RSS Feed for Một số quan điểm về phát triển thị trường năng lượng ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 24/04/2024 11:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Một số quan điểm về phát triển thị trường năng lượng ở Việt Nam

 - Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007. Điều1 của chiến lược gồm 5 nội dung:

 

PGS. TS. NGUYỄN MINH DUỆ
Phát triển năng lượng quốc gia và thị trường năng lượng

(1) Quan điểm phát triển

- Phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo đi trước một bước với tốc độ cao, bền vững và đồng bộ.

- Phát triển năng lượng quốc gia cần phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước kết hợp với khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngoài hợp lý, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế độc lập tự chủ.

- Từng bước hình thành thị trường năng lượng, đa dạng hoá sở hữu và phương thức kinh doanh, hướng tới thoả mãn tốt nhất lợi ích người tiêu dùng.

- Phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống điện, dầu khí, than, năng lượng mới và tái tạo, coi trọng sử dụng năng lương tiết kiệm và hợp lý, giảm tỷ lệ tổn thất.

- Phát triển năng lượng gắn chặt với giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển năng lượng bền vững.

(2) Mục tiêu phát triển, trong chiến lược nêu lên mục tiêu cụ thể:

 Phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, trong đó năng lượng sơ cấp cụ thể như sau:

 Năm 2010: 47,5- 49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), Năm 2020: 100-120 triệu TOE, Năm 2025: 110-120 triệu TOE, Năm 2050: 310-320 triệu TOE.

(3) Định hướng phát triển, Quyết định đã nêu rõ định hướng phát triển của từng chuyên ngành: điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo.

(4) Các chính sách, Quyết định nêu lên 5 chính sách là: bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; giá năng lượng; đầu tư các nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học điện hạt nhân; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và bảo vệ môi trường.

(5) Các giải pháp thực hiện, Quyết định đã đưa ra 4 giải pháp thực hiện là: đầu tư phát triển, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực và cơ chế tổ chức.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia là một trong những căn cứ quan trọng nhằm hình thành quan điểm phát triển thị trường năng lượng.

Quan điểm về phát triển thị trường năng lượng

Căn cứ vào nội dung chiến lược PTNLQG mà Chính phủ đã đề ra và thực trạng phát triển của ngành năng lượng Việt Nam cũng như xu thế phát triển năng lượng các nước trên thế giới, quan điểm của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam về phát triển thị trường năng lượng như sau:

- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương của Đảng và Chính phủ. Tính đến nay, trong đa số các ngành trong nền kinh tế Việt Nam đã và đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, riêng ngành năng lượng bao gồm các sản phẩm: dầu khí, than và điện thuộc sự quản lý của ba tập đoàn kinh tế Nhà nước: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn ở thế độc quyền, hầu như chưa có thị trường cạnh tranh.

 

- Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh là xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới, là động lực cho hoạt động hiệu quả trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm năng lượng và phát triển kinh tế xã hội. Để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, ngành năng lượng Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn năng lượng Nhà nước, không có con đường nào khác, phải tìm mọi giải pháp hữu hiệu đẩy nhanh phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh trong thời gian tới.

- Phát triển thị trường năng lượng đối với nước ta là rất mới mẻ và phức tạp, nên đòi hỏi phải nghiên cứu cả về lý luận và thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Bản chất của kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh, nói như vậy không có nghĩa là trong nền kinh tế thị trường chỉ có duy nhất là thị trường cạnh tranh, mà còn có thị trường độc quyền, thị trường vừa độc quyền vừa cạnh tranh. Nên cạnh tranh và độc quyền là hai nội dung cơ bản tồn tại trong nền kinh tế thị trường. Đối với ngành năng lượng cần thiết nghiên cứu xây dựng các mô hình thị trường, chính sách giá cả và cơ chế quản lý của nhà nước phù hợp với từng loại sản phẩm năng lượng ở các giai đoạn khác nhau.

Thực trạng phát triển thị trường năng lượng

Thị trường điện

Chính phủ Việt Nam nhận thức được sự cần thiết hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh, xem là chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam, đã thể hiện trong Luật Điện lực năm 2005 và được cụ thể hóa trong Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 8 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình và các điều kiện hình thành phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. (thay thế Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006 đã hết hiệu lực).

