RSS Feed for Ý kiến phản biện về bài viết ‘Khi cái ác ở trên cao’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 23:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ý kiến phản biện về bài viết ‘Khi cái ác ở trên cao’

 - Trong bài “Khi cái ác ở trên cao” của TS. Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu Ung thư, City of Hope, California, USA. Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím) đăng trên Facebook (sau đó một số báo dẫn lại) có nêu một số ý kiến rằng: “Mối liên hệ của ung thư phổi và nhiệt điện than là “một sự thật không thể chối cãi” và đã được khoa học chứng minh rất rõ ràng. Các nước trên thế giới đang cố gắng giảm chúng để bảo vệ sức khỏe cho dân của họ thì chúng ta, một đất nước độc lập, tự chủ đừng nên đi ngược lại xu thế này...”. Để dư luận có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về vấn đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin có một vài bình luận, phản biện để bạn đọc tham khảo.

‘Mắc kẹt trong điện than’, hay ‘điện than bị mắc kẹt’?
10 câu hỏi còn ‘mắc kẹt’ của nhiệt điện than



Trích nguyên văn ý kiến kiến của TS. Nguyễn Hồng Vũ:

a- Mới mấy ngày trước mình có viết bài về sự liên quan giữa nhiệt điện than và các làng ung thư của Trung Quốc với các bằng chứng khoa học không thể chối cãi được và hy vọng ai đó trong hàng ngũ lãnh đạo có thể đọc được mà suy nghĩ cho vận mệnh đất nước… Vậy mà hôm nay mình có cảm giác như bị tạt gáo nước lạnh khi đọc một bài viết trên báo Dân Trí “Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình”.

b- Để tôi phân tích tiếp cho rõ hơn về vấn đề nguy hiểm của "Nhiệt Điện Than" như thế nào và tại sao các nước trên thế giới, kể cả Trung Quốc đang ruồng bỏ nó.

c- Trong một bài báo khoa học với tựa đề “Phòng chống ung thư: những thách thức đáng báo động ở Trung Quốc” (Cancer prevention and control: alarming challenges in China) đăng trên tạp chí uy tín “National Science Review” vào năm 2016 đã viết rõ rằng “Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc chỉ ra rằng đốt than gây ra phần lớn lượng khí thải bồ hóng ngăn chặn ánh nắng mặt trời ở các thành phố Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải. Đốt than cũng tạo ra chất gây ung thư, thủy ngân và tro than. Tro than là nguồn chất thải công nghiệp rắn của Trung Quốc chứa nhiều nhất các chất phóng xạ và kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân và crôm! Hơn nữa, nhiều nghiên cứu khoa học khác cũng cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà máy điện than và ô nhiễm không khí với hạt mịn PM2.5 (hạt nhỏ hơn 2.5 micro mét).

d- Vào năm 2017, các chuyên gia của Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc (China Academy of Medical Sciences) đã được tờ China Daily phỏng vấn và cho biết ung thư phổi đang gia tăng nhanh chóng ở các nhóm “KHÔNG thường mắc bệnh phổi do hút thuốc”, bao gồm cả phụ nữ và người không hút thuốc. Loại ung thư phổi này có đặc trưng là phát triển sâu trong phổi và không liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 được cho là nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Các hạt PM2.5 có kích thước nhỏ, do đó nó có thể đi qua phế quản, sâu vào phổi để ảnh hưởng đến quá trình trao đổi khí trong phổi, dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong cơ thể (hypoxia), và do đó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và là một yếu tố rủi ro cao dẫn đến ung thư phổi đã được nhiều nhóm nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh.

đ- Theo số liệu trước đó có gần 4,3 triệu bệnh nhân ung thư mới ở Trung Quốc trong năm 2015, bao gồm 730.000 trường hợp ung thư phổi, chiếm 36% tổng số bệnh thế giới. Một số nghiên cứu địa phương cũng đã thiết lập mối liên hệ giữa ung thư và ô nhiễm không khí. 

e- Do vậy, đứng trước các nguy cơ về vấn nạn ô nhiễm môi trường không khí trong nhiều năm qua chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực bằng những kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than để giảm nồng độ bụi mịn PM2.5. Cụ thể, từ năm 2013 đến 2017, họ đã giảm mức PM2.5 ở Bắc Kinh trung bình từ 89,5 microgram/m³ (microgam trên mét khối) xuống còn dưới 60. Để làm như vậy, Bắc Kinh đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than và cấm người dân ở các khu vực xung quanh dùng than để đốt nóng. 

