RSS Feed for ‘Kỷ luật và đồng tâm’ - Yếu tố quan trọng để ngành than phát triển bền vững | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 21/11/2024 13:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

‘Kỷ luật và đồng tâm’ - Yếu tố quan trọng để ngành than phát triển bền vững

 - Tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” là cụm từ mà luôn được trân trọng nhắc đến trong văn hóa doanh nghiệp vùng than. Tinh thần ấy là tài sản vô giá mang sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của giai cấp công nhân mỏ cũng như cả vùng mỏ anh hùng. Nó trở thành nét văn hóa đặc trưng nhất của giai cấp công nhân vùng mỏ, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển để làm nên một vùng mỏ giàu đẹp như ngày hôm nay. Vì vậy gìn giữ và phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” cũng chính là gìn giữ cái hồn cốt trong văn hóa doanh nghiệp vùng than, đây là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng ngành than ngày càng thịnh vượng.
30 năm thành lập và phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam 30 năm thành lập và phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Sáng ngày 9/10/2024, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (10/10/1994 - 10/10/2024).

Sự hình thành truyền thống tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ:

Từ những ngày đất nước còn chìm trong nô lệ bị thực dân Pháp đô hộ, trước Cách mạng tháng Tám, trước khi Đảng Cộng sản ra đời, ở các vùng nông thôn Việt Nam, sự nghèo đói gần như đồng nghĩa với cái chết. Cuộc sống lầm than, khổ cực đã khiến những người nông dân buộc phải có sự lựa chọn bất đắc dĩ giống như một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm: Hoặc là đi, hoặc ở nhà chết đói. Họ bước chân ra đi đến nơi mà khi đó được ví như rừng thiêng nước độc để làm phu mỏ. Sự lựa chọn mạo hiểm đó đã thể hiện họ là những con người đầy mạnh mẽ, quyết đoán, dám bứt phá, dám thoát khỏi nếp suy nghĩ thường ngày. Trong vụ đánh cược với số phận này, những người phu mỏ để sinh tồn không còn cách nào khác là phải sát cánh bên nhau. Từ đó mà hình thành sự gắn bó, liên hệ, chia ngọt sẻ bùi từ miếng cơm, manh áo giữa những người thợ mỏ với nhau để vừa làm việc, tồn tại, vừa đấu tranh chống lại sự hà khắc của bọn cai mỏ, của chế độ thực dân.

Những năm đó, mặc dù các cuộc đấu tranh đa phần còn chìm trong biển máu, thất bại, nhưng nó đã tôi luyện cho những người thợ mỏ một ý chí sắt đá, tinh thần đấu tranh kiên cường, bền bỉ, dám hy sinh vì nghĩa lớn. Đây cũng là tiền đề cho sự hình thành truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, nét văn hóa đặc trưng nhất của giai cấp công nhân vùng than.

Sau khi Đảng ra đời, giai cấp công nhân vùng mỏ như được tiếp sức, bùng lên ngọn lửa đấu tranh như vũ bão. Giai đoạn này, tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ được phát triển mạnh mẽ nhất. Các cuộc đình công của hàng vạn thợ mỏ rộng khắp trên vùng mỏ được tổ chức bài bản hơn, mà đỉnh cao là cuộc Tổng bãi công vào đêm 12, rạng sáng ngày 13/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ, đòi chủ mỏ: Tăng lương, giảm giờ làm, không cúp phạt lương, trang bị dụng cụ cho công nhân và đảm bảo ngày làm việc 8 giờ…

Cuộc bãi công bắt đầu từ Cẩm Phả rồi lan rộng ra phạm vi toàn khu mỏ với khẩu hiệu đấu tranh cách mạng “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”. Báo Le Travail ngày 27/11/1936 đã ca ngợi: “Họ đã tỏ rõ tinh thần đoàn kết vô sản một cách vô cùng tốt đẹp. Họ đã nấu chung bữa cháo cuối cùng với những nắm gạo cuối cùng và thề sẽ đấu tranh quyết liệt…”; “Lần đầu tiên ở Đông Dương giai cấp vô sản đã giành được thắng lợi rực rỡ. Lần đầu tiên kỷ luật vô sản đã thắng sự kháng cự của bọn chủ…”.