Theo quyết định trên, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ:

- Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1): Tiếp tục thực hiện đến hết năm 2014;

- Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2):

+ Giai đoạn 2015-2016: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm;

+ Giai đoạn 2017-2021: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh;

- Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3):

+ Giai đoạn 2021-2023: Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm;

+ Từ sau năm 2023: Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh;

Thị trường phát điện cạnh tranh: Là cấp độ đầu tiên của thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam. Trong giai đoạn này, chỉ có cạnh tranh trong khâu phát điện, chưa có cạnh tranh trong khâu bán buôn và bán lẻ điện. Khách hàng sử dụng điện chưa có cơ hội lựa chọn đơn vị bán điện cho mình. Các đơn vị phát điện sẽ cạnh tranh bán điện cho một đơn vị mua buôn duy nhất (Công ty mua bán điện trực thuộc EVN ) trên thị trường giao ngay và qua hợp đồng mua bán điện dài hạn. Cục Điều tiết Điện lực quy định hàng năm tỷ lệ sản lượng điện năng mua bán qua hợp đồng và điện năng giao dịch trên thị trường giao ngay.

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Hình thành các đơn vị bán buôn mới để tăng cường cạnh tranh trong khâu mua bán điện. Khách hàng lớn và các công ty phân phối được quyền mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện thông qua thị trường hoặc từ các đơn vị bán buôn. Các đơn vị bán buôn điện cạnh tranh mua điện từ các đơn vị phát điện và cạnh tranh bán điện cho các đơn vị phân phối và khách hàng lớn. Chưa có cạnh tranh trong khâu bán lẻ điện, khách hàng sử dụng nhỏ chưa có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp điện.

Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh: Sự cạnh tranh diễn ra ở cả 3 khâu: phát điện, bán buôn và bán lẻ điện. Khách hàng trên cả nước được lựa chọn đơn vị bán điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện) hoặc mua điện trực tiếp từ thị trường. Các đơn vị bán lẻ điện cũng cạnh tranh mua điện từ các đơn vị bán buôn, các đơn vị phát điện hoặc từ thị trường để bán lẻ cho khách hàng sử dụng điện.

Sau một thời gian dài Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực và các tổ chức liên quan đã nghiên cứu, xây dựng hệ thống các văn bản pháp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin cũng như đào tạo, tập huấn cho các đơn vị tham gia thị trường, đến ngày 01 tháng 7 năm 2011 thị trường phát điện cạnh tranh đã bắt đầu vận hành thí điểm và vận hành chính thức ngày 01 tháng 7 năm 2012. Năm 2013 đã ghi nhận sự thành công bước đầu của thị trường phát điện cạnh tranh. Sau một năm vận hành chính thức đã có 37 nhà máy, với tổng công suất 9.500MW tham gia trực tiếp chào giá trên thị trường điện, chiếm 40% tổng công suất đặt của hệ thống điện, cũng có 55 nhà máy không trực tiếp chào giá trên thị trường điện với tổng công suất  16.042 MW chiếm 62,7% tổng công suất hệ thống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần được rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện cho các bước tiếp theo.

Theo lộ trình, sau khi kết thúc cấp độ 1 thị trường phát điện cạnh tranh vào năm 2014, mới chuyển sang cấp độ 2 thị trường bán buôn cạnh tranh (2015- 2022) và sau năm 2023 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Nhận xét về thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện

1. Về sự hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là cần thiết, đúng theo quan điểm của Chính phủ và Luật Điện lực. Thực hiện thành công lộ trình phát triển thị trường điện, đưa vào hoạt động thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong hoạt động điện lực ở Việt Nam, nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh điện, hạ giá thành tạo cơ sở giảm giá bán điện. Phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, mang lại lợi ích chung cho người cung cấp và người tiêu thụ điện.

