RSS Feed for Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 2) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 16/04/2024 15:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 2)

 - Ngay từ khi còn chưa làm Thủy điện Hòa Bình, tháng 4/1972, chúng tôi đã cùng Phó tiến sĩ Nguyễn Đình Tranh đi trên một chuyến đò dọc Ba Lá, suốt một ngày trời, từ bến Tà Hộc ngược dòng sông Đà lên thác Tạ Bú, qua các bản Tạ Bú, bản Pậu để tìm tuyến đập Thủy điện Sơn La (trước đây gọi là Thủy điện Tạ Bú ). 40 năm sau công trình vĩ đại này mới được đưa ra xem xét để đầu tư xây dựng.

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 1)
Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

KỲ 2: THỦY ĐIỆN SƠN LA - LAI CHÂU

KSCC. NGUYỄN ĐỨC ĐẠT - HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Theo Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà (được duyệt năm 1972), thì sông Đà được chia thành 2 bậc thang thủy điện: Hòa Bình và Sơn La, trong đó Sơn La là công trình bậc trên, với mức nước dâng bình thường là 265 m. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tình hình phát triển dân số và phân bổ dân cư trong lưu vực có nhiều thay đổi, cùng với những yếu tố quan trọng khác, nên ngày 16/12/2002, tại Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XI, thông qua Nghị quyết số 13/2002/QH11, xây dựng công trình Thủy điện Sơn La, phù hợp với phương án bậc thang 3 bậc là Hòa Bình, Sơn La thấp và Lai Châu, trong đó Sơn La với mức nước dâng bình thường không vượt quá 215 m.

Trước đó, ngày 29/6/2001 bằng Nghị quyết số 44/2001/QH10, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư công trình này. Tiếp theo, ngày 15/1/2004, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 92/QĐ-TTg, phê duyệt đầu tư dự án Thủy điện Sơn La. Dự án gồm 3 dự án thành phần: dự án xây dựng công trình Thủy điện Sơn La do Tổng công ty Điện lực Việt Nam - EVN (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư; dự án tái định canh, định cư theo địa bàn quản lý do UBND các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên làm chủ đầu tư; dự án các công trình giao thông tránh ngập do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.

Trên cơ sở đó, EVN thành lập Ban quản lý dự án và triển khai công tác chuẩn bị ban đầu. Địa điểm xây dựng công trình là trên sông Đà, tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, cách thành phố Sơn La trên 40 km.

Công việc đầu tiên là triển khai làm 2 con đường: từ thị xã Sơn La lúc đó vào địa điểm xây dựng công trình và từ thị trấn Mai Sơn đến bến Tà Hộc và đến công trình. Đồng thời, triển khai làm cầu cứng qua bờ trái sông Đà để xây dựng khu các cơ sở ban đầu và khu phụ trợ. 

Năm 2003, EVN hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tháng 12/2003, những người thợ đầu tiên của Tổng công ty Sông Đà có mặt ở công trường để xây dựng khu lán trại, các kho xưởng, cơ sở phục vụ thi công, làm công tác chuẩn bị trong 2 năm (2004- 2005). Ngày 2/12/2005, khởi công xây dựng công trình chính, cũng là ngày ngăn kênh dẫn dòng.

Quyết định đầu tư dự án ghi rõ mục tiêu của dự án là:

1/ Cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2/ Góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho Đồng bằng bắc Bộ.

3/ Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Các thông số chính của công trình Thủy điện Sơn La như sau:

1/ Mức nước dâng bình thường 215 m.

2/ Mức nước chết 175 m.

3/ Mực nước trước lũ 194,1 m.

4/ Dung tích toàn bộ hồ chứa 9,26 tỷ m3.

5/ Dung tích hữu ích 6,5 tỷ m3.

6/ Dung tích chống lũ 4 tỷ m3.

7/ Công suất lắp máy 2.400 MW.

8/ Số tổ máy 6 tổ.

9/ Điện lượng bình quân hàng năm 9,429 tỷ kWh.

Đây là công trình cấp đặc biệt về mặt kỹ thuật và quy mô, nhưng đồng thời là công trình trọng điểm cấp Nhà nước.

