RSS Feed for Việt Nam có thể trở thành công xưởng chế biến, chế tạo về năng lượng (Bài 2) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/11/2024 01:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam có thể trở thành công xưởng chế biến, chế tạo về năng lượng (Bài 2)

 - Bước tiến nội địa hóa để trở thành một công xưởng chế biến, chế tạo mới, bước đi đầu tiên của ngành năng lượng là phải thực hiện tối đa nội địa hóa.

Việt Nam có thể trở thành công xưởng chế biến, chế tạo về năng lượng (Bài 1)

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA

Để trở thành một công xưởng chế biến, chế tạo mới của thế giới, bước đi đầu tiên của ngành năng lượng, phải thực hiện tối đa nội địa hóa, có sự chuẩn bị và mức độ sẵn sàng nhằm hạn chế hàng hoá phải nhập khẩu bao gồm nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm và thiết bị.

Chỉ khi nào các công trình năng lượng được nội địa hoá đi vào vận hành ta mới có thể nghĩ tới xuất khẩu ra nước ngoài.

Do ngành năng lượng có nhiều phân ngành, mỗi phân ngành lại có những chuyên ngành khác nhau, các chuyên ngành có công nghệ đặc thù riêng nên thời gian tận dụng xu thế chuyển dịch để trở thành các trung tâm chế tạo cũng khác nhau.

Phân ngành Điện

Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 Phê duyệt QHĐ VII của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ chủ trương xây dựng phát triển ngành cơ khí điện và nội địa hóa là thu hút sự tham gia của nước ngoài vào công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị phụ tùng của phân ngành điện, phấn đấu để các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đổi mới hiện đại hóa các nhà máy cơ khí điện hiện có, mở rộng liên doanh, xây dựng các nhà máy mới tạo ra các khu vực chế tạo thiết bị điện, phấn đấu đến năm 2020 tự chế tạo trong nước, không phải nhập khẩu đối với hầu hết các thiết bị lưới điện truyền tải và phân phốí, chế tạo 50 - 60% thiết bị của nhà máy nhiệt điện than.

Công tác chế biến chế tạo từng chuyên ngành của phân ngành điện đã đạt được trong quá trình thực hiện chủ trương nội địa hoá được đánh giá như sau:

Về chuyên ngành lưới điện, đường dây và trạm biến áp, việc tự sản xuất các trang bị điện điện áp đến 35kV tại Việt Nam được chính thức đặt ra bằng Hiệp định Việt - Xô ký ngày 19/5/1985.

Qua 30 năm đổi mới từ năm 1986 đến nay chuyên ngành này đã phát triển mạnh, nâng cấp sản xuất các trang bị điện điện áp đến 500kV nhờ cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm của Thủ tướng Chính phủ thể hiện tại nhiều quyết định và chỉ thị.

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, sử dụng tri thức của con người và tìm mọi biện pháp thu xếp vốn tạo nên những đột phá mới.

Các sản phẩm “Made in Vietnam” chuyên ngành lưới điện có chất lượng tốt đã ra đời đưa vào vận hành an toàn bao gồm từ các động cơ điện một pha và ba pha.

Các loại dây và cáp điện, các loại máy biến áp phân phối, máy biến áp trung gian và máy biến áp truyền tải điện áp đến 500kV.

Toàn bộ phần thiết bị trạm biến áp 220kV trở lên… đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước còn xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm sang một số nước trong khu vực.

Về chuyên ngành thuỷ điện, ở thời điểm hiện nay tỷ lệ nội địa hoá các dự án nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) được đánh giá: thiết bị thuỷ công là 60% và thiết bị công nghệ là 30%, tỷ lệ này thay đổi phụ thuộc vào loại hình, quy mô và công suất của từng dự án.

So với các nguồn điện khác (nhiệt điện, tuabin khí, Điezen…) thì thuỷ điện là nguồn năng lượng không gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường giá thành rẻ đồng thời đóng góp tích cực vào việc cung cấp điện năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thực trạng phát triển nhiều dự án thuỷ điện vừa và nhỏ thời gian qua là các chủ đầu tư thường ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị và lắp đặt toàn bộ với nhà thầu Trung Quốc do giá bỏ thầu của họ rất thấp so với các doanh nghiệp Việt Nam và các nước phát triển mặc dù vẫn biết là “tiền nào của nấy”.