2. Về lộ trình, phải trải qua 3 cấp độ từ năm 2005 đến 2023 là quá dài, cøng nh¾c, các cấp độ thực hiện không có sự đan xen lẫn nhau, phải xong cấp độ này mới chuyển sang cấp độ khác. Như vậy phải sau gần 20 năm thực hiện, đến năm 2023 Việt Nam mới có được thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Thực chất đây được xem là một dự án đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong ngành điện nhằm chuyển đổi từ cơ chế hoạt động độc quyền lạc hậu kém hiệu quả sang cơ chế thị trường cạnh tranh hiện đại. Đành rằng, hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh ở nước ta là phức tạp và mới mẻ, tuy nhiên nếu không có giải pháp khẩn trương, quyết liệt thì những hậu quả xấu của cơ chế độc quyền vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, sẽ gây nên những tổn thất khôn lường cho ngành điện và nền kinh tế. Kiến nghị với Chính phủ tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam như lời Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Thị trường điện cạnh tranh phải rút nhanh hơn lộ trình đã công bố”.  

3. Việc quản lý hoạt động thị trường điện của Nhà nước mà chủ yếu là Bộ Công Thương hãy còn hạn chế về việc xây dựng mô hình, tổ chức, cơ chế hoạt động và giao dịch giữa các đối tượng mua bán điện trên thị trường. Sau gần 10 năm nghiên cứu và thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh vẫn chưa có mô hình đúng theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh: hiệu quả, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực. Hiện tại, EVN là đơn vị chiếm phần chi phối lớn nhất trong khâu phát điện; Công ty mua bán điện, đơn vị vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường đều thuộc EVN. Trong điều 19 của Luật Điện lực quy định phải có: đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, chịu trách nhiệm điều hoà, phối hợp hoạt động giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đơn vị này, còn giao cho EVN điều hành.

Thị trường dầu khí

Về dầu khí, bao gồm các sản phẩm: dầu thô, khí đốt và xăng dầu các loại. Trong phạm vi báo cáo này, chỉ giới thiệu thị trường xăng dầu vì hiện nay được quan tâm nhất đối với người cung cấp cũng như tiêu thụ ở Việt Nam.   

Cùng với quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hoạt động phân phối xăng dầu cũng đã trải qua các giai đoạn tương ứng, từ phương thức cung cấp theo định lượng, áp dụng một mức giá thống nhất do Nhà nước quy định đến mua bán theo nhu cầu, thông qua hợp đồng kinh tế.

Hiện nay, đối với xăng dầu đang vận hành theo mô hình truyền thống. Tổng công ty xăng dầu (Petrolimex) hiện đang chiếm hơn 50% thị phần, cộng với PV Oil, Saigon Petro, ba đơn vị này chiếm trên 80% thị phần trong cả nước, làm nhiệm vụ nhập khẩu, phân phối, bán lẻ.

Nhận xét về thực trạng đối với thị trường xăng dầu

Những mặt đã đạt được

Một là, đã tạo được một hệ thống các doanh nghiệp Nhà nước tham gia hoạt động nhập khẩu, phá vỡ thế độc quyền nhập khẩu thuộc về một số đơn vị trước đây, tạo ra thế đứng mới cho các doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia nhập khẩu và khẳng định ưu thế vượt trội của các đơn vị được đầu tư theo cách nhìn mới trong cơ chế thị trường.

Hai là, việc kìm giá trong một khoảng thời gian dài kể cả khi giá xăng dầu thế giới có biến động bất thường có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định tình hình chính trị - kinh tế xã hội trong nước.

Ba là, từng bước thiết lập một thị trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, qua đó hình thành chi phí xã hội cần thiết cho hoạt động kinh doanh xăng dầu và mức lợi nhuận hợp lý.

 Những mặt còn hạn chế

 Một là, việc điều hành giá bán các mặt hàng xăng vẫn do Nhà nước quy định; hệ luỵ của quy định đăng ký, giá bán trong nước thường không bắt kịp giá thị trường; gây bất ổn thị trường do đầu cơ trước thông tin tăng giá; tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại của người tiêu dùng và thường có phản ứng khi có sự tăng giá.

Hai là, cơ chế bù giá duy trì quá lâu làm mất đi tính chủ động của doanh nghiệp, giảm động lực tiết giảm chi phí tăng, doanh nghiệp không có tích luỹ cho đầu tư phát triển, mất cơ hội đầu tư, giảm sức cạnh tranh; người tiêu dùng không có ý thức tiết kiệm.

Ba là, công tác quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu không rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát dẫn đến đầu tư không đồng đều, manh mún gây lãng phí xã hội; việc bình ổn thị trường ở những vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn...

