RSS Feed for Dự báo sản lượng, nhu cầu và giá dầu - khí thế giới trong năm 2021 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 01:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự báo sản lượng, nhu cầu và giá dầu - khí thế giới trong năm 2021

 - Trong Báo cáo “Triển vọng năng lượng ngắn hạn” (STEO) công bố ngày 12/1/2021, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã đưa ra dự báo sản lượng, nhu cầu và giá dầu - khí của thế giới trong cả năm 2021 và 2022.


Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực dầu khí


Giá dầu Brent ước đạt 53 USD/thùng trong năm 2021 - 2022

Báo cáo “Triển vọng năng lượng ngắn hạn” cho biết các dự báo vẫn tiềm ẩn độ không chắc chắn cao vì đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu. Hoạt động kinh tế suy giảm và sự thay đổi hành vi tiêu dùng để đối phó với đại dịch Covid-19 khiến cung - cầu năng lượng có thể biến động mạnh. EIA cho rằng, mức độ hiệu quả của các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng trong tương lai.

Dựa trên dữ liệu và dự báo từ Oxford Economics, EIA giả định GDP toàn cầu giảm 3,9% vào năm 2020 và sẽ tăng 5,4% vào năm 2021 và 4,3% vào năm 2022. Dự báo rằng, tiêu thụ và sản xuất dầu toàn cầu sẽ tăng trong giai đoạn 2021 - 2022, EIA kỳ vọng giá dầu Brent giao ngay sẽ đạt mức trung bình 53 USD/thùng trong cả năm 2021 và 2022, tăng 11 USD/thùng so với mức giá trung bình năm 2020 (42 USD/thùng). EIA dự báo giá dầu WTI sẽ thấp hơn trung bình khoảng 3 USD/thùng so với giá dầu Brent vào năm 2021 và thấp hơn 4 USD/thùng so với giá Brent vào năm 2022.

Hình 1. Cung - cầu nhiên liệu lỏng trên thế giới từ năm 2016 - 2022 (triệu thùng/ngày). Nguồn: EIA (2021).


EIA ước tính tiêu thụ xăng dầu và nhiên liệu lỏng toàn cầu đạt trung bình 92,2 triệu thùng/ngày cho cả năm 2020, giảm 9,0 triệu thùng/ngày so với năm 2019. EIA dự kiến mức tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ tăng 5,6 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và 3,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

EIA kỳ vọng tăng trưởng tiêu thụ dầu sẽ tương đối đồng đều giữa các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các nước ngoài OECD. EIA dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng nhanh hơn vào năm 2021 và tiếp tục tăng, song với tốc độ vừa phải vào năm 2022. Dự báo mức tiêu thụ nhiên liệu lỏng ở khối các nước ngoài OECD tăng 3,1 triệu thùng/ngày vào năm 2021 (6%) và 1,6 triệu thùng/ngày (3%) vào năm 2022. EIA dự báo tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ tăng 0,9 triệu thùng/ngày (6%) trong năm 2021 và 0,4 triệu thùng/ngày (3%) vào năm 2022. Trong khi đó, tiêu thụ dầu của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 0,5 triệu thùng/ngày (12%) vào năm 2021 và tăng 0,2 triệu thùng/ngày (4%) vào năm 2022.

Dự báo tiêu thụ xăng dầu và các nhiên liệu lỏng khác của các nước trong OECD tăng 2,5 triệu thùng/ngày (6%) vào năm 2021 và 1,7 triệu thùng/ngày (4%) vào năm 2022. Mỹ dẫn đầu tăng trưởng của OECD trong cả 2 năm, lần lượt tăng 1,4 triệu thùng/ngày (8%) vào năm 2021 và tăng 1,0 triệu thùng/ngày (5%) vào năm 2022. EIA dự báo mức tiêu thụ xăng dầu và nhiên liệu lỏng của các nước OECD ở châu Âu sẽ tăng 0,6 triệu thùng/ngày (5%) vào năm 2021 và tăng 0,5 triệu thùng/ngày (4%) vào năm 2022.