Công tác quản lý và thực hiện dự án Thủy điện Sơn La được thực hiện theo các cơ chế đặc thù của Chính phủ. Quy định cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho dự án Thủy điện Sơn La nhằm đảm bảo triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Cơ chế đặc thù quy định tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán là liên danh gồm Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 chủ trì phối hợp với Viện Thiết kế thủy công Matxcơva (Liên Bang Nga) - Cơ quan đã giúp Việt Nam thiết kế công trình Thủy điện Hòa Bình. Thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình được giao cho Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (trước đây) phê duyệt. Tổng thầu thi công là Tổng công ty Sông Đà, đơn vị từng là tổng thầu thi công Thủy điện Hòa Bình, Ialy và nhiều công trình thủy điện khác của đất nước, phối hợp với một số nhà thầu lớn khác trong nước như: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Xây dựng hạ tầng (LICOGI), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama)... Giá trị hợp đồng tổng thầu thi công được xác định trên cơ sở giá trị xây lắp của tổng dự toán được duyệt tiết giảm 5%.

Đối với dự án tái định canh, định cư cũng như dự án các công trình giao thông tránh ngập, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể, còn quy hoạch chi tiết cũng như thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật - thi công, Thủ tướng giao bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt.

Cơ chế đặc thù đã tạo điều kiện cho các bên tham gia dự án tiến hành công việc được nhanh hơn, thuận lợi hơn để có thể khởi công công trình chính vào cuối năm 2005 như Nghị quyết của Quốc hội.

Công trình Thủy điện Sơn La có các điều kiện kỹ thuật phức tạp: đập cao, đập tràn có 2 tầng xả (xả mặt và xả sâu), nhà máy thủy điện kiểu hở tại chân đập có công suất lớn và đặc biệt công trình nằm trong vùng cách  trung tâm địa chấn Nà Sản không xa. Khối lượng thi công công trình là rất lớn. Đào đất đá các loại gần 13 triệu m3, đắp đất đá các loại trên 2 triệu m3, bê tông thường và bê tông đầm lăn gần 5 triệu m3, thiết bị công nghệ và kết cấu kim loại trên 73 nghìn tấn. Riêng khối lựơng bê tông và khối lượng thiết bị và kết cấu kim loại lớn chưa có công trình thủy điện nào trong nước sánh bằng.

Năm 1986, khi bay trực thăng cùng các chuyên gia Việt Nam để thị sát tuyến đập Tạ Bú, ông Malsưsép A. N Viện sĩ thông tấn (về thủy điện) của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, nói rằng, hồ chứa Thủy điện Hòa Bình và hồ chứa Thủy điện Tạ Bú ví như 2 quả bom nguyên tử nổ chậm đặt trên đầu thủ đô Hà Nội nên công trình phải làm thật đảm bảo an toàn.

Vấn đề chất lượng thi công đập Sơn La được chủ đầu tư và Tổng thầu hết sức quan tâm. EVN đã cho đầu tư các bộ máy nghiền đá để làm cốt liệu cho bê tông đầm lăn, đầu tư các bộ dây chuyền đặc biệt hiện đại để đổ bê tông đầm lăn đảm bảo chất lượng và đẩy nhanh tiến độ. Công nghệ đặc biệt này tại thời điểm đó mới có Thủy điện Sơn La áp dụng.

Trong quá trình thi công xây dựng công trình, Ban chỉ đạo Nhà nước về dự án Thủy điện Sơn La do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải làm trưởng ban thường xuyên theo dõi, giám sát, chỉ đạo giải quyết các vấn đề tại công trường, nên chất lượng và tiến độ thi công được đảm bảo.

Công trình Thủy điện Sơn La đã đạt được những đỉnh cao so với các dự án thủy điện trong nước và khu vực: chiều cao đập bê tông đầm lăn lớn nhất (138,1 m), công suất lắp máy lớn nhất (2.400 MW), công suất tổ máy lớn nhất (400 MW), cầu trục gian máy lớn nhất (gần 1000 T, do trong nước chế tạo), số lượng di dân khỏi lòng hồ lớn nhất (hơn 20 nghìn hộ), cường độ đổ bê tông cao nhất (240 nghìn m3/tháng) và thời gian vượt tiến độ xây dựng lớn nhất (3 năm). Đây là công trình do Tổng công ty Điện lực Việt Nam chủ trì thiết kế, giám sát thi công phần đập tràn và nhà máy, nghịêm thu và thực hiện vận hành nhà máy. EVN thật sự có quyền tự hào về những điều đó.

