Một tỷ kWh/ngày - Ngưỡng ‘tâm lý’ về tiêu thụ điện của Việt Nam
07:07 | 03/06/2024
Cơ chế phát triển điện khí ở Việt Nam - Phân tích từ kiến nghị của JCCI (Nhật Bản) Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) vừa gửi văn bản tới Bộ Công Thương về khuyến nghị đối với dự thảo Nghị định quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước và LNG nhập khẩu. Sau khi nghiên cứu nội dung đề xuất của JCCI, cũng như các tài liệu liên quan, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam nêu một số quan điểm độc lập dưới đây. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc. |
Sa thải công suất điện gió, mặt trời ở California (5/5/2024) và vấn đề Việt Nam cần quan tâm Sa thải công suất năng lượng tái tạo là việc phải làm trong điều phối hệ thống điện có tỷ lệ năng lượng tái tạo lớn, vì điện là sản phẩm có chi phí lưu trữ để dùng còn đắt đỏ. Lưu trữ chỉ giúp được một phần điện năng trong thời gian ngắn. Một hệ thống điện tiên tiến như của California cũng phải sa thải công suất hàng ngày. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích báo cáo sa thải công suất ở California ngày 5/5/2024 và tình hình ở Việt Nam để bạn đọc cùng tham khảo. |
Quy hoạch điện VIII - Một số chính sách cần bổ sung, ban hành ngay cho 16 hạng mục cơ bản Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023. Đã 1 năm trôi qua, nhưng hiện tại công việc triển khai thực hiện các dự án vẫn còn nhiều vướng mắc. Để gợi ý giải pháp tháo gỡ bế tắc này, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã nghiên cứu, xem xét 16 hạng mục cơ bản trong Quy hoạch và bước đầu đề xuất ‘bổ sung ngay’, ‘ban hành ngay’ một số văn bản quy phạm pháp luật để ‘triển khai ngay’ các dự án. |
Ngày 28 tháng 5 là một ngày nắng nóng trên toàn quốc với nhiệt độ cả ba miền đều cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm, và là ngày thứ 4 trong tuần làm việc bình thường. Tuy nhiên, các thông tin của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và báo chí đồng loạt đưa tin về một “kỷ lục tiêu thụ điện cho 1 tỷ kWh trong một ngày” thành tiêu đề được các hộ tiêu thụ điện và cơ quan quản lý khác quan tâm. Do đó, chúng ta cần có một cái nhìn chi tiết hơn, phân tích cụ thể hơn để có thể có một nhận định khách quan hơn, thay vì thông tin “giật đổ mọi kỷ lục”.
Trước hết, sự sai lệch giữa các thông tin khác nhau là đáng quan ngại, do không có sự giải thích rõ ràng các thức tính toán giữa cách gọi là “sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc là 1,0019 tỷ kWh” (theo EVN), trong khi Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đưa ra con số “sản lượng điện tiêu thụ là 996.3 triệu kWh”.
Thực ra tổng sản lượng huy động nguồn điện trong ngày chỉ có 990 triệu kWh (xem bảng dưới đây) cho cùng một ngày (28/5/2024). Điều đáng nói ở đây là cơ quan điều độ hệ thống điện đã ghi nhận một mức độ tiêu thụ điện lớn chưa từng thấy trong một ngày. Rất có thể A0 chưa tổng hợp được điện sản xuất từ các hộ có điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Vì vậy, sản lượng điện toàn quốc lên tới trên 1 tỷ kWh là hoàn toàn có thể.
Vậy, có thể gọi đây là “kỷ lục” không? Thực chất đây là một ngưỡng tâm lý và 1 tỷ kWh/ngày là một ngưỡng rất cao về tiêu thụ điện. Hệ thống điện Việt Nam đã đạt được các ngưỡng tiêu thụ điện khoảng 80 triệu kWh/ngày cho ngày 28/5 năm 2000, hiện tại là ngưỡng 1 tỷ kWh/ngày, và sẽ đạt ngưỡng 1,5 tỷ kWh/ngày, 2 tỷ kWh/ngày trong tương lai không xa.
Việc tăng trưởng tiêu thụ điện nhanh cho chúng ta thấy 2 vấn đề đối ngược nhau:
(i) Tiêu thụ điện tăng trưởng nhanh phát đi một tín hiệu vui là sự hồi phục, gia tăng các hoạt động sản xuất, cũng như tăng nhu cầu tiêu thụ điện của người dân với mức sống ngày càng tăng.
(ii) Tuy nhiên, nó cũng đưa ra một tín hiệu đáng quan ngại, cần được xem xét kỹ lưỡng - đó là chúng ta có sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng chưa? Bên cung cấp điện đã thu hồi đủ chi phí sản xuất để khuyến khích tiếp tục đầu tư vào hệ thống điện nhằm cung cấp đầy đủ cho nhu cầu điện trong tương lai chưa?
Đi sâu vào phân tích biểu đồ phụ tải ngày do A0 cung cấp (xem hình dưới thể hiện phụ tải theo từng thời điểm trong ngày và theo từng hệ thống Bắc, Trung, Nam) chúng ta có thể nhận thấy hình dáng của biểu đồ phụ tải khác rất nhiều so với biểu đồ của ngày tương tự năm 2000. Sơ bộ đánh giá nhận xét như sau:
- Sự chuyển dịch tỷ trọng giữa các ngành tiêu thụ điện với sự tăng trưởng nhanh tỷ trọng của điện tiêu thụ trong dân dụng.