EIA ước tính sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt trung bình 25,6 triệu thùng/ngày vào năm 2020, giảm 3,7 triệu thùng/ngày so với năm 2019 và là mức thấp nhất kể từ năm 2002. EIA cho rằng, OPEC sẽ tiếp tục hạn chế sản lượng nhưng ở mức độ thấp hơn khi các nước nới lỏng cắt giảm sản lượng đến năm 2021 trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu tăng lên. EIA dự báo sản lượng dầu của OPEC sẽ đạt trung bình 27,2 triệu thùng/ngày vào năm 2021, tăng 1,6 triệu thùng/ngày so với năm 2020; sau đó sẽ tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên mức sản lượng trung bình 28,2 triệu thùng/ngày.

Trước đó ngày 5/1/2021, OPEC và các nước đối tác (OPEC+) khẳng định sẽ duy trì mức tăng sản lượng đã được thống nhất trước đó là 0,5 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận mới nhất của OPEC+ cũng kêu gọi Liên bang Nga và Kazakhstan tăng sản lượng vào tháng 2 và 3/2021. Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia trong tháng 2 và 3/2021 sẽ dẫn đến tổng sản lượng của OPEC+ thấp hơn vào đầu năm 2021.

EIA dự báo ​​sản lượng của các nước ngoài OPEC sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và tăng 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022, vượt qua mức sản lượng năm 2019. Canada và Brazil dẫn đầu dự báo tăng trưởng sản lượng ngoài OPEC vào năm 2021 và Nga và Mỹ sẽ dẫn đầu tăng trưởng vào năm 2022.

Sản lượng của Canada được dự báo sẽ tăng 0,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021 và tăng 0,1 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Sản lượng của Brazil đã tăng 0,2 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và dự kiến ​​sẽ tăng 0,4 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và 0,2 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

Dự án đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia” của Liên bang Nga. (Ảnh: Gazprom).


Sản lượng của Liên bang Nga được dự báo sẽ tăng trưởng vào năm 2021 và 2022 sau khi giảm mạnh vào năm 2020 do Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC. EIA dự báo ​​sản lượng của Nga sẽ tăng 0,1 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và 0,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Sau khi Thỏa thuận của OPEC+ kết thúc vào đầu năm 2022, EIA dự báo ​​sản lượng của Nga sẽ quay trở lại mức 11,5 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2022, gần bằng mức sản lượng của quý 1/2020.

EIA dự báo một số nước ngoài OPEC sẽ bị sụt giảm sản lượng vào năm 2021 và 2022, đặc biệt là Indonesia, Vương quốc Anh và Colombia.

EIA dự báo tồn kho nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ tiếp tục giảm với tốc độ 0,6 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và 0,5 triệu thùng/ngày vào năm 2022, trong đó tồn kho dầu toàn cầu sẽ giảm 2,3 triệu thùng/ngày trong quý 1/2021.

Sản lượng dầu thô của Mỹ giảm xuống 11,1 triệu thùng/ngày

Sau khi giảm 3,5% vào năm 2020, IHS Markit dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Mỹ sẽ tăng 4,2% vào năm 2021 và 3,8% vào năm 2022. GDP tăng góp phần vào dự báo của EIA về việc tăng tổng mức sử dụng năng lượng ở Hoa Kỳ trong năm 2021 và năm 2022. Sau khi giảm 7,8% vào năm 2020, EIA dự báo tổng mức tiêu thụ năng lượng của Mỹ sẽ tăng 2,6% vào năm 2021 và 2,5% vào năm 2022, đạt 97,3 tỷ đơn vị nhiệt Anh (quads), ít hơn 3,0 lít so với năm 2019.

Theo thống kê của EIA, sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm từ mức kỷ lục năm 2019 là 12,2 triệu thùng/ngày xuống 11,3 triệu thùng/ngày vào năm 2020. EIA dự kiến sản lượng dầu thô của Mỹ trung bình hàng năm sẽ giảm xuống 11,1 triệu thùng/ngày vào năm 2021 trước khi tăng lên 11,5 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

Giá khí đốt tự nhiên giao ngay (Henry Hub) trung bình ước đạt là 2,03 USD/MMBtu vào năm 2020. EIA dự kiến giá khí Henry Hub sẽ tăng lên mức trung bình năm là 3,01 USD/MMBtu vào năm 2021 và 3,27 USD/MMBtu, hạn chế việc sử dụng khí đốt tự nhiên để phát điện trong bối cảnh sản lượng khí đốt tự nhiên giảm.

