Kinh nghiệm cải cách thị trường điện Úc - Khuyến nghị cho Indonesia và Việt Nam
08:31 | 26/03/2024
Chậm ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII - Nguyên nhân, hệ lụy và giải pháp Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023 tại Quyết định số 500/QĐ-TTg. Tuy nhiên, cho đến nay (sau 10 tháng), Chính phủ vẫn chưa ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Việc chậm trễ này sẽ gây ra những hệ lụy cho an ninh cung cấp điện của nước ta trong thời gian sắp tới. Dưới đây là một số phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam. |
Nên tiến hành cải cách thị trường điện Việt Nam như thế nào? Để có thêm ý kiến góp ý, tư vấn, phản biện về cải cách thị trường điện Việt Nam, Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Thái Doãn Hoàng Cầu - Tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện, đã có trên 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu, làm việc trong thị trường điện Úc và là tác giả cuốn sách “Thị trường điện: Các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý” [*]. Rất mong nhận được sự chia sẻ, thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc. |
Điện năng chiếm tỷ trọng đáng kể trong bức tranh tổng thể năng lượng của thế giới (chiếm khoảng 20% tiêu thụ năng lượng cuối), của Indonesia (14%), Việt Nam (29%) và Úc (24%). Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Tỷ trọng này sẽ tăng mạnh đến trên 50% vào năm 2050 nếu các nước nhắm tới một tương lai giảm phát thải khí carbon, tăng năng lượng tái tạo (NLTT) và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không (net zero emission - NZE).
Nhiều nước phát triển như Anh, Úc, một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các tiểu bang ở Mỹ đã lựa chọn cải cách thị trường điện - tức tái cơ cấu và thị trường hóa ngành điện lực để thực thi các mục tiêu chính của ngành điện, bao gồm: Tin cậy hệ thống điện, hiệu quả kinh tế, giá cả hợp lý, tự do lựa chọn cho khách hàng và bền vững về môi trường. Các nước này đã xây dựng thị trường bán lẻ điện, cấp độ cuối cùng của thị trường điện với lộ trình cải cách, thiết kế thị trường và phương thức thực hiện khác nhau.
Còn với các nước đang phát triển, cần nhiều điện năng và đang trên con đường cải cách thị trường điện như Indonesia và Việt Nam nên tham khảo mô hình nào? Kinh nghiệm cải cách thị trường điện Úc có phù hợp không?
Trong bài viết này, tôi trình bày và triển khai các điểm chính trong bài giảng “Cải cách thị trường điện - Kinh nghiệm Úc và khuyến nghị cho Indonesia và Việt Nam” của mình ngày 1/3/2024 cho 15 đại diện từ các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan chính phủ, cơ quan lập kế hoạch phát triển, công đoàn, tổ chức tư vấn chính sách (think tank) cùng viện nghiên cứu của Đông Nam Á (ASEAN), Indonesia, Việt Nam, trong khuôn khổ một khóa tập huấn 2 tuần tại Úc vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2024 theo Chương trình học bổng hữu nghị Úc do Bộ Ngoại giao, Ngoại thương Úc (DFAT) tài trợ và trung tâm ClimateWorks thuộc Đại học Monash tại thành phố Melbourne (bang Victoria, Úc) chủ trì thực hiện. Bài viết cũng đặc biệt lưu ý hơn đến trường hợp của Việt Nam.
Thị trường điện Úc và kinh nghiệm cải cách:
Úc là quốc gia có sản lượng điện lớn so với quy mô dân số. Năm 2023, tổng sản lượng điện trên toàn quốc đạt trên 270 TWh (tỷ kWh - điện năng) cho xấp xỉ 27 triệu người. Vì lãnh thổ quá rộng và dân số tập trung vào những thành phố lớn ven biển, hệ thống điện Úc có trên 45.000 km đường dây truyền tải và gồm ba hệ thống riêng: Bắc Úc, Tây Úc và phần còn lại phía Đông và phía Nam.
Thị trường điện quốc gia Úc (NEM) thường được nhắc đến là phần lớn nhất, bao gồm hệ thống điện kết nối các bang, cũng như lãnh thổ phía Đông và Nam, gồm các bang Nam Úc, Victoria, Lãnh thổ thủ đô Úc (ACT), New South Wales, Queensland, Tasmania (nối với lục địa châu Úc thông qua hệ thống truyền tải cáp ngầm xuyên biển).
