RSS Feed for "Cú hích" từ thị trường phát điện cạnh tranh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 21/11/2024 23:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Cú hích" từ thị trường phát điện cạnh tranh

 - Sau 2 năm chính thức khởi động, thị trường phát điện cạnh tranh tiếp tục vận hành ổn định, thông suốt, các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Thành công này được xem như là sự chuẩn bị cần thiết để thị trường bán buôn cạnh tranh bắt đầu thí điểm từ năm 2015.

>> Tăng đối tượng tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh

"Cú hích" cho doanh nghiệp sản xuất điện

Bộ Công Thương cho biết, hiện có 49 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất đặt 12.387 MW đang trực tiếp giao dịch trên thị trường. Ngoài ra còn một số nhà máy tham gia theo hình thức gián tiếp, gồm các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các nhà máy điện BOT, nhiệt điện…

Theo đánh giá chung, thị trường thời gian qua vận hành liên tục, không bị gián đoạn kể cả vào những thời điểm vận hành hệ thống khó khăn, như sự cố rã lưới phía Nam tháng 5/2013, hay trong các tháng mùa khô, xu hướng giá thị trường đã phản ánh đúng quan hệ cung - cầu hệ thống. Trong các tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng các đơn vị phát điện trực tiếp giao dịch chiếm tỷ lệ hơn 53% tổng sản lượng toàn hệ thống.

Theo ông Nguyễn Đình Doãn - Giám đốc Công ty Mua bán điện (EPTC), giá phát điện đã thể hiện được quan hệ cung - cầu: khi phụ tải ở những giờ cao điểm, giá điện của thị trường cũng cao, song trong giờ thấp điểm giá sẽ thấp hơn. Đặc điểm này đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tăng khả năng sẵn sàng phát điện và có những chiến lược chào giá phù hợp để đảm bảo sản xuất - kinh doanh ổn định và có lãi.

Trong năm 2013, EPTC đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với 56 nhà máy điện, với công suất 20.456 MW, bao gồm 7 nhà máy điện BOT, 2 nhà máy năng lượng mới, 13 nhà máy nhiệt điện và 34 nhà máy thủy điện. Các nhà máy đều phải có công suất tối thiểu từ 30MW trở lên mới được tham gia VCGM, ngoài ra, công ty cũng đã ký kết 28 hợp đồng sửa đổi bổ sung với các nhà máy điện tham gia thị trường điện liên quan tới các điều khoản về thanh toán trong và ngoài.

Hiện, ETPC đang quản lý, theo dõi 79 hợp đồng mua bán điện, với tổng công suất là 24.455 MW, ước tổng sản lượng của cả năm 2013 đạt 91,27 tỷ kWh (chi phí mua điện ước đạt 103.431,2 tỷ đồng), chiếm 72% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống. Đối với phần nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, tổng sản lượng điện mua là 3,19 tỷ kWh, với tổng chi phí phải thanh toán là 187,6 triệu USD và sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia là 1,33 tỷ kWh, với số tiền thu được là 112,9 triệu USD.

Là một trong số các đơn vị đang tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, sau 2 năm, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả đã thu được nhiều thành công đáng kể. Ông Phạm Đắc Lâm - Tổng giám đốc Công ty đã không nói quá khi khẳng định, thị trường phát điện cạnh tranh là “cú hích” cho các doanh nghiệp sản xuất điện trong nước hiện nay. Là bởi, sau 2 năm tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh, Công ty đã từng bước giảm một phần nợ lũy kế do tỷ giá từ trên 600 tỷ đồng xuống còn trên 400 tỷ đồng.

Theo ông Lâm, sau khi tham gia vào thị trường, Công ty đã xác định phải nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp. Do đó, nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất đã được thực hiện như: thực hiện nghiêm túc công tác mua sắm vật tư thông qua chào hàng cạnh tranh, tiết giảm chi phí trong việc tổ chức hội nghị. Ngoài ra, Công ty đã có nhiều giải pháp kỹ thuật, nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm tiêu hao nước công nghiệp. Nhờ đó, Công ty đã đã tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm chi phí đầu vào.

“Nhưng có thể nói, thành công lớn nhất sau 2 năm đồng hành với thị trường phát điện cạnh tranh đó chính là trình độ quản lý, vận hành sản xuất - kinh doanh của đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên. Công tác dự báo, phân tích tình hình của thị trường cũng như xây dựng các kế hoạch sản xuất đã theo kịp và bám sát với yêu cầu hoạt động… Đây chính là cú hích mà thị trường phát điện cạnh tranh đã và đang tạo ra cho các doanh nghiệp sản xuất điện hiện nay” - ông Lâm bày tỏ.

Tiến tới hoàn thiện thị trường cạnh tranh

Theo ông Dương Quang Thành - Phó tổng giám đốc Tập điện Điện lực Việt Nam (EVN), trong 3 cấp độ của thị trường điện, thì giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh có tính chất nền tảng. Đến nay, sau 2 năm khởi động có thể thấy thị trường phát điện cạnh tranh đã có được những thành công ban đầu.

“Với gần 50 nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường, yếu tố cạnh tranh, minh bạch của thị trường ngày càng được gia tăng, các đơn vị phát điện cũng tìm kiếm được cơ hội gia tăng lợi nhuận cao hơn trên thị trường, kích thích sự phát triển của thị trường, qua đó tạo điều kiện cho các giai đoạn phát triển tiếp theo” - ông Thành cho hay.

Đối với yêu cầu thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2015, ông Thành cho biết: hiện EVN cùng với Cục Điều tiết Điện lực đang chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực và xây dựng hệ thống các cơ chế hoạt động cho thị trường. Nếu các yếu tố đồng bộ được đảm bảo, mục tiêu xây dựng thị trường điện hoàn thiện có thể được thực hiện sớm hơn.

Theo Phó tổng giám đốc EVN, có rất nhiều yếu tố cần được đồng bộ xây dựng và phát triển song song, thậm chí là phải đi trước một bước so với thị trường điện. Trong đó, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay để phát triển thị trường điện đúng hướng và hoàn thiện là cần sớm hình thành được thị trường năng lượng sơ cấp (than, dầu khí) - đầu vào của sản xuất điện.

Nhằm đẩy nhanh các bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường điện Việt Nam theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đang xây dựng thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh với mục tiêu tạo điều kiện cung cấp điện ổn định, đầy đủ với giá điện hợp lý, không gây xáo trộn lớn đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh điện, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hơn và khắc phục các tồn tại của thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay.

Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cho ý kiến đánh giá về tình hình vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong thời gian qua, đồng thời, giao một số nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan trong việc tiến tới xây dựng, hình thành thị trường bán buôn cạnh tranh thí điểm từ năm 2015.

Các nhiệm vụ tập trung vào việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hình thành và phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam, bao gồm việc xây dựng, sửa đổi hệ thống văn bản pháp lý liên quan, các quy định về thị trường để có thể tăng các đối tượng tham gia, vấn đề hạ tầng thông tin, cơ sở pháp lý của các nhà máy điện. Bộ Công Thương phê duyệt thiết kế tổng thể và kế hoạch triển khai với các giai đoạn, bước đi cụ thể, trước mắt là giai đoạn thí điểm. Thuê tư vấn tiếp tục nghiên cứu, thực hiện Đề án thiết kế chi tiết và hệ thống các văn bản pháp lý và điều kiện cần thiết liên quan. Song song với đó, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành điện phù hợp với việc triển khai thị trường điện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

NGUYỄN TÂM (Tổng hợp)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động