RSS Feed for Việt Nam không cần xây thêm nhà máy nhiệt điện than mới? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 23:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam không cần xây thêm nhà máy nhiệt điện than mới?

 - Từ vài ba năm nay các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã biết các đề xuất của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) về tăng cường phát triển nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiệt điện than với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và các khí độc hại khác ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu than để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chúng tôi cho rằng, đó là đề xuất đúng đắn, nếu có được những tính toán kinh tế - kỹ thuật chuẩn xác và những số liệu chứng minh thuyết phục. Tuy nhiên, những yêu cầu đó không những đã không được đáp ứng mà gần đây GreenID còn đưa ra cái gọi là "Bản thiết kế cho tương lai năng lượng sạch Việt Nam" với nội dung chủ yếu như sau:

Quy hoạch điện VII: Kẻ hủy diệt sức khỏe và môi trường?
Chưa thể thay nhiệt điện than bằng phong điện [Tạm kết]
Trao đổi với Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân về "đổi mới" năng lượng Việt Nam
Cần làm rõ vai trò nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam


"So với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, đến năm 2030 tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ khoảng 21% lên khoảng 30%; tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ khoảng 14,7% lên khoảng 22,8%; và giảm tỷ trọng của nhiệt điện than từ khoảng 42,6% xuống còn khoảng 24,4%.

Với việc thay đổi cơ cấu nguồn điện như đề xuất trên, GreenID tin rằng, sau năm 2020, Việt Nam có khả năng không cần xây dựng thêm các nhà máy điện than mới mà vẫn đảm bảo được hệ thống năng lượng an toàn và khả thi về kinh tế.

Bản thiết kế của GreenID chỉ ra 6 lợi ích quan trọng mang lại cho Việt Nam khi giảm điện than gồm: Tăng cường an ninh năng lượng do giảm tỷ lệ nhập khẩu than. Tránh được việc phải xây dựng thêm khoảng 30.000 MW nhiệt điện than vào năm 2030, tương đương khoảng 25 nhà máy điện than. Giảm được áp lực phải huy động 60 tỷ USD vốn đầu tư cho những dự án nhiệt điện than này. Tránh được việc đốt khoảng 70 triệu tấn than/năm tương ứng với 7 tỷ USD/năm cho việc nhập khẩu than. Giảm phát thải khoảng 116 triệu tấn CO2/năm so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, đưa Việt Nam theo đúng với mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước. Ước tính kịch bản này sẽ giúp tránh được khoảng 7.600 ca tử vong sớm hằng năm vào năm 2030 so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chi phí cho vấn đề sức khỏe và môi trường nếu tiếp tục phát triển các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch Điện VII hiện nay có thể lên tới 15 tỷ USD vào năm 2030. Tính toán này dựa vào điện lượng từ nhiệt điện đốt than vào năm 2030 là 311 TWh. Cũng theo IMF, chi phí xã hội và môi trường ở Việt Nam lên tới 2,26 USD/GJ (tương đương với 8,07 đô la Mỹ/1MWh) đối với than, 0,12 USD/GJ cho khí đốt tự nhiên và CO2 được định giá ở mức 35 USD/tấn". (Hết trích dẫn)

Người viết bài sẽ bình luận nội dung trên theo ba vấn đề dưới đây:

Một là: Theo đề xuất của GreenID thì cơ cấu nguồn điện nước ta năm 2030 sẽ là:

Tổng nhu cầu (theo QHĐ VII hiệu chỉnh): 572 TWh, trong đó nhiệt điện than 24,4% bằng 140 TWh (tương ứng 25 GW), nhiệt điện khí 22,8% - 130 TWh (tương ứng 26 GW), năng lượng tái tạo chiếm 30% - 171 TWh (tương ứng 77 GW).

Như vậy, theo đề xuất này, đến năm 2030 so với kịch bản trong QHĐ VII (kịch bản BAU) sẽ giảm được 30 GW nhiệt điện than, nhưng phải tăng thêm 7 GW nhiệt điện khí (từ 19 GW lên 26 GW) sử dụng LNG nhập khẩu và 50 GW (từ 27 GW lên 77 GW) nguồn điện từ năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió và mặt trời).

Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là giảm được đầu tư nguồn nhiệt điện than dẫn tới giảm tiêu thụ than nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính và các khí độc hại khác mà phải phải tính đến nguồn vốn đầu tư vào 50 GW năng lượng tái tạo (nếu kể từ thời điểm này khi trong hệ thống điện của ta công suất nguồn điện này hầu như chỉ là con số không thì trong 12 năm nữa phải xây dựng 77 GW) cùng với hệ thống lưới điện đấu nối tích hợp chúng với hệ thống điện quốc gia và 7 GW nguồn điện khí cùng với lượng LNG tăng thêm để đưa vào tính toán chi phí biên dài hạn (long run marginal cost) mà so sánh hiệu quả kinh tế giữa kịch bản của QHĐ VII hiệu chỉnh với kịch bản của GreenID.

Ngoài ra, theo kịch bản GreenID thì lượng phát thải CO2 sẽ giảm được tới hơn 50% so với kịch bản QHĐ VII hiệu chỉnh thì cũng cần tính đến vốn đầu tư cho nguồn công suất dự phòng.

Theo tính toán của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới trong tài liệu "Tích hợp các mục tiêu năng lượng tái tạo vào hệ thống điện của Việt Nam" thì để giảm 10% nhiệt điện than dẫn tới giảm phát thải thêm 25% so với kịch bản BAU cần đầu tư thêm 12 tỷ US$ cho nguồn công suất dự phòng.

Tóm lại, vấn đề quan trọng cần lưu ý là phải nghiên cứu, tính toán hợp lý giữa hiệu quả kinh tế và môi trường, không nên quá chú trọng lợi ích môi trường mà xem nhẹ lợi ích kinh tế và ngược lại.

Hai là: Không hiểu GreenID dựa vào nghiên cứu, khảo sát nào, tại đâu mà đưa ra kết luận lạnh lùng, võ đoán đến mức tàn nhẫn rằng "Giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước. Ước tính kịch bản này sẽ giúp tránh được khoảng 7.600 ca tử vong sớm hằng năm vào năm 2030 so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh".

Ba là: Không hiểu vì lý do gì mà IMF, tổ chức tài chính lớn nhất thế giới lại quan tâm tới việc phát triển nhiệt điện than cùng với phát thải khí nhà kính CO2 của Việt Nam - một quốc gia đang phát triển với lượng phát thải nhỏ bé cả về trị số tuyệt đối lẫn tỷ lệ trên đầu người so với nhiều nước trên thế giới.

Hơn nữa, nếu IMF có thực sự quan tâm và có khuyến cáo về vấn đề này thì họ đã có văn bản cho Chính phủ, hoặc Bộ Công Thương Việt Nam chứ không chỉ báo với GreenID. Phải chăng đây chỉ là ý kiến của một vài cá nhân nào đó mà GreenID đưa ra nhằm lòe thiên hạ và tăng trọng lượng cho đề xuất của mình (?!)

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động