Trong năm 2023, NEM có tổng công suất phát điện đạt 78 GW (nghìn MW, kể cả điện mặt trời mái nhà) đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện 208 TWh và công suất phụ tải đỉnh 32,5 GW. Cơ cấu nguồn phát điện của NEM đa dạng với tỷ trọng sản xuất (năm 2022) của điện than chiếm xấp xỉ 58%, điện khí 6%, thuỷ điện 8%, điện gió và mặt trời 27%.
Ngành điện Úc tiến hành tái cơ cấu từ những năm đầu thập niên 1990 - 2000, bắt đầu bằng việc tách bạch các chức năng phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ điện, doanh nghiệp hóa và dần tư nhân hoá các đơn vị điện lực thuộc sở hữu nhà nước, xây dựng thị trường cạnh tranh, từ cấp độ tiểu bang rồi đến liên bang. NEM chính thức đi vào hoạt động kể từ cuối năm 1998.
1/ Thiết kế thị trường điện:
Các thị trường/cơ chế mua bán điện năng/dịch vụ điện năng. |
NEM có thiết kế cốt lõi đơn giản, độc đáo và ít thay đổi kể từ khi thành lập. Thị trường bán buôn của NEM không có thị trường ngày tới, không có cam kết tổ máy tập trung (các công ty phát điện tự quyết định khởi động hay ngừng tổ máy phát điện tham gia thị trường điện) và không có thị trường công suất như thường thấy trong nhiều thị trường điện khác trên thế giới.
Thị trường giao ngay (cho năng lượng - điện năng) theo mô hình gộp chung bắt buộc chào giá tự do, cho phép chào giá phía nhu cầu (thuỷ điện tích năng, khách hàng lớn) nhằm đảm bảo kết nối nhu cầu mua, bán điện đạt hiệu quả mua bán cao nhất trong thời gian 5 phút liên tiếp nhau. Cơ chế định giá điện cho mỗi thị trường giao ngay 5 phút là giá biên vùng (các tiểu bang) đồng nhất, dao động trong khoảng sàn giá là A$ -1000/MWh (âm 1000 đô la Úc) cho đến trần giá được điều tiết hàng năm là A$ 16,600/MWh (áp dụng cho năm tài chính 2023/24).
Các kế hoạch phát triển và huy động công suất trung và dài hạn hơn được thực hiện thông qua các thị trường hợp đồng tương lai đa dạng: Song phương trực tiếp, môi giới (OTC), hay sàn giao dịch năng lượng như ASX Energy. Các thị trường này mua bán nhiều loại hợp đồng điện như sai khác (CFD/swap), quyền chọn v.v... Các thành viên tham gia NEM sử dụng các hợp đồng điện tương lai này để quản lý rủi ro tài chính liên quan đến thị trường điện (như giá điện và công suất phát thực tế thay đổi không như dự báo).
Thị trường dịch vụ phụ trợ gồm 10 dịch vụ điều khiển tần số được đồng thời tối ưu hoá với các thị trường giao ngay, đảm bảo dù nhu cầu sử dụng và nguồn cung điện năng tăng, giảm nhỏ hay bất thường (như khi có sự cố mất nguồn, lưới hay phụ tải lớn) trong thời gian cực ngắn cho tới dưới 5 phút thì tần số điện vẫn hoạt động ổn định trong mức cho phép.
NEM giúp các thành viên tham gia thị trường quản lý rủi ro tài chính do chênh lệch giá điện khi mạng lưới truyền tải điện bị tắc nghẽn thông qua một dạng của thị trường quyền truyền tải là các quỹ chênh lệch giá điện giữa các vùng mua/tiêu thụ điện và các vùng bán/phát điện - gọi là tiền thừa thanh toán liên vùng IRSR (inter-regional settlement residues). Quyền chia IRSR cho từng quý của 12 quý tới (3 năm) được tổ chức đấu giá hàng quý.