f- Trong 10 năm (2007-2016), Mỹ cũng đã giảm đáng kể các nhà máy điện than của mình để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

h- Nói tóm lại, các bạn nên nhớ là mối liên hệ của ung thư phổi và nhiệt điện than là “một sự thật không thể chối cãi" và đã được khoa học chứng minh rất rõ ràng. Các nước trên thế giới đang cố gắng giảm chúng để bảo vệ sức khỏe cho dân của họ thì chúng ta, một đất nước độc lập, tự chủ đừng nên đi ngược lại xu thế này để đánh đổi sức khỏe người dân và vận mệnh dân tộc!

Sau đây là một số ý kiến luận bàn về những ý kiến nêu trên:

1/ Trước hết hoan nghênh TS. Nguyễn Hồng Vũ đã quan tâm đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng và nhất trí với ý kiến: “Đốt than gây ra phần lớn lượng khí thải bồ hóng, tạo ra chất gây ung thư, thủy ngân, tro than” và “mối liên hệ giữa ung thư và ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2.5”.

2/ Đối với ý kiến “về sự liên quan giữa nhiệt điện than và các làng ung thư của Trung Quốc với các bằng chứng khoa học không thể chối cãi được” cũng như “mối liên hệ của ung thư phổi, nhiệt điện than là “một sự thật không thể chối cãi" và đã được khoa học chứng minh rất rõ ràng”.

Ý kiến luận bàn: 

Thứ nhất: Theo tác giả nêu thì các chuyên gia của Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc (China Academy of Medical Sciences) cũng chỉ cho biết “Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 được cho là nguyên nhân gây nên hiện tượng này”, chứ không nói ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 do nguyên nhân nào gây ra. Do vậy, cần làm rõ các làng ung thư do nhiệt điện than ở Trung Quốc.

Hiện nay, tại nước này có quy mô nhiệt điện than lớn nhất và có hàng vạn làng xung quanh các nhà máy nhiệt điện than, vậy có phải tất cả các làng đều bị ung thư do nhiệt điện than gây ra hay không? Trong năm 2015, có 730.000 trường hợp ung thư phổi, vậy liệu có phải chỉ do ô nhiễm của nhiệt điện than hay không? Nếu quả thực như vậy, thì chắc chắn các làng xung quanh các nhà máy nhiệt điện than chỉ còn lại là các bãi tha ma khổng lồ, vì nhiệt điện than tại Trung Quốc đã có từ lâu và hiện nay mỗi năm cũng sẽ có khoảng 730.000 người thiệt mạng (tương đương với số người bị ưng thư phổi mới hàng năm).

Thứ hai: Đốt than nói chung và nhiệt điện than nói riêng đã có hàng trăm năm nay, đầu tiên là ở các nước Tây Âu, Mỹ, v.v... Thời kỳ đầu công nghệ rất lạc hậu, hiệu suất rất thấp, mức độ phát thải lớn hơn nhiều so với hiện nay, trong khi mức sống lại thấp hơn, khó khăn hơn và biện pháp phòng ngừa tác hại của ô nhiễm cũng kém hơn, thế nhưng tại sao tại các nước đó không phát sinh các “làng ung thư” do nhiệt điện than từ thời đó? Nếu thực sự có “liên quan giữa nhiệt điện than và các làng ung thư” thì chắc chắn không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà tại tất cả các nước trên thế giới có nhiệt điện than, nhất là tại các nước có nhiệt điện than lâu đời ở Tây Âu, Mỹ và các nước có quy mô nhiệt điện than lớn hiện nay ở Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi, Ấn Độ, v.v...

Thứ ba: Đặc biệt, tại Việt Nam (giữa lòng Hà Nội) Nhà máy điện Yên Phụ được người Pháp xây dựng năm 1925, đến năm 1932 đưa vào vận hành đợt một. Những năm sau đó, nhà máy tiếp tục được nâng công suất lên 22,5MW. Đây là nhà máy nhiệt điện than lớn nhất miền Bắc thời đó.

Ngoài ra, thời Pháp thuộc còn có các nhà máy nhiệt điện than Cửa Cấm - Hải Phòng, Cọc 5 - Hòn Gai, v.v... Tiếp theo, sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc có các nhà máy nhiệt điện than (NĐT): năm 1956 Lào Cai (8 MW), Hàm Rồng (6 MW), Vinh (8 MW); năm 1958: Việt Trì (16 MW); năm 1961 - 1965: Uông Bí (48 MW) là nhà máy NĐT tầm cỡ bậc nhất tại Đông Nam Á thời bấy giờ.

