RSS Feed for Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) - Góp ý chung và đề xuất làm rõ một số điều khoản | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 04:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) - Góp ý chung và đề xuất làm rõ một số điều khoản

 - Luật Điện lực năm 2004, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 3 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 2012, 2018, 2022), đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực… Đóng góp thêm ý kiến cho Luật Điện lực (sửa đổi) lần này, TS. Nguyễn Thành Sơn đã có các nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung dưới đây.
Các khuyến nghị về phát triển điện LNG trong Quy hoạch điện VIII của Việt Nam Các khuyến nghị về phát triển điện LNG trong Quy hoạch điện VIII của Việt Nam

Trong bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ phân tích chiến lược (SWOT) trong phát triển ngành điện LNG của Việt Nam (điểm mạnh, điểm yếu; cơ hội, rủi ro, thách thức) và các khuyến nghị về phát triển điện LNG trong Quy hoạch điện VIII. Rất mong nhận được sự chia sẻ, thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

I. Góp ý chung:

1. Về khái niệm trong Luật Điện lực:

Khái niệm “đấu nối đồng bộ” được sử dụng nhiều, nhưng chưa có định nghĩa.

Câu chữ trong Luật cần được viết có cơ sở khoa học:

Tất cả các nguồn năng lượng (bức xạ, gió, nước, khoáng sản mang năng lượng v.v...) đều xuất phát từ vũ trụ. Các khoáng sản mang năng lượng (than, dầu mỏ, khí thiên nhiên, uranium) được hình thành trên Trái đất đều nhờ vào hoạt động của Mặt trời cách đây hàng trăm triệu năm. Các nguồn năng lượng như gió, nước, bức xạ cũng có được nhờ sự hoạt động hiện nay của Mặt trời. Vì vậy:

- Khi nói về các nguồn năng lượng, thì người ta phân ra: “Nguồn năng lượng hóa thạch” (than, dầu, khí, địa nhiệt v.v...) và “nguồn năng lượng tái tạo” (nước, bức xạ, gió). Còn:

- Khi nói về “cân bằng năng lượng” người ta phân ra: “Năng lượng sơ cấp” và “năng lượng thứ cấp”. Vì vậy:

- Điện là năng lượng “thứ cấp”.

Theo trình tự được loài người chinh phục trong quá trình sản xuất điện năng, người ta phân ra: “Năng lượng truyền thống” (như thủy điện, nhiệt điện, điện nguyên tử, điện hạt nhân) và “năng lượng mới” (như quang điện, phong điện, điện thủy triều, điện sóng biển, điện địa nhiệt v.v...). Như vậy:

- Thủy điện là nguồn năng lượng truyền thống và trong các cân bằng năng lượng thì thuộc “sơ cấp”, nhưng cũng tái tạo. Còn điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt, điện sóng biển, điện thủy triều v.v... người ta gọi là “nguồn năng lượng tái tạo mới”. Ngoài ra:

- Hydrogen là một nguồn nhiên liệu mới, nhưng thuộc loại “thứ cấp” (vì thu được bằng điện phân H2O) để sản xuất năng lượng (bằng công nghệ pin, ắc quy v.v...). Mặc dù chỉ được nhắc đến 1 lần trong dự thảo Luật, nhưng sai ngữ cảnh.

2. Về nội dung và phạm vi điều chỉnh của Luật Điện lực:

Việc phát triển ngành điện, sẽ gắn với các lĩnh vực khác của nền kinh tế như: Thủy lợi, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, khai khoáng v.v... Và trên thực tế, đang và sẽ phát sinh những mâu thuẫn trong phát triển giữa các lĩnh vực này, cần được điều tiết, hay có chế tài xử lý bằng luật. Ví dụ:

- Khi xây dựng các đường cao tốc (đặc biệt là đường sắt cao tốc sau này) sẽ phải cắt qua rất nhiều đường dây tải điện cao áp đã được xây dựng, sẽ ảnh hưởng đến “hành lang bảo vệ lưới điện”. Mà đường giao thông và đường tải điện thường được xây dựng theo đường thẳng. Vậy, công trình nào được ưu tiên? Hay nói cách khác, xử lý “ai phải nhường ai” như thế nào?

