RSS Feed for Hợp đồng mua bán khí LNG - Tổng hợp từ thị trường quốc tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 28/12/2024 17:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hợp đồng mua bán khí LNG - Tổng hợp từ thị trường quốc tế

 - Sau một số bài báo về kinh nghiệm quốc tế trong mua bán điện khí, cách điều hành giá điện khí 2 thành phần... Tạp chí Năng lượng Việt Nam nhận được nhiều ý kiến đề xuất thông tin thêm về hợp đồng mua bán khí LNG trên thế giới. Đáp ứng yêu cầu này, chúng tôi tổng hợp một số nội dung dưới đây để bạn đọc cùng tham khảo.
Giá mua điện khí 2 thành phần - Tham khảo cách điều hành của Ủy ban Phát Cải Thượng Hải Giá mua điện khí 2 thành phần - Tham khảo cách điều hành của Ủy ban Phát Cải Thượng Hải

Thông báo của Ủy ban Cải cách và Phát triển TP Thượng Hải về điều chỉnh giá khí cho thấy cơ chế mua điện khí (bao gồm giá điện năng và giá công suất) ở một thành phố lớn của Trung Quốc. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp về nội dung thông báo này để bạn đọc hiểu thêm về một cơ chế mua điện khí.

Hợp đồng mua bán điện khí của Thái Lan - Một số đặc điểm Việt Nam cần tham khảo Hợp đồng mua bán điện khí của Thái Lan - Một số đặc điểm Việt Nam cần tham khảo

Trước những bế tắc trong đàm phán hợp đồng mua bán điện khí ở Việt Nam, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có các nghiên cứu về cách xây dựng hợp đồng cho nguồn điện này từ quốc tế. Sau khi cân nhắc từ nhiều mô hình, chúng tôi phân tích một số đặc điểm của 1 nhà máy điện khí lớn của Thái Lan để chúng ta tham khảo.

Yêu cầu có cam kết sản lượng hợp đồng (Qc) dài hạn cho nguồn điện LNG là xuất phát từ yêu cầu bao tiêu LNG trong hợp đồng mua bán nhiên liệu:

Những dự án điện lớn, kể cả nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hiện đang tồn tại nhiều bế tắc, tập trung chính là ở khâu bao tiêu dài hạn. Trong đó có vướng mắc trong cam kết sản lượng điện hợp đồng (Qc) dài hạn. Việc bao tiêu sản lượng điện hợp đồng dài hạn không dễ như bên bán điện lâu nay vẫn nghĩ. Việc ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) không chỉ là một trong các điều kiện tiên quyết để khởi công dự án, mà còn là căn cứ pháp lý đầy đủ nhất để đảm bảo hiệu quả của công trình theo tuổi đời dự án.

Tại các nước phát triển, nếu không có bảo lãnh của chính phủ, thì PPA là một trong những điều kiện hết sức quan trọng để các nhà tài trợ vốn xem xét, thẩm định, ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn vay.

Trong quá trình đàm phán, vấn đề “sản lượng điện hợp đồng Qc” là rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của dự án, nhưng các bên vẫn loay hoay chưa tìm được tiếng nói chung.

Tại Việt Nam chúng ta, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đề xuất Qc hàng năm là khoảng 90% sản lượng điện năng phát bình quân nhiều năm của các dự án LNG, thời gian áp dụng là 15 năm (kể từ khi nhà máy vận hành thương mại).

Thực ra, đề xuất trên xuất phát từ yêu cầu bao tiêu nhiên liệu LNG trong hợp đồng mua bán nhiên liệu. Với thông lệ quốc tế, việc mua bán LNG trên thế giới được thực hiện thông qua hợp đồng định hạn, hoặc mua trên thị trường giao ngay theo chuyến (spot).

Nếu chọn mua bán theo hình thức spot, người mua có thể linh hoạt trong xác nhận thời điểm và khối lượng nhận, nhưng không ổn định, phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới tại thời điểm nhập khẩu với biên độ biến động giá rất lớn. Điều này đã được chứng thực qua đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, nguồn cung LNG trên thị trường rất khan hiếm khiến nhiều nước muốn có hợp đồng định hạn để bảo đảm nguồn cung và tránh biến động giá quá lớn.

Như vậy, việc cam kết bao tiêu nhiên liệu LNG trong các hợp đồng cung cấp nhiên liệu là điều khoản bắt buộc theo thông lệ quốc tế. Nhưng cam kết mua khí ổn định ở đầu vào khiến nhà đầu tư nhà máy điện cần sự đảm bảo về sản lượng điện tiêu thụ ở đầu ra để đạt được hiệu quả nhất định, nhất là khi chưa có thị trường điện hoàn hảo và giá điện chưa theo thị trường như Việt Nam chúng ta.

