RSS Feed for Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 6) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 17:02
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 6)

 - Nghiên cứu khai thác, sử dụng hợp lý nguồn năng lượng tự nhiên của các dòng sông là nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy lợi, thủy điện. Hiện nay, việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ đang phát triển mạnh và được Nhà nước quan tâm nhằm góp phần tăng sản lượng điện cho lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, trong tính toán thủy năng bậc thang trên dòng sông đơn còn nhiều hạn chế, vì vậy khi nghiên cứu khai thác năng lượng các bậc thang thủy điện cần áp dụng các công cụ tính toán mạnh và chuyên nghiệp để khắc phục những hạn chế này.

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 1)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 2)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 3)

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 4)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 5)

BÀI 6: NHỮNG TỒN TẠI TRONG TÍNH TOÁN THỦY NĂNG BẬC THANG TRÊN DÒNG SÔNG ĐƠN

Vấn đề khai thác tài nguyên nước trên các dòng sông tuy không mới nhưng vẫn luôn được đầu tư nghiên cứu nhằm đưa lại hiệu quả cao nhất. Với đặc điểm về mạng lưới sông suối và địa hình nước ta thuận lợi để xây dựng nhiều bậc thủy điện vừa và nhỏ trên những dòng sông đơn. Hiện nay, nhu cầu về năng lượng đang ngày càng tăng cao, nên nhiều dự án xây dựng nhà máy thủy điện được ra đời, vì vậy việc nghiên cứu, khai thác có hiệu quả nguồn thủy năng trên các dòng sông là rất cần thiết và cần được đầu tư, nghiên cứu để có phương án khai thác hợp lý nhất.

Công tác thiết kế xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên các dòng sông hiện nay chủ yếu được thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ cho từng trạm mà chưa được đưa vào để tính toán và phân tích trên quan điểm hệ thống (về mặt tài nguyên nguồn nước). Vì vậy, sẽ có những tồn tại do chưa đưa tính toán thủy năng vào trong hệ thống các bậc thang, khi các công trình trong bậc thang được xây dựng và vận hành sẽ không tối ưu về điện năng và hiệu quả dự án.

Cụ thể như trên lưu vực Suối Sập (là nhánh cấp 1 của sông Đà): thủy điện Suối Sập 2 đã được xây dựng và phát điện năm 2007. Thủy điện Suối Sập 1 (nằm ở thượng lưu Suối Sập 2) cũng đã vận hành phát điện. Thủy điện Suối Sập 1 có dung tích hồ khoảng 10 triệu m3, trong khi đó thủy điện Suối Sập 2 không có hồ điều tiết (hình 1 dưới đây). Vì vậy, khi Suối Sập 1 phát điện, Suối Sập 2 sẽ không tận dụng được dung tích hồ của Suối Sập 1 mà ngược lại còn có thể bị thiệt hại do trong thời gian tích nước của Suối Sập 1 thì Suối Sập 2 sẽ không có nước phát điện.

Để giải quyết vấn đề này, nhà máy thủy điện Suối Sập 2 phải tính toán phương pháp bổ sung, mở rộng nhà máy. Ngoài ra, trên dòng Suối Sập còn có một số trạm thủy điện xây dựng trên các bậc khác nữa và khi đi vào hoạt động sẽ có trường hợp tương tự xảy ra.


Hình 1

 

Những tồn tại trong tính toán bậc thang

Trên toàn quốc đã xây dựng nhiều công trình thủy điện lớn nhằm khai thác tài nguyên nước để phục vụ cho đời sống, xã hội như thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Yaly, Đa Nhim,… Ở miền núi phía Bắc có đặc điểm địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh nên độ dốc sông suối rất lớn, đây là đặc điểm thuận lợi cho phát triển thủy điện.

Thời gian gần đây, lưới điện quốc gia đã cấp đến hầu hết toàn bộ lãnh thổ, các công trình thủy điện cũng được quy hoạch và tính toán với quy mô lớn hơn, các công trình thủy điện vừa và nhỏ cũng sẽ cung cấp điện vào lưới điện quốc gia. Chính vì vậy, khi tính toán thủy năng phục vụ thiết kế nhà máy thủy điện cần được xem xét trên quan điểm hệ thống để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của các dòng sông được hợp lý, hiệu quả nhất.