- Khi xây dựng các công trình điện (đặc biệt là xây dựng các tuyến đường truyền tải điện), thường phải chiếm đất nông nghiệp, hoặc đi qua rừng, qua các mỏ khoáng sản, qua các di tích văn hóa, lịch sử, qua các khu bảo tồn v.v... Vì vậy, cần có chế tài xử lý các trường hợp này trong Luật Điện lực và trong Quy hoạch điện lực phù hợp với các luật khác và các quy hoạch của các ngành khác.

- Trong phát triển các nguồn nhiệt điện, bắt buộc phải sử dụng nước (nước sông, nước hồ, hoặc nước biển) để tuần hoàn làm mát cho các tổ máy phát, với lưu lượng rất lớn, tới hàng triệu m3/ngày và trên thực tế đã và sẽ có rất nhiều bất cập cần được xử lý trong việc khai thác sử dụng các nguồn nước cho làm mát. Trong dự thảo, chưa đề cập đến vấn đề này.

- Mặc dù điện hạt nhân sẽ có luật đặc thù riêng về an toàn bức xạ, nhưng, chắc chắn cũng phải “đấu nối” với lưới điện quốc gia. Vì vậy, trong Luật Điện lực cũng cần có điều khoản về vấn đề này.

II. Cần làm rõ:

Nhìn chung, trong Luật, những vấn đề liên quan đến “quyền hạn”, “trách nhiệm” cần được làm rõ, đặc biệt là trong “phân cấp”, “ủy quyền”:

1. Mạng/lưới/hệ thống điện quốc gia và mạng/lưới/hệ thống điện của tỉnh. Ví dụ, đường dây 220 kV, và 500 kV đi qua địa bàn tỉnh thì có thuộc quyền quyết định của tỉnh hay không? Hay ngược lại, một dự án nguồn thủy điện có công suất >30 MW nằm trên địa bàn tỉnh thì có thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ hay không?

2. Thế nào là dự án điện “thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ”.

III. Cần sửa đổi:

1. Điều 16, Khoản 3, Mục e):

Không thể quy định “Các dự án nguồn điện, lưới điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập” được lựa chọn nhà đầu tư không qua đấu thầu, vì “các doanh nghiệp do Chính phủ quyết định thành lập” cũng và càng phải phải bình đẳng trước Luật Đấu thầu.

Ngoài ra, trong Khoản 4 lại quy định “Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhà đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộ, các dự án lưới điện trong trường hợp quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm đ Khoản 3 Điều này”. Như vậy sẽ tạo ra rủi ro khi “các doanh nghiệp do Chính phủ quyết định thành lập” được chỉ định thầu trong “kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm” của mình.

Điều 16 cần viết lại cho minh bạch và rõ ràng hơn.

2. Điều 18, Khoản 2 không rõ ràng (hồ sơ trong hồ sơ). Vì vậy, cần bổ sung “Hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư” trong “Hồ sơ trình Thủ tướng” gồm những tài liệu gì?

3/ Điều 19, Khoản 3, Mục c: Cần bổ sung các thời điểm là những “điểm dừng kỹ thuật” của một dự án nguồn điện (ví dụ hoàn thành xây dựng đập, lắp đặt lò, tua bin, hay động cơ v.v...).

4. Điều 21 và Điều 22, cần quy định cấp nào phê duyệt dự án thì cấp đó có trách nhiệm “theo dõi, đánh giá tiến độ” (theo Điều 21) và đưa ra “cơ chế xử lý” (theo Điều 22) của dự án. Đối với dự án do Bộ Công Thương, hay Chính phủ phê duyệt, cấp tỉnh chỉ có thể được giao “phối hợp theo dõi”, nhưng không thể “đánh giá”, hay “xử lý”.

5. Điều 24: Đổi tên “Phát triển điện năng lượng tái tạo” thành “Phát triển dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo”.

