RSS Feed for Nên tiến hành cải cách thị trường điện Việt Nam như thế nào? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 13/10/2024 15:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nên tiến hành cải cách thị trường điện Việt Nam như thế nào?

 - Để có thêm ý kiến góp ý, tư vấn, phản biện về cải cách thị trường điện Việt Nam, Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Thái Doãn Hoàng Cầu - Tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện, đã có trên 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu, làm việc trong thị trường điện Úc và là tác giả cuốn sách “Thị trường điện: Các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý” [*]. Rất mong nhận được sự chia sẻ, thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.
Giá điện Việt Nam ở mức nào là hợp lý? Giá điện Việt Nam ở mức nào là hợp lý?

Ngày 9/11 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện việc tăng giá điện lần thứ hai trong năm 2023. Sau lần điều chỉnh này, dư luận đặc biệt quan tâm tới câu hỏi: Vậy, giá điện ở mức nào là hợp lý và ở mức nào thì EVN mới có thể cân đối được thu, chi? Để làm rõ thêm nội dung này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có bài viết tổng hợp, phân tích và đề xuất giải pháp dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay

Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích, đánh giá, kiến nghị các nội dung liên quan đến thị trường điện và chính sách giá điện Việt Nam. Cụ thể là các giải pháp mà ngành điện đã thực hiện, đạt kết quả, cũng như những tồn tại cần khắc phục và kiến nghị giải pháp cần tiếp tục triển khai để đảm bảo các mục tiêu an ninh cung cấp điện, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Thị trường điện là giải pháp, động lực và trách nhiệm:

Những khó khăn, thử thách của tình trạng thiếu điện vừa qua trong năm 2023 tuy mang lại nhiều hệ lụy, nhưng cũng là dịp để ngành điện, các cơ quan có trách nhiệm đánh giá, nhìn nhận lại các ưu, nhược điểm để khắc phục và tiến lên phía trước.

Theo quan sát của tôi, hiện nay ở Việt Nam đã có sự đồng thuận rằng: Thị trường năng lượng, thị trường điện cạnh tranh là hướng đi đúng đắn, cần tiến hành khẩn trương để làm tiền đề phát triển bền vững kinh tế, xã hội đất nước.

Sự đồng thuận này thể hiện qua báo cáo ngày 12/10/2023 của Đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Trong đó, Đoàn giám sát kiến nghị nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho phát triển năng lượng, điện lực trong giai đoạn tiếp theo cho các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương liên quan là “nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh”.

Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện và phát sóng ngày 27/10/2023 tập phim tài liệu “Khát vọng phát triển lĩnh vực năng lượng, tập 2 - Khát vọng chuyển đổi xanh” ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, đại diện ngành điện. Một trong những thông điệp chính của tập phim tài liệu là: Thị trường điện cạnh tranh là nút thắt cần tháo gỡ, nhưng đồng thời cũng là giải pháp, khát vọng chuyển đổi của ngành điện hướng tới kinh tế xanh.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp ngày 31/10/2023 với sự tham dự của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, năng lượng. Theo đó, các khách mời cho rằng: Giá điện cần được tính đúng, tính đủ một cách hiệu quả kinh tế, ngưng bao cấp và theo cơ chế thị trường một cách nhanh chóng. ​​

Như vậy, trong bối cảnh việc thực hiện thị trường điện hiện tại còn vướng mắc, chậm tiến độ so với lộ trình đề ra, đồng thời lại phải đối diện nhiều mục tiêu, thách thức mới, nên tiến hành cải cách thị trường điện như thế nào để đạt hiệu quả?

Cải cách thị trường điện là thay đổi toàn diện, phức tạp, có quy mô và tác động rất lớn:

Ngành điện Việt Nam hiện nay có quy mô lớn thứ hai Đông Nam Á về tổng tiêu thụ điện năng và tương đồng với Úc về nhiều mặt. Quy hoạch điện VIII dự báo ngành điện sẽ phát triển mạnh mẽ với sản lượng điện thương phẩm đạt 505 tỷ kWh điện - tức gấp đôi năm 2022 vào năm 2030 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030 và gấp năm lần năm 2022 vào năm 2050 cho tăng trưởng GDP 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050. Tổng dự toán đầu tư nguồn và lưới điện cần khoảng 135 tỷ USD cho giai đoạn 2021 - 2030, và 399 - 523 tỷ USD cho giai đoạn 2031 - 2050.

