RSS Feed for Cơ chế nào để phát triển đồng bộ hạ tầng điện lực Việt Nam? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 18:56
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cơ chế nào để phát triển đồng bộ hạ tầng điện lực Việt Nam?

 - Trước thực trạng “hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, kém tính kết nối… hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển”, Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển đồng bộ hạ tầng điện - lĩnh vực cần phải đi trước một bước. Tuy nhiên, với một hạ tầng được nhận định vừa thiếu, vừa yếu và nhiều bất cập như hiện nay thì làm sao để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng điện, là vấn đề đặt ra.

 

Ảnh: Quang Thắng

 

Thực trạng hạ tầng điện

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII), được Thủ tướng ký ban hành và có hiệu lực từ 21.7.2011 đã chỉ rõ: để cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện năm 2015 phải đạt từ 194 - 201 tỷ kWh. Trong khi cho đến nay, điện sản xuất từ tất cả các nguồn (thủy điện, nhiệt điện than, khí…) chưa đạt 115 tỷ kWh/năm.

Hàng năm, cùng với các giải pháp triệt để tiết kiệm và hạn chế sử dụng, vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 5% mới bảo đảm nhu cầu điện thiết yếu cho sản xuất và đời sống.

Trưởng ban Kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trịnh Ngọc Khánh khẳng định: Việt Nam đã không thể đáp ứng đủ điện khoảng 3% trong 5 năm qua. Tuy nhiên, không ít hộ tiêu dùng điện cho rằng, lượng điện thiếu hụt thực tế còn cao hơn nhiều.

Một bằng chứng được TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng đưa ra, đó là sự lần lữa, chậm trễ trong kế hoạch triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, dù được chuẩn bị từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Nhìn vào một con số khác cụ thể hơn về tổng công suất khả dụng của toàn hệ thống điện, hiện mới đạt khoảng 23.000MW, trong khi dự kiến đến năm 2015, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam phải đạt 48.497MW. Chỉ còn khoảng 3 năm để nâng công suất nguồn điện lên gấp hơn 2 lần hiện có, quả là điều không tưởng. Và đây mới chỉ là những bất cập, khó khăn trong hệ thống nguồn phát - nơi sản xuất ra các sản phẩm điện.

Một khó khăn, tồn tại lớn nữa của hệ thống điện Việt Nam, đó là hệ thống đường truyền tải, phân phối điện bất cập từ đường lớn, trạm lớn đến đường nhỏ, trạm bé.

Phó tổng giám đốc EVN, Dương Quang Thành cho rằng, hệ thống truyền tải luôn phải vận hành trong tình trạng đầy và quá tải, có nguy cơ sự cố cao.

Đó là chưa kể, việc phát triển hệ thống nguồn không đồng bộ với lưới truyền tải, dẫn đến nguy cơ có sản xuất nhưng không thể lưu thông phân phối.

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư) đang hoàn tất những công việc cuối cùng để phát điện vào cuối năm, nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm đầu tư đường truyền tải từ nhà máy đấu nối vào hệ thống điện quốc gia là một ví dụ điển hình.

Tổng kết việc triển khai Quy hoạch điện VI cho thấy, phát triển nguồn đạt hơn 60% kế hoạch, còn phát triển lưới chỉ đạt khoảng 50%.

Theo ông Trần Quốc Lẫm, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, việc mất đồng bộ giữa nguồn và lưới đang là thực trạng. Tổng công ty đang cố gắng làm sao để từ nay đến năm 2015 sẽ cải thiện toàn bộ việc đầu tư lưới điện để đáp ứng nhu cầu cũng như tiêu chí của lưới điện là phải có dự trữ và sẽ bảo đảm tần số, cũng như điện áp cho các hộ phụ tải.

Chưa biết khó khăn gồm những gì và việc triển khai sẽ đến đâu? Nhưng thực tế việc đầu tư và vận hành hệ thống điện đã tồn tại những hệ lụy không nhỏ.

Nguyên nhân do đâu?

Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) TS. Hoàng Tiến Dũng khẳng định: tất cả các quy hoạch điện, mới đây nhất là Quy hoạch điện VII đều chỉ rõ phải phát triển đồng bộ cả nguồn và lưới điện, tất cả đều phải có dự phòng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các quy hoạch điện thời gian qua không đồng bộ.

Thiếu tiền trong thế độc quyền, từ xây dựng nhà máy điện đến lưới truyền tải phân phối điện buộc EVN phải cân nhắc đầu tư cái nào trước cái nào sau.

Không ít chuyên gia trong ngành năng lượng nhận định, nhiều năm qua, ngành điện chỉ lo đầu tư các nhà máy điện mà không quan tâm đúng mức cho đầu tư lưới điện, dẫn đến tình trạng điện chờ lưới truyền tải. Trừ những đường dây và trạm cao thế, trung thế được đầu tư bài bản, nhưng còn thiếu rất nhiều, còn lại hầu hết lưới điện hạ thế trong tình trạng chắp vá, thiếu an toàn, hao tổn trên đường dây lớn.

Theo tính toán của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, nếu có khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư lưới điện nông thôn, sẽ có ngay một hệ thống lưới điện mới, đồng bộ, và trong vòng 3 năm là hoàn vốn từ giảm tổn thất điện năng.