Theo chúng tôi thì có các bài toán thủy năng cơ bản dưới đây.

Thực chất việc tính toán thủy năng là việc giải bài toán điều tiết cân bằng nước. Bài toán thủy năng hiện nay có 2 dạng chính là [3]: Thứ nhất là đã xác định trước nhu cầu phụ tải (công suất nhà máy thủy điện đã xác định trước), cần tính toán điều tiết để xác định dung tích hồ chứa để đáp ứng nhu cầu về phụ tải đã đặt ra. Dạng thứ 2 là tính toán theo khả năng cung cấp dòng chảy đến của tự nhiên, khả năng điều tiết của khu vực xây dựng nhà máy sao cho hiệu quả khai thác tài nguyên nguồn nước là hợp lý nhất.

Với tình hình điện năng đang rất thiếu như hiện nay và hầu hết các nhà máy thủy điện khi xây dựng sẽ được hòa lưới điện quốc gia nên cần tính toán sao cho công trình mang lại nguồn điện năng lớn nhất và hiệu quả cao nhất cho chủ đầu tư. Xuất phát từ yêu cầu điện lượng và hiệu quả kinh tế cần đạt lớn nhất, đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ coi như điện lượng sản xuất ra sẽ được tải hết lên lưới, nên bài toán thủy năng đối với công trình thủy điện vừa và nhỏ tập trung vào bài toán thứ 2.

Xuất phát từ nhu cầu tính toán thủy năng như đã nêu, việc tính toán thủy năng hiện nay là từ nguồn số liệu đầu vào, tính toán xác định công suất nhà máy thủy điện, điện lượng nhà máy thủy điện sao cho công trình được đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất cho chủ đầu tư.

Các phương pháp tính toán thủy năng thường áp dụng: Về mặt lý thuyết, có hai phương pháp để tính toán thủy năng, đó là phương pháp thống kê toán học (hay phương pháp xác suất) và phương pháp tính theo tuần tự thời gian. Trong đó phương pháp tính theo tuần tự thời gian lại có 2 phương pháp là lập bảng và đồ giải.

Phương pháp thống kê toán học ít được áp dụng trong thực tế và thường chỉ được áp dụng cho các hồ chứa lớn, điều tiết nhiều năm. Thực trạng các công trình thủy điện vừa và nhỏ hiện nay hầu hết là không điều tiết, hoặc điều tiết ngày nên phương pháp tính toán thủy năng thường được áp dụng là phương pháp tính theo trình tự thời gian (trong đó chủ yếu là phương pháp lập bảng).

Phương pháp lập bảng - đây là phương pháp thông dụng nhất hiện nay, phương pháp này dựa trên cơ sở giải các phương trình cơ bản trong tính toán thủy năng là phương trình năng lượng (1) và phương trình cân bằng nước (5) để tính toán. Các phương trình có dạng sau [4].

Phương trình năng lượng



 

Việc tính toán thủy năng theo phương pháp lập bảng là giải phương trình cân bằng nước (6) cho toàn bộ chuỗi thời gian tính toán, tại mỗi thời điểm xác định được Qđt (chính là Qt trong phương trình (1)), từ lưu lượng tra được giá trị cột nước tính toán (theo quan hệ đặc tính lòng hồ), từ đó tính được các giá trị về năng lượng tại mỗi thời điểm và cả chuỗi thời gian tính toán (theo phương trình năng lượng (1) và (4).

Đối với một công trình độc lập, khi tính toán đã yêu cầu khối lượng công việc rất lớn, nhưng cũng có thể giải quyết được với các công cụ bảng tính hiện đại. Đối với hệ thống bậc thang thì công việc sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bài toán lúc này không chỉ là giải một phương trình cân bằng nước ở mỗi bước thời gian nữa mà là giải gần đúng một hệ nhiều phương trình ứng với số lượng các công trình có trên bậc thang.

Đáp ứng quy định giá bán điện theo giờ cao điểm và thấp điểm hiện nay, thời đoạn tính toán cần thực hiện theo giờ. Vì vậy, khối lượng tính toán cũng sẽ tăng lên rất nhiều. Ngay cả việc quy định về giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường giữa những ngày trong tuần và ngày cuối tuần cũng khác nhau càng làm công việc tính toán trở nên phức tạp hơn.