6. Điều 25, Khoản 6 quy định “Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam bộ được phép phát triển điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu”. Có thể hiểu các vùng khác (có tiềm năng như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Trung bộ) là không được phép phát triển điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu. Như vậy là vô lý.

7. Điều 26, Khoản 1 quy định “Dự án điện gió ngoài khơi bao gồm các công trình chính như sau: a) Công trình Nhà máy điện; b) Công trình Lưới điện”. Quy định như vậy là chưa đủ. Tương lai của điện gió ngoài khơi là kết hợp với sản xuất hydrogen “xanh” tại chỗ.

8. Điều 28:

- Khoản 1 quy định “Các lĩnh vực hoạt động điện lực phải được cấp phép gồm: Phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn thiết kế công trình điện lực, tư vấn giám sát thi công công trình điện lực”. Như vậy là chưa đủ. Cần bổ sung các lĩnh vực “tư vấn nghiệm thu”, “tư vấn thử nghiệm về điện”.

- Khoản 3, Mục đ quy định “Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ điện được cấp cho từng đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện theo phạm vi địa lý cụ thể” sẽ không phù hợp với thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo trong tương lai.

9. Điều 32, Khoản 1: Nên sửa thời hạn tối đa trong giấy phép hoạt động điện lực cấp cho Chủ đầu tư của các dự án phát điện nên quy định “cả đời dự án”.

10. Điều 36:

Khoản 2: Nên ghi rõ nguyên tắc cao nhất của thị trường điện cạnh tranh là mọi đối tượng đều có quyền trực tiếp mua điện và trực tiếp bán điện.

Khoản 3: Cần bổ sung “công cụ điều tiết”, “phương thức điều tiết”“giới hạn điều tiết” của Nhà nước là như thế nào để đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường điện.

11. Điều 37, Khoản 2 nên bỏ các cụm từ “cơ cấu ngành điện”“cải cách cơ chế giá điện và xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền”. Vì thị trường điện có thể vận hành với bất kỳ cơ cấu nào của ngành điện và chính thị trường điện sẽ phải có nhiệm vụ cải cách cơ chế giá điện và xóa bỏ bù chéo.

12. Điều 38, Khoản 1 cần bổ sung vào “Các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh bao gồm” cả các định chế tài chính (như các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các quỹ phát triển v.v...). Các định chế tài chính này vừa tham gia vào quy trình thanh toán, và vì thế, vừa có thể trực tiếp mua - bán điện một cách hiệu quả nhất.

13. Điều 39, Khoản 1 nên bỏ. Còn nếu quy định, thì phải như Khoản 1 của Điều 38.

14. Các điều 40, 41, 42 và 43 còn thiếu rất nhiều vấn đề của Thị trường điện cạnh tranh cần được luật hóa. Vì vậy, nên được quy định trong một văn bản riêng do Chính phủ (hoặc Quốc hội) thông qua về “Tổ chức và Điều lệ hoạt động của Thị trường điện cạnh tranh”.

15. Nên biên soạn lại từ Điều 44 đến Điều 56 thành một mục riêng về “Hợp đồng mua bán điện”.

16. Điều 57 - Chính sách giá điện:

- Khoản 1: Cần thay cụm từ “Đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện của đơn vị điện lực” bằng cụm từ “Phản ánh chi phí hợp pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của các đơn vị điện lực”.

- Khoản 3: Cần thay cụm từ “sử dụng điện tiết kiệm và có hiệu quả” bằng cụm từ “sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm”.

- Khoản 7: Nên thay cụm từ “của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện” bằng cụm từ “của các bên trong Hợp đồng mua - bán điện”.

17. Điều 58, Khoản 5: Thay cụm từ “giá bán điện có nhiều thành phần gồm giá cố định và giá biến đổi” bằng cụm từ “giá bán điện có nhiều thành phần gồm giá cố định (tính theo công suất điện, kW) và giá biến đổi (tính theo năng lượng điện, kWh)”.