Hợp đồng mua bán LNG trên thế giới:

Việc các dự án LNG được phép bao tiêu sản lượng điện đã trở thành thông lệ. Cũng theo thông lệ này, việc mua LNG là phải mua dài hạn (long term) mới có nguồn cấp ổn định và cạnh tranh. Nhưng để có được hợp đồng mua LNG dài hạn, cần phải có phải hợp đồng bao tiêu điện dài hạn để tiêu thụ hết LNG đã mua và đảm bảo dòng tiền trả nợ. Do đó, việc bao tiêu sản lượng điện sẽ giúp cho chủ đầu tư thu xếp được vốn vay với lãi suất cạnh tranh.

Dựa trên dữ liệu từ Nhóm các nhà nhập khẩu LNG quốc tế (GIIGNL): Các hợp đồng dài hạn từ lâu đã thống trị thị trường LNG quốc tế. Tuy nhiên, kể từ năm 2000, tỷ lệ giao dịch LNG giao ngay (spot), hoặc theo hợp đồng ngắn hạn tăng đáng kể, trong khi hợp đồng dài hạn đã trở nên linh hoạt hơn. Giao dịch hợp đồng giao ngay và ngắn hạn (thời hạn dưới 4 năm) nhìn chung tăng từ năm 2000 lên hơn hơn 25% tổng thương mại trong năm 2011. Hơn nữa, do khối lượng theo hợp đồng, cộng với mua bán giao ngay và ngắn hạn vượt quá thương mại thực tế hàng năm (kể từ năm 2001), nên các bên tham gia hợp đồng dài hạn đã tham gia vào thương mại giao ngay và ngắn hạn.

Theo phân tích, đánh giá hợp đồng LNG dài hạn theo khu vực, hợp đồng và công ty của GlobalData: Năm 2023, tổng số hợp đồng dài hạn xuất khẩu LNG từ Bắc Mỹ được ký vào năm 2023 có 16 hợp đồng được ký để xuất khẩu từ Hoa Kỳ, 4 từ Mexico và 1 từ Canada.

Tại Hoa Kỳ, hợp đồng lớn nhất được NextDecade ký kết với cam kết cung cấp 5,4 triệu tấn LNG cho TotalEnergies từ năm 2026 - 2046. NextDecade cũng ký thêm 1 hợp đồng cung cấp 1 triệu tấn LNG cho Tập đoàn Itochu trong 15 năm (từ 2027 - 2042).

Tại Mexico, Mexico Pacific Limited LLC đã ký 4 hợp đồng để cung cấp LNG từ trạm hóa lỏng Sonora. Trong số này, hợp đồng quan trọng nhất là với ConocoPhillips để cung cấp 2,2 triệu tấn LNG mỗi năm trong 20 năm (từ 2027 - 2047).

Tại Canada, Woodfibre LNG Ltd đã ký hợp đồng cung cấp 0,5 triệu tấn LNG từ kho cảng Woodfibre cho BP plc trong 15 năm (từ 2027 - 2042).

Tại châu Á:

Thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản tháng 3 năm 2011, châu Á đã thu hút LNG đến Thái Bình Dương, Đại Tây Dương. Sau thảm họa, Chính phủ Nhật Bản đã đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân, làm tăng đáng kể nhu cầu về LNG để sản xuất điện.

Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia Petronas đã tiến hành đánh giá một số hợp đồng LNG dài hạn với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để điều chỉnh giá cho phù hợp với điều kiện thị trường hiện hành. Quá trình đánh giá giá cho thấy: Một số hợp đồng LNG phản ánh các giao dịch gần đây. Một số hợp đồng LNG truyền thống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được chốt ở mức giá dầu thô tăng 14,85% - đây là mức giá tương đối cao do thị trường có ít nhà cung cấp như Qatar và Australia, trong khi LNG của Hoa Kỳ vẫn chưa xuất hiện để giảm giá toàn cầu.

Năm 2022, Malaysia là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho Nhật Bản, trong khi Nhật Bản nổi lên là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới mặc dù nhập khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Petronas vẫn là một trong những nhà cung cấp chính cho các công ty điện lực của Nhật Bản.