Tuy không có thị trường công suất, nhưng NEM có các cơ chế quản lý công suất giúp dự báo, quản lý độ tin cậy, cũng như thông tin, cảnh báo về mức độ thiếu hụt công suất nhằm đảm bảo đầu tư kịp thời và đủ nguồn cung trong ngắn, trung, dài hạn, bao gồm: Trần giá giao ngay rất cao (A$ 16.600/MWh thể hiện giá trị phụ tải không được cung cấp, cao hơn 100 lần giá điện trung bình năm), Quy hoạch hệ thống tích hợp (hai năm một lần cho 30 năm tới), Báo cáo Cơ hội Điện lực (thường niên cho 10 năm tới), Nghĩa vụ Tin cậy của Công ty bán lẻ (thông qua việc có mua đủ hợp đồng điện tương lai cho phụ tải của mình), Đánh giá dự kiến đủ nguồn trung hạn (2 năm tới) và ngắn hạn (6 ngày tới), cơ chế dự phòng chiến lược v.v...
Úc phát triển thị trường bán lẻ điện theo lộ trình từ năm 1998. Năm 2002, các bang Victoria, New South Wales, ACT cho phép mọi khách hàng được tự do lựa chọn nhà cung cấp bán lẻ, nhưng vẫn duy trì biểu giá điều tiết cho khách hàng không muốn tham gia thị trường bán lẻ. Victoria là bang đầu tiên thực hiện thị trường bán lẻ hoàn toàn và loại bỏ biểu giá điều tiết từ năm 2009, rồi đến lần lượt các bang khác theo sau như Nam Úc (năm 2013), New South Wales (năm 2014) và vùng đông nam bang Queensland (năm 2015). Vào tháng 7/2019, chính quyền các bang, lãnh thổ NEM áp dụng lại các hình thức kiểm soát giá bán lẻ (trần giá) nhằm bảo vệ các khách hàng nhỏ, dễ bị tổn thương bởi tăng giá điện.
2/ Chuyển dịch năng lượng bền vững:
Chính phủ Úc đã ban hành nhiều chính sách phát triển năng lượng bền vững về môi trường. Năm 2001, Chính phủ ban hành mục tiêu năng lượng tái tạo 20% vào năm 2020 để thúc đẩy tăng cơ cấu NLTT. Chính sách giá phát thải khí carbon được áp dụng trong hai năm tài chính 2012/13 và 2013/14.
Vào ngày 8/9/2022, Chính phủ Úc luật hóa mục tiêu giảm 43% lượng phát thải khí nhà kính của Úc so với mức năm 2005 vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng không (NZE) vào năm 2050. Một số tiểu bang và vùng lãnh thổ của NEM còn đặt mục tiêu, chính sách phát triển bền vững riêng sớm và cao hơn như: ACT duy trì 100% NLTT từ năm 2020 và NZE vào năm 2030; Nam Úc đặt mục tiêu 100% NLTT vào năm 2030; Queensland đặt ra các mục tiêu NLTT vào các năm 2030, 2032 và 2035 lần lượt là 50%, 70% và 80%; Tasmania ban hành mục tiêu 150% NLTT vào năm 2030 và 200% vào năm 2040, và NZE vào năm 2030; Victoria đặt mục tiêu NLTT đạt 65% vào năm 2030 và 95% vào năm 2035, và NZE vào năm 2045.
Với các mục tiêu bền vững sớm và cao như vậy, kịch bản “Thay đổi vượt bậc” (Step change), kịch bản cơ sở kỳ vọng của Quy hoạch hệ thống tích hợp năm 2022 dự báo đến năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo của NEM sẽ là 83% và 98% vào năm 2050. Tổng công suất lắp đặt của các nguồn phát điện quy mô lưới điện của NEM (tức là không bao gồm hệ thống lưu trữ và mặt trời phân tán quy mô nhỏ) cần tăng từ 60 GW trong năm 2022 - 2023 lên 173 GW vào năm 2050 và sẽ bổ sung thêm 125 GW điện gió và mặt trời quy mô lưới điện mới lên tổng công suất 141 GW vào năm 2050.
3/ Cơ cấu quản trị:
Cơ cấu quản trị của NEM gồm các cơ quan hoạt động độc lập và phi lợi nhuận, với ba cơ quan chính: AEMO vận hành hệ thống điện và thị trường điện; AEMC quản lý các quy định và thay đổi quy định thị trường; AER giám sát việc thực thi, tuân thủ các quy định thị trường và điều tiết kinh tế lưới điện. AEMC và AER được thành lập năm 2005. AEMO thành lập năm 2009 để quản lý cả NEM và các thị trường khí Úc. Trước đó, NECA là cơ quan đảm nhiệm phần lớn các chức năng quản trị của AEMC và AER từ năm 1996 đến 2005. Cơ quan tiền nhiệm của AEMO là NEMMCO, vận hành NEM từ năm 1998 đến 2009.