Sau gần 20 ngày đêm, cuộc tổng bãi công đã đi đến thắng lợi hoàn toàn chính là nhờ tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của những người thợ mỏ. Qua cuộc đấu tranh anh dũng này, đội ngũ công nhân mỏ than đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của mình. Tiêu biểu là truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần chủ động sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao và tinh thần đoàn kết đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng.

Ngày 12/11 năm ấy đã đi vào lịch sử, đánh dấu mốc son chói lọi và trở thành ngày Truyền thống của giai cấp công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh.

Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” làm nên chiến thắng:

“Kỷ luật” là những quy định xử sự chung của một cộng đồng hoặc một tổ chức xã hội, yêu cầu mọi người phải tuân theo, nhằm tạo ra sự thống nhất hành động để đạt chất lượng hiệu quả cao. “Đồng tâm” là những người cùng chí hướng, cùng có chung sự quyết tâm đạt được một mục tiêu.

Từ khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” trong cuộc tổng bãi công năm 1936 đã trở thành mệnh lệnh, cương lĩnh của thợ mỏ, đi vào lịch sử truyền thống như một sự sáng tạo độc đáo, chỉ xuất hiện duy nhất, có một không hai trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam.

Đó là sự biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản chất cách mạng, bản lĩnh đấu tranh đặc sắc về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn, mạnh mẽ của đội ngũ thợ mỏ. Tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” được người thợ mỏ thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, sản xuất như: Trong đấu tranh cách mạng giành độc lập và chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; trong lao động sản xuất; trong hoạt động xã hội; trong phong trào văn hóa, thể thao.

Trong Cách mạng tháng Tám, cùng với khí thế cách mạng của cả nước, đồng bào, chiến sĩ, nhân dân vùng mỏ sục sôi khí thế, vùng lên giành chính quyền, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Với nhiều điểm đấu tranh độc đáo, sáng tạo, cuộc đấu tranh của quân dân vùng mỏ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám mùa thu năm 1945.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” một lần nữa được khơi dậy, phát huy để có đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ nhà máy, hầm lò, xí nghiệp, bảo vệ quê hương, đất nước. Đặc biệt, cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Ninh để giải phóng khu mỏ ngày 25/4/1955.

Sau giải phóng, khi những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi khu mỏ, lực lượng công nhân và nhân dân các tầng lớp vùng than hăng hái bắt tay vào xây dựng, cải tạo nhà máy, công xưởng, hầm lò, mỏ than... để không ngừng trệ sản xuất, đồng thời tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật từng bước nâng cao năng suất, năm sau cao hơn năm trước góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như của cả nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, quân và dân vùng mỏ luôn là hậu phương vững chắc cả về nhân lực, vật lực, sẵn sàng chi viện miền Nam trong mọi hoàn cảnh. Năm 1964, Quảng Ninh hoàn thành vượt mức khai thác 1 triệu tấn than đề ra, đưa tỉnh trở thành đầu tàu trong ngành công nghiệp khai thác than của cả nước.

Khi đế quốc Mỹ tổ chức tấn công, ném bom phá hoại miền Bắc, những người thợ mỏ lại luôn chắc tay súng, vững tay búa với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai”, để cùng với quân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Quân và dân Vùng mỏ chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, tích cực sơ tán nhân dân, sơ tán máy móc thiết bị nhưng vẫn đảm bảo sản xuất và trực chiến trên khắp các công trường, phân xưởng. Bất cứ nơi đâu cũng là trận địa, sẵn sàng bắn rơi máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm bầu trời Quảng Ninh. Nhiều nhà máy, xí nghiệp như Tuyển Than Cửa Ông, Đèo Nai, Cọc Sáu... bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống, tiêu diệt nhiều phi công Mỹ.