Đặc biệt, vào đầu những năm 1970: NĐT Ninh Bình (100 MW); năm 1975 và 1976 mở rộng NĐT Uông Bí đợt 3 và đợt 4 (đạt công suất 153 MW); đầu những năm 1980: NĐT Phả Lại 1 (440 MW), v.v... Mặc dù, công nghệ nhiệt điệt than thời đó rất lạc hậu so với bây giờ và mức phát thải rất cao (đến mức “ngút trời khói tỏa” như cách ca ngợi ngây ngô thời bấy giờ), đời sống nhân dân rất nghèo đói, song chưa có bằng chứng nào cho thấy phát sinh “các làng ung thư” xung quanh các nhà máy NĐT này.

Ngược lại, khu vực xung quanh các nhà máy NĐT đó đã phát triển thành các thành phố, thị xã, khu dân cư đông đúc, sầm uất gấp nhiều lần so với trước đây. 

Thiết nghĩ, với tư cách là nhà khoa học, đối với những vấn đề hệ trọng này, lẽ ra thay vì chỉ đọc thông tin trên báo chí nên có sự kiểm chứng thực địa tại các vùng có nhiệt điện than lâu đời, chí ít là hàng chục năm, nhất là ngay tại Việt Nam để “trăm nghe không bằng một thấy” như lời cha ông ta dạy, chứ không thể coi các thông tin trên báo chí là “các bằng chứng khoa học không thể chối cãi được” hay “một sự thật không thể chối cãi".

Thứ tư: Đối với ý kiến “về vấn đề nguy hiểm của "Nhiệt Điện Than" như thế nào và tại sao các nước trên thế giới, kể cả Trung Quốc đang ruồng bỏ nó”; “Mỹ cũng đã giảm đáng kể các nhà máy điện than của mình để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người”. Vậy thực hư thế nào?

Ý kiến luận bàn: 

Sản lượng điện than toàn cầu năm 2018 đạt 10.100,5 tỷ kWh, chiếm 38,0% tổng sản lượng điện từ các nguồn, so với năm 2017 tăng 294,3 tỷ kWh, bằng 3,0% và đóng góp 31,4% vào mức tăng sản lượng điện ròng từ các nguồn phát [1].

Nhiệt điện than giữ vị trí đứng đầu trong cơ cấu nguồn điện của các nước: Nam Phi 87,9%; Ba Lan 79,2%; Ấn Độ 75,4%; Trung Quốc 66,6%; Kazăcxtan 65,5%; Úc 59,9%; Inđônêxia 58,5%; Đài Loan 46,3%; Hàn Quốc 44,0%; Malaixia 44,0%; Việt Nam 40,7%; Thổ Nhĩ Kỳ 36,9%; LB Đức 35,3%. Giữ vị trí thứ hai của các nước: Nhật Bản 33,0% (sau điện khí 36,8%); Ucraina 29,9% (sau điện nguyên tử 53,0%); Mỹ 27,9% (sau điện khí 35,4%); Hà Lan 25,5% (sau điện khí 48,8%); Thái Lan 20,2% (sau điện khí 65,5%) [1].

Sản lượng nhiệt điện than tính theo bình quân đầu người của các nước như sau (kWh/người): bình quân của thế giới 1.318; nhóm các nước cao: Úc 6.498, Đài Loan 5.319, Hàn Quốc 5.044, Nam Phi 3.900, Kazăcxtan 3.815, Mỹ 3.798, Ba Lan 3.508, Trung Quốc 3.395, LB Đức 2.766, Nhật Bản 2.745, Malaixia 2.280, Hà Lan 1.744, Canađa 1.594. Đa phần các nước còn lại thấp hơn 1.000 kWh/người, trong đó Việt Nam 916 kWh/người, bằng 69,5% bình quân của thế giới, 40,2% của Malaixia, 1/3 của Nhật Bản, 18,2% của Hàn Quốc [2].