Quan điểm về phát triển thị trường xăng dầu thời gian tới

Qua phân tích thực trạng thị trường xăng dầu, những mặt đạt được và những hạn chế, có thể đưa ra một số quan điểm về phát triển thị trường xăng dầu trong những năm tới như sau:

 1. Chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước hướng tới 3 mục tiêu: i) Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phát triển kinh tế đất nước; bình ổn thị trường xăng dầu trong mọi tình huống; ii) Giá bán xăng dầu thực sự được vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; iii) Hài hoà ba lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

2. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư, tham gia thị trường từ khâu thượng đến hạ nguồn theo đúng quy hoạch nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, dịch vụ, văn minh thương mại.

3. Tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường. Ban hành Nghị định kinh doanh xăng dầu mới nhằm tạo hành lang pháp lý để khuyến khích thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư hệ thống phân phối theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Cơ chế điều hành giá bán xăng dầu, từ những bài học kinh nghiện rút ra, xuất phát từ yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và xuất phát từ tính chất nhạy cảm của mặt hàng, việc định giá bán tại thị trường trong nước cần có sự thay đổi căn bản. Cơ chế quản lý giá bán xăng dầu cần hướng tới nguyên tắc điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.    

Thị trường than

Về quy mô thị trường: Sản lượng than tiêu thụ trong nước đã có sự tăng lên đáng kể từ mức 10 triệu tấn năm 2002 lên khoảng 28 triệu tấn năm 2013, trong đó chủ yếu là than sản xuất trong nước 27,5 triệu tấn (chiếm 98,2%), còn than nhập khẩu chỉ khoảng 0,5 triệu tấn (chiếm 1,8 %). Nguyên nhân chính là do trong thời gian qua so với nhu cầu thì nguồn cung than trong nước khá dồi dào và có giá cạnh tranh hơn than nhập khẩu. Tuy nhiên, mối tương quan này đang ngày càng mất dần.

 Về các doanh nghiệp tham gia thị trường: cho đến nay, TKV là nhà cung cấp than chủ yếu trên thị trường than trong nước (chiếm tới 98%) và là nhà xuất khẩu than duy nhất. Vừa qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu DNNN và tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó TKV có Tổng công ty Đông Bắc - một công ty con của TKV được tách ra khỏi TKV và trở thành tổng công ty độc lập do Bộ Quốc phòng quản lý.

Về cơ chế giá than:

Theo quy định của Pháp lệnh giá (2002) thì than là mặt hàng không thuộc diện bình ổn giá cũng như không thuộc diện Nhà nước định giá. Việc định giá than do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh than thực hiện theo cơ chế thị trường.

Nhận xét về phát triển thị trường than 

- Vấn đề tạo lập thị trường than mãi đến năm 2008 mới chính thức được đề cập trong Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 89/2008/QĐ-TTg ngày 07/7/2008.    

- Mục tiêu phát triển thị trường than đề ra là chuyển nhanh hoạt động ngành than theo cơ chế thị trường, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế, có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện thị trường than còn chậm chạp, thiếu đồng bộ theo đúng thông lệ thị trường.

 - Sản lượng than tiêu thụ trong nước tăng lên đáng kể, nguồn cung cấp chủ yếu là trong nước, nhập khẩu chiếm tỷ lệ rất ít. Tuy nhiên, quan hệ này sẽ đang ngày càng mất dần khi nguồn than trong nước sẽ giảm đi. Việc quản lý nhà nước về thị trường than trong nước và nhập khẩu chưa rõ ràng, đặc biệt là cơ chế quản lý giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước và giá xuất nhập khẩu.

 - Việc thực hiện tái cơ cấu DNNN đối với ngành than quá chậm chạp. Đến nay TKV vẫn là nhà cung cấp than chủ yếu trong nước và xuất khẩu duy nhất, ngoài Tổng công ty Đông Bắc vừa tách khỏi TKV, chưa có một DN tư nhân hoặc CP nào tham gia thị trường than.  

Quan điểm về phát triển thị trường than trong thời gian tới

Nhu cầu than tăng rất cao

Theo dự báo trong Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg thì nhu cầu than trong nước thời gian tới sẽ tăng rất cao, cụ thể là (theo P/a cơ sở): Năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triêu tấn, năm 2030 là 220,3 triệu tấn.