Với các dự án thuỷ điện lớn việc đầu tư xây dựng rất tốn kém về thời gian và tiền bạc, phần lớn dự án khi triển khai thường phải mua thiết bị máy móc của nước ngoài nên tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ cho phân ngành điện.

Trước thực trạng trên, năm 2005 Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh nội địa hoá các thiết bị NMTĐ quán triệt tới tất cả các bộ, ngành liên quan và các nhà đầu tư.

Đến nay việc nội địa hoá thiết bị cơ khí thuỷ công được đánh giá là thành công. Với các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ ta chủ động hoàn toàn, với các dự án thuỷ điện lớn tỷ lệ này ngày càng cao.

Đơn cử Dự án NMTĐ Sơn La (6x400MW) tỷ lệ nội địa hoá các thiết bị thuỷ công đạt trên 30% trong đó có một số doanh nghiệp trong nước tham gia chế tạo.

Ví dụ, Lilama, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) đã góp phần cung cấp thiết bị nội địa hóa cho nhà máy đảm bảo xây dựng công trình vượt tiến độ 3 năm làm lợi cho đất nước hàng chục nghìn tỷ đồng.

Về chuyên ngành nhiệt điện, cho đến nay, các dây chuyền thiết bị nhiệt điện tại Việt Nam đều do nhà thầu nước ngoài cung cấp theo hình thức Tổng thầu EPC.

Trong nước mới có một số ít đơn vị thực hiện Tổng thầu EPC cho các dự án nhiệt điện như Uông Bí Mở rộng I, Thái Bình II, Long Phú I…

Tuy nhiên, phần thiết bị công nghệ cho các dự án này vẫn do các nhà thầu nước ngoài thực hiện từ tư vấn đến cung cấp thiết bị.

Chủ trương nội địa hoá chuyên ngành nhiệt điện được cụ thể hoá tại Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn 2009 - 2015 có nêu: “Các thiết bị chính trong nhà máy nhiệt điện than công suất từ 50MW trở lên”.

Tuy nhiên, những năm từ 2009 - 2011 Việt Nam chưa xuất hiện các cơ sở chế tạo thiết bị công nghệ chuyên ngành nhiệt điện.

Ngày 10/10/2011 Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 246/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về cơ chế thực hiện nội địa hoá chế tạo thiết bị các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ).

Tiếp đó ngày 29/11/2011 Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các NMNĐ trong giai đoạn 2012 - 2015.

Mục tiêu của Quyết định quan trọng này là thực hiện thí điểm thiết kế chế tạo trong nước các hệ thống thiết bị phụ, hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống nước làm mát tuần hoàn.

Hệ thống cung cấp dầu, hệ thống ống khói, nhà máy xử lý nước và hệ thống xử lý nước thải, trạm phân phối và máy biến áp chính, hệ thống phòng cháy chống cháy, phần kết cấu thép của nhà máy.

Chuyên ngành nhiệt điện đang tích cực triển khai chủ trương nội địa hoá nêu tại Quyết định số 1791/QĐ-TTg này theo từng dự án để đạt được mục tiêu.

Cụ thể, bảo đảm tỷ lệ giá trị công tác tư vấn chế tạo và dịch vụ kỹ thuật do các đơn vị tư vấn trong nước thực hiện đạt không dưới 40% cho một số dự án xây dựng các nhà máy nhiệt điện.

Chúng ta chỉ mới chế tạo được khoảng 30% thiết bị phụ trợ, còn toàn bộ thiết bị chủ yếu của nhà máy như lò hơi, tuabin, máy phát điện, toàn bộ hệ thống điều khiển, các hạng mục công nghệ khác phải nhập khẩu từ nước ngoài mất hàng chục tỷ USD cho một số dự án.

Chúng ta có chủ trương, nhưng chưa có chính sách, cơ chế cụ thể để xây dựng các cơ sở chế tạo ra những thiết bị chính nêu trên; xuất phát từ tình trạng thiếu vốn, thiếu công nghệ hiện đại, thiếu nhân tài, chưa có quy hoạch, tập trung cho ngành công nghiệp nặng này sản xuất ra được những thiết bị hàng năm chúng ta phải nhập khẩu nhiều tỷ USD.

