RSS Feed for Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 8) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 15:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 8)

 - Đầu năm 1989, chúng tôi cùng Phó tiến sỹ Lê Quang Diện, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kinh tế điện, ngồi trên chiếc thuyền ba lá xuôi dòng sông Cả, đoạn từ Cửa Rào về Khe Bố để thị sát tuyến đập của Thủy điện Bản Mai trong Thuyết minh tổng quan sử dụng nguồn năng lượng sông Cả. Trên một đoạn sông từ thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) đến Khe Bố không dài hơn 15 km, chúng tôi đã phải vượt qua 24 cái ghềnh lớn nhỏ, có chỗ nước chảy xiết, chiếc thuyền nhỏ bé phải lượn sang bên phải rồi qua bên trái để tránh các mỏm đá, chòng chành, chao đảo tưởng chừng như bị nghiêng lật. Cái tên thủy điện đầu tiên trên sông Cả - Bản Mai bắt đầu có từ đây.

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 7)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 6)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 5)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 4)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 3)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 2)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 1)
Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

KỲ 8: THỦY ĐIỆN BẢN VẼ

Sông Cả bắt nguồn từ vùng núi Mường Khút, Mường Lập, thuộc cao nguyên Xiêng Khoảng (Lào) ở độ cao 1.800 - 2.000 m. Ở thượng nguồn, sông Cả có 2 nhánh, Nậm Mô bên phải và Nậm Nơn bên trái. Hai nhánh này hợp lưu tại Cửa Rào và chảy ra biển ở Cửa Lò (Nghệ An) - Của Hội (Hà Tĩnh).

Sông Cả dài 513 km, phần trên lãnh thổ Việt Nam dài 361 km. Diện tích lưu vực sông Cả 27.200 km2, riêng trong lãnh thổ Việt Nam 17.730 km2. Hàng năm, sông Cả đổ ra biển khoảng 21,9 tỷ m3 nước. Trữ năng lý thuyết của toàn bộ hệ thống sông Cả là 10,95 tỷ kWh.

Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Cả chạy qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, thành phố Vinh, Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) và các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh). Ở trung lưu, sông Cả có 2 nhánh là sông Hiếu ở bên trái và sông Giăng ở bên phải. Ở hạ lưu, sông Cả có một chi lưu bên phải, đó là sông La. Sông Ngàn Phố bên trái và sông Ngàn Sâu bên phải là 2 nhánh sông hợp lưu ở ngã ba Tam Soa - Linh Cảm (Đức Thọ) tạo thành sông La.

Thuyết minh tổng quan sông Cả do Viện Năng lượng và Điện khí hóa lập đã xem xét một cách tổng quát một số tuyến đầu mối của công trình thủy điện lớn nhất trên hệ thống sông Cả. Đó là các tuyến Bản Vẽ, Bản Lả, Bản Mai trên đoạn sông từ thượng lưu ngã ba Cửa Rào đến Khe Bố. Và đây là công trình được kiến nghị xây dựng đợt 1 trên hệ thống sông này.

Điều quan trọng khi lựa chọn vị trí tuyến đập cho công trình thủy điện trụ cột trên sông Cả là tạo hồ chứa đủ lớn để làm nhiệm vụ điều tiết, giảm lũ, cắt lũ cho vùng hạ lưu có trên 500 nghìn héc ta đất nông nghiệp, với hơn 1,5 triệu cư dân sinh sống, trong đó có thành phố Vinh (Nghệ An). Mặt khác, do điều kiện địa hình bờ phải sông quá dốc nên đoạn từ huyện Con Cuông, Anh Sơn đến Cửa Rào (Tương Dương), quốc lộ 7 chạy bó sát bờ sông, uốn lượn theo bờ phải sông Cả. Đây là con đường huyết mạch nối từ quốc lộ 1A của Việt Nam sang nước bạn Lào.

Nếu đầu tư dự án tại tuyến Bản Mai sẽ làm ngập quốc lộ 7 ở đoạn này, nhiều làng xã và thị trấn Hòa Bình của huyện Tương Dương, sẽ bị chìm ngập trong lòng hồ. Qua xem xét, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 665/QĐ-TTg ngày 19/6/2003, về việc đầu tư dự án Thủy điện Bản Lả và công văn số 2584/VPCP-CN ngày 25/5/2004, về việc Thủ tướng Chính phủ cho phép đổi tên dự án Thủy điện Bản Lả thành dự án Thủy điện Bản Vẽ. Trên cơ sở đó, Bộ Công nghiệp đã có Quyết định số 1912/QĐ-NLDK ngày 21/7/2004, phê duyệt thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 và Quyết định số 1665/QĐ-NLDK ngày 09/5/2005, phê duyệt thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 tuyến năng lượng dự án Thủy điện Bản Vẽ do Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 lập.

