RSS Feed for Việt Nam có thể đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050 (Kỳ cuối) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 02:09
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam có thể đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050 (Kỳ cuối)

 - Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE), điện tái tạo hiện chiếm hơn 23% trong tổng năng lượng toàn cầu với 1969 GW. Năm 2021, con số này sẽ tăng thêm 825 GW, tức tăng 42%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này là kết quả của nhiều yếu tố: cạnh tranh của các công nghệ với giá ngày càng giảm, nguồn vốn dễ dàng, quyết tâm chính trị cụ thể. Xét về đầu tư trong lĩnh vực cung cấp điện năng, các nguồn năng lượng tái tạo đã vượt các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong 6 năm liên tiếp...

Việt Nam có thể đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050 (Kỳ 1)
Việt Nam có thể đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050 (Kỳ 2)

GS. NGUYỄN KHẮC NHẪN*, GRENOBLE (PHÁP)

G. Việt Nam có thể đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050

Những đề xuất chung của tác giả.

G1. Sử dụng điều độ (Tiết kiệm năng lượng)

Ở  Việt Nam có thể tiết kiệm khoảng 25% đến 30% tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Cần thay đổi thói quen, tăng ý thức trách nhiệm của công dân. Cần thắng được các lực cản. Thực hiện tiết kiệm năng lượng khắp nơi (hành chính, hộ gia đình, thương mại, công nghiệp, giao thông, nhà cửa…).

Mô hình mới: từ bỏ sự cứng nhắc của mô hình hiện nay, xã hội phải tiêu thụ khôn ngoan hơn, nhẹ nhàng hơn, cần sự lựa chọn thông minh của cá nhân và xã hội, chỉnh đốn đất đai, chia sẻ phương tiện giao thông, giao thông công cộng, giao thông sạch, hiệu quả trong xây dựng nhà cửa, ưu tiên các thiết bị và sản phẩm địa phương (tránh vận chuyển với khoảng cách xa), chống lãng phí ở mọi cấp độ xã hội. Những kWh không tiêu thụ là tốt nhất.

G2. Hiệu quả năng lượng

Ở Việt Nam, hiệu quả năng lượng có thể làm giảm khoảng 20% tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Cải thiện hiệu quả năng lượng theo mọi lĩnh vực công nghiệp, kinh tế, hành chính. Điều này làm tăng an toàn về cung cấp năng lượng và sức khỏe cộng đồng, đồng thời giảm thiếu hụt năng lượng. Triệt để sử dụng máy móc có hiệu suất cao. Giảm mạnh và nhanh tổn hao. Có nhiều tiềm năng để cải thiện trong thiết bị, giao thông, nhà cửa. Lãng phí trên các lưới phân phối và truyền tải vẫn còn quá lớn.

Hệ số đàn hồi của Việt Nam (tỉ số của tỉ lệ tăng về tiêu thụ điện và tỉ lệ tăng PIB) còn rất cao (gần 1,5 năm 2015) cần được giảm xuống gấp (nhỏ hơn 1).

Phổ biến các chương trình dán nhãn, chấp thuận các tiêu chuẩn mới và luật nhằm khuyến khích hiệu quả năng lượng trên toàn lãnh thổ. Xây dựng các chính sách, mục tiêu và đầu tư để cải thiện hiệu quả năng lượng.

(Cuối năm 2015, có 146 quốc gia trên thế giới đồng ý với chính sách hiệu quả năng lượng và đầu tư trong lĩnh vực này vượt quá 150 tỷ đô la Mỹ. Ngân hàng quốc gia và quốc tế cam kết tăng vốn cho hiệu quả năng lượng).

G3. Năng lượng tái tạo

Đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo theo một chương trình nhiều năm và một lộ trình rõ ràng (theo thứ tự ưu tiên) sau.

(1) Sinh khối.

(2) Pin mặt trời.

(3) Nhiệt mặt trời.

(4) Gió đất liền và ngoài khơi.

(5) Nhiệt động mặt trời.

(6) Địa nhiệt.

(7) Năng lượng biển (chú ý đến nguy cơ cao của Việt Nam trước biến đổi khí hậu).

Trước khi thực hiện những dự án, nên tiến hành các nghiên cứu kinh tế - kỹ thuật nghiêm túc. Sự lựa chọn dự án và đầu tư cần sử dụng tỷ số hiện tại hóa (Taux d’actualisation).

Mô hình năng lượng hiện nay cần cấp thiết thay đổi: tiêu thụ tốt hơn thay vì sản xuất nhiều hơn. Ưu tiên mô hình cầu hơn là mô hình cung (như trước đây).

Đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo để đảm bảo phát triển bền vững sẽ giúp đạt nhiều mục tiêu lâu dài: an ninh năng lượng quốc gia, giảm khí thải nhà kính, giảm ô nhiễm không khí, giảm tỉ lệ thất nghiệp, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hòa bình.

