RSS Feed for Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 73]: ‘Sự cấm đoán đối với điện hạt nhân đã kết thúc’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 22:57
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 73]: ‘Sự cấm đoán đối với điện hạt nhân đã kết thúc’

 - Trong những ngày qua, truyền thông Nhật Bản đã đặc biệt nhấn mạnh đến thông điệp của Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi tại Hội nghị thượng đỉnh về điện hạt nhân đầu tiên tại Brussel, Bỉ hồi cuối tháng 3/2024 cho rằng: “Sự cấm đoán đối với điện hạt nhân đã kết thúc, mở ra một chương mới về những cam kết đối với điện hạt nhân”.
Chuyển đổi từ điện than sang điện hạt nhân - Câu chuyện của Hoa Kỳ, có gợi ý cho Việt Nam? Chuyển đổi từ điện than sang điện hạt nhân - Câu chuyện của Hoa Kỳ, có gợi ý cho Việt Nam?

Với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than thành các nhà máy điện hạt nhân. Kết quả cho thấy: Hàng trăm địa điểm nhà máy nhiệt điện than của nước này có thể được chuyển đổi sang nhà máy điện hạt nhân, giúp tạo thêm việc làm mới, tăng lợi ích kinh tế và cải thiện đáng kể điều kiện môi trường.

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 72]: Giải pháp nguồn điện lớn cho lĩnh vực công nghiệp IT Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 72]: Giải pháp nguồn điện lớn cho lĩnh vực công nghiệp IT

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Đến năm 2026, nhu cầu điện của các trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng sẽ tăng rất cao. Dư báo cho thấy, mức tiêu thụ điện của trung tâm dữ liệu năm 2023 là 460 tỷ kWh và sẽ tăng lên hơn 1.000 tỷ kWh vào năm 2026. (Con số 1.000 tỷ kWh tương đương với mức tiêu thụ điện 1 năm của Nhật Bản).

Theo tổng hợp của báo chí Nhật Bản: Với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, quan chức đến từ hơn 30 quốc gia và hơn 300 chuyên gia về điện hạt nhân, hội nghị đã thảo luận về các biện pháp nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu (như giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững), đồng thời tái khẳng định vai trò quan trọng của điện hạt nhân.

Hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức lần đầu tiên trong lịch sử COP trên cơ sở Tài liệu kết quả của Hội nghị các nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) được tổ chức tại Dubai vào tháng 12 năm 2023. Theo đó, “điện hạt nhân” được đề cập đến một cách rõ ràng như là một trong những cách tiếp cận chính để giảm lượng khí thải carbon, và yêu cầu đẩy nhanh việc đưa vào sử dụng điện hạt nhân cùng với các nguồn năng lượng carbon thấp khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cho rằng: Sự cấm đoán đối với điện hạt nhân đã kết thúc, mở ra một chương mới về những cam kết đối với điện hạt nhân. Chuyển đổi sang năng lượng sạch là nỗ lực của toàn cầu và thế giới cần chúng ta phải có hành động, các tổ chức tín dụng quốc tế cần cung cấp vốn để mở rộng điện hạt nhân một cách an toàn và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Bỉ De Croo đã đề cập đến những thay đổi chính sách của Bỉ (từ chính sách loại bỏ điện hạt nhân sang chính sách kéo dài thời gian vận hành) và thừa nhận rằng: Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, cần phải kết hợp điện hạt nhân với năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng hỗn hợp.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng: Mặc dù còn nhiều quan điểm khác nhau về điện hạt nhân trong Liên minh châu Âu (EU), nhưng điện hạt nhân sẽ phải đóng một vai trò quan trọng do tính cấp bách trong các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Các quốc gia hiện đang xem xét đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân (thay vì kéo dài thời hạn vận hành của các nhà máy) nên cân nhắc một cách thận trọng sự lựa chọn của mình trước khi loại bỏ điện hạt nhân như một nguồn năng lượng phát thải thấp với điều kiện đảm bảo an toàn.

Liên minh châu Âu hoan nghênh sự cạnh tranh toàn cầu giữa các quốc gia và doanh nghiệp ủng hộ các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và khuyến khích đổi mới công nghệ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người có kế hoạch mở rộng điện hạt nhân quy mô lớn, hoan nghênh tinh thần đoàn kết mới giữa các nước và cho rằng: Điện hạt nhân là cách thức duy nhất để giảm phát thải, tạo việc làm và đồng thời tăng cường an ninh năng lượng.

Ông cho biết: Cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, mở rộng năng lượng tái tạo và điện hạt nhân.

Sau các bài phát biểu của các nguyên thủ quốc gia và các quan chức, các chuyên gia đã thảo luận về cách thức phát huy đổi mới sáng tạo nhằm làm tăng khả năng cạnh tranh, khả năng ứng dụng và tính bền vững của điện hạt nhân, cũng như việc huy động vốn cho các dự án điện hạt nhân, thiết lập các điều kiện cạnh tranh bình đẳng.

