RSS Feed for Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 10:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [2]

 - Giá nhiên liệu hoá thạch, cũng như giá điện do nhà nước kiểm soát, và giá năng lượng của Việt Nam đang ở mức thấp so với thị trường thế giới (giá điện bán lẻ trung bình vào năm 2015 là 0,076 USD/1 kWh). Chỉ có một số loại thuế không đáng kể như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế môi trường đối với năng lượng. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng (năng lượng) cảm thấy giá năng lượng đang cao và tăng giá là nhạy cảm về mặt chính trị. Việc tăng giá lại không phụ thuộc vào tham vấn với người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, mà được phê duyệt bởi Bộ Công Thương và Chính phủ.

Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [1]

KỲ 2: GIÁ NĂNG LƯỢNG, THỊ TRƯỜNG VÀ VIỆC LÀM

Tại Việt Nam, nhiên liệu cho giao thông vận tải đã được điều chỉnh theo thị trường và có thể tiếp cận được tại bất kỳ đâu với mức giá gần như đồng nhất. Khả năng lọc dầu của Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu trong nước, do đó giá các sản phẩm xăng dầu tuân theo biến động giá cả của thị trường thế giới.

Quỹ bình ổn giá đối với các sản phẩm xăng dầu được lập ra nhằm điều tiết ảnh hưởng của biến động giá thị trường toàn cầu đối với người tiêu dùng trong nước, tuy nhiên quỹ này tỏ ra ít có hiệu quả. Trợ giá gián tiếp đối với các sản phẩm xăng dầu được thực hiện thông qua kiểm soát giá "ép buộc" đến nay gần như rất hạn chế.

Giá điện được điều tiết chặt chẽ và cũng tương đối rẻ, ở mức trung bình là 7,6 Cent/kWh vào năm 2015. Đây là lần tăng giá gần nhất, trong khi trong hai năm (từ 2015 đến giữa năm 2017) tỉ lệ lạm phát là hơn 5%.

Ngoài ra, có một khoản nợ tích lũy trong các doanh nghiệp nhà nước về năng lượng, và các doanh nghiệp này chỉ trả một khoản rất nhỏ lợi nhuận cho Nhà nước (tức là Nhà nước bỏ qua một phần doanh thu). Cũng có những khoản trợ giá chéo do thuỷ điện trong cơ cấu hệ thống điện Việt Nam (đặc biệt rẻ) vì các khoản đầu tư có thể đã được xóa, hoặc không được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - doanh nghiệp nhà nước gần như độc quyền trong ngành điện ghi sổ đầy đủ. Điều này cho phép giá điện bán lẻ trung bình thấp bất kể nguồn điện đắt đỏ từ các nhà máy điện than và khí (mới) cũng như phát điện dự phòng từ diesel trong tổng cơ cấu hệ thống điện.

Thị trường năng lượng bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước như: EVN, TKV, PVN và Petrolimex. EVN kiểm soát 2/3 tổng công suất phát điện của Việt Nam, trong khi TKV và PVN kiểm soát phần lớn 1/3 còn lại.

Việt Nam đã bắt tay vào thực hiện cải cách ngành điện theo Luật Điện lực năm 2004, nhằm mục tiêu "tăng hiệu quả năng lượng trong các hoạt động điện lực". Quá trình này đã tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện, tuy nhiên 5 Tổng công ty Điện trực thuộc EVN (các công ty phân phối) vẫn là "người mua duy nhất" (mua với giá bán điện do Chính phủ điều tiết); và một thị trường bán lẻ điện cạnh tranh chỉ được kỳ vọng là sẽ hoàn thiện vào năm 2024.

EVN có tỉ suất vay nợ cao, trong khi đó một số dự án của tập đoàn này được cấp vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) và được Chính phủ bảo lãnh. Thêm vào đó, EVN hoạt động thua lỗ vào năm 2015 - là năm cuối cùng có dữ liệu được công khai. Phân tích của Ngân hàng Thế giới cho thấy, EVN có nhu cầu lớn về đầu tư, nhưng kết luận rằng tập đoàn phải nâng cao hiệu suất, phát triển chiến lược tài chính cho các khoản nợ và tăng giá điện 15% so với tỉ lệ lạm phát.