Hiện tại Việt Nam có Công ty DOOSAN VINA của Tập đoàn DOOSAN Hàn Quốc xây dựng cơ sở sản xuất tại Dung Quất để chế tạo những thiết bị quan trọng cho lĩnh vực nhiệt điện than, nhưng chưa được chú ý sử dụng cho các dự án trong nước mà họ đang xuất khẩu ra nước ngoài là chính.

Còn các đơn vị cơ khí trong nước thì hoàn toàn chưa có đơn vị nào chế tạo được những thiết bị nêu trên.

Phân ngành Than

Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng chính phủ Phê duyệt QHT 60 đã nêu rõ quan điểm phát triển phân ngành Than là: “Phát huy tối đa nội lực (vốn, khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước…) kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế, trước hết trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ tiến bộ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than…”

Đến nay phân ngành Than đã tự chế tạo được nhiều thiết bị trong tìm kiếm thăm dò khai thác mỏ, vận tải mỏ, sàng tuyển và bến cảng.

Trong lộ trình hiện đại hoá quá trình sản xuất bằng các thiết bị đã chế tạo được, phân ngành Than tập trung đổi mới công nghệ ở các mỏ hầm lò bắt đầu từ việc thay đổi vì chống gỗ bằng vì chống thuỷ lực, sử dụng máy liên hợp đào lò, các thiết bị bốc xúc vận tải hiện đại vào lò chợ.

Tại các mỏ lộ thiên áp dụng phương pháp xúc thuỷ lực gầu ngược; sử dụng các xe tải lớn cỡ 55 - 60 tấn và 90 -100 tấn.

Hệ thống bốc dỡ sàng tuyển cũng được nội địa hoá đảm bảo năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên và góp phần bảo vệ môi trường.

Chuyên ngành Cơ khí mỏ đã được củng cố theo hướng đẩy mạnh cơ khí chế tạo, hiện đại hoá cơ khí sửa chữa.

Đến nay chuyên ngành Cơ khí mỏ đã chế tạo được nhiều thiết bị mỏ hiện đại như biến thế phòng nổ, đấu tắt điện ắc quy dùng trong hầm lò, sản xuất xe tải, đóng tàu thuỷ 4.000 - 7.000 tấn, máy đào lò…

Phân ngành Than cũng đã sản xuất cung ứng vật liệu nổ công nghiệp, sản lượng thuốc nổ đã chiếm 60% thị phần cả nước và đã hình thành rõ nét dịch vụ khoan, nổ mìn ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt đã sản xuất được thuốc nổ an toàn trong mỏ hầm lò.

Mặc dù phân ngành Than tích cực thực hiện chủ trương của Thủ tướng về nội địa hóa trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, nhưng thực tế việc cơ giới hóa của phân ngành Than chỉ chiếm tỷ lệ thấp khoảng 3%.

Phân ngành Than chưa áp dụng công nghệ tiên tiến cho công tác thăm dò khai thác… do đó năng suất lao động của phân ngành Than còn thấp, những thiết bị quan trọng còn phải nhập khẩu ở nước ngoài.

Đặc biệt công tác thăm dò cho đến nay qua bao nhiêu năm rồi cả Bộ Tài nguyên Môi trường, Tập đoàn Vinacomin chưa thăm dò đánh giá chính xác được trữ lượng than ở vùng Đông Bắc, Bể than Sông Hồng và một số địa phương số liệu không chính xác, khác nhau rất nhiều.

Nhu cầu về năng lượng than đối với đất nước rất lớn tới năm 2020 tầm nhìn 2030, chỉ riêng cho ngành điện theo QHĐ VII tới năm 2020 đã cần tới 60-70 triệu tấn than/năm.

Tới năm 2030 lên tới hàng trăm triệu tấn than/năm nhưng năng lực trong nước tính đến 2015 chỉ sản xuất được khoảng 40 triệu tấn than/năm, do đó vấn đề nhập khẩu than trở lên cấp bách.

Theo quy hoạch phân ngành Than trong vòng 15 năm tới phải xây dựng được 28 mỏ mới, mở rộng được 61 mỏ cũ phân ngành Than cần hàng chục tỷ USD để đầu tư cho các dự án này, nhưng thực tế phân ngành Than hoàn toàn không có vốn kể cả vốn đối ứng để đi vay.