Quá trình dòng chảy đến, xả nước của mỗi công trình trong bậc thang đều có mối quan hệ, ảnh hưởng lẫn nhau, vì vậy công việc tính toán cũng trở nên rất phức tạp, khối lượng rất lớn, yêu cầu phải có công cụ tính toán chuyên nghiệp để thực hiện.

Tính toán thủy năng các công trình thủy điện vừa và nhỏ trong thực tế. Như đã đề cập ở trên, trong thực tế các công trình thủy điện vừa và nhỏ chủ yếu là điều tiết ngày hoặc không điều tiết. Khi tính toán thủy năng cho các công trình này chủ yếu là dùng phương pháp lập bảng tính theo trình tự thời gian và giải bài toán xuôi (xác định các thông số về công suất, điện lượng theo chuỗi dòng chảy tự nhiên tính toán). Quá trình tính toán cụ thể được áp dụng là dùng bảng tính Excel, viết các marco trong Excel hoặc dùng những đoạn chương trình đơn giản để đẩy nhanh, rút gọn các bước tính toán thủ công. Khi tính toán thủy năng thường tiến hành một cách độc lập, đơn lẻ cho từng công trình thủy điện, số liệu thủy văn cũng được cung cấp theo dạng công trình làm việc độc lập. Kể cả trong quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, sau khi lên sơ đồ các công trình, bộ phận tính toán thủy văn sẽ cung cấp số liệu dòng chảy đến và các đặc trưng thủy văn khác, bộ phận tính toán thủy năng tiếp nhập số liệu đó làm số liệu đầu vào để tính toán cho các công trình thủy điện trong sơ đồ.

Quá trình tính toán thủy năng đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ thường được tính toán thủ công, chính vì vậy chưa thể hiện được mối quan hệ của các bậc thang trên một dòng sông.

Hiện nay, ngoài cách tính toán thủ công bằng cách lập bảng, bằng bảng tính Excel, khi tính toán cho các bậc thang thủy điện có thể áp dụng các phần mềm tính toán như HEC-3 hay HEC-5 do Trung tâm Kỹ thuật thuỷ văn - Quân đội Mỹ (The Hydrologic Engineering Center) xây dựng [5]. Tuy nhiên, việc áp dụng các công cụ hiện đại để tính toán cho các bậc thang chưa được triển khai nhiều do hầu hết các công trình đều được triển khai độc lập nhau và các chương trình yêu cầu bộ số liệu khá phức tạp và đồng bộ.

Những tồn tại trong việc tính toán thủy năng các bậc thang thủy điện vừa và nhỏ.

Quá trình đầu tư xây dựng công trình

Để một công trình thủy điện được đưa vào đầu tư xây dựng, sản xuất điện năng góp một phần sản lượng cho lưới điện quốc gia thì phải qua một quá trình (từ lập quy hoạch các bậc thang thủy điện, tiếp theo là giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng công trình, cuối cùng là đưa công trình vào khai thác).

Trong các giai đoạn trên thì giai đoạn quy hoạch xây dựng sơ đồ các bậc thang có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc khai thác nguồn thủy năng của dòng sông. Nếu xem xét một cách chi tiết thì việc tính toán thủy năng trong giai đoạn này nhằm xác định sơ đồ khai thác hợp lý nhất, mang lại hiệu quả khai thác thủy năng cao nhất, do vậy công tác tính toán thủy năng cần được đầu tư kỹ lưỡng.

Nhưng, thông thường việc lập sơ đồ khai thác chủ yếu dựa trên cột nước địa hình, điều kiện bố trí công trình cụ thể, các yếu tố địa hình, địa chất và một số điều kiện khác để lập sơ đồ quy hoạch mà chưa thực sự quan tâm đến công tác tính toán thủy năng của bậc thang. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do kinh phí bố trí cho giai đoạn quy hoạch không được nhiều, do vậy không thể tính toán thật chi tiết mà chỉ tính toán sơ bộ để lên được sơ đồ quy hoạch. Công việc tính toán thủy năng trong bậc thang thủy điện yêu cầu khối lượng công việc khảo sát và tính toán lớn.