Việt Nam đang vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức từ năm 2019, đến nay sau nhiều năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ năm 2012, ngành điện đã đạt được các mục tiêu đề ra ban đầu:

- Cơ bản đảm bảo an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn 2012 - 2022.

- Từng bước tăng cường tính minh bạch, bình đẳng (không phân biệt đối xử) trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, định giá góp phần tối ưu chi phí toàn hệ thống,

- Tăng dần thu hút các nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài tham gia thị trường điện.

- Bước đầu phát triển bền vững cơ cấu nguồn điện.

Tuy nhiên, cho đến nay, cải cách thị trường điện còn nhiều bất cập, thách thức. Thị trường bán buôn điện vẫn chưa hoàn chỉnh với mức độ tham gia thực sự vào thị trường điện còn thấp. Việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thuộc Quy hoạch điện chậm tiến độ và không cân đối. Cơ chế giá bán lẻ điện hiện hành chưa tính đúng, tính đủ, kịp thời theo thay đổi chi phí đầu vào cùng với các thành phần khác. Thị trường bán lẻ điện vẫn chưa thực hiện thí điểm theo như lộ trình đã được duyệt.

Chúng ta vẫn chưa có thị trường bán buôn điện đúng nghĩa, vẫn chỉ là thị trường cạnh tranh về phát điện, vì các đơn vị mua buôn điện để cung cấp dịch vụ bán lẻ điện vẫn thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn chủ yếu độc quyền trong mua buôn và bán lẻ điện.

Để có thể thu hút vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển rất lớn như Quy hoạch điện VIII đã dự báo, Việt Nam cần các cơ chế thị trường điện phù hợp, xứng tầm. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đối chiếu với hiện trạng thị trường điện Việt Nam, tôi cho rằng: Các điều kiện cần chủ yếu để Việt Nam có thể tiến tới một thị trường bán lẻ điện cạnh tranh - cấp độ cuối của cải cách thị trường điện, bao gồm:

Đầu tiên: Cơ sở pháp lý đủ mạnh. Luật Điện lực cần được sửa đổi theo hướng thông thoáng và trao thẩm quyền nhiều hơn cho Chính phủ, các cơ quan quản trị ngành năng lượng, điện lực để điều chỉnh, cập nhật các quy định điện lực kịp thời với thay đổi nhanh chóng của thực tế. Thậm chí, xem xét thay thế quy định về thực hiện quy hoạch (sẽ nêu ở điểm thứ ba dưới đây).

Thứ hai: Cơ chế quản trị thị trường điện phù hợp. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã có quyết định của cấp có thẩm quyền tách ra khỏi EVN chuyển thành Công ty TNHHMTV thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và chuyển về Bộ Công Thương để thực hiện chức năng vận hành thị trường điện và hệ thống điện độc lập, minh bạch, phi lợi nhuận. Các chức năng quản trị khác như: Tham mưu chính sách, thiết kế, lập và quản lý quy định thị trường điện, điều tiết thị trường điện cũng cần hoạt động độc lập, có đủ thẩm quyền và nguồn lực để xây dựng, vận hành các cơ chế thị trường điện.

Thứ ba: Thị trường bán buôn điện cần hoàn chỉnh như thiết kế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015, đồng bộ và liên thông với thị trường, hoặc cơ chế quản lý của các phân ngành khác của ngành năng lượng như than, khí. Đồng thời, cần xem xét điều chỉnh thiết kế lại thị trường điện có tính đến mức độ thâm nhập rất lớn của năng lượng tái tạo trong tương lai, sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh và tin cậy hệ thống điện. Trong đó, nên xem xét và lựa chọn một cơ chế thị trường công suất phù hợp để có thể thay thế cơ chế Quy hoạch điện tập trung hiện hành, nhằm đảm bảo độ tin cậy dài hạn, đủ công suất và năng lượng cho trong tương lai.

Về bản chất, thị trường công suất giống các quy hoạch điện trong việc xác định thiếu hụt công suất nguồn, lưới cho tương lai, nhưng sẽ được tiến hành với chu kỳ ngắn hơn (như hàng năm, hoặc mỗi hai năm) thay vì 5 năm như các quy hoạch điện kèm với thủ tục kế hoạch thực hiện quy hoạch dài hạn, tập trung hiện nay. Với chu kỳ ngắn hơn, thị trường công suất giúp hệ thống điện sớm có đủ công suất linh hoạt cần thiết từ các nguồn có thể điều khiển được như thủy điện, nhà máy điện khí, thiết bị lưu trữ năng lượng, đáp ứng nhanh phía nhu cầu nhằm tích hợp và bình ổn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện.

