RSS Feed for Trước nguy cơ thiếu điện [kỳ 2]: Bất cập lưới truyền tải cho điện mặt trời | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 06:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trước nguy cơ thiếu điện [kỳ 2]: Bất cập lưới truyền tải cho điện mặt trời

 - Sau khi có Quyết định số 11/QĐ-TT, ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt dự án nhà máy điện mặt trời (ĐMT) đã và đang được các tỉnh trình cấp có thẩm quyền để bổ sung vào Quy hoạch điện lực, nhưng do thiếu lưới điện truyền tải mà rất nhiều dự án chưa có phương án kết nối với lưới một cách an toàn, tin cậy và được truyền tải hết năng lượng sản xuất ra. Tình trạng bất cập này khiến EVN và Bộ Công Thương khá đau đầu để tìm giải pháp tháo gỡ, nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn này.

Trước nguy cơ thiếu điện [kỳ 1]: Nguồn cung trong điều kiện bất thường


KỲ 2: BẤT CẬP TRONG QUY HOẠCH LƯỚI TRUYỀN TẢI CHO ĐIỆN MẶT TRỜI


Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia, hay còn gọi là Tổng sơ đồ điện, Quy hoạch Điện (QHĐ), theo Luật Điện lực và Thông tư 43/TT-BCT, được lập theo chu kỳ 10 năm và có điều chỉnh định kỳ sau mỗi 5 năm thực hiện. Cho đến nay đã có 7 QHĐ được lập và phê duyệt. Gần đây nhất, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh QHĐ VII (QHĐ giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030) trong Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 13/8/2016. Trong Điều chỉnh QHĐ VII có danh mục các nguồn điện và danh mục các công trình lưới điện truyền tải 500 kV và 220 kV sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2030.

Để thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, thủy điện nhỏ), trong danh mục phát triển nguồn điện đã đưa tổng công suất các nguồn điện mặt trời (ĐMT) của Việt Nam, từ không đáng kể khi đó, tăng lên khoảng 850 MW vào năm 2020, 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030.

Tại thời điểm lập và trình Chính phủ Đề án Điều chỉnh QHĐ VII vào cuối năm 2015, chưa có các quy hoạch phát triển điện mặt trời của các tỉnh cũng như của toàn quốc. Vì vậy, ngoài dự án điện mặt trời Thiên Tân với quy mô 700 MW dự kiến vào vận hành năm 2019 - 2020 và thêm 300 MW vào năm 2021 (thực tế đến nay chỉ có dự án Thiên Tân 1 - 50 MW được duyệt), không có dự án điện mặt trời nào khác được xác định cụ thể trong Điều chỉnh QHĐ VII.

Nguyên nhân chủ yếu là khi đó chưa ban hành cơ chế khuyến khích cụ thể về giá mua điện từ nguồn ĐMT, nên các chủ đầu tư còn chần chừ, chờ đợi. Cũng vì vậy mà chưa có nhiều dự án ĐMT được đề xuất cụ thể, không đủ cơ sở để tính toán kỹ thuật và đưa các danh mục dự án, cũng như lưới điện cần thiết vào Điều chỉnh QHĐ VII.

Như vậy, hàng ngàn MW công suất ĐMT trong Điều chỉnh QHĐ VII chủ yếu nhằm tạo khung pháp lý để các dự án được xem xét bổ sung quy hoạch khi Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích loại nguồn này.

Thực tế cho thấy, khi Quyết định số 11/QĐ-TT, ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ các dự án nguồn ĐMT được ban hành, với việc EVN sẽ mua điện với giá 9,35 US cent/ kWh của loại nguồn này, trong 2 năm 2017 và 2018 số lượng các dự án ĐMT được trình bổ sung quy hoạch đã vượt sức tưởng tượng.

Theo thống kê của bộ Công Thương, đến đầu Quý III/ 2018 đã có tổng 258 dự án ĐMT với tổng công suất 22.723 MWp [1] (tương đương khoảng 19.300 MW) được 29 tỉnh trình bổ sung vào Điều chỉnh QHĐ VII, trong đó tập trung nhiều nhất vào 4 tỉnh: Ninh Thuận: 46 dự án/ 2.887 MWp; Bình Thuận: 67 dự án/ 4.122 MWp; Đăk lăk: 15 dự án/ 4.128 MWp; và Tây Ninh: 16 dự án/ 2.604 MWp.

Chính phủ/ Bộ Công Thương khi đó đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch 100 dự án ĐMT tại 21 tỉnh với tổng công suất là 7.634 MW, trong đó công suất vào vận hành trước năm 2020 là 5.548 MWp, công suất vào sau năm 2020 là 2.068 MW.

Xét trường hợp các dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận

Thứ nhất: Năm 2017 lưới điện Ninh Thuận còn khiêm tốn: có 2 trạm biến áp nguồn 220 kV cấp cho nhu cầu điện của tỉnh là trạm Tháp Chàm 2 công suất 125 MVA và trạm Đa Nhim công suất 2 máy biến áp 63 MVA, tổng dung lượng của 2 trạm này chỉ có 251 MVA - tức là chỉ có thể tiếp nhận công suất tối đa khoảng 226 MW; tỉnh cũng có 5 trạm 110 kV với tổng công suất  230 MVA; tổng chiều dài đường dây 110 kV là 161.4 km, hầu hết là dây AC185 đơn tuyến. Với cỡ đường dây 110 kV hiện hữu, tối đa mỗi đường dây chỉ tiếp nhận được dưới 100 MVA công suất điện đưa vào.

