Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 5)
08:28 | 05/01/2018
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 4)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 3)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 2)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 1)
Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)
KỲ 5: NGUỒN NĂNG LƯỢNG SÔNG ĐỒNG NAI
Năm 1982-1983, Viện Quy hoạch và Kinh tế điện (Bộ Điện lực) lập Thuyết minh tổng quan sông Đồng Nai (giai đoạn 1), kiến nghị công trình xây dựng đợt 1 là công trình Thủy điện Trị An. Từ năm 1984-1986, Viện lập tiếp Thuyết minh tổng quan sông Đồng Nai (giai đoạn 2) và kiến nghị xây dựng các công trình tiếp sau thuỷ điện Trị An như: Thủy điện Thác Mơ, Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, Thủy điện Đại Ninh, vv… Tại thời điểm đó, việc chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai (Lâm Đồng) về lưu vực sông Lũy (Thuận Hải) là một vấn đề hết sức phức tạp, cần được đánh giá tổng hợp hiệu ích về điện, cung cấp nước, về môi trường...
Viện Quy hoạch và Kinh tế điện đã đưa ra 3 phương án quy mô để xem xét:
1/ Chuyển nước với quy mô nhỏ bằng công trình Đa Queyon.
2/ Chuyển nước với quy mô trung bình bằng công trình Đại Ninh.
3/ Chuyển nước với quy mô lớn bằng công trình Bon Ron - Đa Dung.
Qua so sánh kinh tế - kỹ thuật và tổng hợp các hiệu ích khác nhận thấy rằng, quy mô chuyển nước Đa Queyon quá nhỏ so với yêu cầu cấp nước của Thuận Hải, trong khi đó quy mô chuyển nước Bon Ron - Đa Dung lại quá lớn, làm cho bậc thang sông Đồng Nai bị giảm đi rất lớn về năng lực, một số công trình thủy điện sau nó không thể tồn tại, một đoạn sông trở thành "dòng sông chết".
Từ đó, chọn quy mô chuyển nước trung bình bằng công trình Thủy điện Đại Ninh hợp lý hơn.
Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án Thủy điện Đại Ninh do Công ty Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) lập theo nhiệm vụ Tổng công ty Điện lực Việt Nam giao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 8/5/1996).
Thiết kế cơ sở do Tổ hợp tư vấn Sogreah (Pháp) - Lavalin (Canada) và PECC 2 lập đã được Bộ Công nghiệp thông qua tháng 11/1997.
Thẩm tra thiết kế và giám sát thi công do Tổ hợp tư vấn Nhật Bản là Nippon Koe - EPDC thực hiện.
Phương thức thi công đối với công trình chính là đấu thầu quốc tế, trúng thầu là tổ hợp nhà thầu Nhật Bản Kumagai - Gumi. Chủ đầu tư - Tổng công ty Điện lực Việt Nam giao Ban quản lý dự án Thủy điện 6 quản lý.
Mấy năm trước, Ban quản lý dự án Thủy điện 6 đã làm nhiệm vụ quản lý dự án Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, cách Thủy điện Đại Ninh chừng 100 km. Nay, nhiệm vụ trên giao, Ban quản lý dự án Thủy điện 6 do kỹ sư Nguyễn Bá Mẫn làm Trưởng ban phải lục đục chuyển về công trường mới.
Thực ra, những người theo ông Mẫn đi làm thủy điện cũng đã quen với việc di chuyển như thế này. Từ Thủy điện Trị An chuyển lên Thủy điện Thác Mơ (Phước Long) được mấy năm lại chuyển tiếp đi Thủy điện Hàm Thuận -Đa Mi (Hàm Thuận), nay lại ngược lên Thủy điện Đại Ninh (Lâm Đồng).
Ông Mẫn thường hay nói đùa, khi làm Thủy điện Trị An phải học tiếng Nga vì có chuyên gia Liên Xô, khi làm Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi phải học tiếng Anh vì nhà thầu thi công là người Nhật, nay về Đại Ninh phải học tiếng Nghệ Tĩnh vì ở đây "mô tê, răng rứa" nhiều lắm.
Dự án Thủy điện Đại Ninh có nhiệm vụ chính là phát điện cung cấp cho hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, hàng năm dự án bổ sung khoảng 770 triệu m3 nước từ lưu vực sông Đồng Nai để phục vụ sản xuất nông nghiệp, giữ cho hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận - nơi có lượng mưa trung bình thấp nhất cả nước tránh được nguy cơ sa mạc hóa. Nước sau Nhà máy Thủy điện Đại Ninh được sử dụng cho Nhà máy Thủy điện Bắc Bình (33 MW).
