RSS Feed for Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 6) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 00:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 6)

 - Năm 1983, theo yêu cầu của UBND tỉnh Nghĩa Bình (nay tách ra là tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi), Bộ Điện lực cử một đoàn công tác vào khảo sát, lập quy hoạch thủy điện nhỏ cho địa phương. Ông Chung Hường - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghĩa Bình dẫn chúng tôi đi theo quốc lộ 19 về phía Tây, đến huyện Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Sơn, ở độ cao trên 800 mét và dừng lại ở bản K4. Nơi đây sau này công trình Thủy điện Vĩnh Sơn ra đời.

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 5)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 4)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 3)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 2)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 1)
Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

KỲ 6: THỦY ĐIỆN VĨNH SƠN

Dự án đầu tư công trình Thủy điện Vĩnh Sơn do Viện Quy hoạch và Kinh tế điện (Bộ Điện lực) lập năm 1983-1984, được Bộ Điện lực thông qua. Sau đó, Viện Năng lượng và Điện khí hóa được giao lập tiếp Luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình Thủy điện Vĩnh Sơn và hoàn thành tháng 5/1985, được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) phê duyệt tháng 2/1986.

Ngày đến Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về Luận chứng kinh tế kỹ thuật Thủy điện Vĩnh Sơn, ông Phạm Văn Đồng lúc đó là Chủ tịch HĐBT rất mừng vì trên quê hương ông - Nghĩa Bình lại có một công trình thủy điện lớn đến thế. Ông Tố Hữu - Phó chủ tịch thường trực HĐBT, sau khi phát biểu một số ý kiến về Thủy điện Vĩnh Sơn, đặt câu hỏi với chúng tôi: "Còn công trình Thủy điện Rào Quán (Quảng Trị) thế nào? Tôi mê cái Rào Quán lắm đó".

Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn thuộc loại nhà máy thủy điện đường dẫn cột nước cao, gồm 2 hồ chứa: Hồ B nằm trên nhánh Đaksegnan và hồ A nằm trên nhánh Đakphan xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Hai nhánh này hợp lưu và đổ vào phía bờ phải sông Côn.

Sông Côn - dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định, bắt nguồn từ núi Ngọc Rô (tỉnh Gia Lai) ở độ cao trên 900 mét và từ vùng núi cao phía Tây, huyện An Lão và huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, với chiều dài 171 km, với diện tích lưu vực khoảng 2.780 km2 và với trữ năng lý thuyết đạt khoảng 2,1 tỷ kWh. Đoạn thượng nguồn có tên là Đakrong Bung, đoạn tiếp theo là sông Hà Giao, đến huyện Tây Sơn gặp các nhánh sông nhỏ đổ vào tạo thành sông Côn, rồi đổ vào đầm Thị Nại (Quy Nhơn). Đầu nguồn sông Côn là nơi cư trú của những bản làng người Ba Na thuộc 2 xã An Toàn, huyện An Lão và xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.

Ngày đi khảo sát, tìm địa điểm tuyến đập và vị trí nhà máy để lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật, đi đến đâu phải phát cây, dọn đá để mở đường. Lên bản K4 xã Vĩnh Sơn, chúng tôi phải tự bạt đất đá một quãng dốc khá dài để chiếc xe U-oát có thể leo lên được.

Rừng nguyên sinh còn âm u, dày đặc. Bản K4 nằm sâu trong rừng, bên sườn đồi của thung lũng sông Đakphan. Tuyến đập hồ A cách bản K4 khoảng 500 mét về phía thượng lưu. Tại đây bố trí đập tràn, kênh dẫn nước, bể áp lực, đường ống áp lực.

Nhà máy thủy điện đặt bên bờ phải sông Côn, tại xã Vĩnh Kim. Tuyến đập hồ B đặt trên sông Đaksegnan. Ở đây cũng bố trí đập tràn xả lũ. Nước từ hồ B chuyển  sang hồ A bằng một con kênh không áo bọc.

Năm 2000, trên đường đi nghiệm thu công trình Thủy điện Ialy, tổ chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước ghé thăm Nhà máy Thủy  điện Vĩnh Sơn. Chủ tịch Hội đồng lúc đó là Bộ trưởng, giáo sư Đặng Hữu, đứng trên tuyến đập hồ B hỏi Giám đốc Nhà máy - Kỹ sư Nguyễn Đức Đối: "Ai là người đưa ra phương án 2 hồ hay thế, sáng tạo thế ?" Ông Đối trả lời ngắn gọn: "Tác giả là anh Đạt (KS Nguyễn Đức Đạt) đứng sau giáo sư đó".

Đứng trên đỉnh đập, nhìn 2 hồ nước mênh mông trên cao nguyên, chúng tôi cảm thấy vui và tự hào về Tổ quốc mình, về cảnh quan thiên nhiên hiền hòa, thân thiện, về những công trình thủy điện đang tô thêm diện mạo mới cho đất nước.

Tại thời điểm đó, miền Trung đang thiếu điện nghiêm trọng. Một số phương án đầu tư nguồn điện cho khu vực đang được xem xét như: xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ (Đà Nẵng), công suất 2x60 MW, Thủy điện Sông Hinh (Phú Khánh) 2x34 MW, Thủy điện Sông Côn (Đà Nẵng) 2x30 MW… Qua xem xét về mặt kinh tế, kỹ thuật cùng với các khả năng huy động vốn, cung cấp thiết bị công nghệ và các mối quan hệ quốc tế… chọn công trình Thủy điện Vĩnh Sơn xây dựng giai đoạn đó là hợp lý hơn cả.

Chúng tôi được biết, những năm 1985-1986, quan hệ giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Tiệp Khắc, cũng như giữa Việt Nam và Tiệp Khắc rất tốt đẹp, thân thiết. Tiệp Khắc có ý định giúp ta thiết bị để xây dựng nhà máy thủy điện trên quê hương Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chúng tôi đã dẫn một đoàn chuyên gia thiết bị của Tiệp Khắc đi thăm địa điểm Vĩnh Sơn. Nhưng ý định đó không thành. Mãi đến năm 1989-1990, chúng ta mới chuyển sang nhập thiết bị của Pháp cho Thủy điện Vĩnh Sơn. Thủy điện Vĩnh Sơn phải chậm lại mất mấy năm.   

Công trình Thủy điện Vĩnh Sơn có nhiệm vụ cung cấp điện cho khu vực miền Trung, đồng thời cấp nước bổ sung để tưới thêm cho khoảng 5.000 ha ruộng lúa 2 vụ của các huyện Tây Sơn, An Nhơn và Tuy Phước.

Thông số chính của công trình Thủy điện Vĩnh Sơn như sau: Hồ B, mức nước dâng bình thường 827,5 mét, mức nước chết 810 mét, dung tích hồ chứa 108,3 triệu m3 trong đó dung tích hữu ích 97,8 triệu m3.

Hồ A, mức nước dâng bình thường 780 mét, mức nước chết 767 mét, dung tích toàn bộ hồ chứa 147,3 triệu m3, dung tích hữu ích phát điện 123,3 triệu m3.

Công suất nhà máy 66 MW, gồm 2 tổ máy, tua bin gáo, điện lượng trung bình nhiều năm 313 triệu kWh. Mức nước lớn nhất ở hạ lưu nhà máy 151 mét.

Quy mô công trình: Hồ B, đập đất đồng chất cao 34,5 mét, tràn đỉnh rộng bằng bê tông dài 60 mét có dốc nước. Kênh thông hồ dẫn nước sang hồ A dài 730 mét, đáy rộng 5 mét.

Hồ A, đập đất đồng chất cao 35 mét, tràn đỉnh rộng bằng bê tông dài 30 mét, dốc nước dài 116 mét. Bể áp lực có chiều dài 50 mét, rộng  5-7,5 mét. Đường ống áp lực bằng thép dài 1.928 mét, đường kính lớn nhất 2,5 mét.

Cột hước lớn nhất của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn 627 mét, lớn thứ 2 vào thời điểm đó, sau Thủy điện Đa Nhim.

Thiết bị của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn được nhập từ Pháp. Khối lượng thi công chính của công trình: đào đất đá gần 5 triệu m3, đắp đất đá 2,5 triệu m3, bê tông và bê tông cốt thép 94 nghìn m3, thiết bị thủy điện 654 tấn.

Đơn vị thi công là Tổng công ty Sông Đà, lắp máy là Công ty Lắp máy 10 (thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam). Ban quản lý dự án lúc đó trực thuộc Công ty Điện lực 3 (Bộ Năng lượng).

Công trình Thủy điện Vĩnh Sơn khởi công ngày 15/9/1991. Sau hơn 3 năm thi công xây lắp, ngày 4/12/1994, dòng điện đầu tiên của Thủy điện Vĩnh Sơn hòa lưới điện quốc gia.

Trong ngày vui khánh thành công trình, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến dự và ghi vào sổ vàng lưu niệm của nhà máy: "Rất mừng nguồn Thủy điện Vĩnh Sơn khánh thành và hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần tích cực vào phát triển đất nước. Chúc các đồng chí cán bộ, công nhân viên Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn mạnh khỏe, hạnh phúc. Cảm ơn các bạn chuyên gia Pháp và các công ty Pháp đã tham gia công trình này".

Đón đọc kỳ tới: Thủy điện Quảng Trị

KSCC. NGUYỄN ĐỨC ĐẠT - HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động