Vậy, để nâng cao hiệu quả trong việc lên sơ đồ khai thác các bậc thang thủy điện trên một dòng sông cần chú trọng khâu tính toán thủy năng trong hệ thống bậc thang từ giai đoạn lập quy hoạch.

Giai đoạn tiếp sau giai đoạn lập quy hoạch là giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình. Công việc đầu tư xây dựng công trình thủy điện cần một lượng vốn rất lớn, nên sau khi có sơ đồ quy hoạch, các nhà đầu tư thường chọn để đầu tư dần dần từng công trình trên bậc thang. Do đó, trong giai đoạn này công tác tính toán thủy năng thường được tính toán đơn lẻ, độc lập cho chính công trình đang chuẩn bị xây dựng mà không chú ý đến các bậc thủy điện khác trong hệ thống.

Chính cách làm này đã phá vỡ tính hệ thống của các công trình trên bậc thang. Đây là vấn đề khó giải quyết, nhất là khi các công trình trong hệ thống bậc thang được xây dựng một cách hoàn toàn riêng rẽ.

Nếu các bậc trong hệ thống do một chủ đầu tư xây dựng thì bài toán sẽ trở nên đơn giản hơn vì hiệu quả của toàn bộ hệ thống sẽ thuộc về một đầu mối nên việc khảo sát, tính toán sẽ được thực hiện một cách hệ thống. Ngược lại, nếu mỗi bậc trong hệ thống do một chủ thể khác nhau tư xây dựng thì rất khó đưa việc tính toán thủy năng vào thành một hệ thống hoàn chỉnh, từ đó dẫn đến việc các bậc thang lại được tính độc lập nhau, từ đó sẽ phát sinh những điểm không hợp lý, hiệu quả khai thác không tối ưu.

Chúng ta đều dễ dàng nhận thấy: các bậc thang trong một hệ thống thì bậc dưới chịu ảnh hưởng của quá trình làm việc của bậc trên và thậm chí bậc trên cũng chịu ảnh hưởng của quá trình làm việc của bậc dưới nếu bậc này được thiết kế ngập chân bậc trên. Mỗi bậc thang khi hoạt động đều có những ảnh hưởng đến nhau, do đó khi tính toán không phối hợp với nhau mà tính một cách độc lập thì chắc chắn hiệu quả sẽ không cao.

Trong giai đoạn xây dựng công trình, việc tính toán thủy năng không có ý nghĩa nhiều vì quy mô, hiệu quả đều đã được xác định từ giai đoạn trước. Giai đoạn tiếp theo là đưa vào khai thác thì công tác quản lý vận hành có ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của nhà máy thủy điện. Công việc tính toán thủy năng lúc này không có ý nghĩa đến việc tính toán đầu tư dự án nữa, nhưng nó lại rất quan trọng để quyết định phương án vận hành thế nào cho hiệu quả cao nhất.

Công nghệ tính toán

Hiện nay, việc tính toán thủy năng cho các công trình này hầu hết sử dụng phương pháp lập bảng. Đây là phương pháp tính toán khá đơn giản, chưa thể hiện được mối quan hệ về thủy văn và thủy lực với nhau của các bậc thang trong hệ thống mà chỉ đơn thuần tính toán một cách độc lập cho từng công trình. Chính vì phương pháp tính toán đơn giản, không tính được theo hệ thống nên khi làm việc trong toàn hệ thống, mỗi công trình sẽ không thể phát huy hết hiệu quả, không thể hiện được sự làm việc tương hỗ lẫn nhau. Vì vậy, không đáp ứng được nhu cầu khai thác tối ưu tài nguyên nước.

Để giải quyết vấn đề này, khi tính toán cần đặt bài toán năm trong một hệ thống bậc thang, không nên tách rời ra để tính độc lập với nhau. Khi đã đặt trong hệ thống, việc tính toán cần mô phỏng cả quá trình thủy văn và thủy lực, khối lượng tính toán sẽ rất lớn, đặc biệt là khi cần tính theo thời đoạn giờ, nên cần áp dụng các công cụ hiện đại để tính toán như sử dụng các phần mềm, chương trình tính toán.

