thị trường: Bám sát diễn biến cung - cầu, giá dầu thô và sản phẩm để có giải pháp kịp thời; đa dạng hóa kênh phân phối, tăng thị phần bán lẻ; xây dựng chính sách bán hàng linh động; mở rộng và tích hợp hệ thống phân phối để chia sẻ, tiết giảm chi phí; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp. Cùng với đó là kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét có các chỉ đạo định hướng cân đối cung - cầu, khuyến khích sản xuất trong nước, xử lý gian lận thương mại…

5/ Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách: Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét điều chỉnh sửa đổi một số chính sách thuế để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn…

Kết quả là trong 4 tháng đầu năm 2020, các đơn vị của PVN đều duy trì nhịp độ sản xuất, sản lượng sản xuất cơ bản hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 7,2 triệu tấn dầu quy đổi (vượt kế hoạch 7,7%), sản xuất điện đạt 7,03 tỷ kWh, sản xuất đạm đạt 601,6 nghìn tấn (vượt kế hoạch 7,8%), sản xuất xăng dầu ước đạt 4,53 triệu tấn (vượt kế hoạch 2,2%)… Trong khó khăn, PVN vẫn đạt tổng doanh thu khoảng 203,9 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 24,1 nghìn tỷ đồng [3].

Trong tháng 5 và các tháng còn lại, PVN yêu cầu các đơn vị tiếp tục thay đổi cách quản trị để thích ứng với các biến động của thị trường, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện, nắm bắt nhanh nhất các cơ hội để phục hồi tăng trưởng./.

Lưu ý: Việc sử dụng, sao chép nội dung trong bài viết này (dưới mọi hình thức) cần được sự đồng ý của Tác giả và Tòa soạn Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Wood Mackenzie. Corporate week in brief. www.woodmac.com. 25/5/2020.

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. PVN thông tin về một số vấn đề liên quan đến hiện tượng giá dầu giảm sâu. www.pvn.vn. 22/4/2020.

3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trụ vững trước "giông bão", PVN tiếp tục có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. www.pvn.vn. 8/5/2020

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động