Năm 2017, Ban An ninh Năng lượng (ESB) được thành lập để tập trung vào các vấn đề an ninh năng lượng. Với các thành viên từ AEMC, AER, AEMO và cộng tác với các cơ quan quản trị này, ESB đã và đang điều phối chương trình cải cách thị trường điện mới ở Úc - Thiết kế thị trường điện sau năm 2025, bao gồm xem xét thị trường công suất, thị trường một số dịch vụ phụ trợ mới, thị trường thúc đẩy các nguồn điện phân tán quy mô nhỏ (mặt trời, lưu trữ năng lượng) v.v... để đưa vào vận hành sau năm 2025. Gần đây hơn, vào năm 2023, Bộ Biến đổi Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước (DCCEEW) của Chính phủ liên bang Úc cũng đóng vai trò nổi bật hơn vào chương trình cải cách mới này.
4/ Kết quả vận hành:
Nhìn chung, trong hơn 20 năm, NEM có kết quả vận hành khá tốt. Thị trường điện được báo cáo là cải thiện hiệu suất, hiệu quả ngành điện thông qua phương thức làm việc được cải tiến và các nhà máy điện có độ tin cậy cao hơn. Thị trường bán lẻ xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh, sản phẩm dịch vụ mới. Tất cả là nhờ áp lực cạnh tranh ngày càng tăng.
Giá điện bán buôn có xu hướng tăng theo thời gian, nhưng cũng có giai đoạn giảm sâu phản ánh thay đổi cung - cầu, chi phí nhiên liệu đầu vào tăng và các chính sách năng lượng. Giá điện bán lẻ vì thế cũng thay đổi theo tương ứng, cộng thêm chi phí lưới điện, chi phí bán lẻ tăng nên có xu hướng tăng trưởng vượt mức tăng của thu nhập.
Khách hàng tiêu thụ điện có nhiều lựa chọn công ty cung cấp dịch vụ bán lẻ điện phù hợp với mình. Các tiểu bang lớn như New South Wales, Queensland, Victoria, Nam Úc mỗi bang có ít nhất 25 công ty bán lẻ điện. Tiểu bang và vùng lãnh thổ nhỏ hơn như Tasmania có 4 và ACT có 8 nhà cung cấp.
NEM có mật độ thị trường bán lẻ điện lớn, với ba công ty lớn là Origin Energy, AGL Energy, EnergyAustralia duy trì 60 - 70% thị phần các phân khúc thị trường bán lẻ điện (dân dụng, doanh nghiệp nhỏ và khách hàng lớn). Các đại công ty này cũng là những nhà cung cấp khí đốt chủ chốt và là đều là các công ty phát - lẻ (gentailer) sở hữu các nhà máy điện riêng có thị phần đáng kể trong thị trường bán buôn điện. Xu hướng tích hợp dọc này trong NEM cũng gây quan ngại về vấn đề quyền lực thị trường (market power) có khả năng thao túng giá thị trường.
Thông qua các công cụ chính sách và cơ chế thị trường, ngành điện Úc đã dần hiện thực hóa các mục tiêu bền vững về môi trường đã đề ra.
Tại sao Indonesia và Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm Úc?
Thứ nhất: NEM là thị trường bán lẻ điện hoàn toàn - tức là ở giai đoạn cuối của cải cách thị trường điện với thị trường bán buôn điện hoàn chỉnh và khách hàng được tự do lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ điện trong thị trường bán lẻ điện. Đây là đích đến cho các nước đang tiến hành cải cách thị trường điện.
NEM có mức độ minh bạch cao trong thiết kế, quản trị, thiết kế lại, cũng như tiến trình quản lý các thay đổi. Các kinh nghiệm của Úc được đánh giá là “mở”, có nhiều tài liệu dễ truy cập cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân quan tâm có thể tìm hiểu, nghiên cứu.