Trung Quốc: Tuy có chủ trương “chuyển dịch ra khỏi than” nhưng trên thực tế quốc gia này hiện vẫn tăng cường sản lượng than sản xuất và tiêu thụ, cũng như nhiệt điện than. Sau khi giảm ở năm 2016 thì năm 2017 sản lượng than tăng 55,2 triệu TOE (tương đương 110 triệu tấn) so với năm 2016, năm 2018 tăng 82,2 triệu TOE so với năm 2017. Tiêu thụ than đã tăng từ 1.889,1 triệu TOE năm 2016 lên 1.890,4 triệu TOE năm 2017 (tăng 1,3 triệu TOE) và lên 1.906,2 triệu TOE năm 2018 (tăng 15,8 triệu TOE). Nhiệt điện than từ 2016 đến 2018 tương ứng như sau (tỷ kWh): 4.163,6; 4.445,5; 4.732,4. Như vậy, tăng tương ứng là 281,9 tỷ kWh và 286,9 tỷ kWh, mặc dù lượng phát thải khí nhà kính theo đầu người của Trung Quốc năm 2018 là 6,76 tấn/người (cao 2,9 lần so với của Việt Nam). Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu, khí, than vào loại lớn. Năm 2018 Trung Quốc nhập khẩu than tới 146,5 triệu TOE [1, 2].

Mỹ: Tiêu thụ than và nhiệt điện than giảm, dự kiến đến năm 2050 quy mô công suất nhiệt điện than giảm chỉ còn 144-150 GW. Với quy mô công suất này thì sẽ tương đương với Việt Nam lúc đó có công suất khoảng 50-55 GW (với dự kiến dân số của Việt Nam khoảng 140 triệu người và Mỹ khoảng 400 triệu người).

Như vậy: (i) Mỹ chỉ có chủ trương giảm quy mô nhiệt điện than chứ không phải đoạn tuyệt; (ii) Việc Việt Nam tăng nhiệt điện than và Mỹ giảm nhiệt điện than không có gì mâu thuẫn nhau, vì mức phát thải CO2 tính theo đầu người năm 2018 của Việt Nam là 2,37 T/người, còn của Mỹ là 15,69 T/người [2]. Do đó, Việt Nam (được phép phát triển nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu trong phạm vi mức phát thải cho phép), còn Mỹ thì có bổn phận (phải giảm nhiệt điện than để giảm mức phát thải xuống mức cho phép).

Hơn nữa, Mỹ giảm nhiệt điện than còn có nguyên nhân quan trọng là có nguồn khí đá phiến dồi dào thay thế, còn Việt Nam thì không có lợi thế đó mà phải nhập khẩu khí LNG với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, kinh tế và nguồn nhập khẩu.

Chưa kể Mỹ là nước có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào, phong phú, có nền kinh tế phát triển, khoa học công nghệ trình độ cao, khả năng tiếp cận nguồn năng lượng nước ngoài thuận lợi và nhiều ưu thế khác mà Việt Nam không có được. Do đó, không thể coi việc giảm nhiệt điện than của Mỹ là hình mẫu cho Việt Nam noi theo!

Thứ năm: Đối với ý kiến “đốt than gây ra phần lớn lượng khí thải bồ hóng và tạo ra chất gây ung thư, thủy ngân và tro than”. 

Ý kiến luận bàn: 

Đúng là đốt than làm phát sinh các chất thải đó, song vấn đề là lượng phát thải các chất thải đó do đốt than gây ra là bao nhiêu, đã có giải pháp kiểm soát hay chưa và đã vượt ngưỡng cho phép như thế nào? Điều này cần phải được làm rõ. Vì trên thực tế các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất và sử dụng năng lượng, hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, cũng như các hoạt động của con người, nạn cháy rừng và các thảm họa tự nhiên (núi lửa, động đất, v.v.) đều phát sinh ra chất thải nguy hại, trong đó có khói bụi, khí thải. Theo đó không thể kết tội chỉ do một mình việc đốt than gây ô nhiễm không khí, nhất là bụi mịn PM2.5.

Ví dụ như Hà Nội và một số thành phố khác không có nhà máy nhiệt điện than nào, song thời gian qua khói bụi vẫn mù mịt, đầy trời đến mức “cảnh báo đỏ”.

Yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển nhiệt điện than là sự tiến bộ trong công nghệ sản xuất điện từ than. Cụ thể là trong lĩnh vực sử dụng than phát điện, loài người đã có những bước tiến rất xa trong việc cải tiến các thông số của lò hơi và tua bin lần lượt từ cấp: Tới hạn (Subcritical), Siêu tới hạn (Supercritrical), Trên siêu tới hạn (Ultra-supercritrical - USC) và Trên siêu tới hạn tiên tiến (Advanced Ultra-supercritrical - A-USC).

