RSS Feed for Việt Nam - Iceland: Hợp tác phát triển địa nhiệt | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 03:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam - Iceland: Hợp tác phát triển địa nhiệt

 - Iceland sẵn sàng giúp Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo như một trong những cách ứng phó biến đổi khí hậu, vì môi trường.

Dự án điện địa nhiệt đầu tiên tại Việt Nam có giấy phép đầu tư
Năng lượng địa nhiệt: Nguồn lợi và thách thức

Đó là khẳng định của Tổng thống Cộng hòa Iceland - Ólafur Ragnar Grímsson tại Hội thảo "Tương lai của năng lượng sạch" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Iceland tổ chức ngày 5-1.

Mở rộng hợp tác

Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson cho biết, mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này là để mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là để chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm đánh bắt thủy sản bền vững, khai thác và sử dụng năng lượng sạch, thúc đẩy học thuật giữa các trường đại học của hai nước.

Tổng thống Icelad: Phát triển năng lượng địa nhiệt mang lại lợi ích và lợi nhuận cho tất cả các bên. Ảnh: Chân Luận

Iceland đặc biệt quan tâm việc ký kết hiệp định khung về biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có đề cập hiện tượng tan băng làm nước biển dâng, ảnh hưởng nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson khẳng định: “Iceland sẵn sàng giúp Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo như một trong những cách ứng phó biến đổi khí hậu, vì môi trường”. 

Ngành năng lượng giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng của Việt Nam, nên Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và giành ưu tiên cao cho các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310 - 320 triệu TOE  vào năm 2050. 

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia của Việt Nam, dự kiến đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75.000 MW, định hướng đến năm 2030, con số này đạt khoảng 146.800 MW.

Chính phủ Việt Nam đã dành các khoản đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng, và đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời đang nỗ lực cải thiện việc hoạch định chiến lược, quy hoạch năng lượng, xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh để nâng cao hiệu quả và năng suất của ngành năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: Hội thảo có nội dung hữu ích, là cơ hội rất tốt để chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm quý báu của Iceland trong việc phát triển năng lượng sạch.

Các doanh nghiệp ngành năng lượng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu các giải pháp giúp nâng cao năng lực, áp dụng những kỹ thuật mới, hiện đại, góp phần cải thiện, phát triển nguồn năng lượng sạch và bền vững cho Việt Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định cơ hội để tăng cường hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới là rất khả quan, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng vốn giữ vai trò cốt yếu trong quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng của Việt Nam.

Việt Nam đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích thích tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới với định hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và yêu cầu nhập khẩu than cho sản xuất điện bằng cách phát triển các nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng, khuyến khích và tạo thuận lợi tối đa để các doanh nghiệp Iceland lựa chọn Việt Nam như là một địa điểm chiến lược trong việc mở rộng hoạt động và hợp tác kinh tế với khu vực ASEAN và Đông Á.

Tiềm năng phát triển

Chính phủ Việt Nam đã đặt ra 4 mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo.

Thứ nhất, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và 6,0% vào năm 2030.

Thứ hai, đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030; điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.

Thứ ba, phát triển điện sinh khối, đồng phát điện tại các nhà máy đường, đến năm 2020, nguồn điện này có tổng công suất khoảng 500 MW, nâng lên 2.000 MW vào năm 2030; tỷ trọng điện sản xuất tăng từ 0,6% năm 2020 lên 1,1% năm 2030.

Thứ tư, đưa tổng công suất thủy điện và thủy điện tích năng đến năm 2030 đạt 20.800 MW (chiếm 18%) trong cơ cấu nguồn.

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng đề cập đến một số nội dung cơ bản về chính sách, chiến lược của Chính phủ Việt Nam nhằm phát triển ngành năng lượng sạch, bền vững.

Thứ nhất, phát triển ngành năng lượng phát thải thấp, thân thiện môi trường.

Hiện tại và trong những năm sắp tới, phát triển các nguồn nhiệt điện than là một trong các giải pháp cơ bản, nhằm đa dạng hóa cơ cấu nguồn điện và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Các nhà máy nhiệt điện than đã được xem xét, bố trí hợp lý tại ba miền của đất nước.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia của Việt Nam, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện đốt than khoảng 36.000 MW, sản xuất khoảng 156 tỷ kWh (chiếm 46,8% sản lượng điện sản xuất); đến năm 2030, tổng công suất nhiệt điện đốt than khoảng 75.000 MW, sản xuất khoảng 394 tỷ kWh (chiếm 56,4% sản lượng điện sản xuất).

Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sử dụng than như: chẩn đoán và cải tiến thiết bị đốt than, công nghệ đốt than phối trộn, công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn, công nghệ than sạch, thu hồi và tích trữ CO2 (CCS),…

Việc phát triển các nhà máy nhiệt điện chạy than của Việt Nam, vừa đáp ứng mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đã thu được kết quả bước đầu khả quan, tích cực.

Thứ hai, phát triển năng lượng tái tạo.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, giá dầu biến động mạnh, sự phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới... thì việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng không chỉ để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng mà còn đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Tuy được đánh giá là nước có tiềm năng khá lớn cho khai thác các dạng năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, gió, sinh khối, mặt trời, rác thải... nhưng cho đến nay, việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này tại Việt Nam (nếu không tính đến thủy điện) mới chỉ chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn với công suất lắp đặt khoảng 52 MW điện gió, 150 MW điện sinh khối.

Với Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực địa nhiệt vừa được ký kết, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho đây là cơ sở, tiền đề cho việc xúc tiến và đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận những thông tin tích cực về các hoạt động, dự án hợp tác năng lượng cụ thể giữa các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vốn còn rất nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay. 

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động