Thứ hai: Như đã trình bày chi tiết ở trên, NEM có thiết kế chính đơn giản, ít thay đổi và có cơ cấu quản trị độc lập, khá hiệu quả, nên có tính thực dụng và dễ vận dụng hơn cho các nước đi sau. Đặc biệt:
Thứ ba: Hệ thống điện Úc có nhiều điểm tương đồng với Indonesia và Việt Nam. Về quy mô, cả ba đều có tổng tiêu thụ điện năng trên 200 TWh, trong đó: NEM đạt 208 TWh và Việt Nam đạt 251 TWh vào năm 2023; Indonesia đạt 242 TWh (năm 2021) trên quy mô cả nước, nhưng tổng tiêu thụ của các cụm đảo chính gần nhau là Java - Mandura - Bali và Sumatra chiếm đa số với 213 TWh. Cơ cấu nguồn phát của ba nước đa dạng với điện than chiếm tỷ trọng lớn, có thuỷ điện, điện khí, điện tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối v.v...). Do đặc điểm địa lý, cả ba nước đều có hệ thống truyền tải rất dài, trên 40.000 km.
Dù điện than chiếm tỷ trọng chính, cả ba nước cam kết đặt mục tiêu bền vững môi trường cao. Úc và Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng không trước, hoặc vào năm 2050. Indonesia đặt mục tiêu này trước 2060. Cả ba đang, hoặc sẽ phải đương đầu với các thử thách về vận hành an ninh trong ngắn hạn và đủ nguồn trong dài hạn của hệ thống điện do sự gia tăng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo và giảm dần điện than.
Kinh nghiệm vận hành và thiết kế lại NEM để đáp ứng các mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững sớm và cao hơn của Úc sẽ tạo tiền lệ quý giá cho Indonesia, Việt Nam tham khảo.
Tổng quan hiện trạng cải cách thị trường điện Việt Nam:
Việt Nam đã có quyết sách cải cách thị trường điện từ sớm. Điều này thể hiện rõ trong Luật Điện lực (các năm 2004, 2012, 2022), Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị (năm 2020) và nhiều quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về thiết kế và lộ trình thực hiện thị trường điện (các năm 2013, 2015, 2020).
Việt Nam chính thức vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) từ năm 2019 đến nay sau nhiều năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ năm 2012. Tuy đạt được một số thành tựu như: Cơ bản đảm bảo an ninh cung cấp điện trong giai đoạn 2012 - 2022; tăng cường vận hành hệ thống điện, thị trường điện hiệu quả, minh bạch, bình đẳng; tăng dần thu hút đầu tư tư nhân, nước ngoài và bước đầu phát triển bền vững cơ cấu nguồn điện. Nhưng cải cách thị trường điện Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, thách thức.
VWEM vẫn chưa hoàn chỉnh với mức độ tham gia thực sự vào thị trường điện còn thấp. Việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thuộc Quy hoạch điện chậm tiến độ và không cân đối. Cơ chế giá bán lẻ điện hiện hành chưa tính đúng, tính đủ, kịp thời theo thay đổi chi phí đầu vào cùng với các thành phần khác. Thị trường bán lẻ điện vẫn chưa thực hiện thí điểm theo như lộ trình đã được duyệt.
Việt Nam chưa có thị trường bán buôn điện đúng nghĩa, vẫn chỉ là thị trường cạnh tranh về phát điện (mô hình Một người mua), vì các đơn vị mua buôn điện để cung cấp dịch vụ bán lẻ điện vẫn thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn chủ yếu độc quyền trong mua buôn và bán lẻ điện.
Theo thiết kế VWEM hoàn chỉnh được phê duyệt năm 2015, ngành điện cần thực hiện chào giá tự do hơn, cơ chế định giá biên theo miền cho thị trường giao ngay, quyền truyền tải tài chính (FTR), thị trường dịch vụ phụ trợ cho điều khiển tần số đồng tối ưu với thị trường giao ngay. Do đó, VWEM cần phát triển nhanh các cơ chế thị trường hợp đồng tương lai để giúp các thành viên tham gia thị trường được chủ động mua bán điện và quản lý rủi ro tài chính.
Quy hoạch điện VIII dự báo ngành điện sẽ phát triển mạnh mẽ với sản lượng điện thương phẩm đạt 505 tỷ kWh điện - gấp đôi năm 2023 vào năm 2030 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030 và gần gấp 5 lần năm 2023 vào năm 2050 cho tăng trưởng GDP 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu sản xuất điện sẽ đạt 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và định hướng lên tới 67,5 - 71,5% vào năm 2050. Tổng dự toán đầu tư nguồn và lưới điện cần khoảng 135 tỷ USD cho giai đoạn 2021 - 2030 và 399 - 523 tỷ USD cho giai đoạn 2031 - 2050.
Để có thể thu hút vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển rất lớn như Quy hoạch điện VIII và để thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế là sẽ xây dựng, triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời phối hợp với các nước để hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, Việt Nam cần các cơ chế thị trường điện phù hợp, xứng tầm. Quyết định 215/QĐ-TTg mới đây (ngày 1/3/2024) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khẳng định điều này.
Khuyến nghị:
Như vậy, Indonesia và Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm Úc để đạt được các mục tiêu chính của ngành điện, đặc biệt trong bối cảnh đang tiến hành xây dựng thị trường điện đồng thời lại phải đối diện nhiều mục tiêu, thách thức mới của chuyển dịch năng lượng bền vững. Trong số rất nhiều điểm đáng tham khảo từ kinh nghiệm cải cách thị trường điện Úc, tôi đề ra 3 khuyến nghị cơ bản và chủ yếu như sau:
Thứ nhất: ‘Làm đúng việc’ (‘do right things’). Mỗi nước cần xác định rõ, cụ thể hoá các mục tiêu của ngành điện, ngành năng lượng của mình, cũng như xem xét mức độ ưu tiên, cân nhắc được - mất, xung đột lợi ích - chi phí giữa các mục tiêu chính: Tin cậy kỹ thuật, bền vững môi trường và hiệu quả kinh tế.
Một khi đã lựa chọn thị trường điện làm ‘phương tiện’ để đạt các mục tiêu đã đề ra thì cần xem cải cách thị trường điện là dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên hàng đầu để thiết kế lại thị trường điện có xem xét viễn cảnh NLTT tăng cao và nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, khí, dầu) giảm dần và để nhanh chóng tiến hành thực hiện cải cách.
Trong việc xem xét lựa chọn lộ trình cải cách, thiết kế thị trường điện phù hợp, cần lưu ý không có mô hình cải cách duy nhất nào phù hợp cho mọi quốc gia. Hãy cẩn thận với việc rập khuôn hay chọn những hợp phần tốt nhất từ các thiết kế hình mẫu khác mà nên tùy chỉnh chúng cho phù hợp với đặc điểm chính trị, xã hội, kinh tế, tài chính và năng lực của riêng mình.
Để làm tốt các công việc này, mỗi nước cần xem xét có sự đánh giá toàn diện của chuyên gia/ban cố vấn độc lập và thành lập cơ quan chuyên trách thực thi cải cách.
Từ đầu thập niên 1990 - 2000, Úc đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành điện rõ ràng và đã quyết tâm thực hiện cải cách. Dù tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Úc đã chọn cho mình thiết kế thị trường điện đơn giản và độc đáo. Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng bền vững, Úc đã không ‘ngủ yên’ mà sớm chuẩn bị và tiến hành cải cách, thiết kế lại thị trường điện kể từ năm 2017 cho sau năm 2025.
Thứ hai: Xây dựng cơ cấu quản trị hiệu quả. Mỗi nước cần thiết lập và hoàn thiện khung pháp lý gồm luật và các quy định thị trường điện để hỗ trợ thị trường điện. Cần lưu ý việc phối hợp giữa các chức năng tham mưu chính sách, xây dựng và điều chỉnh luật, xây dựng và quản lý các quy định liên quan thị trường điện, phát triển điện lực, thiết kế thị trường điện, giám sát thực thi, tuân thủ quy định, điều tiết thị trường điện, vận hành thị trường, vận hành hệ thống điện để đảm bảo các mục tiêu tin cậy, bền vững và hiệu quả.
Mỗi nước nên hướng tới việc thành lập các cơ quan quản trị độc lập, phi lợi nhuận để tránh xung đột lợi ích và tránh những quyết định sai lầm thông qua việc có thể kiểm tra, cân bằng lẫn nhau. Mô hình cơ cấu quản trị thị trường điện Úc với các cơ quan độc lập, minh bạch, không thiên vị, có năng lực, nhất quán, thực tiễn và biết tôn trọng, hỗ trợ cho cạnh tranh và phát minh đổi mới, phục vụ khách hàng đã góp phần quan trọng, chính yếu trong kết quả vận hành khá tốt của NEM, là mô hình đáng được xem xét.