 Như vậy, so với mức tiêu thụ năm 2013 đến năm 2015 (chỉ sau 2 năm) nhu cầu than trong nước sẽ tăng gấp 2 lần, đến năm 2020 tăng gấp 4 lần và đến năm 2030 tăng gấp 8 lần.

 - Nguồn cung ứng than trong nước gặp nhiều khó khăn   

Với lý do: i) Tài nguyên than đã được thăm dò có khả năng huy động vào khai thác bị suy giảm và mức độ tin cậy thấp. ii) Khả năng nâng cao sản lượng khai thác bị hạn chế và giảm so với Quy hoạch đã được duyệt. iii) Nhu cầu vốn đầu tư và giá thành khai thác tăng cao.

 

 - Nguồn than nhập khẩu còn nhiều ẩn số

Để đáp ứng nhu cầu than, QH60 đã đề ra chủ trương nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về nước.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu than dài hạn với khối lượng hàng chục triệu đến hơn trăm triệu tấn/năm là vô cùng khó khăn do nguồn cung than ngày càng hạn chế trong khi nhu cầu than của các nước ngày càng tăng với sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Muốn có nguồn than ổn định phải đầu tư mua mỏ ở nước ngoài để khai thác, đây là dạng đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro. Vì vậy, hiện nay, tất cả những vấn đề này đều còn là ẩn số.

Với 3 lý do trên, đề xuất các quan điểm về giải pháp sau: 

 1.  Tạo lập thị trường than cạnh tranh, công khai, minh bạch

 Đẩy nhanh việc hoàn thiện và xây dựng đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường theo hướng tạo dựng một thị trường than hoàn chỉnh có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thể chế quản lý, vận hành minh bạch, công khai và tính cạnh tranh theo đúng thông lệ thị trường. Đặc biệt, để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cần tăng cường năng lực và chất lượng quản lý nhà nước về thị trường cũng như về công tác quy hoạch, cấp phép, quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh than, nhất là về các mặt đảm bảo khai thác hợp lý, giảm tổn thất tài nguyên, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các trách nhiệm xã hội theo quy định của pháp luật.

  2. Phát triển thị trường cung ứng than trong nước

 - Đẩy mạnh công tác thăm dò nâng cấp tài nguyên với mức độ tin cậy cao để đảm bảo đủ trữ lượng than đưa vào khai thác. Trong đó Chính phủ chỉ đạo khẩn trương cấp phép cho TKV và các đơn vị khác ngoài TKV triển khai thực hiện công tác thăm dò theo đúng tiến độ, đặc biệt là cấp phép thăm dò tiến tới lập dự án khai thác các khu mỏ mới. 

 - Phát huy tối đa lợi thế khai thác lộ thiên (công suất lớn, năng suất và hệ số thu hồi than cao, an toàn, đã có thiết bị và kinh nghiệm về công nghệ khai thác dưới sâu) trên cơ sở nâng cao hệ số bóc một cách tối đa.

- Đối với khai thác than hầm lò, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiên cứu tìm kiếm công nghệ khai thác thích hợp đi đôi với áp dụng cơ giới hoá đến mức cao nhất 

-Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở triệt để tiết giảm chi phí, nâng cao NSLĐ, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng.

3. Thực hiện chiến lược nhập khẩu than và đầu tư khai thác ra nước ngoài 

- Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về phục vụ trong nước; đồng thời có các giải pháp về cơ chế chính sách thích đáng tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác đầu tư ra nước ngoài khai thác mỏ, nhất là chính sách bảo lãnh và hỗ trợ mua quyền khai thác mỏ.

- Nhà nước hỗ trợ về đường lối, chính sách, quan hệ ngoại giao tạo sức mạnh tổng thể khi đàm phán với các đối tác trong việc đầu tư vào các mỏ tại nước sở tại và mua than để nhập khẩu về Việt Nam nhằm đảm bảo nguồn cung được ổn định và lâu dài.

- Trên cơ sở Chiến lược nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than được duyệt đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống cảng, bến bãi và năng lực vận chuyển phục vụ nhập khẩu than.