Dự án Thủy điện Đại Ninh có 2 hồ chứa Đa Nhim và Đa Queyon. Hai hồ chứa này được hình thành bởi 2 đập chính Đa Nhim và Đa Queyon, 4 đập phụ, một đập tràn vận hành, một đập tràn sự cố và kênh nối thông 2 hồ.
Mức nước dâng bình thường hồ Đa Nhim 880 mét, mức nước chết 860 mét, dung tích hồ chứa 93 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích 66,5 triệu m3.
Mức nước dâng bình thường hồ Đa Queyon 880 mét, mức nước chết 860 mét, dung tích hồ 226,5 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích 185 triệu m3.
Đập Đa Nhim cao 56 mét là đập đất đồng chất, có lõi giữa chống thấm. Đập Đa Queyon cao 58 mét cũng là đập đất đồng chất, với lõi giữa chống thấm.
Các đập phụ là đập đất, cao nhất 34 mét. Đập tràn vận hành bằng bê tông được bố trí bên bờ trái đập chính Đa Nhim. Kênh thông hồ có chiều dài 2.550 mét. Cửa lấy nước vào đường hầm đặt ở phía bờ trái hồ Đa Queyon. Đường hầm dẫn nước có áp dài 11,2 km, đường kính 4,5 mét, vỏ bọc bằng bê tông. Phía cuối đường hầm có giếng điều áp, đường kính 10 mét, sâu 130 mét. Đường ống áp lực bằng thép dài 1.818 mét, đường kính 3,2 mét.
Nói về đường hầm áp lực dẫn nước Nhà máy Thủy điện Đại Ninh, tại thời điểm đó là đường hầm thủy điện dài nhất Việt Nam, xuyên qua lòng núi có địa chất phức tạp, địa hình hiểm trở. Để thi công tuyến hầm, giếng điều áp, đường ống áp lực và nhà máy, chủ đầu tư đã phải làm một tuyến đường quanh co, cắt qua địa hình dốc, nối từ quốc lộ 20, khu vực huyện Đức Trọng xuống quốc lộ 1A, khu vực huyện Lương Sơn (Hàm Thuận) dài gần 70 km. Ngày nay con đường này được giao cho địa phương quản lý và trở thành con đường ngắn nhất nối cao nguyên Lâm Đồng với duyên hải Nam Trung bộ.
Công tác thi công đường hầm dẫn nước là khó khăn nhất. Và đây cũng chính là đường găng tiến độ. Trong số 11,2 km chiều dài đường hầm thì 4 km đào bằng phương pháp khoan nổ thông thường. Còn lại 7,2 km sử dụng máy đào hầm chuyên dùng TBM. Máy đào hầm TBM (tiếng Anh là Tunnel Boring Machime), là tổ hợp các thiết bị tự động thực hiện liên hoàn các khâu công việc từ đào (khoét), vận chuyển vật liệu thải ra ngoài, đến lắp đặt các tấm bê tông đúc sẵn làm vỏ hầm và phụt đá dăm nhỏ chèn vỏ hầm. Toàn bộ các công việc trên thực hiện trong một thời gian rất nhanh, với tốc độ trên 500 mét/ tháng, không phải xử lý gia cố hầm, không bị đào lẹm.
Công trình Thủy điện Đại Ninh là công trình đầu tiên ở nước ta áp dụng công nghệ này. Ông Lê Văn Thảo - Phó trưởng ban Ban quản lý dự án Thủy điện 6 (sau này là Trưởng ban) đã mất 524 ngày đêm bám sát theo dõi từng công việc, chỉ đạo điều hành nhà thầu thực hiện để đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Công trình Thủy điện Đại Ninh khởi công xây dựng ngày 10/3/2003. Sau gần 5 năm xây dựng, tổ máy số 1 đã hòa điện lưới ngày 17/01/2008, tổ máy 2 ngày 31/3/2008, kết thúc xây dựng công trình thủy điện thứ 3 trên dòng chính sông Đồng Nai.
Đón đọc kỳ tới: Nguồn năng lượng trên dòng sông Ba Hạ
KSCC. NGUYỄN ĐỨC ĐẠT - HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM