RSS Feed for Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 7) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 00:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 7)

 - Tôi nhớ mãi câu hỏi và câu nói của nhà thơ Tố Hữu, lúc đó đầu năm 1985, là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), khi nghe chúng tôi báo cáo về công trình Thủy điện Vĩnh Sơn (Bình Định) tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng: "Còn công trình Thủy điện Rào Quán thì thế nào? Tôi mê cái Rào Quán lắm đó!". Về sau, lời nói đó như nhắc chúng tôi phải làm gì để đưa công trình Rào Quán trở thành hiện thực.

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 6)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 5)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 4)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 3)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 2)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 1)
Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

KỲ 7: THỦY ĐIỆN QUẢNG TRỊ

Những năm 1985 - 1986, Viện Năng lượng và Điện khí hóa được Bộ Điện lực giao nhiệm vụ lập dự án đầu tư công trình Thủy điện Rào Quán (tỉnh Bình Trị Thiên). Trong những năm đó, miền Trung thiếu điện trầm trọng. Một số dự án nguồn điện ở khu vực đang nổi lên trong danh sách các dự án được xem xét như: Thủy điện Sông Côn 60 MW (Đà Nẵng), Thủy điện Vĩnh Sơn 66 MW (Nghĩa Bình), Thủy điện Sông Hinh 68 MW (Phú Khánh). Các dự án này đều được đưa vào danh sách lập dự án đầu tư. Dự án đầu tư Thủy điện Rào Quán, sau này khi Bình Trị Thiên chia tách thành 3 tỉnh, được đổi tên thành Thủy điện Quảng Trị.

Công trình Thủy điện Quảng Trị nằm trên sông Rào Quán - một nhánh ở thượng nguồn của sông Thạch Hãn. Theo tiếng địa phương, rào có nghĩa là sông. Rào Quán bắt nguồn từ đỉnh Sá Mùi, ở độ cao 1.613 mét, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Sông Rào Quán chảy qua xã Hướng Tân rồi đổ vào sông Thạch Hãn, ở khu vực huyện Đa Krông, cách cửa biển 82 km.

Sông Rào Quán dài 39 km, diện tích lưu vực 257 km2, độ dốc lòng sông khá lớn, trung bình đạt tới 40%. Đặc biệt, đoạn từ sân bay Tà Cơn (thị trấn Khe Sanh) xuôi về hạ lưu, trong một đoạn chiều dài sông không quá 10 km, có nhiều thác ghềnh, tạo ra độ cao chênh lệch 350-400 mét. Cùng với lượng mưa bình quân trên lưu vực vào khoảng 2.500 mm/năm, đây là đoạn sông tạo ra nguồn năng lượng tập trung lớn nhất của sông Rào Quán nói riêng và sông Thạch Hãn nói chung. Sông Thạch Hãn có diện tích lưu vực 2.800 km2, chiều dài 162 km, đổ ra biển tại Cửa Việt. Sông Thạch Hãn có trữ năng lý thuyết vào khoảng 1,8 tỷ kWh/năm.  

Những ngày đầu đi khảo sát để lập dự án đầu tư công trình Thủy điện Quảng Trị, chúng tôi phải tìm đến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, tìm hiểu về tình hình bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở khu vực Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Khi đi thực địa hiện trường, chúng tôi mời cán bộ, chiến sỹ trong Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và địa phương cùng đi, giúp chúng tôi hiểu thêm về tình hình chiến sự trên địa bàn trong những năm trước đây, đồng thời chỉ cho chúng tôi đường đi lối lại được an toàn.

Dự án đầu tư công trình Thủy điện Rào Quán do Viện Năng lượng và Điện khí hóa lập và hoàn thành tháng 7/1986. Trên cơ sở này, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị (văn bản số: 557/QĐ-TTg ngày 11/7/2002 bằng nguồn vốn của EVN - chủ đầu tư phần công trình thủy điện) và vốn ngân sách (cho công tác đền bù, di dân, tái định cư do tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư).

Dự án được thực hiện theo cơ chế "797 + 400" của Thủ tướng Chính phủ, cho phép chỉ định thầu xây lắp, vừa thiết kế vừa thi công. Một số hạng mục thuộc công trình dẫn dòng, đường thi công hố móng đập được thiết kế trước phục vụ khởi công sớm công trình.