Việt Nam đảm bảo là giá điện tại vùng sâu, vùng xa bằng với các khu vực khác, mặc dù đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên mỗi khách hàng tiêu thụ điện ở khu vực này lớn hơn. Dù đi theo kịch bản tăng mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phi thuỷ điện (bao gồm dừng việc trợ giá nhiên liệu hoá thạch, thiết lập phí, hoặc thuế các bon và tăng hiệu quả năng lượng), hay theo kịch bản phát triển thông thường (BAU) với chính sách hiện tại nghiêng về việc nhập khẩu than và khí ở quy mô lớn, thì đều được cho là sẽ làm giá điện tăng.

Việc chuyển đổi sang hiệu suất năng lượng cao và năng lượng tái tạo được trông đợi là sẽ góp phần tăng GDP so với kịch bản phát triển thông thường. Nhưng cả hai kịch bản đều có thể có ảnh hưởng bất lợi đối với các hộ gia đình thu nhập thấp và một số doanh nghiệp nhất định.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thâm dụng năng lượng dễ bị tác động xấu do chi phí năng lượng tăng. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp có thể đối phó tốt nếu giá được tăng từ từ, theo lộ trình và ở mức độ giới hạn. Các doanh nghiệp có thể tiết kiệm năng lượng thông qua các thay đổi không đáng kể ở khâu quản lý, sản xuất, hoặc phân phối.

Ngoài ra, nguồn cung điện ổn định là mối quan tâm đầu tiên của hầu hết các doanh nghiệp thay vì giá, trong khi các bộ phát dự phòng có giá thành đắt đỏ. Tuy nhiên các chương trình và dự án hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến năng lượng vẫn còn hạn chế, và các ngân hàng thương mại hầu như không quan tâm đến việc hỗ trợ vay vốn cho các dự án hiệu quả năng lượng. Các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp lớn trong nước cũng đồng tình với quan điểm này, và sẽ quan tâm hơn đến điện mặt trời trên mái nhà để giảm hoá đơn tiền điện nếu giá điện tăng nhẹ.

Giá điện (năng lượng) tăng có thể gây ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình có thu nhập thấp, một phần do ảnh hưởng gián tiếp đến giá hàng hoá và dịch vụ khác. Để bảo vệ các hộ gia đình có thu nhập thấp trước ảnh hưởng của giá điện cao, nghiên cứu về các biện pháp hiện thời cho thấy: Việt Nam nên tiến tới áp dụng biểu giá điện lũy tiến theo bậc thang. Nghĩa là giá điện rẻ hơn đối với một số kWh điện đầu tiên trên một hộ gia đình, và giá cao hơn nếu tiêu thụ hơn một mức nhất định.

Tuy nhiên, cũng nên xem xét lại hệ thống trợ cấp tiền mặt cho các hộ gia đình thu nhập thấp hiện nay do việc quản lý không hiệu quả.

Hầm khí sinh học quy mô hộ gia đình đã được áp dụng khá phổ biến khắp Việt Nam. Các sáng kiến ở cấp địa phương về một loạt các giải pháp năng lượng cũng được áp dụng, tạo ra công ăn việc làm địa phương - ví dụ cho các đơn vị xây dựng.

Khai thác than tạo ra việc làm cho khoảng 140 nghìn công nhân vào năm 2015 và ngành điện tạo ra khoảng 120 nghìn việc làm, nhưng không có số liệu rõ ràng đối với ngành sản xuất thiết bị năng lượng (tái tạo). Tuy nhiên, một nghiên cứu mô hình cho thấy, theo kịch bản phát triển thông thường, ngành điện thiên về nhiên liệu hoá thạch sẽ tạo ra 6,6 triệu năm việc làm (job-years) trong giai đoạn 2015 - 2050, trong khi các kịch bản thiên về khai thác năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng sẽ tạo ra 8,6 triệu đến 11,6 triệu năm việc làm.

Đón đọc kỳ tới: Các bên liên quan trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng

KOOS NEEFJES VÀ TS. ĐẶNG THỊ THU HOÀI - VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TW

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động