Qua thời gian hơn 5 năm xây dựng, ngày 7/1/2011, tổ máy số 1 công trình Thủy điện Sơn La đã phát lên lưới điện quốc gia dòng điện đầu tiên, báo hiệu một thời khắc lịch sử nữa trong tiến trình chinh phục sông Đà để phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của đất nước. Công trình hoàn thành vào tháng 12/2012.

Ngược dòng sông Đà từ công trình  Sơn La lên công trình Lai Châu - bậc thang thủy điện trên cùng của bậc thang 3 bậc, chúng ta chứng kiến một công trình thủy điện lớn nữa của đất nước ở tận cùng miền Tây Bắc tổ quốc.

Công trình Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia, ngày 26/11/2009, Quốc hội có Nghị quyết số 40/2009/QH12, thông qua chủ trương đầu tư dự án. Tiếp theo, ngày 7/6/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 819/QĐ-TTg, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình này. Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao cho EVN làm chủ đầu tư xây dựng công trình và các đường giao thông tránh ngập, lập quy hoạch tổng thể bồi thường, di dân, tái định cư; giao cho UBND tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư dự án bồi thường, di dân, tái định cư; giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình.

Công trình Thủy điện Lai Châu được xây dựng trên dòng chính sông Đà, tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Mục tiêu của dự án là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần cùng các nhà máy thủy điện trên sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho Đồng bằng bắc Bộ và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên và cả vùng Tây Bắc.

Quy mô công trình được phê duyệt là:

1/ Mức nước dâng bình thường 295 m.

2/ Mức nước chết 265 m.

3/ Dung tích toàn bộ 1,215 tỷ m3.

4/ Dung tích hữu ích 799,7 triệu m3.

5/ Dung tích phòng lũ 0.

6. Công suất lắp máy 1.200 MW.

7/ Số tổ máy 3.

8/ Điện lượng trung bình nhiều năm 4,692 tỉ kWh.

9/ Làm tăng cho các nhà máy thủy điện bậc dưới 105,6 triệu kWh.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, xét đề nghị của chủ đầu tư EVN và các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng cơ chế đặc thù cho công trình Thủy điện Lai Châu như Thủy điện Sơn La, huy động toàn bộ cơ sở vật chất và thiết bị thi công đã làm ở Sơn La lên công trường Lai Châu. Đứng đầu tổ hợp nhà thầu thi công là Tổng công ty Sông Đà, các thành viên tổ hợp là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam…

Quy mô công trình Thủy điện Lai Châu khá lớn: đập dâng nước bằng bê tông đầm lăn cao 137 m, công trình xả lũ gồm xả mặt và xả sâu, nhà máy kiểu hở đặt tại chân đập bờ trái, gồm 3 tổ máy, tổng công suất 1.200 MW.

Khối lượng công tác chính gồm: đào đất đá 14,7 triệu m3, đắp đất đá gần 2 triệu m3, bê tông các loại 3,6 triệu m3, thiết bị 31,7 triệu tấn, di dân trên 2.000 hộ với 8.400 nhân khẩu.

Công trình được khởi công xây dựng ngày 5/1/2011. Sau 5 năm xây dựng, ngày 14/12/2015, tổ máy đầu tiên đã phát điện lên lưới và tổ máy cuối cùng đã hòa lưới điện quốc gia vào cuối tháng 11/2016, khánh thành ngày 20/12/2016.

Trên các phụ lưu của sông Đà, chúng ta đã xây dựng một số nhà máy thủy điện lớn như Bản Chát (220 MW), Huội Quảng (520 MW), Nậm Chiến 1 (200 MW), Nậm Chiến 2 v.v… và đang xây dựng một số công trình thủy điện khác trên nhánh Nậm Na nhằm khai thác triệt để nguồn năng lượng to lớn bậc nhất của đất nước.

Đón đọc kỳ tới: Nguồn năng lượng trên sông Đồng Nai

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động