Việc đưa công nghệ hiện đại mới, xây dựng các trung tâm chế tạo mới các thiết bị cho phân ngành Than... trong việc thăm dò khai thác sàng tuyển, chế biến vận tải…. được đặt ra trước mắt và lâu dài để đưa ngành Than đảm bảo cung cấp một lượng than lớn cho phân ngành Điện và các ngành kinh tế khác, hạn chế được việc nhập khẩu than.

Phân ngành Dầu khí

Chủ trương nội địa hoá phân ngành Dầu khí của ngành Năng lượng Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm trong chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, đó là “Phát triển đồng bộ, hiệu quả ngành công nghiệp dầu khí thông qua việc phát huy các nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế”.

Đến nay phân ngành Dầu khí đã tự trang bị được cơ sở vật chất, nhiều trang thiết bị bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, thu gom, chế biến, tàng trữ và xuất nhập khẩu.

Đặc biệt là đã nội địa hoá được nhiều trang thiết bị, xây dựng được đội ngũ chuyên gia khoa học kỹ thuật làm động lực quan trọng để vươn lên tầm cao mới.

Trong quá trình thực hiện chủ trương và chính sách nội địa hoá các sản phẩm dầu khí nhằm phát huy nội lực, tiết kiệm chi phí nhập khẩu, tăng hiệu quả đầu tư phân ngành Dầu khí đã chủ động trong hợp tác quốc tế để gia công chế tạo được giàn khoan, giàn trao đổi nhiệt, kho nổi, bồn áp lực, đường ống thu gom khí, thiết bị nhà máy xử lý khí và các kho nhập LNG …

Việc đưa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào hoạt động từ ngày 17/2/2009, Việt Nam đã không còn là nước chuyên xuất khẩu dầu thô mà chuyển sang giai đoạn chế biến sản phẩm từ nguyên liệu trong nước, thay thế trên 30% nhu cầu thị trường lâu nay phải nhập khẩu hoàn toàn.

Các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol (Bio - Ethanol) tại Dung Quất, Phú Thọ, Bình Phước đưa vào hoạt động hiệu quả tạo điều kiện để phân ngành Dầu khí sớm trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của Việt Nam và thế giới sau này.

Tuy vậy, hiện nay công tác thăm dò, khai thác, ngành Dầu khí còn gặp nhiều khó khăn vì chưa áp dụng công nghệ hiện đại, đồng thời trang thiết bị hiện đại để có thể thăm dò khai thác ở các vùng nước sâu tới hàng nghìn mét.

Hiên nay chúng ta chỉ đang thăm dò khai thác ở độ sâu 200m, do vậy chưa thăm dò và khai thác được nhiều mỏ dầu - khí quy mô lớn ở độ sâu nêu trên.

Do đó đang hạn chế sản lượng khai thác của phân ngành Dầu khí chưa xứng với tiềm năng của vùng biển nước ta và khu vực.

Đầu tư xây dựng nhà máy lọc hóa dầu ta chỉ mới có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang hoạt động chủ yếu là lọc dầu chưa có hóa dầu, hiện tại đang đầu tư một số nhà máy lọc hóa dầu lớn chủ yếu là vốn nước ngoài.

Sản phẩm của hóa dầu là một chuỗi giá trị gia tăng rất lớn cung cấp nhiều loại sản phẩm như: nhựa đường, hạt Polime, sợi… nhiều nước trên thế giới làm giàu được là nhờ công nghệ hóa dầu.

Phân ngành năng lượng xanh

Phân ngành năng lượng xanh bao gồm các chuyên ngành gió, mặt trời, sinh khối - sinh khí (Biomass - Biogas), địa nhiệt, thuỷ triều, sóng biển…), đây là các nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường đang được khuyến khích phát triển trên thế giới cũng như ở nước ta.

Quyết định phê duyệt QHĐ VII của Thủ tuớng chính phủ đã quy định cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đưa điện năng sản xuất từ nguồn này (3,5% năm 2010) lên 4,5% năm 2020 và 6,0% năm 2030.