18. Điều 59:

- Khoản 4: Thay cụm từ “Các chi phí sản xuất, kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực” bằng cụm từ “Các chi phí và lợi nhuận hợp pháp của đơn vị điện lực”.

19. Điều 62: Cần bổ sung thêm 1 khoản quy định về việc hệ thống truyền tải điện phải đảm bảo:

- Thường xuyên tiếp nhận, truyền tải hết sản lượng điện theo Hợp đồng mua - bán điện.

- Thường xuyên áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm tổn thất truyền tải điện.

20. Điều 63: Cần bổ sung thêm 1 khoản quy định về việc hệ thống phân phối điện phải đảm bảo:

- Thường xuyên phân phối đủ điện cho các hộ tiêu dùng theo Hợp đồng mua - bán điện.

- Thường xuyên áp dụng các giải pháp kỹ thuật và thương mại để giảm tổn thất điện trên lưới phân phối.

21. Điều 54, Khoản 1: Thay cụm từ “thực hiện” bằng cụm từ “tham gia”.

22. Điều 56: Thay cụm từ “để tiết kiệm nhiên liệu và các nguồn năng lượng dùng phát điện” bằng cụm từ “để tiết kiệm nhiên liệu, điện tự dùng và các nguồn năng lượng dùng phát điện”.

23. Điều 67: Thay cụm từ “tiêu chuẩn” bằng cụm từ “chỉ tiêu”.

24. Điều 68:

- Khoản 2: Thay cụm từ “yêu cầu” bằng cụm từ “tiêu chuẩn”.

- Bổ sung thêm Khoản 6 quy định về việc bên bán điện phải ghi chỉ số công tơ hàng tháng theo đúng lịch (đúng thời điểm), đảm bảo khoảng cách giữa 2 lần ghi không nhỏ hơn 28 ngày và không quá 31 ngày.

25. Điều 69 - về chất lượng điện năng: Nên bổ sung thêm 1 khoản quy định về trách nhiệm của hệ thống phân phối điện phải đảm bảo cấp điện liên tục cho khách hàng, trong trường hợp sự cố phải nhanh chóng khắc phục. (Trên cơ sở thống kê của ngành điện gần đây, nên quy định số lần tối đa khách hàng bị cắt điện và thời gian tối đa của mỗi lần mất điện).

26. Điều 77: Cần bổ sung thêm khoản 5 quy định về trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành cáp điện ngầm phải có trách nhiệm đánh dấu cảnh báo ở mức độ đủ để nhận biết sự tồn tại của các cáp điện ngầm và hành lang bảo vệ cáp điện ngầm.

27. Điều 82:

- Khoản 2 - tích nước hồ thủy điện nên bổ sung Mục c - quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh về việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước của các hồ thủy điện.

- Khoản 4 cần bổ sung Mục c - quy định trách nhiệm của Bộ TNMT về việc dự báo dài hạn và cảnh báo thường xuyên về mưa lũ có ảnh hưởng đến việc tích nước của các hồ thủy điện.

28. Điều 85 - an toàn sử dụng điện trong sản xuất: Cần bổ sung một khoản quy định đối với các cơ sở sản xuất nếu có yêu cầu nghiêm ngặt về sử dụng điện liên tục, phải được đấu nối với hệ thống điện quốc gia bằng 2 tuyến đường dây và trạm nguồn độc lập.

29. Điều 90: Cần bổ sung thêm một khoản quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực của Bộ Công Thương là quản lý bằng quy hoạch phát triển ngành điện, có trách nhiệm thường xuyên thống kê, đánh giá dự báo về nhu cầu điện và hiệu suất sử dụng điện của các ngành kinh tế.

30/ Điều 91 - nội dung quản lý nhà nước về điện lực: Cần bổ sung nội dung quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý về thống kê, phân tích, đánh giá và công bố kết quả thống kê, phân tích, đánh giá hàng năm liên quan đến hệ thống điện và thị trường điện của Việt Nam./.

(Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam).

Đón đọc kỳ tới: Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) - Góp ý của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động