Thứ hai: Nhưng theo phê duyệt các dự án ĐMT nêu trên, tổng công suất nguồn điện này tại Ninh Thuận sẽ vào vận hành trước năm 2020 rất lớn, gồm 26 dự án - 1.604 MWp. Trong các dự án ĐMT đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch, có 4 dự án quy mô từ 168 - 204 MWp, 22 dự án khác đều cỡ 30 - 50 MWp. Trong khi đó, lưới điện tăng thêm từ năm 2017 đến nay không đáng kể, chỉ thay đoạn dây dẫn 110 kV chiều dài 16 km từ AC185 lên AC300 (mang tải tối đa được 135 MVA) đoạn từ Ninh Phước - Tuy Phong.

Thứ ba: Trong Quy hoạch điện tỉnh Ninh Thuận được phê duyệt ngày 1/3/2018, dự kiến năm 2019 -2020 EVN sẽ cải tạo bổ sung thêm 249 MVA công suất trạm 220 kV tại trạm 220 Tháp Chàm và trạm 220 kV Đa Nhim; đường dây 220 kV Tháp Chàm - Nha Trang 88km; cải tạo 2 trạm và xây dựng mới 4 trạm 110 kV với tổng dung lượng 216 MVA; tăng thêm 88 km đường dây 110 kV đồng bộ với trạm và cải tạo nâng cấp 126 km. Còn các chủ đầu tư dự án ĐMT sẽ xây dựng 1 trạm 220 kV, 13 trạm 110 kV và các chủ đầu tư nguồn điện gió xây dựng 6 trạm 110 kV với tổng cộng dung lượng lên tới 1.191 MVA.

Qua đó, có thể thấy năng lực của các trạm 220 kV của tỉnh không thể tải nổi một nửa công suất các dự án ĐMT tại đây, chưa kể đến với thời gian khoảng hơn 1 năm, khả năng hoàn thành khối lượng lưới mới bổ sung cũng khó mà kịp.

Thứ tư: Một vấn đề nữa là nhu cầu điện của Ninh Thuận khá khiêm tốn: năm 2017 nhu cầu điện chỉ đạt 570, 6 triệu kWh với công suất cực đại khoảng hơn 100 MW. Theo Quy hoạch, đến năm 2020 nhu cầu điện mới tăng đến 139 MW, tức là khoảng 1/10 so với nguồn điện mặt trời dự kiến vào vận hành khi đó, còn đến năm 2025 phụ tải dự kiến 221 MW thì cũng chỉ cỡ 1/8 công suất ĐMT đưa vào năm 2020.

Như vậy hầu như trong thời gian có nắng ban ngày, năng lượng từ ĐMT sẽ phải chuyển phần lớn sang khu vực ngoài tình Ninh Thuận, gồm các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng... trong khi lưới điện các tỉnh này cũng còn yếu.

Trường hợp tỉnh Bình Thuận cũng tương tự như Ninh Thuận, lưới điện không thể tiếp nhận và truyền tải đi năng lượng từ các dự án ĐMT với tổng công suất được phê duyệt 1.068 MWp. Lưới điện các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Lăk cũng không thể hấp thụ thêm nguồn ĐMT nếu không được nhanh chóng tăng cường năng lực. Đây là bất cập lớn do tính thiếu đồng bộ giữa quy hoạch điện toàn quốc cũng như quy hoạch điện các địa phương có tiềm năng ĐMT, và là hậu quả của việc chậm trễ ban hành chính sách khuyến khích phát triển ĐMT.

Chính vì vậy, ngày 27/12/2018 [2] vừa qua, trên cơ sở đề xuất của EVN và Bộ Công Thương, Chính phủ đã phải cho phép điều chỉnh tiến độ, quy mô của 5 dự án trạm biến áp 220 kV đưa vào trong năm 2019 - 2021, sớm lên từ 2 đến 6 năm so với Điều chỉnh QHĐ VII với tổng dung lượng 1.525 MVA tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa.

Chính phủ cũng chấp thuận bổ sung 11 dự án lưới điện trong giai đoạn 2020 - 2025 tại 3 tỉnh này, trong đó có trạm 500/220 kV Thuận Nam (Ninh Thuận), nâng công suất 2 trạm 500 kV Vĩnh Tân và Di Linh tại Bình Thuận; nâng công suất trạm 220 kV Đại Ninh và  Đa Nhim và các đường dây 500 và 220 kV đồng bộ đê có thể giải tỏa được năng lượng từ các dự án ĐMT.

Vấn đề cấp bách để tăng cường khả năng truyền tải của lưới 500 kV và 220 kV đã có giải pháp ban đầu, nhưng các vấn đề về khả năng của lưới 110 kV, công tác vận hành tin cậy, ổn định hệ thống điện khi các nguồn ĐMT thất thường phụ thuộc thời tiết, khi có sự cố lưới... còn là những lo ngại lớn đối với các đơn vị vận hành nguồn - lưới điện của EVN.

THS. NGUYỄN ANH TUẤN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


[1] MWp: Megawat peak: công suất cực đại tức thời

[2] Văn bản số 1981/TTg-CN ngày 27/12/2018

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động