Thứ tư: Thực hiện các hạng mục tái cơ cấu đã đề ra theo lộ trình được phê duyệt, trong đó:

- Nhanh chóng tách chức năng dịch vụ lưới điện phân phối và dịch vụ bán lẻ.

- Cho phép các nhà đầu tư nhà nước và tư nhân mới tham gia cạnh tranh trong khâu cung cấp dịch vụ bán lẻ điện.

- Đảm bảo tính mở, công bằng trong truy cập các dịch vụ lưới truyền tải và phân phối cho tất cả các công ty bán lẻ điện, cũng như khách hàng sử dụng điện lớn có đủ năng lực muốn tham gia thị trường điện.

Thứ năm: Phát triển đội ngũ lãnh đạo, nhân lực am hiểu thị trường điện, chuyển đổi năng lượng bền vững để ra chính sách, thiết kế, xây dựng và tham gia vận hành thương mại thị trường điện phù hợp và hiệu quả cho Việt Nam.

Với các hạng mục nêu trên, cải cách ngành điện để tiến tới thị trường bán lẻ điện là một công cuộc chuyển đổi toàn diện, phức tạp, quy mô lớn, có tác động rất lớn đến nhiều tổ chức, con người trong ngành điện, cũng như đến toàn bộ nền kinh tế, xã hội Việt Nam.

Cải cách thị trường điện cần là dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên hàng đầu:

Để thực hiện thành công, cải cách thị trường điện cần được quan tâm, đầu tư đúng mức. Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch điện VIII đã liệt kê danh mục các dự án ưu tiên, chủ yếu bao gồm các dự án phát triển nguồn và lưới điện cụ thể trong Phụ lục II. Các đề án/dự án ưu tiên về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện chỉ được nêu một cách chung chung, chưa cụ thể trong Phụ lục I.

Tôi cho rằng: Cải cách thị trường điện cần nhanh chóng được xem xét định danh, phân loại cụ thể, riêng biệt và rõ ràng (nếu chưa) là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành năng lượng cần ưu tiên hàng đầu. Thật vậy, cải cách thị trường điện thỏa mãn nhiều tiêu chí và luận chứng của dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện quy định tại Mục V, Điều 1 của Quyết định 500/QĐ-TTg. Đặc biệt là các tiêu chí “đảm bảo an ninh cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội”, “đảm bảo tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực và các quy hoạch năng lượng khác”, “đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện quốc gia giữa nguồn điện chạy nền, nguồn điện năng lượng tái tạo và phụ tải (thủy điện tích năng, pin lưu trữ năng lượng...)” và “hiệu quả kinh tế, xã hội cao”.

Với quy mô lớn của thị trường điện Việt Nam, cơ chế mua bán điện không phù hợp sẽ dẫn đến những rủi ro rất lớn cho toàn xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy: Những thay đổi, hay bất định trong chính sách năng lượng, thiết kế và cơ chế vận hành thị trường điện là một trong những rủi ro lớn nhất với đối với các nhà đầu tư phát triển điện lực, các công ty tham gia thị trường điện lực và cả khách hàng.

Khuyến nghị: Cần một cơ quan chuyên trách thực hiện cải cách bài bản, khoa học:

Với tầm quan trọng, quy mô lớn và tính chất phức tạp, dự án cải cách thị trường điện cần được tiến hành một cách bài bản, khoa học. Khoa học quản lý thay đổi (change management) đề xuất một khung tiến trình tổng quát để thực hiện thay đổi một tổ chức, có thể là phòng, ban, cả công ty, tập đoàn, hay cải cách toàn diện một ngành công nghiệp, như minh họa trong sơ đồ khá trực quan, dễ hiểu dưới đây.

Nên tiến hành cải cách thị trường điện Việt Nam như thế nào?

Theo đó, điểm cần nhấn mạnh của tiến trình này là: Để thực hiện thay đổi thành công, ngoài việc đề ra các giải pháp phù hợp mang tính chuyên môn, việc đánh giá mức độ sẵn sàng và xây dựng sự đồng thuận, cam kết tham gia thay đổi là các nhiệm vụ không kém quan trọng.

Để thực hiện cải cách thị trường điện thành công, cần nhiều giải pháp chuyên môn phù hợp và đồng bộ về pháp luật, chính sách, tài chính, khoa học - công nghệ, tổ chức và nhân lực, v.v... như đã nêu trên nhằm san bằng khoảng trống giữa tầm nhìn và thực trạng.

