RSS Feed for Quản lý Nhà nước về năng lượng và những vấn đề cần sớm hoàn thiện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 12:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quản lý Nhà nước về năng lượng và những vấn đề cần sớm hoàn thiện

 - Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, việc hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước về năng lượng là giải pháp cần thiết và khả thi nhất hiện nay để phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng Việt Nam. Mặt khác, công tác này cần được xem là nhu cầu thường xuyên trước tình hình biến động liên tục của ngành công nghiệp năng lượng thế giới, vốn đã và đang gắn với các biến động địa - chính trị toàn cầu.


Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam


Văn phòng Trung ương Đảng vừa có Văn bản đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương nghiên cứu các phản biện, kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về giải pháp thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. 

Trước đó, ngày 11/5/2020, các chuyên gia, cán bộ khoa học - kỹ thuật trong Hội đồng Phản biện Khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị một số kiến nghị tâm huyết về những công việc cụ thể mà các cơ quan quản lý Nhà nước có thể xem xét thực hiện để sớm đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045” vào cuộc sống.

Đặc biệt, trong 9 nhóm vấn đề kiến nghị tới Tổng Bí thư, các chuyên gia đã nhấn mạnh đến việc cần phải sớm hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước về năng lượng. Cho rằng, đây là giải pháp cần thiết và khả thi nhất hiện nay để phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng Việt Nam. Việc hoàn thiện quản lý Nhà nước cần được xem là nhu cầu thường xuyên trước tình hình biến động liên tục của ngành công nghiệp năng lượng thế giới, vốn đã và đang gắn với các biến động địa - chính trị toàn cầu. 

Theo đó, các nhà khoa học đã kiến nghị:

Thứ nhất: Chính phủ cần sớm ban hành các định hướng vĩ mô liên quan đến chiến lược phát triển ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng, bao gồm: (i) Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (ii) Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (iii) Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Đây là 3 căn cứ pháp lý có ý nghĩa quyết định để hiện thực hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Thứ hai: Cần sửa đổi kịp thời Luật Dầu khí, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản và một số luật có liên quan khác theo hướng:

1/ “Đưa cuộc sống vào luật” (thay vì “đưa luật vào cuộc sống”) bằng cách tiếp thu tối đa các ý kiến phản hồi của các chủ thể chịu sự kiểm soát của luật.

2/ Hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các bộ luật, bằng cách xây dựng sao cho luật chuyên ngành điều chỉnh toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực của chuyên ngành đó. Trên tinh thần đó:

3/ Nhấn mạnh sự quản lý bằng pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước và hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước (các bộ, ngành, địa phương) vào lĩnh vực sản xuất của các chủ thể điện, than, dầu khí.

4/ Hạn chế tối đa các văn bản “diễn giải luật”, cũng như các “thông tư hướng dẫn” của các bộ, ngành. Đặc biệt là:

5/ Xác định rõ một đầu mối chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và Nhân dân về an ninh năng lượng quốc gia để đảm bảo thống nhất trong điều hành, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển năng lượng.

6/ Có cơ chế rõ ràng và chế tài đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm các bên liên quan trong quá trình chấp hành luật pháp và triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước trong khâu cung - cầu điện. Gắn trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án được giao. Quy định cụ thể trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương về tuân thủ Quy hoạch phát triển điện lực để tránh tình trạng quy hoạch bị phá vỡ xuất phát từ các nguyên nhân mang tính cục bộ.

Thứ ba: Thúc đẩy tiến độ hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh, đặc biệt là thị trường điện để thực hiện nghiêm túc các vấn đề đặc biệt quan trọng đã được nêu trong NQ55, đó là: “Phát triển ổn định và bền vững các ngành điện, than, dầu khí; chống mọi hình thức độc quyền; tạo ra sự cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh điện, than, dầu khí; và minh bạch trong quản lý năng lượng”.

Thứ tư: Đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập, cũng như triển khai thực hiện quy hoạch năng lượng. Gắn trách nhiệm của các bộ quản lý ngành vào tính khả thi của các quy hoạch năng lượng. Chấm dứt tình trạng lập quy hoạch chỉ để “cấp phép”, quản lý quy hoạch theo kiểu “hòa cả làng” và khi quy hoạch bị “vỡ” (như đã liên tục xẩy ra trong các năm vừa qua) thì không ai chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.

Được biết, hiện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đang nghiên cứu các kiến nghị nêu trên của Tạp chí Năng lượng Việt Nam./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động