Trung Quốc là khách hàng LNG lớn thứ hai của Malaysia vào năm 2022 và đang chiếm thị phần ngày càng tăng trong xuất khẩu LNG của Malaysia. Trước đó, hồi tháng 7 năm 2021, Petronas LNG Ltd (PLL) - một công ty con của Petronas đã đạt được thỏa thuận có thời hạn 10 năm để cung cấp khí LNG cho CNOOC Gas and Power Trading & Marketing Limited - một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC).

Thỏa thuận với CNOOC - nhà nhập khẩu LNG lớn nhất Trung Quốc phản ánh cam kết của Petronas trong việc đảm bảo an ninh nguồn cung thông qua chỉ số giá ổn định và minh bạch, đồng thời cung cấp các lựa chọn giá bổ sung cho khách hàng của mình. Thỏa thuận này cũng phản ánh cam kết của Petronas trong việc hỗ trợ nỗ lực của CNOOC và các công ty liên kết nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh về năng lượng sạch, hỗ trợ mục tiêu giảm thải và trung hòa carbon của Trung Quốc.

Tại châu Âu:

Theo Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (CGEP) của Hoa Kỳ: Một dòng khí LNG giá cao chảy vào châu Âu từ năm 2022 đã làm giảm bớt cuộc khủng hoảng năng lượng sau chính biến xảy ra tại Ukraine khiến Nga giảm dần nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống tới lục địa này. Hơn 2/3 các quốc gia EU thiếu hụt nguồn cung, ước tính 78 tỷ mét khối (bcm) vào năm 2022 xuất phát từ việc Nga cắt nguồn cung. Phần thiếu hụt này được lấp đầy bởi lượng nhập khẩu LNG giá cao (tăng 70% trong năm 2022 so với năm trước).

Hầu hết lượng LNG nhập khẩu gia tăng vào EU đều dưới hình thức mua tại thị trường giao ngay, hoặc khối lượng LNG linh hoạt tại điểm đến được lấy từ các thị trường khác, chủ yếu là châu Á. Tuy nhiên, EU lập luận về việc ký các hợp đồng LNG dài hạn mới để đáp ứng các yêu cầu nguồn nhiên liệu này và cho mục tiêu khử carcbon của khu vực trong tương lai.

Theo CGEP, có một số kịch bản tiềm năng để đáp ứng nhu cầu hiện tại LNG cho EU:

1. Phù hợp với cái cũ - cơ hội ký lại hợp đồng mua bán LNG sắp hết hạn:

Ngành công nghiệp LNG đã phát triển theo từng đợt trong 6 thập kỷ qua. Cơ sở sản xuất hiện tại với hơn 500 bcm đảm bảo rằng một lượng lớn LNG bị khóa trong các hợp đồng truyền thống sẽ hết hạn mỗi năm. Dựa trên thông tin công khai về các hợp đồng mua bán LNG (SPA), giới chuyên gia ước tính rằng: Các hợp đồng cung cấp tổng cộng 93 bcm nguồn cung LNG hàng năm hết hạn vào năm 2023, 2024 và 2025, với số lượng cao nhất (35 bcm) sẽ hết hạn vào năm 2024. Để so sánh, theo dữ liệu của Bloomberg: EU đã nhập khẩu tổng khối lượng là 128 bcm vào năm 2022 và lượng giao hàng tăng thêm so với mức của năm 2021 là khoảng 53 bcm.

2. Khai thác ‘LNG không địa chỉ’:

Những người tham gia danh mục đầu tư LNG (còn được gọi là nhà tổng hợp) và nhà kinh doanh lần lượt xuất hiện vào những năm 2000 và 2010 với tư cách là trung gian giữa nhà sản xuất và người sử dụng LNG cuối. Trong những năm qua, các thực thể này đã ký nhiều hợp đồng (với tư cách là người mua LNG chính), vượt xa cam kết bán hàng của họ cho người dùng cuối và người mua thứ cấp khác. Các hợp đồng dài hạn này (còn được gọi là LNG không địa chỉ - Homeless LNG) cho phép những người tham gia tận dụng các cơ hội thị trường ngắn hạn với khối lượng sẵn có để bán vào thị trường giao ngay.

Bốn công ty LNG lớn nhất (BP, Natorgy, Shell và TotalEnergies), theo phân loại là những công ty duy nhất đủ điều kiện là người tham gia danh mục đầu tư, cộng với bốn công ty kinh doanh lớn nhất hoạt động trên thị trường LNG (Glencore, Gunvor, Trafigura, và Vitol) được ký hợp đồng lên ở mức 76 bcm (tính đến năm 2023). Trong đó, TotalEnergies giữ vị thế mua ròng lớn nhất.