Một số phần mềm trong quản lý tài nguyên nước có thể giải quyết vấn đề này như HEC-3, HEC-5 hay HEC-ResSim [6]. Khi được áp dụng công nghệ tính toán hiện đại, quá trình tính toán mô phỏng được hệ thống thì kết quả tính toán sẽ hợp lý hơn, mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Vận hành khai thác

Trong giai đoạn vận hành khai thác, nếu công trình được quản lý tốt, có quy trình vận hành hợp lý có thể sẽ tăng đáng kể hiệu quả khai thác. Vấn đề tính toán phục vụ ra quyết định vận hành nhà máy có ý nghĩa rất lớn trong quản lý khai thác công trình. Để có quyết định vận hành hợp lý, đầu vào quan trọng là công tác dự báo, từ số liệu dự báo sẽ tính toán để phục vụ đưa ra quyết định điều hành nhà máy sao cho đạt hiệu quả lớn nhất. Trong khâu này, hạn chế lớn nhất là công tác dự báo. Đối với các công trình nhỏ, việc dự báo là khó khăn và đầu tư tốn kém.

Quay lại với vấn đề về bậc thang thủy điện Suối Sập đã nêu ở phần trên. Về quy hoạch, trên dòng Suối Sập được quy hoạch xây dựng 4 bậc thủy điện. Tuy nhiên, khi đầu tư xây dựng, công trình Suối Sập 2 được xây dựng đầu tiên. Mọi công việc tính toán cho công trình Suối Sập 2 được thực hiện một cách độc lập. Vì vậy, khi tính toán các thông số về năng lượng đã được thay đổi so với quy hoạch. Các tính toán đều nhằm mục tiêu tối ưu hiệu quả cho công trình Suối Sập 2 mà không xem xét đến quan hệ với các bậc khác. Phương án khai thác là sử dụng dòng chảy cơ bản, công suất lắp máy là 14,4 MW.

Sau khi công trình thủy điện Suối Sập 2 vận hành, các bậc thủy điện suối Sập 1, Suối Sập 3,… cũng được nghiên cứu để xây dựng. Phương án xây dựng suối Sập 1 là có hồ điều tiết, dung tích hữu ích là 9,89 triệu m3, công suất lắp máy là 19,5MW.

Bảng 1: So sánh thông số 2 công trình trên bậc thang Suối Sập [1], [2]

TT

Thông số

Đơn vị

TĐ Suối Sập 1

TĐ Suối Sập 2

1

Diện tích lưu vực

km2

225

235

2

Whi

106m3

9,89

0

3

Nlm

MW

19,5

14,4

4

Số tổ máy

tổ

2

4

5

Qmax qua nhà máy

m3/s

22,65

10,5

 

Từ bảng 1 trên có thể thấy, khi Suối Sập 1 phát điện với công suất thiết kế, khi đó Qmax qua nhà máy đạt 22,65m3/s thì Suối Sập 2 sẽ phải để xả thừa lượng nước tương đối lớn. Vì nhà máy Suối Sập 2 được thiết kế sử dụng dòng chảy cơ bản và Qmax qua nhà máy là 10,5 m3/s. Từ đó dẫn đến lãng phí khá nhiều nước phải xả tràn mà không phát điện.

Mặt khác, trong thời gian Suối Sập 1 tích nước thì dòng chảy không có nên suối Sập 2 không có nước để phát điện.

Không chỉ các bậc thang Suối Sập mà cũng trong lưu vực Sông Đà còn các bậc thang trên suối Nậm Kim (thuộc tỉnh Yên Bái và Lai Châu, diện tích lưu vực khoảng 558km2) gồm các công trình tính từ thượng lưu xuống như sau: Khao Mang thượng, Khao Mang, Hồ Bốn, Mường Kim, Mường Kim II.

Từ ví dụ trên cho thấy những điều không hợp lý trong việc xây dựng các công trình thủy điện trên bậc thang. Sự không hợp lý bộc lộ từ việc tính toán đến vận hành nhà máy. Trong đó tính toán thủy năng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến làm việc của toàn bộ các bậc thang.

Hướng giải quyết

Để giải quyết các tồn tại trên, khi tính toán thủy năng cho các công trình cần xem xét để tính toán đồng bộ cho cả hệ thống bậc thang. Tác giả cũng đề xuất trong khi làm quy hoạch các bậc thang cần vạch trình tự xây dựng và yêu cầu khi tiến hành xây dựng cần tuần thủ sơ đồ quy hoạch đã có. Trường hợp bổ sung, chỉnh sửa quy hoạch thì cần tính toán lại toàn bộ các bậc thang để đảm bảo các công trình làm việc có hệ thống.