Bên cạnh đó hàng ngàn cán bộ công nhân mỏ hăng hái lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Chúng ta vô cùng tự hào với Binh đoàn Than đã có mặt hầu khắp các chiến trường khốc liệt miền Nam, từ đường Trường Sơn, chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng... Có thể nói những người thợ mỏ có tính kỷ luật rất cao trong đấu tranh; có sự đùm bọc tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp. Và tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” trở thành truyền thống tinh thần bất khuất của thợ Mỏ Việt Nam.

Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” luôn là biểu tượng sức mạnh đoàn kết, tinh thần “thép” đối với ngành than:

Cụm từ “Kỷ luật và đồng tâm” luôn được nhắc đến một cách trân trọng vì nó có ý nghĩa sâu sắc, tác động to lớn đến tâm tư, tình cảm cũng như đời sống xã hội của nhiều thế hệ thợ mỏ cùng nhân dân tỉnh Quảng Ninh kể từ cuộc tổng bãi công năm 1936 cho đến tận ngày hôm nay. Truyền thống văn hóa “Kỷ luật và đồng tâm” đã và sẽ mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự nghiệp phát triển của ngành than, là yếu tố quan trọng để ngành than ngày càng phát triển bền vững và luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX còn có “than thổ phỉ” hoành hành gây ra nhiều phức tạp về an ninh, trật tự, môi trường. Tình hình này đã làm phân tán, thất thoát tài nguyên quốc gia, hao phí lao động. Trước tình hình trên, ngày 10/10/1994, Tổng Công ty Than Việt Nam được thành lập, gần 2 năm sau, Đảng ủy Than Quảng Ninh ra đời theo Quyết định số 43-QĐ/TU, ngày 13/7/1996, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Với hệ thống chính trị dần ổn định, Tổng Công ty Than Việt Nam từng bước tập hợp các lực lượng làm than trên địa bàn Quảng Ninh, “xóa sổ than thổ phỉ”, đưa gần 5 vạn công nhân, viên chức, người lao động của tất cả các đơn vị sản xuất than trên địa bàn Quảng Ninh vào ngôi nhà chung là than Việt Nam.

Tình hình tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực, ngày 26/12/2005, Chính phủ thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Dù tên gọi, mô hình có thay đổi, nhưng bản chất, giá trị cốt lõi, vai trò và ý nghĩa của văn hóa thợ mỏ “Kỷ luật và đồng tâm” vẫn được bảo tồn. Không những thế, còn được gọt giũa, bồi đắp để hoàn thiện hơn trong cơ chế mới.

Với ngành than, với người thợ mỏ, giai đoạn 2010-2017 là vô cùng cam go khi sản xuất liên tục rơi vào tình trạng bị đình trệ, sản lượng than tồn kho cao. Có thời điểm lượng than tồn kho của TKV đến trên 10 triệu tấn. Việc làm, thu nhập và đời sống thợ mỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi ấy, sức mạnh “Kỷ luật và đồng tâm” lại được các thế hệ thợ mỏ phát huy. Hàng vạn công nhân cùng lãnh đạo ngành than đã chủ động đối mặt với khó khăn, tháo gỡ dần từng nút thắt, tìm ra được giải pháp hợp lý trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, ngành than đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng, tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, ổn định việc làm, thu nhập cho công nhân.

Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” góp phần quan trọng để công nhân ngành than bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức. Trong đó, có thể kể đến trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 làm ngành than thiệt hại hơn một nghìn tỷ đồng, nhưng phát huy cao độ tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, đội ngũ công nhân ngành than đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn; tiếp đến là đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo dài từ cuối năm 2019 đến quý 1 năm 2022, làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sinh hoạt của toàn xã hội, trong đó có ngành than, tiếp tục phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, đội ngũ công nhân, cán bộ ngành than tích cực, quyết liệt cùng nhau chống dịch, linh hoạt, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Mới đây nhất, cơn bão số 3 (Yagi) vào ngày 7/9/2024 với sức gió mạnh gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Ngay sau khi bão tan, TKV đã chỉ đạo các đơn vị phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” và tinh thần vượt khó thần tốc khắc phục hậu quả sau bão, nhanh chóng ổn định sản xuất. Các đơn vị hỗ trợ nhân lực, phương tiện, thiết bị cùng ngành điện, chính quyền địa phương khôi phục hệ thống điện lưới, hệ thống giao thông, giúp đỡ các trường học, các khu phố thu dọn, vệ sinh môi trường. Tổ chức công đoàn rà soát, thống kê những gia đình công nhân của Tập đoàn tại Quảng Ninh và các tỉnh ngoài bị thiệt hại do bão số 3; kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ để người lao động ổn định cuộc sống.

Sau mỗi lần thiên tai, dịch bệnh, tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, tinh giản và bố trí lại lao động, sản xuất, kinh doanh lại phát triển mạnh mẽ hơn, công nhân, cán bộ phấn khởi hơn, thu nhập và chế độ phúc lợi cho công nhân được tăng lên, được chăm lo tốt hơn cả về vật chất và tinh thần.

Có thể nói truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đã tạo nên sức mạnh giúp ngành than vượt qua mọi khó khăn thử thách, là tài sản tinh thần vô giá của đội ngũ công nhân mỏ, trở thành biểu tượng sức mạnh đoàn kết, làm nên thương hiệu trong văn hóa doanh nghiệp vùng than.

Bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” để xây dựng ngành than ngày càng thịnh vượng:

Tại Nghị quyết số 76/NQ-ĐU ngày 9/1/2023 của Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong Tập đoàn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh mục tiêu chung cần phải bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống cốt lõi của TKV, đó là truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bản sắc văn hóa người thợ mỏ.

Ngày 28/4/2023, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/ĐUK của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng về xây dựng và thực hiện văn hoá doanh nghiệp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương”.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/ĐUK của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Nghị quyết 76/NQ-ĐU ngày 09/01/2023 của Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Đảng ủy Công ty than Hạ Long - TKV đã ban hành kế hoạch số 146/KH-ĐU ngày 31/10/2023 trong đó đã xác định việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của Công ty và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam mà cốt lõi là truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” là nhiệm vụ chính trị trong cả hệ thống chính trị trong toàn Công ty.

Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đã ngấm vào máu thịt của người thợ mỏ qua bao thế hệ, là “phần hồn” trong văn hóa doanh nghiệp vùng than, là tài sản tinh thần vô giá mà cả hệ thống chính trị trong Tập đoàn Than tập trung chú trọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy cho các thế hệ nối tiếp mai sau. Có thể nói, nếu doanh nghiệp là máy tính thì văn hóa doanh nghiệp trong đó có truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” là hệ điều hành. Nói một cách hình tượng thì: “Văn hóa là cái còn thiếu khi ta có tất cả, là cái còn lại khi tất cả đã mất, văn hóa còn thì doanh nghiệp còn”.

Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đã trở thành biểu tượng, làm nên thương hiệu khi nhắc đến văn hóa ngành than. Vậy cần phải bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống này ra sao khi mà Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hiện nay có địa bàn hoạt động rộng khắp tại 43 tỉnh thành trên cả nước với hơn 94 ngàn lao động, ngoài dân tộc kinh, có trên 40 dân tộc thiểu số đang làm việc trong TKV, có sự giao thoa nhiều đặc tính vùng miền văn hóa khác nhau trong cả nước.