Các nguyên thủ tham dự hội nghị tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với điện hạt nhân - một yếu tố quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện, cũng như công nghiệp, đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững và dài hạn.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung kêu gọi mở rộng điện hạt nhân.

Theo Tuyên bố chung, các nước sẽ tăng cường hợp tác và đẩy nhanh hành động trong thập kỷ tới để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cụ thể là các nước sẽ nỗ lực tận dụng tối đa tiềm năng của điện hạt nhân như: Kéo dài thời gian vận hành của các lò phản ứng hiện tại, xây dựng các lò phản ứng mới và tạo điều kiện hỗ trợ việc sớm triển khai các lò phản ứng tiên tiến (bao gồm cả SMR). Mặt khác, đổi mới công nghệ, nâng cao tính an toàn, hiệu quả kinh tế, phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân và tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, tạo dựng một thị trường toàn cầu công bằng, rộng mở vì sự phát triển của điện hạt nhân.

Hội nghị kêu gọi đưa điện hạt nhân vào trong các chính sách môi trường, xã hội và quản trị trong hệ thống tài chính quốc tế như một sự lựa chọn, đồng thời xem xét tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án điện hạt nhân từ các ngân hàng phát triển đa quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế, thiết lập sân chơi bình đẳng trong việc huy động vốn cho tất cả các nguồn năng lượng không phát thải.

Cuối cùng, “các nước hoan nghênh và ủng hộ IAEA tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về điện hạt nhân tiếp theo vào thời điểm thích hợp; hợp tác với các quốc gia thành viên của IAEA nhằm tiếp tục thiết lập cơ chế hỗ trợ cho điện hạt nhân hướng tới mục tiêu khử cacbon”.

Điện hạt nhân Nhật Bản đi vào quỹ đạo phục hồi:

Như đã đề cập, tại COP28, nhiều nước (trong đó có Nhật Bản) ủng hộ cho mục tiêu tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió đến năm 2030. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo có nhược điểm là không ổn định và cần có diện tích đất lớn. Trong khi đó, điện hạt nhân có thể cung cấp ổn định một lượng điện lớn với diện tích đất nhất định.

Nhược điểm của điện hạt nhân là có thể gây thiệt hại lớn nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, với những bài học từ sự cố Fukushima, tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản được cải thiện đáng kể và các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu phát triển các nhà máy điện hạt nhân có thể ứng phó được trong trường hợp xảy ra sự cố nóng chảy lò phản ứng.

Tuyên bố của các nước cùng chí hướng phát triển điện hạt nhân cũng đề cập đến lò khí nhiệt độ cao mà Nhật Bản hiện đang đi đầu trong nghiên cứu và phát triển. Đây là kiểu lò mới có thể vừa phát điện, vừa sản xuất được hydro. Tuyên bố đưa ra mục tiêu tăng gấp 3 lần điện hạt nhân, nhưng không phải là sự phân bổ đồng đều giữa các nước, mà đây là mục tiêu mang tính toàn cầu. Nhật Bản sẵn sàng tích cực hợp tác và đầu tư để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài.

Cho đến nay, các thiết bị của nhà máy điện hạt nhân đều do 3 nhà chế tạo là Hitachi, Toshiba, MHI xuất khẩu. IHI và JGC Holdings đang đầu tư vào 1 doanh nghiệp của Mỹ để nghiên cứu phát triển lò module quy mô nhỏ (SMR) thế hệ mới.

Nhật Bản đã hơn 10 năm dừng xây mới các nhà máy điện hạt nhân. Để có thể duy trì và kế thừa công nghệ tiên tiến, quốc gia này đang thúc đẩy kế hoạch tham gia vào các dự án xây dựng ở nước ngoài.

Hiện nay Nhật Bản mới chỉ có 12 tổ máy trong số 33 tổ máy đang được vận hành. Để điện hạt nhân có thể quay trở lại là nguồn năng lượng chủ lực để khử carbon, cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động của Uỷ ban pháp quy hạt nhân trong việc thẩm định an toàn.

Triển vọng trong 30 năm tới, cùng với xây dựng thêm nhiều dự án điện hạt nhân mới, Nhật Bản sẽ nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng nhà máy tái chế nhiên liệu đã cháy và lập kế hoạch địa điểm để xây dựng công trình ngầm cho chất thải hạt nhân.

Điện là nguồn sinh lực của quốc gia và tuyên bố của các nước cùng chí hướng tại COP28 sẽ là bàn đạp để đưa điện hạt nhân của Nhật Bản đi vào quỹ đạo phục hồi./.

(Đón đọc kỳ tới...)

NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động