Đối với cải cách rất phức tạp của ngành điện, tôi cho rằng: Cần có các giải pháp xây dựng cam kết tham gia thực hiện cải cách phù hợp cho những người tham gia và chịu sự tác động của cải cách. Phát triển năng lực thực hiện, trong đó phát triển nguồn nhân lực là cốt lõi.

Một số nước trong khu vực quanh ta đã thành lập những tổ chức chuyên trách thực hiện cải cách thị trường điện cho công cuộc chuyển đổi năng lượng bền vững, ít phát thải khí nhà kính của riêng họ. Với quy mô thị trường điện tương đồng Việt Nam, Úc có Ban An ninh Năng lượng (Energy Security Board) để điều phối nhiều chương trình cải cách thị trường điện từ tháng 8/2017 nhằm thiết kế mới, nâng cấp thị trường năng lượng cho sau năm 2025.

Malaysia là quốc gia có hiện trạng cải cách thị trường điện khá giống Việt Nam. Họ đã có một cơ quan chuyên trách hoạch định, quản lý và điều phối cải cách ngành điện là MyPOWER (Malaysia Program Office for Power Electricity Reform Corporation). Hiện quốc gia này đang có những bước chuẩn bị và hành động khẩn trương để cải cách thị trường điện toàn diện cho sau năm 2030.

Ngày 22/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1447/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng. Với vị thế, quy mô và khát vọng phát triển của Việt Nam, tôi cho rằng: Chính phủ cần nhanh chóng thiết lập một tổ chức chuyên trách phù hợp quản lý, điều phối dự án cải cách thị trường điện Việt Nam (Cơ quan chuyên trách) để không bị chậm lại phía sau các nước trong khu vực./.

TS. THÁI DOÃN HOÀNG CẦU

[*] Cuốn sách "Thị trường điện: các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý" do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản vào tháng 10 năm 2022. Cuốn sách 20 chương, 750 trang này cung cấp những kiến thức liên ngành và kinh nghiệm thực tiễn cần thiết nhằm giúp ngành điện Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho thị trường điện.


Tham khảo:

Báo điện tử Chính phủ - (2023): Tọa đàm "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp" trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 31/10/2023. https://baochinhphu.vn/toa-dam-tinh-dung-tinh-du-de-co-gia-dien-phu-hop-102231101092620061.htm

Bộ Công Thương (2015): Quyết định 8266/QĐ-BCT ngày 10/8/2015 của Bộ Công Thương phê duyệt Thiết kế Chi tiết Thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.

Cầu, T. D. H. (2022): Thị trường điện: Các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý chiến lược. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Cầu, T. D. H. (2023): Bốn vấn đề nan giải của ngành điện (Chuyên mục Tâm điểm, Dân trí, 29/05/2023). https://dantri.com.vn/tam-diem/bon-van-de-nan-giai-cua-nganh-dien-20230526105311936.htm

Cầu, T.D.H. (2023): TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Những vấn đề cấp bách trong thực hiện thị trường điện Việt Nam (Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam - 7/8/2023). https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=78670

Cầu, T.D.H. (2023): Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện (Chuyên đề Gỡ nút thắt điện khí để "điện đi trước một bước". PetroTimes - Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam). https://petrotimes.vn/bai-11-ts-thai-doan-hoang-cau-phat-trien-dien-luc-hieu-qua-ben-vung-can-cac-co-che-thi-truong-dien-696765.html

Đức Minh (2023): World Bank: Việt Nam thiệt hại 1,4 tỷ USD vì thiếu điện (VnExpress - 10/8/2023). https://vnexpress.net/world-bank-viet-nam-thiet-hai-1-4-ty-usd-vi-thieu-dien-4640232.html

Quốc hội (2023): Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 (Tin hoạt động Quốc hội - Tổng thuật trực tiếp sáng 12/10: Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Cổng thông tin điện tử Quốc hội - 12/10/2023). https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=80852

Viện Năng lượng (2023): Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Thuyết minh chung - Viện Năng lượng - Bộ Công Thương).

VTV (2023): Tập 2 - Khát vọng chuyển đổi xanh (Đài truyền hình Việt Nam, phát sóng 27/10/2023). Video link: https://vtv.vn/video/khat-vong-phat-trien-linh-vuc-nang-luong-tap-2-647232.htm

Web page về ngành điện Malaysia: https://www.singlebuyer.com.my/MESI.php

Web page về thiết kế lại thị trường điện Úc cho sau 2025: https://esb-post2025-market-design.aemc.gov.au/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động