RSS Feed for Việt Nam phải ‘ứng xử’ thế nào với các nước thượng nguồn Mekong? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 05:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam phải ‘ứng xử’ thế nào với các nước thượng nguồn Mekong?

 - "Việt Nam phải mạnh mẽ đối với các nước thượng nguồn Mekong dù đó là nước nào!" - Đó là ý kiến của ông Brain Elyer - tác giả của cuốn sách "Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ" (The Last Days of Mighty Mekong), Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Stimson tại Washington DC, Hoa Kỳ, khi trao đổi về tình hình hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Quản trị và sử dụng hiệu quả tài nguyên thủy điện
Nhiều hồ thủy điện xấp xỉ mức nước chết

 


Dưới đây là nội dung chính ý kiến trao đổi của ông Brain Elyer:

Dòng Mekong dài hơn 4.300 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Mới đây, các tổ chức dân sự ở Thái Lan cảnh báo các đập thủy điện thuộc dòng chính Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc giữ lại khoảng 40 tỷ mét khối nước là nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường còn gửi kiến nghị lên Ủy Ban Nhân Quyền của Thái Lan yêu cầu rà soát lại những dự án thủy điện sẽ được xây thêm trên dòng chính sông Mekong.

Đúng là hiện nay đang xảy ra tình trạng hạn hán nặng nề tại khu vực hạ du Mekong. Đó là hậu quả của nhiều yếu tố gộp lại.

Hoạt động đầu tiên của tôi với tư cách là người đang làm việc để cổ xúy cho những giải pháp phát triển thông minh hơn cho khu vực Mekong để thay thế việc xây dựng các đập thủy điện như hiện nay, thì trước hết tôi nhắc lại là có đến 10 con đập trên dòng chính sông Mekong chảy qua Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng và đang vận hành (xem bản đồ - operated dams). Tất cả những đập đó có thể giữ lại hơn 40 tỷ mét khối nước, song trong thời điểm hạn hán khối lượng nước trữ lại có thể ít hơn. Tuy nhiên, việc trữ nước như vậy đã góp phần gây tác động tiêu cực đến hạ du.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán khốc liệt ở khu vực hạ du Mekong. Những yếu tố cộng hưởng gây nên tình trạng hạn hán này là hiện tượng khí hậu El Nino và biến đổi khí hậu làm cho mùa khô kéo dài ra, còn mùa mưa thì ngắn lại. Sự ngắn đi của mùa mưa này được thấy rất rõ trong năm nay và tác động của nó trong tương lai cần được nghiên cứu kỹ hơn.

Về phần các đập thủy điện tích tụ nước trên thượng nguồn Mekong thì đập Xayabury ở mạn Bắc nước Lào đang vận hành thử nghiệm và đã giữ lại một lượng nước lớn cũng phần nào góp sức hạ thấp dòng nước.

Yếu tố tiếp theo là những đập thủy điện lớn của Trung Quốc trong đó đập tác động nhiều đến hạ nguồn mà chúng ta xem xét đến là đập Cảnh Hồng (Jinghong). Việc xả nước của đập này tác động đến dòng chảy xuống hạ nguồn. Sau hết, với hơn 60 đập thủy điện đã hoàn tất ở Lào trên các chi lưu của dòng Mekong.

Ngoài ra còn hơn 60 đập khác nữa đang được xây dựng. Tất cả những tác động như thế cùng gộp lại tạo đợt hạn hán gây hại nhiều nhất cho những cộng đồng dân cư sống dọc sông Mekong ở Lào, Thái, Campuchia và Việt Nam.

Hãy nói về những đập thủy điện của Trung Quốc, trước khi đề cập đến các đập nói chung. Hệ thống thủy điện của Trung Quốc là những đập lớn, thâu tóm lượng nước khổng lồ của dòng Mekong.

Hệ thống thủy điện Xayabury của Lào ở phía dưới cũng lớn không kém. Còn những đập trên các chi lưu thì nhỏ hơn. Tất cả những đập thủy điện này gây tác động đáng kể nếu không được vận hành phù hợp.

Như vào mấy tuần qua, đập Cảnh Hồng không xả nước hay xả nước ít hơn so với bình thường do vẫn duy trì chức năng phát điện để không bị thiệt hại về kinh tế mà không quan tâm xem xét đến nhu cầu nước của hạ du.

Tích hợp tất cả các tác động: đập Cảnh Hồng giữ nước, đập Xayaburi vận hành thử nghiệm cũng giữ nước, cộng với hơn 60 đập ở Lào, 1 đập ở Campuchia, cũng như những con đập ở thượng nguồn trung phần Việt Nam, Thái Lan đã gây tác động lớn đến dòng chảy hạ nguồn và thực sự làm trầm trọng thêm các vấn đề trong thời kỳ hạn hán…

Thiết nghĩ cần rất nhiều nghiên cứu sâu hơn để có thể đoán chắc về những tác động tạo nên hiệu ứng El Nino cộng với việc giữ nước lại của đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) và việc chạy thử nghiệm của đập Xayaburi (Lào).

Đối với tác động của việc kéo dài mùa khô và rút ngắn mùa mưa, như chúng ta biết tại tiểu vùng Mekong, mùa mưa lẽ ra đã phải bắt đầu từ cuối tháng Năm đầu tháng Sáu, nhưng trên thực tế, năm nay, mùa mưa đến giữa tháng Bảy vẫn chưa xảy ra.

Còn nhớ, cùng thời kỳ này năm ngoái, Mekong không thiếu nước và vì những cơn bão nhiệt đới liên tục xảy ra làm cho các hồ chứa thủy điện ở Nam Lào tích tụ một lượng nước quá lớn, kết hợp hợp một số nguyên nhân khác đã dẫn tới vỡ đập tại thủy điện Xepian Xenamnoy.

Tuy nhiên, các số liệu cho thấy vào năm ngoái, lượng nước quá nhiều và một tập dữ liệu rất lớn thu thập được từ năm này sang năm khác khiến khó có thể xác định chính xác về các yếu tố tác động.

Vì vậy, Ủy hội Sông Mekong (MRC) vẫn phải liên tục theo dõi và tiếp tục nghiên cứu về những tác động của các đập trên dòng chính và các chi lưu thuộc lưu vực Mekong.

Điều đáng nói là, trên lưu vực Mekong, dự kiến có khoảng 500 đập thủy điện sẽ được xây dựng trong tương lai và không ai có thể biết trước được tác động nào sẽ đến cùng với 500 con đập này.

Riêng đối với Việt Nam, theo tôi, các cơ hội để Việt Nam tự mình có thể làm được không nhiều: Đối với đồng bằng Sông Cửu Long - khu vực sản xuất nông nghiệp trọng yếu của Việt Nam, cách tốt nhất để giảm thiểu tác động từ thượng nguồn là trữ nước trong mùa mưa cho mùa khô.

Ngoài ra, Việt Nam cần làm việc với Lào, Campuchia và Trung Quốc để hợp tác xúc tiến các giải pháp thay thế thủy điện bằng các nguồn điện khác trong tương lai, còn trước mắt cần kiến nghị với các quốc gia thượng nguồn trong mùa khô hạn không tích nước mà phải xả xuống hạ du để lưu lượng dòng chảy được tự nhiên như bình thường. Đó là thông điệp duy nhất mà Việt Nam và những nước hạ nguồn Mekong cần gửi tới các nước thượng nguồn dù đó là nước nào.     

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM          

 

 

                                                                                               

 

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động