Thiết kế kỹ thuật do Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 lập (được Bộ Công nghiệp phê duyệt tại Quyết định số: 1117/QĐ-NLDK, ngày 21/5/2004). Các nhà thầu có kinh nghiệm trong nước được chỉ định thi công xây lắp là Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4, Tổng công ty Vinaincon, Tổng công ty Cơ điện và Nông nghiệp, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Việt Nam giao Ban quản lý dự án Thủy điện 2 quản lý dự án.

Mục tiêu của dự án thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị là điều tiết lưu lượng dòng chảy sông Rào Quán để bổ sung nước tưới cho 12.281 ha lúa và 1.600 ha màu; cấp nước sinh hoạt; giảm lũ cho hạ du; cung cấp điện lên lưới điện quốc gia phục vụ kinh tế - xã hội.

Thông số chính của công trình: Mức nước dâng bình thường 480 mét, mức nước chết 450 mét, mức nước trước lũ 476,21 mét, dung tích toàn bộ hồ chứa 163 triệu m3, dung tích hữu ích 141 triệu m3, dung tích phòng lũ 30 triệu m3, công suất lắp máy 64 MW, 2 tổ máy, điện lượng trung bình năm 217 triệu kWh.

Tuyến đập thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị nằm ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, phía thượng lưu sân bay Tà Cơn khoảng 1 km. Đập chính dâng nước là loại đập đá đổ, bản mặt chống thấm bằng bê tông, đập cao 75 mét. Công trình xả lũ vận hành được bố trí ở bờ phải, có cửa van cung.

Tuyến năng lượng gồm cửa lấy nước, đường hầm, tháp điều áp, đường ống áp lực và nhà máy đặt phía bờ phải. Đường hầm có áp đào trong lòng đất, xuyên qua dưới sân bay Tà Cơn, có chiều daì 5.616 mét, đường kính 3 mét. Đường ống áp lực bằng thép dài 670 mét, đường kính 2,4 mét. Các thiết bị cơ khí thủy công như: cửa van đập tràn, cửa van cửa lấy nước, đường ống áp lực… đều do các đơn vị trong nước gia công, chế tạo.

Các thiết bị cơ điện là tập hợp các thiết bị của nhiều nước Âu, Mỹ, do nhà thầu Trung Quốc lựa chọn và tổ hợp, trong đó tua bin, máy phát của hãng GE (Mỹ). Cảng Cửa Việt được dùng để bốc dỡ các thiết bị nhập khẩu lên xe ô tô siêu trường siêu trọng theo đường quốc lộ 9 chuyển về công trường.

Công tác thi công công trình thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị gặp nhiều khó khăn ở hạng mục đắp đập và đào hầm. Do địa hình lòng sông hẹp nên sơ đồ vận chuyển vật liệu đắp đập hết sức phức tạp. Đường xuống thi công hố móng đập có độ dốc đến giới hạn cho phép. Kỹ thuật thi công kết cấu bản mặt bằng bê tông để chống thấm chúng ta chưa có kinh nghiệm, vì đây là đập thứ 2 Việt Nam áp dụng loại kết cấu này cho đập lớn, sau đập thủy điện Tuyên Quang. Tổng công ty Thủy lợi 4 thi công hạng mục này vừa làm vừa lên đập Tuyên Quang để nghiên cứu, học hỏi.

Việc đào đường hầm trong vùng trước đây chiến sự ác liệt là điều nguy hiểm và nhiều rủi ro. Đồn Tà Cơn, thị trấn Khe Sanh, căn cứ Gio Linh năm nào là những cứ điểm quan trọng của Mỹ trên đất Quảng Trị. Chủ đầu tư đã hợp đồng với Công ty Lũng Lô của Bộ Tư lệnh công binh thực hiện công tác rà phá bom mìn, thu gom, xử lý vật liệu nổ thu được tại hiện trường để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thi công và vận hành sau này. Toàn bộ diện tích mặt bằng thi công đã được rà phá, xử lý trước khi bàn giao cho đơn vị thi công.

Công ty sông Đà 10 thuộc Tổng công ty xây dựng sông Đà được giao thi công hạng mục đường hầm và tháp điều áp. Đây là đơn vị tinh nhuệ, thi công đường hầm Thủy điện Ialy, nên về đây, tiến độ và chất lượng thi công đều đảm bảo.

Công trình được khởi công ngày 29/8/2003, hòa lưới điện quốc gia của tổ máy 1 ngày 12/9/2007 và tổ máy 2 ngày 30/11/2007.

Đón đọc kỳ tới: Thủy điện Bản Vẽ

KSCC. NGUYỄN ĐỨC ĐẠT - HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động