Công cụ để giải quyết: về lý thuyết, khi tính toán thủy năng cần tính toán cho chuỗi các công trình trên bậc thang một cách đồng thời, có xem xét sự làm việc của mỗi công trình có ảnh hưởng tương hỗ đến nhau. Có thể áp dụng một phần mềm bất kỳ, hoặc xây dựng các chương trình tính toán đảm bảo yêu cầu trên.

Trong thực tế, qua quá trình tìm hiểu nghiên cứu, phần mềm HEC-5 của Trung tâm kỹ thuật thủy văn quân đội Mỹ có thể đáp ứng các yêu cầu tính toán thủy năng trong bậc thang với các sơ đồ khai thác phức tạp, số lượng hồ chứa lớn. HEC-5 là phần mềm mô phỏng hệ thống hồ chứa, có chức năng tính toán thủy năng theo yêu cầu người dùng. HEC-5 còn có thể tính toán điện lượng theo các thời đoạn khác nhau đáp ứng được các yêu cầu mua bán điện của Bộ Công Thương vào giờ cao điểm và thấp điểm.

Việc tính thủy năng bằng HEC-5 không những đáp ứng các yêu cầu tính toán trong giai đoạn quy hoạch mà còn đáp ứng việc tính toán kinh tế năng lượng với quy định về giá bán điện khác nhau theo thời gian. Trong giai đoạn vận hành công trình, dùng phần mềm HEC-5 kết hợp dự báo dòng chảy đến có thể tính toán phục vụ lên kế hoạch cung cấp điện năng.

Hơn nữa khai thác điểm mạnh về mặt mô phỏng của HEC-5 có thể kết hợp để xây dựng quy trình vận hành hợp lý để khai thác tối ưu hiệu quả phát điện của toàn bộ các bậc thang trong hệ thống.

Kết luận

Công tác tính toán thủy năng cho các bậc thang công trình thủy điện vừa và nhỏ đòi hỏi phải có phương pháp và công cụ tính toán phù hợp. Khi tính toán, để khai thác có hiệu quả các bậc thang, cần đưa vào bài toán tính cho hệ thống và tính toán theo quan điểm vận hành trên cả hệ thống.

Hiện nay, việc tính toán thủy năng cho các bậc thang thủy điện vừa và nhỏ vẫn được tính một cách độc lập do đó sẽ phát sinh những kết quả không hợp lý.

Để nâng cao hiệu quả khai thác các bậc thang, khắc phục các điểm tồn tại trong tính toán thủy năng bậc thang cần áp dụng các công cụ tính toán mạnh, chuyên nghiệp có khả năng mô phỏng để mô phỏng, tính toán cho cả hệ thống ở tất cả các công đoạn có yêu cầu tính toán thủy năng.

Khi xây dựng các công trình trong hệ thống bậc thang cần tuân thủ quy hoạch để đảm bảo hệ thống làm việc có hiệu quả nhất. Và khi cần bổ sung quy hoạch, yêu cầu tính toán thủy năng cho toàn bộ các bậc thang trong hệ thống để có phương án khai thác năng lượng hợp lý nhất cho cả dòng sông.

THS. TRẦN THIẾT HÙNG, THS. VŨ THỊ HOÀI THU - VIỆN THỦY ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Tài liệu tham khảo

[1].   Hồ sơ thiết kế Công trình thủy điện Suối Sập 2, 2004: Viện Khoa học Thủy lợi.

[2].   Hồ sơ thiết kế Công trình thủy điện Suối Sập 1, 2009: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

[3].   Bộ môn công trình thủy, Bài giảng Thủy điện 1, 2006: Đại học Bách khoa Đa Nẵng.

[4].   Nguyễn Thượng Bằng, Giáo trình Thủy năng và Điều tiết dòng chảy, 2000: Đại học Xây dựng.

[5].   Bill S. Eichert, HEC-5 Simulation of Flood Control and Conservation Systems, 1998: US Army Corps of Engineers Hydrologic Engineering Center.
Joan Klipsch and others, HEC-ResSim Reservoir System Simulation, 2007: US Army Corps of Engineers Hydrologic Engineering Center.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động