Dự án Thủy điện Bản Vẽ có nhiệm vụ: cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; tạo nguồn nước bổ sung cho khu vực hạ lưu vào mùa kiệt đáp ứng nhu cầu nước cho công nghiệp và đẩy mặn; tham gia chống lũ tiểu mãn, giảm lũ đầu vụ cho vùng hạ lưu.

Các thông số chính của công trình Thủy điện Bản Vẽ: nức nước dâng bình thường 200 m, mức nước chết 155 m, dung tích toàn bộ hồ chứa 1.834 triệu m3, dung tích hữu ích 1.383 triệu m3, dung tích phòng lũ 300 triệu m3, công suất lắp máy 320 MW, điện lượng trung bình năm 1.084 triệu kWh, số tổ máy là 2. Diện tích mặt hồ ứng với mức nước dâng bình thường gần 46 km2.

Quy mô công trình gồm, đập dâng nằm trên sông Cả (nhánh Nậm Nơn), tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, cách ngã ba Cửa Rào gần 20 km về phía thượng lưu. Đập cao 135 m, bằng bê tông trọng lực đầm lăn (RCC). Tuyến năng lượng gồm cửa lấy nước, 2 đường hầm áp lực vỏ bê tông cốt thép đường kính 6,5 m, chiều dài mỗi hầm 660 m dẫn nước vào 2 tua bin của nhà máy thủy điện đặt bên bờ trái. Tổng  khối lượng xây lắp công trình gồm: đào đắp đất đá 3,8 triệu m3, đổ bê tông đầm lăn (RCC) 1,5 triệu m3, đổ bê tông thường 409 nghìn m3, lắp đặt 2.496 T thiết bị cơ khí thủy công và trên 3.100 T thiết bị cơ khí thủy lực.   

Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) được giao làm chủ đầu tư toàn bộ dự án, kể cả công tác đền bù, di dân, tái định cư. EVN giao Ban quản lý dự án Thủy điện 2 (A2) trực tiếp quản lý dự án này. Tổng công ty sông Đà được giao đứng đầu tổ hợp nhà thầu thi công xây lắp công trình, trong tổ hợp có các tổng công ty lớn như Tổng công ty xây dựng Trường sơn, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam…

Tổng số hộ phải di dời khỏi mặt bằng công trường và lòng hồ là 3.022 hộ của 34 bản, 9 xã, thuộc 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Đây là dự án thuỷ điện có quy mô di dời lớn thứ 3 trong các dự án thủy điện mà EVN thực hiện, sau Sơn La và Tuyên Quang. Ban quản lý dự án Thủy điện 2 đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thành lập Ban đền bù giải phóng mặt bằng công trình, tìm địa điểm tại huyện Thanh Chương để xây dựng khu tái đinh cư.

Công việc này gặp rất nhiều khó khăn. Quãng đường từ địa điểm xây dựng công trình đến nơi xây dựng khu tái định cư dài trên 130 km. Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương khẳng định: “Để phục vụ cho dự án Thủy điện Bản Vẽ phải di dời tổng cộng 3.022 hộ với trên 13.000 người thuộc 34 bản, 9 xã của 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đến khu tái định cư ở huyện Thanh Chương. Về công tác di dân tái đinh cư, xuất phát từ lý do khách quan, bà con mới đầu chưa quen với phong tục tập quán của người miền xuôi, cộng với việc thiếu hụt trầm trọng đất sản xuất nên quá trình hòa nhập diễn ra tương đối chậm, nhiều hộ bỏ vùng đất mới để quay về lòng hồ kiếm kế sinh nhai. Trong bối cảnh đó, chính quyền địa phương đã tập trung cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ quản, nỗ lực vận động, tuyên truyền đến người dân nên tình hình đã có sự chuyển biến. Đối với địa phương, việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ tạo bước đệm phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con” (Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 4/11/2015).

Công trình Thủy điện Bản Vẽ được khởi công xây dựng ngày 7/8/2004. Sau gần 6 năm  thi công, vượt qua nhiều khó khăn về khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, điều kiện địa chất công trình phức tạp (có cả sạt trượt núi đá), toàn thể cán bộ, công nhân, kỹ sư trên công trường đã nỗ lực phấn đấu đưa công trình phát điện tổ máy 1 ngày 10/4/2010 và tổ máy 2 ngày 19/5/2010, đúng dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương của Người.

Đón đọc kỳ tới: Thủy điện Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử

KSCC. NGUYỄN ĐỨC ĐẠT - HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM                                                                  

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động