Thứ ba: Tăng tốc phát triển các năng lực cần thiết cho cải cách thị trường điện và cho việc quản lý cải cách. Đây là yếu tố then chốt cho ‘làm đúng việc’ và là nền tảng của cơ cấu quản trị hiệu quả.
Mỗi nước cần xây dựng năng lực cho các chức năng quản trị thị trường điện, cũng như vận hành thương mại trong thị trường điện. Năng lực cần được xây dựng dựa trên cơ sở am hiểu kiến thức liên ngành liên quan mật thiết đến thị trường điện (như kỹ thuật hệ thống điện, kinh tế, thương mại, quản lý), cũng như từ những kinh nghiệm thực tiễn của các nước đi trước.
Để thực hiện cải cách thành công, ngoài xây dựng năng lực để đề ra các giải pháp phù hợp mang tính chuyên môn, cần chú trọng xây dựng các năng lực quản lý cải cách, bao gồm: Truyền đạt tầm nhìn, tính cấp bách, ưu tiên, lợi ích của cải cách, đánh giá mức độ sẵn sàng và xây dựng sự đồng thuận, cam kết cho những người tham gia thực hiện cải cách, cũng như những người chịu sự tác động của cải cách.
Phát triển năng lực đòi hỏi vai trò chủ động, đi đầu của các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu, các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản trị thị trường điện và các công ty năng lượng.
Úc đã phải mất nhiều năm để phát triển những năng lực này. Các nước đi sau như Indonesia và Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo, học hỏi nhanh hơn từ Úc./.
TS. THÁI DOÃN HOÀNG CẦU
[*] Về tác giả:
Thái Doãn Hoàng Cầu là tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện Úc.
Ông là tác giả của cuốn sách "Thị trường điện: Các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý" do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản vào tháng 10 năm 2022. Cuốn sách 20 chương, 750 trang này cung cấp những kiến thức liên ngành và kinh nghiệm thực tiễn cần biết nhằm giúp ngành điện Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho thị trường điện.
Tham khảo:
AER (2023). State of energy markets. Australian Energy Regulator.
Biggar, D. and Hesamzadeh, M. (2014). The Economics of Electricity Markets. Wiley - IEEE.
Cầu, T. D. H. (2022). Thị trường điện: Các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý chiến lược. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
Cầu, T. D. H. (2022). Thị trường điện lực bền vững ở Việt Nam?. Tia sáng, 19:20–24, 05/10/2022. https://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem/thi-truong-dien-luc-ben-vung-o-viet-nam/
Cầu, T. D. H. (2023). Bốn vấn đề nan giải của ngành điện. Chuyên mục Tâm điểm. Dân trí, 29/05/2023. https://dantri.com.vn/tam-diem/bon-van-de-nan-giai-cua-nganh-dien-20230526105311936.htm
Cầu, T.D.H. (2023). Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện. Chuyên đề Gỡ nút thắt điện khí để "điện đi trước một bước". PetroTimes - Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam. 23/10/2023. https://petrotimes.vn/bai-11-ts-thai-doan-hoang-cau-phat-trien-dien-luc-hieu-qua-ben-vung-can-cac-co-che-thi-truong-dien-696765.html
Cầu, T.D.H. (2023). Nên tiến hành cải cách thị trường điện như thế nào?. Tạp chí Năng lượng Việt Nam. 4/12/2023. https://nangluongvietnam.vn/nen-tien-hanh-cai-cach-thi-truong-dien-viet-nam-nhu-the-nao-31895.html
Cầu, T. D. H. (2024). Electricity market reform: Australia experience and recommendations for Indonesia and Vietnam. One-hour lecture for Just Energy Transition Program - Australian Award Fellowship. Climateworks Centre, Monash University. Delivered on 1/3/2024.
IEA (2022). Enhancing Indonesia’s Power System. IEA, Paris. https://www.iea.org/reports/enhancing- indonesias-power-system. Licence: CC BY 4.0
Thorpe, G. (2022). Back to the future. Oakley Greenwood technical note. 31/10/2022. https://oakleygreenwood.com.au/back-to-the-future
Viện Năng lượng (2023). Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thuyết minh chung. Viện Năng lượng - Bộ Công Thương.