Những người tham gia danh mục đầu tư và nhà giao dịch có thể từ bỏ giao dịch khi giá cả biến động và điều kiện thị trường chặt chẽ bằng cách ký thêm các hợp đồng ngắn hạn, trung hạn với người mua châu Âu. Nhưng làn sóng cung cấp LNG mới (dự kiến sẽ tung ra thị trường từ năm 2025 trở đi) nguy cơ can thiệp chính sách tăng cao (dưới hình thức giới hạn giá và tăng thuế bất ngờ), và thậm chí cả khả năng một phần khí đốt qua đường ống của Nga quay trở lại châu Âu trong thập kỷ này có thể buộc các bên trung gian bán lại khối lượng lớn hơn LNG không địa chỉ của họ cho người mua châu Âu theo các hợp đồng ngắn hơn, linh hoạt hơn.

3. Đổi mới cấu trúc hợp đồng LNG:

Tái cấu trúc gần đây của thương mại LNG toàn cầu và sự nổi lên của EU như một thị trường LNG cao cấp với nhu cầu mang tính thời vụ cao có thể truyền cảm hứng cho những cách nghĩ mới về cách thức ký hợp đồng LNG, đặc biệt là trong chương trình nghị sự khử cacbon của châu Âu, cũng như những lo ngại về an ninh năng lượng.

EU có khối lượng lưu trữ khí đốt ngầm khá lớn, vượt quá 100 bcm. Tuy nhiên, ngay cả với lượng dự trữ đáng kể như vậy, EU vẫn yêu cầu tăng cường nhập khẩu bên cạnh việc rút bớt kho lưu trữ để đáp ứng nhu cầu trong những tháng mùa đông cao điểm. Bất kỳ giai đoạn nào cần nhập khẩu bổ sung để giữ cho hệ thống cân bằng đều là giai đoạn rủi ro tăng cao. Nhưng các hợp đồng LNG theo mùa có thể cho phép châu Âu giảm thiểu rủi ro nguồn cung và giảm bớt gánh nặng về việc lưu trữ.

Do những bất ổn xung quanh nhu cầu khí đốt của châu Âu và dòng khí đốt của Nga, một hợp đồng quyền chọn là một giải pháp tiềm năng khác. Các hợp đồng quyền chọn như vậy sẽ mang lại cho các nhà nhập khẩu châu Âu quyền mua một khối lượng LNG được xác định trước. Hợp đồng quyền chọn LNG sẽ tuân theo logic tương tự như các thỏa thuận thu phí LNG của Hoa Kỳ (trên thực tế là hợp đồng chọn tùy ý), nhưng mở rộng việc sử dụng các hợp đồng đó sang nhiều nguồn cung cấp LNG hơn nhiều ngoài Hoa Kỳ.

4. Hợp đồng thời vụ:

Hợp đồng LNG thời vụ, hay theo mùa sẽ có giá trị kéo dài tới 6 tháng (từ tháng 10 đến tháng 3) - khi nhu cầu khí đốt ở các thị trường nhạy cảm với thời tiết có thể tăng gấp đôi, hoặc gấp ba. Các hợp đồng LNG này có thể được ký trước mùa đông với mức giá cao hơn so với tiêu chuẩn giá giao ngay trong khu vực (chẳng hạn như TTF), hoặc theo tiêu chuẩn dầu Brent bằng cách sử dụng cái gọi là ‘độ dốc giá’. Trong trường hợp này, người mua sẽ phải trả thêm 10 - 15% phí bảo hiểm so với mức giá khí đốt dự kiến trung bình cho những tháng mùa đông. Phí bảo hiểm phải trả cho hợp đồng LNG theo thời vụ sẽ phụ thuộc phần lớn vào chênh lệch giá hè - đông tại thời điểm ký hợp đồng. Giá cơ bản sẽ được cố định tại thời điểm hợp đồng được mua để tránh rủi ro tăng giá do thị trường giao ngay trong mùa đông. Các biến thể khác có thể bao gồm việc cố định giá cơ bản ở mức giá cao nhất vào mùa đông, hoặc tính phí bảo hiểm rộng hơn.

Đối với người mua, việc trả phí bảo hiểm cho nguồn cung cấp theo mùa sẽ được chứng minh bằng cả sự đảm bảo về nguồn cung mà hợp đồng LNG cung cấp và sự thuận tiện khi không phải (tức là lấy số lượng theo hợp đồng) lưu trữ và giữ khí với giá gốc trong nửa còn lại của năm. Từ quan điểm của người bán, việc phải tiếp thị LNG dư thừa cho hai nhóm người mua (một cho mùa đông và một cho thời gian còn lại của năm) có thể là một đề xuất kém hấp dẫn, thậm chí để đổi lấy một khoản phí bảo hiểm. Nhưng triển vọng về các điều kiện thị trường lỏng lẻo hơn sau năm 2025 do làn sóng cung cấp LNG mới và khả năng một phần khối lượng LNG của Nga quay trở lại châu Âu trước cuối thập kỷ này có thể khiến các hợp đồng theo mùa trở thành đôi bên cùng có lợi (cho người mua và người bán).