Thiếu tiền cũng là một nguyên nhân của giải phóng mặt bằng chậm. Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia Trần Quốc Lẫm cho rằng, tất cả các lưới điện truyền tải đi qua các địa bàn chứ không phải gói gọn như một công trình nguồn tại một địa phương cụ thể, mà Tổng công ty trải dài theo tuyến, do đó công tác đền bù giải phóng mặt bằng là cực kỳ khó khăn.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, nguyên nhân cơ bản và cốt lõi nhất dẫn đến những bất cập của hạ tầng điện hiện nay chính là chính sách giá điện hiện vẫn còn bao cấp. Để cởi nút thắt cơ bản của tình trạng thiếu vốn đầu tư, theo ông Bùi Kiến Thành, không có cách nào khác là minh bạch và đưa giá điện theo cơ chế giá thị trường.

Một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời gian qua không đảm bảo kế hoạch, đó là thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện. Thiếu than dẫn đến các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu nằm trong quy hoạch không triển khai được. Thiếu nước, dẫn đến các nhà máy điện không huy động đủ công suất là nhỡn tiền. Nguy cơ thiếu dầu, thiếu khí cũng đã và đang đặt ra cho các nhà máy điện...

Tìm lời giải từ cơ chế

Khẳng định đầu tiên của các chuyên gia, đó là phải thực hiện đúng quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt. Tại quy hoạch điện VII, cùng với mục tiêu đạt được về hạ tầng nguồn và lưới điện, cũng đã đề ra rất nhiều giải pháp đột phá. Trong đó phải kể đến cơ chế giá điện, hay những quy định về trách nhiệm của địa phương trong việc dành quỹ đất cho tất cả các dự án nguồn và lưới điện đã được đưa vào quy hoạch.

Chuyên gia năng lượng Nguyễn Mạnh Hiến cho rằng, phải thực hiện đúng quy hoạch và phải coi quy hoạch là một kế hoạch pháp lệnh. Chính phủ đã phê duyệt thì tất cả các ngành đều phải tham gia, các địa phương có công trình lưới điện hay nhà máy điện phải chú trọng để thực hiện. Thứ hai, các chủ đầu tư khi tham gia dự án phải cam kết về khả năng huy động vốn của mình.

Tuy nhiên, trước khó khăn lớn nhất là thiếu vốn, nhiều chuyên gia cho rằng, cần minh bạch giá điện để thu hút đầu tư. Bởi hiện tại, với 3 trụ cột chính của ngành điện đều là các tập đoàn kinh tế nhà nước, đầu tư ngân sách cho phát triển hạ tầng điện trong điều kiện hiện nay là không khả thi.

Cùng với một kế hoạch thu xếp vốn cho cả tổng sơ đồ điện, cũng cần đồng bộ kế hoạch đảm bảo nguồn nguyên liệu các dự án nguồn điện. Viện trưởng Viện Năng lượng Hoàng Tiến Dũng đề xuất, phải giải quyết được một mắt xích quan trọng trong Tổng sơ đồ điện VII, đó chính là nguồn lực cho điện hạt nhân.

Cũng có ý kiến cho rằng, cần đẩy nhanh tái cấu trúc ngành điện. Theo đó, cùng với việc xã hội hóa các công trình nguồn điện, cần tập trung các nguồn lực hiện có của nhà nước cho hệ thống truyền tải điện.

Chỉ khi đồng bộ được hệ thống lưới truyền tải điện từ đường dây siêu cao áp đến trung áp và hạ áp thì mới giúp vận hành an toàn, hiệu quả, giảm tổn thất điện năng - một chỉ tiêu quan trọng được Quy hoạch Điện VII đề ra: đến năm 2020 sản lượng điện tiết kiệm phải đạt từ 5 - 8% và phải giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn 1,0 vào năm 2020.

Cùng với việc thực hiện nghiêm túc Quy hoạch điện VII, đồng thời phải chú trọng “phát triển hệ thống cấp điện cho các đảo cả về nguồn điện và mạng lưới truyền dẫn” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020: Phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện.

Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Tất Thắng cho rằng, trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo, thì đối với mạng lưới điện, bên cạnh phát triển các nguồn, lưới điện theo lối truyền thống thì bây giờ phát triển theo hướng năng lượng sạch, tăng cường công nghệ mới như phong điện, thậm chí làm điện từ sóng biển và năng lượng mặt trời

Có thể nói đây là một hướng mới rất quan trọng và chừng nào phát triển được các hệ thống nguồn và lưới điện như vậy, mới có điều kiện để khai thác tốt nhất các nguồn tài nguyên và lợi thế mà biển đảo mang lại cho các khu vực này.

Như vậy có thể thấy, quy hoạch phát triển điện lực được ban hành trên cơ sở nghiên cứu một cách đồng bộ, kỹ lưỡng và toàn diện hạ tầng điện nước ta. Giải quyết được vấn đề hạ tầng điện cũng chính là thực hiện đầy đủ những nội dung quy hoạch đã đề ra.

Vì vậy, khuyến nghị coi quy hoạch là một kế hoạch pháp lệnh buộc phải thực hiện là hoàn toàn có cơ sở.

 

Nguyên Long (DBND)


 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động