Giải pháp phát triển thị trường năng lượng

1. Tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế thuộc ngành năng lượng

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được xác định là một trong 3 trụ cột chính của tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tạo sự đổi mới toàn diện từ mô hình tổ chức, phương thức quản lý, chiến lược đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đối với ngành năng lượng, gồm 3 tập đoàn kinh tế lớn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tái cơ cấu các tập đoàn này có ý nghĩa đặc biệt trong phát triển thị trường năng lượng ở Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án tái cơ cấu đối với 3 tập đoàn kinh tế thuộc ngành năng lượng giai đoạn 2012-2015.

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Mục tiêu của đề án là xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh, năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển bằng việc sử dụng tối ưu mọi nguồn lực sẵn có; phát triển nhanh và đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến chế biến dầu khí, sản xuất phân bón, điện, dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam: Mục tiêu của đề án là xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu hợp lý; tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp. Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Mục tiêu của đề án nhằm đảm bảo cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả SX-KD; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu của đề án tái cơ cấu, các tập đoàn cần thực hiện một cách quyết liệt, đổi mới toàn diện mô hình tổ chức, phương  thức quản lý SX-KD, chiến lược đầu tư… góp phần phát triển thị trường năng lượng.

2. Cổ phần hoá DNNN, tăng thành phần doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường năng lượng

Cổ phần hoá được định nghĩa là chuyển đổi DNNN thành các công ty cổ phần. Năm 1993, Việt Nam bắt đầu thực hiện thí điểm CPH, hơn 20 năm qua công việc này được nhìn nhận là khó khăn và “nhạy cảm”, đặc biệt đối với các DNNN thuộc ngành năng lượng. Chính vì vậy, số doanh nghiệp trong các tập đoàn: dầu khí, than- khoáng sản và điện lực còn rất hạn chế, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thị trường năng lượng và hiệu quả SX-KD. Trở ngại lớn nhất việc CPH các DNNN thuộc ngành năng lượng là quan niệm của một số các nhà lãnh đạo, quản lý hiện nay vẫn cho rằng ngành năng lượng là cơ sở hạ tầng có vai trò hết sức quan trọng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, DNNN phải nắm vai trò chủ đạo, phải giữ độc quyền hoặc nếu CPH thì nhà nước phải giữ trên 51% vốn điều lệ. Đành rằng, bên cạnh những trở ngại nói trên, vấn đề CPH các DNNN về năng lượng cũng sẽ không đơn giản, vì tài sản các DN này rất lớn, trong lúc vốn của các tư nhân ở nước ta còn rất hạn chế và vấn đề đánh giá đúng giá trị tài sản doanh nghiệp CPH  không đơn giản, dễ thất thoát vốn của nhà nước.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: việc CPH các DNNN nói chung và các DN thuộc ngành năng lượng là tất yếu khách quan trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các DNNN về năng lượng cần xây dựng lộ trình CPH và giải pháp mang tinh đột phá để đạt được mục tiêu đề ra của Chính phủ trong 2 năm 2014 - 2015.

3.  Xây dựng chính sách giá năng lượng theo cơ chế thị trường cạnh tranh  

Kinh tế thị trường được hiểu là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau để trao đổi mua bán hàng hoá hoặc dịch vụ dưới tác động bởi quy luật cung cầu và giá cả. Ở nước ta hiện nay, đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước. Theo lộ trình của phát triển thị trường năng lượng, nhà nước có những chính sách giá thích hợp cho từng giai đoạn đối với từng loại sản phẩm năng lượng. Một chính sách đúng đắn, một cơ chế định giá và quản lý giá phù hợp, minh bạch sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường năng lượng thành công.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, kiến nghị định hướng xây dựng chính sách giá năng lượng như sau:

Một là, chính sách giá năng lượng phải được xây dựng phù hợp với chính sách phát triển KT-XH và chính sách năng lượng quốc gia.

Hai là, định giá năng lượng phải kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi về tài chính.

Ba là, chính sách giá năng lượng được xem là một trong những công cụ quản lý nhu cầu, bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường.

Bốn là, chính sách giá năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa thị trường trong nước và thế giới.

Năm là, đề cao vai trò Nhà nước trong việc xác lập và kiểm soát thực hiện chính sach giá năng lượng, đặc biệt đối với dạng năng lượng mang tính độc quyền.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động