Hiện nay, với công nghệ nhiệt điện than hiện đại siêu tới hạn (SC), trên siêu tới hạn (USC) đã nâng cao hiệu suất đốt than, nhờ đó giảm tiêu hao nhiên liệu, dẫn đến giảm phát thải khí CO2 từ 8%-10% và NOx, SO2, v.v... so với công nghệ cận tới hạn (Sub-C) trước đây.

Đặc biệt, với hệ thống lọc bụi tĩnh điện tiên tiến có hiệu suất > 99,75% thì tro bay bay qua đường ống khói được thu hồi lại gần như triệt để và không thải ra môi trường. Phần thải ra nêu có thì cũng quá nhỏ và với ống khói cao 200m trở lên sẽ bay đi rất xa khi ra khỏi ống khói, thậm chí có thể bay xa đến 50-100 km, lại rất khó lắng đọng, nên không ảnh hưởng gì đến môi trường không khí xung quanh nhà máy nhiệt điện than. Như vậy, sự có mặt của bụi < PM2.5 ở tầng thấp ngay sát mặt đất để có thể vào phổi con người là do các hoạt động khác.

Đối với NOx và SO2 cũng đã có các công nghệ xử lý khống chế được nồng độ các chất ô nhiễm này xuống dưới mức cho phép trước khi thải ra môi trường qua ống khói. 

Ngoài ra, với giải pháp công nghệ thu giữ và lưu trữ Carbon dioxide (CCS) được áp dụng có thể loại trừ phát ra khí quyển tới hơn 90% CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than [3].

Về thành phần hóa học của tro xỉ nhà máy điện than ở Việt Nam, chủ yếu là các ô-xyt kim loại và các nguyên tố kim loại nặng, song hàm lượng của chúng rất thấp so với nồng độ quy định trong quy chuẩn Việt Nam - QCVN 07:2009/BTNMT [4].

Như vậy, nếu thực sự là khoa học thì không thể vội vàng quy kết cho nhiệt điện than gây ra các “làng ung thư”.

Tóm lại: 

(1) Nhìn chung, trên thế giới vẫn là xu thế tăng nhiệt điện than và nhiệt điện than vẫn giữ vai trò chính trong sản xuất điện năng toàn cầu và của nhiều quốc gia.

(2) Trung Quốc vẫn tăng sử dụng than và nhiệt điện than chứ không “ruồng bỏ” như họ nói. 

(3) Mỹ chỉ giảm nhiệt điện than, chứ không từ bỏ mà nguyên nhân là do mức phát thải CO2 quá cao và có nguồn khí đá phiến dồi dào thay thế. 

(4) Việc phát triển nhiệt điện than của Việt Nam là cần thiết và phù hợp với điều kiện của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao của nền kinh tế, chứ không phải là “cái ác ở trên cao” như tác giả bài “Khi cái ác ở trên cao” quy chụp. Ngược lại, những thông tin thiếu trách nhiệm mới là “cái ác” gây ra sự lo lắng không đáng có đối với người dân Việt Nam luôn thấp thỏm trong tình trạng có nguy cơ thiếu điện do sự chậm tiến độ của các nhà máy nhiệt điện than.

Tuy nhiên, việc phát triển nhiệt điện than thời gian tới phải ở mức hợp lý, theo cách khôn ngoan trên cơ sở áp dụng công nghệ sạch và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tăng cường sự giám sát chặt chẽ quá trình vận hành nhà máy điện đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường.

(5) Cuối cùng, theo chúng tôi, cái “cảm giác như bị tạt gáo nước lạnh” của tác giả “Khi cái ác ở trên cao” là do tự chính mình gây ra” chứ không phải do “Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam”./.

PGS,TS. NGUYỄN CẢNH NAM

Tài liệu tham khảo:

[1] BP Statistical Review of World Energy 2019.

[2] Phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng: Nhìn và suy ngẫm từ mọi góc độ. Năng lượng Việt Nam online 14:09 |08/10/2019.

[3] TS. Nguyễn Mạnh Hiến: Giải pháp công nghệ thu giữ và lưu trữ Carbon dioxide. Năng lượng Việt Nam online 07:01 |06/12/2019.

[4] PGS.TS. Trương Duy Nghĩa: Tro xỉ và sử dụng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than. Tuyển tập hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến, sử dụng than, khoáng sản và dầu khí” do Hội Khoa học và Công nghệ mỏ tổ chức. Nhà xuất bản Công Thương, tháng 8/2019. 

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động