Bài viết này chỉ trình bày sơ bộ về tiềm năng, thực trạng và thực hiện chủ trương nội địa hoá của các chuyên ngành này.

Theo UNDP trong dự thảo chiến lược phát triển năng lượng tái tạo/điện mặt trời Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì tiềm năng điện năng lượng tái tạo được đánh giá là 800GW tương đương 43 triệu tấn dầu quy đổi.

Việc xác định tiềm năng kinh tế - kỹ thuật cho từng chuyên ngành chưa thực sự có đủ độ tin cậy.

Nhiều cơ quan doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế có sự đánh giá khác nhau, ví dụ chuyên ngành điện gió: Viện Năng lượng (1800MW), Công ty Cổ phần Phong điện Phương Mai (35.650 ~ 21.390MW), GTZ (Đức) cho biết điều tra của WB là 513.360MW.

Về các chuyên ngành năng lượng tái tạo khác theo Viện Năng lượng: Mặt trời 4 ~ 5kwh/m2, sinh học trên 150MW - sinh khối trên 800MW - rác thải 350MW, địa nhiệt 340MW; tiềm năng năng lượng thuỷ triều - sóng biển chưa xác định.

Thực trạng hiện nay Việt Nam có 3 dự án điện gió đến ngày 30/4/2016 đã đi vào hoạt động tổng công suất đặt là 135.2MW gồm 03 nhà máy điện gió Bình Thuận 30MW (REVN), Đảo Phú Quý 6MW (PV Power - EVN) và Bạc Liêu 99.2MW (Công Lý).

Về chuyên ngành điện Mặt trời chủ yếu là nguồn điện pin mặt trời được sử dụng ở khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo không nối lưới.

Mới đây nhất ngày 29/8/2015 dự án điện mặt trời có nối lưới 19,2 MW tại Quảng Ngãi do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân là Chủ đầu tư đã được khởi công.

Đối với chủ trương nội địa hoá phân ngành năng lượng xanh hiện có các dữ kiện sau đây đáng ghi nhận để xem xét trong tương lai có thể trở thành trung tâm chế biến chế tạo về lĩnh vực này.

Việc chế tạo tuabin gió - máy phát điện đã được triển khai tại Việt Nam. Tập đoàn GE Hoa Kỳ đã đầu tư 61 triệu USD Dự án nhà máy sản xuất thiết bị quan trọng này tại Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng.

Thương hiệu GE đã có tiếng trên thế giới về lĩnh vực chế tạo máy điện, việc hợp tác với Tập đoàn này để tăng tỷ lệ nội địa hoá sẽ dẫn đến giảm được giá thành.

Tuy nhiên không những cần phải nâng cấp quy mô đầu tư của nhà máy này, mà còn đầu tư thêm các nhà máy khác để không những cung cấp cho Việt Nam mà còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực lúc đó sẽ làm giảm suất đầu tư rất nhiều cho các dự án điện gió.

Việc chế tạo các tháp điện gió bước đầu được triển khai: Công ty TNHH MTV UBI 16 Hưng Yên với 100% vốn trong nước sản xuất được 300 tháp hàng năm và hiện đã xuất khẩu mặt hàng này sang các nước Đức, Ấn Độ…

Việc đầu tư của dự án này đang còn hạn chế, cần áp dụng công nghệ mới hoặc mua công nghệ, thu xếp được vốn thì việc chế tạo ra tháp đỡ tua bin điện gió, cánh quạt gió không những cung cấp cho những dự án trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước khác, đồng nghĩa với việc làm giảm suất đầu tư của các dự án điện gió.

Pin năng lượng Mặt trời Việt Nam của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (Solar BK) được sản xuất theo công nghệ hiện đại đạt các tiêu chuẩn quốc tế đã cung cấp cho nhiều dự án của Việt Nam (trong đó có 33 đảo nổi, 9 đảo chìm và 14 nhà giàn ở Trường Sa), nhưng quy mô còn nhỏ chưa đủ đáp ứng trong nước, còn xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới.

Trên đây nêu một số nhận xét các phân ngành năng lượng về thực trạng cũng như chủ trương chế biến chế tạo mới của thế giới sau năm 2015 do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xướng.

(Còn nữa...)

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động