EIA thống kê tiêu thụ khí tự nhiên của Mỹ đạt trung bình 83,1 tỷ ft3/ngày trong năm 2020, giảm 2,5% so với năm 2019. EIA dự báo tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Mỹ sẽ giảm 2,8% vào năm 2021 và 2,1% vào năm 2022 do giảm sử dụng khí cho sản xuất điện. Sự sụt giảm này được bù đắp bởi việc tăng sử dụng khí đốt tự nhiên trong các lĩnh vực khác.

EIA ước tính sản lượng khí khô của Mỹ năm 2020 đạt trung bình 90,8 tỷ ft3/ngày, giảm 2,5% so với năm 2019. EIA dự kiến ​​sản lượng khí khô của Mỹ đạt trung bình 88,2 tỷ ft3/ngày vào năm 2021, giảm 2,8% so với năm 2020 và sau đó tăng lên 89,7 tỷ ft3/ngày vào năm 2022.

Giá bán lẻ xăng (gasoline) của Mỹ đạt trung bình 2,18 USD/gallon vào năm 2020, thấp hơn so với mức trung bình 2,60 USD/gallon trong năm 2019. EIA dự báo giá xăng trung bình đạt mức 2,40 USD/gallon vào năm 2021 và 2,42 USD/gallon vào năm 2022. Giá nhiên liệu diesel tại Mỹ trung bình là 2,55 USD/gallon vào năm 2020, thấp hơn so với mức giá 3,06 USD/gallon trong năm 2019. EIA dự báo giá diesel trung bình sẽ ở mức 2,71 USD/gallon vào năm 2021 và 2,74 USD/gallon vào năm 2022.

EIA dự báo tổng tiêu thụ điện của Mỹ sẽ tăng 1,5% vào năm 2021 sau khi giảm 4,0% vào năm 2020. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến tiêu thụ điện trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp vào năm 2020, khiến doanh thu bán lẻ điện cho lĩnh vực thương mại và công nghiệ giảm lần lượt 6,0% và 7,9%. EIA dự kiến ​​sử dụng điện thương mại vào năm 2021 sẽ tăng 0,9% và sử dụng điện công nghiệp tăng 1,2%. Trong khi đó, tổng tiêu thụ điện dân dụng của Mỹ sẽ tăng 2,4% vào năm 2021 và tăng 1,7% vào năm 2022.

EIA dự kiến ​​tỷ trọng sản xuất điện từ khí của Mỹ sẽ giảm từ 39% trong năm 2020 xuống 36% vào năm 2021 và 34% vào năm 2022 do chi phí khí nhiên liệu tăng đáng kể và gia tăng sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Dự báo tỷ trọng điện than của Mỹ sẽ tăng từ 20% năm 2020 lên 22% năm 2021 và 24% vào năm 2022. Sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo của Mỹ sẽ tăng từ 20% năm 2020 lên 21% trong năm 2021 và 23% vào năm 2022. Trong 2 năm tới, EIA kỳ vọng công suất phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục tăng. Dựa trên dữ liệu của EIA, tốc độ tăng trưởng công suất điện mặt trời quy mô lớn (GW) sẽ lần đầu tiên vượt mức tăng trưởng của điện gió vào năm 2021.

Sau khi giảm 11,1% vào năm 2020, EIA dự báo tổng lượng khí thải carbon dioxide (CO2) liên quan đến năng lượng sẽ tăng 4,7% vào năm 2021 và 3,2% vào năm 2022. Tuy nhiên, lượng khí thải CO2 vào năm 2022 vẫn thấp hơn 3,9% so với mức của năm 2019./.

NGUYỄN HUY HOÀNG - VIỆN DẦU KHÍ VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1. U.S. Energy Information Administration, “Short-Term Energy Outlook (STEO)”, 12/1/2021.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động