Những đầu tư này không nhằm mục tiêu thay thế điện hạt nhân (chương trình hạt nhân Việt Nam được dừng từ tháng 11/2016). Thực tế, điện hạt nhân dự tính sẽ chiếm 10% trong tổng sản lượng điện năm 2030. Sự điều độ và hiệu quả năng lượng có thể thay thế dễ dàng 14 lò phản ứng đã lên kế hoạch.

Với sự đóng góp khoảng 15% - 20% của thủy điện và tính đến sự giảm đáng kể tiêu thụ nhờ vào việc sử dụng điều độ (- 25% đến - 30%) và hiệu quả năng lượng (-20%), ta thấy mục tiêu 100% năng lượng tái tạo cho Việt Nam vào năm 2050 là hoàn toàn khả thi.

Tôi trân trọng và thiết tha đề nghị Chính phủ huy động toàn dân và tiềm năng để đạt mục tiêu trên vô cùng quan trọng cho đất nước. Có thể nói chỉ cần nhân khoảng 2 lần mục tiêu (năng lượng tái tạo, năng lượng sơ cấp = 44%) mà Chính phủ đã công bố ngày 25/11/2015.

G4. Điều kiện để thành công

Cần thực hiện nhiều biện pháp. (Tất nhiên, sự thành công phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm chính trị của Chính phủ).

(1) Thành lập Bộ Năng lượng Tái tạo.

(2) Giảm tốc độ tăng trưởng điện lực (tránh những con số quá lạc quan).

(3) Huy động mọi lực lượng.

(4) Giáo dục (từ tiểu học) lên đến các trường phổ thông và đại học.

(5) Tăng cường thông tin công cộng.

(6) Thay đổi hành vi, suy nghĩ.

(7) Cần sự quan tâm của cả Chính phủ và người dân.

(8) Loại bỏ những rào cản hành chính và thủ tục cứng rắn.

(9) Chính sách mua lại giá rẻ, chính sách gọi thầu, chính sách hỗ trợ tài chính.

(10) Đánh thuế carbon.

(11) Thực hiện mô hình phân tán.

(12) Thiết kế các nhà máy sản xuất nhỏ.

(13) Các vùng phải tự chủ năng lượng.

(14) Hỗ trợ đổi mới và sáng kiến địa phương.

(15) Triển khai các dự án thí điểm về năng lượng tích cực.

(16) Khuyến khích phát triển thành phố thông minh (Smart City).

(17) Phát triển nhanh Smart Grid.

(18) Trang bị STEP và đầu tư mạnh vào các phương pháp tích trữ năng lượng khác.

(19) Hạn chế việc xây dựng các nhà máy chạy than.

(20) Dán nhãn (đánh giá hiệu quả năng lượng) cho các thiết bị và tòa nhà.

(21) Khuyến khích xe đạp. Giao thông công cộng và chia sẻ.

(22) Phát triển điều hòa sinh học (Bioclimatisation).

(23) Sự bổ sung của khí và điện là cần thiết.

(24) Đề cao vai trò to lớn của rừng và nông nghiệp (cung cấp năng lượng tái tạo, giảm khí thải nhà kính, lưu trữ carbon).

(25) Phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế khép kín (tái sử dụng và sản xuất tiện nghi và vật dụng bền vững).

H. Đào tạo nhân lực chất lượng cao và hợp tác: tiềm năng đóng góp của Grenoble

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, những cơ quan nghiên cứu, đại học, xí nghiệp ở Grenoble có tên sau đây phần đông đã có nhiều đóng góp trong việc đào tạo tiến sỹ và chuyên gia Việt Nam:

G2elab/ ENSE3/ Grenoble-INP, CEA-Leti-Liten-INES, Schneider-Electric, GE, EDF, GEG, ARTELIA, Tenerrdis, Hydro 21…

(*) Nguyễn Khắc Nhẫn (nguyên Giám đốc Trường Cao đẳng Điện học và Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ. Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris. GS Viện kinh tế, Chính sách Năng lượng Grenoble. GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble).

Tài liệu tham khảo

- Georges Sapy (SLC), Contraintes d’équilibre des réseaux d’électricité et intégration des énergies intermittentes, Paris, mars 2017.

- Alexis Gertz, CNR, Filière H2 renouvelable et stockage d’énergie, Colloque Hydro 21 Grenoble, novembre 2016.

- Jean Jacques Hérou (Cap Energies), Avantages et inconvénients des moyens de stockage existants, Colloque Hydro 21 Grenoble, novembre 2016.

- SER, 18e Colloque, Paris, janvier 2017.

- IRENA, Agence Internationale pour les Energies Renouvelables, Rapport 2016.

- Documents : EDF Energies nouvelles, CNR, ENGIE, Total., 2017.

- Etudes: ADEME 2015, Standford 2016, Négawatt (Scénario 2017-2050).

- Tran Van Binh, Sustainable Development of the Renewable Energy Industry in VIETNAM, The current Difficulties and Barriers, 2017.

- Nguyen Khac Nhan, Le développement énergétique et électrique du Viet Nam, Encyclopédie de l’énergie Grenoble, décembre 2015.

- nguyenkhacnhan.blogspot.fr, articles 51, 53, 55, 58, 60, 61.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động