5. Hợp đồng quyền chọn:

Hợp đồng quyền chọn (Options contracts) LNG cung cấp cho người mua quyền nhập khẩu một khối lượng LNG xác định, nếu cần, ở một mức giá xác định. Mua LNG là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Để đổi lấy quyền này, người mua phải trả phí quyền chọn (tức là giá của quyền chọn) cho người bán các hợp đồng này.

Vào tháng 9 năm 2022, Công ty điện năng DEPA của Hy Lạp đã ký với TotalEnergies hợp đồng quyền chọn LNG đầu tiên giữa một người mua châu Âu. Thỏa thuận yêu cầu TotalEnergies giao 2 lô hàng LNG mỗi tháng cho Hy Lạp trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023, nhưng DEPA có quyền hủy bất kỳ lô hàng nào để đổi lấy một khoản phí.

Thỏa thuận thu phí LNG của Hoa Kỳ cũng là hợp đồng quyền chọn. Thông thường, người mua cam kết trả 2 - 3 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) trong vòng 15 - 25 năm để bảo lãnh chi phí vốn cho một cơ sở xuất khẩu LNG, giúp họ tiếp cận nguồn cung cấp khí đốt của Hoa Kỳ. Khi sự chênh lệch giá giữa Hoa Kỳ và các thị trường khu vực khác biện minh cho việc nâng LNG, người mua sẽ thực hiện lựa chọn của mình và bán LNG cho thị trường có giá cao nhất. Nếu chênh lệch giá quá nhỏ, hoặc âm thì lượng LNG được xuất khẩu từ Hoa Kỳ sẽ ít hơn. Người mua trả “phí thu phí” (tức là phí quyền chọn) nhưng tránh được rủi ro về khối lượng.

Đối với người mua châu Âu, những loại hợp đồng này có thể mang lại lợi ích vì ba lý do:

- Hợp đồng quyền chọn không có rủi ro về khối lượng, vì người mua chỉ có quyền chứ không có nghĩa vụ nhận hàng LNG. Đây là một đặc điểm đặc biệt hấp dẫn trong bối cảnh thị trường hiện tại có nhiều biến động và bất ổn trong ngắn hạn.

- Việc sử dụng các tiêu chuẩn giá LNG cạnh tranh trong các hợp đồng quyền chọn để định giá hàng hóa cơ bản sẽ phòng ngừa giá TTF không ổn định. Chẳng hạn, điều này đã chứng kiến sự mất kết nối lớn với các nguyên tắc cơ bản của thị trường LNG trong nửa cuối năm 2022 do không đủ khả năng tái hóa khí.

- Khi quy định lưu trữ khí đốt của EU hết hạn vào cuối năm 2025, các hợp đồng quyền chọn này có thể được sử dụng thay thế cho nghĩa vụ lưu trữ bắt buộc đối với người mua châu Âu khi gặp tình trạng khẩn cấp về nguồn cung LNG. Rủi ro không giao hàng theo các hợp đồng quyền chọn như vậy có thể được định giá theo TTF. Vì vậy, nếu người bán không thể giao hàng được yêu cầu, người mua sẽ được bồi thường ở mức giá mà họ mua từ trung tâm khí lỏng khác để thay thế./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Link tham khảo:

1. https://www.lngindustry.com/liquid-natural-gas/05022024/north-america-leads-global-long-term-lng-contracts-signed-in-2023-finds-globaldata/

2. https://www.eia.gov/todayinenergy/detail.php?id=61384#:~:text=The%20terms%20in%20the%20SPAs,the%20third%20quarter%20of%202024.

3. https://www.researchgate.net/publication/272416905_The_Future_of_Long-term_LNG_Contracts

4. https://www.spglobal.com/commodityinsights/en/market-insights/latest-news/lng/051123-petronas-lng-price-reviews-test-market-levels-for-long-term-contracts

5. https://www.petronas.com/media/media-releases/petronas-and-cnooc-sign-10-year-lng-supply-agreement

6. https://www.energypolicy.columbia.edu/publications/beyond-spot-vs-long-term-europes-lng-contracting-options-for-an-uncertain-future/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động