Để tiếp tục phát huy tinh thần “Kỷ luật và ffồng tâm” - linh hồn của văn hóa công nhân mỏ, tác giả bài viết xin đề xuất một số giải pháp cụ thể:

Một là: Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong công tác văn hóa doanh nghiệp. Cần có sự quan tâm coi trọng đúng mức đối với giá trị văn hóa truyền thống, cốt lõi của ngành than mà tiêu biểu là truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải xây dựng bằng được nghị quyết về lĩnh vực phát triển văn hóa, con người dựa trên việc đóng góp dân chủ của tất cả các thành viên trong các tổ chức chính trị, đoàn thể trong doanh nghiệp. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết đó sâu rộng trong đơn vị, doanh nghiệp.

Hai là: Xây dựng nhà truyền thống, phòng truyền thống trong mỗi một doanh nghiệp ngành than, lưu lại các sự kiện lịch sử mang tính trọng đại của ngành, của đơn vị, mở cửa đón người lao động trong và ngoài đơn vị muốn đến tham quan, tìm hiểu. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức cho người lao động hiểu về việc cần thiết phải bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần được hun đúc qua bao thế hệ cha anh. Khuyến khích thế hệ trẻ tiếp tục sưu tầm và lưu giữ những tư liệu, hình ảnh, hiện vật của quá trình hình thành và phát triển ngành than.

Ba là: Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần nêu cao vai trò gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa doanh nghiệp. Muốn người lao động noi theo, bản thân lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, đảng viên trong đơn vị phải làm gương trước, chuẩn mực trong ứng xử, lề lối làm việc. Nêu gương từ trong cuộc sống hàng ngày đến công việc, thực hiện “Nói đi đôi với làm”, lan tỏa những giá trị văn hóa sâu rộng trong toàn đơn vị.

Bốn là: Sinh thời Bác đã dành nhiều tình cảm đối với cán bộ công nhân ngành than, Người dạy “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”; “Vùng mỏ của đất nước ta thật đẹp và giầu. Thợ mỏ của ta thật vô cùng anh dũng”. Cần phải đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi cá nhân. Tiếp tục lan tỏa hình tượng “Người thợ mỏ - Người chiến sỹ” với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo lời Bác dạy sâu rộng trong toàn đơn vị, toàn ngành.

Năm là: Tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, văn nghệ quần chúng nâng cao đời sống sức khỏe, tinh thần cho người lao động nhân các dịp lễ lớn của đất nước, của ngành. Hội tụ các bộ môn văn hóa thể thao dân tộc của những người thợ mỏ đến từ các vùng miền văn hóa khác nhau trong cả nước để có sự phong phú, đa dạng mang nét độc đáo, đặc sắc riêng cho ngành than.

Sáu là: Tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông viết tin bài tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa hình ảnh kết quả thực hiện văn hóa doanh nghiệp của đơn vị, của ngành trên các phương tin thông tin đại chúng. Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, khuyến khích các cộng tác viên trong đơn vị lấy tin bài, hình ảnh, những việc tử tế, gương “người tốt việc tốt”, các nét đẹp văn hóa diễn ra trong đời sống hàng ngày của những người thợ mỏ để tổng hợp, chắt lọc đưa lên các trang web của doanh nghiệp, mạng xã hội, trang thông tin điện tử của Tập đoàn nhằm lan tỏa sâu rộng hơn trong toàn ngành.

Bảy là: Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực trẻ, đội ngũ trí thức, chất lượng cao, có cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút, trọng dụng và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với đơn vị, doanh nghiệp.

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, bao khó khăn thử thách, nhưng có thể thấy rằng, sức sống của tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” ở vùng mỏ đã được hun đúc, được khẳng định qua thời gian. Các thế hệ thợ mỏ hôm nay vẫn miệt mài lao động sáng tạo để đi tới, viết tiếp những trang sử tự hào cho mai sau. Tin chắc rằng với việc quyết tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh thần của truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” sẽ đưa ngành than ngày càng phát triển bền vững, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh nói riêng, nước Việt Nam nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

PHẠM THỊ LÂM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động