- Biểu đồ đầy hơn trước, giảm sự chênh lệch giữa thấp điểm ban đêm và cao điểm. Xuất hiện 3 đỉnh công suất thay vì 2 đỉnh như trước.
- Nhu cầu phụ tải miền Bắc đã vượt qua phụ tải miền Nam.
Với một hệ thống điện tích hợp năng lượng tái tạo không ổn định ở mức độ cao, thấp điểm phụ tải (khi nhu cầu xuống thấp) và việc xuất hiện nhiều đỉnh nhu cầu nhấp nhô cũng là vấn đề đáng quan tâm. Thấp điểm đã chuyển dịch từ khoảng 3-4 h sáng trước đây, sang lúc 6-7h sáng.
Từ những nhận định sơ bộ trên, có thể thấy việc phân chia giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm có thể không phù hợp (cả về mặt kỹ thuật hệ thống và về mặt kinh tế quản lý hệ thống điện).
Phụ tải ngày 28/5/2024 (MW). Nguồn: A0. |
Phụ tải ngày 28/5/2020 (MW). Nguồn: A0. |
Hình trên và các bảng dưới đây (thông tin của A0) cho chúng ta một số nhận xét sơ bộ để từ đó cần có các định hướng, đánh giá chi tiết sâu hơn, giúp có một cách nhìn nhận phù hợp cho tương lai.
Thứ nhất: Sản lượng điện tiêu thụ tiếp tục tăng so với các năm trước và được đảm bảo cung cấp hơn 50% bởi các nguồn nhiệt điện than, thủy điện. Hai nguồn cung này đảm bảo gần 85% sản lượng điện tiêu thụ trong ngày 28/5. Đây là 2 nguồn cung cấp rẻ và ổn định. Tuy nhiên, không còn nhiều dư địa để phát triển nguồn điện này do các ràng buộc về tiềm năng, chính trị và quốc tế.
Thứ hai: Điện gió, điện mặt trời tuy có công suất đặt không nhỏ, nhưng chỉ có thể cung cấp một sản lượng điện rất hạn chế. Và đặc biệt là không thể huy động được khi cần vào cao điểm tối.
Thứ ba: Vai trò điều tiết nguồn cung khi các nguồn từ năng lượng tái tạo không thể phát được, khi phụ tải cao ở cao điểm tối, được các nhà máy thủy điện thay thế là cực kỳ quan trọng và hiệu quả (giảm phát còn 8.000 MW vào cao điểm trưa khi có nguồn năng lượng tái tạo, tăng lên hơn 15.000 MW vào cao điểm tối khi các nguồn năng lượng tái tạo không còn, hoặc giảm).
Biểu đồ nguồn điện. Nguồn: A0. |
Công suất huy động ngày 28/5/2024:
Mục | Khi phụ tải vào thấp điểm trưa | Khi phụ tải vào cao điểm tối |
---|---|---|
Quốc gia | 42376,6 | 44770,3 |
Thủy điện | 8045,8 | 15263,6 |
Nhiệt điện than | 20969,6 | 22969,0 |
Tuabin khí (Gas + Dầu DO) | 2788,0 | 4060,0 |
Nhiệt điện dầu | 0 | 0 |
Điện gió | 1569,6 | 1261,6 |
ĐMT trang trại | 5328,1 | 0 |
ĐMT mái nhà | 3133,8 | 0 |
Nhập khẩu điện | 413,0 | 1087,5 |
Khác (Sinh khối, Diesel …) | 128,7 | 128,6 |
Thông số vận hành ngày 28/5/2024:
- Công suất lớn nhất trong ngày: 45.450,8 MW (lúc 14:00).
- Sản lượng tiêu thụ trong ngày: 996,3 triệu kWh.
Cơ cấu sản lượng huy động nguồn điện trong ngày:
- Thủy điện | 228.2 | triệu kWh |
- Nhiệt điện than | 549.8 | triệu kWh |
- Tuabin khí (Gas + Dầu DO) | 90.4 | triệu kWh |
- Nhiệt điện dầu | 0 | triệu kWh |
- Điện gió | 36.5 | triệu kWh |
- Điện mặt trời | 62.4 | triệu kWh |
- Nhập khẩu điện | 19.7 | triệu kWh |
- Khác (Sinh khối, Diesel, …) | 3 | triệu kWh |
Nguồn: A0.
Theo thông báo của EVN: Mặc dù khu vực miền Bắc trong những ngày gần đây thời tiết khá nắng nóng, oi bức, nhưng vẫn chưa phải đợt nóng đỉnh điểm. Tiêu thụ điện miền Bắc những ngày qua cũng đã tăng cao cả về công suất và sản lượng, nhưng đều chưa vượt qua công suất đỉnh cũ. Do vậy, tiêu thụ điện ở miền Bắc vẫn còn có thể tiếp tục tăng lên, gia tăng áp lực về cung cấp điện trong những đợt nóng cao điểm có thể diễn ra thời gian tới.
Để chung tay góp phần đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè nắng nóng năm 2024 đã, đang có xu thế bất lợi về thời tiết, EVN cũng đã đưa ra các thông báo mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ và hành động tích cực phối hợp của người dân, các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h00 đến 15h00) và tối (từ 19h00 đến 23h00). Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, chỉ bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26-27 độ trở lên; chú ý không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm. Việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm cũng giảm thiểu nguy cơ sự cố về điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.
Tuy vậy, các giải pháp này cũng chỉ là tạm thời trước mắt. Còn trong ngắn và trung hạn, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có bài phân tích “Năm nhóm giải pháp giải cứu ngành điện Việt Nam trong năm 2024”.
Về dài hạn, cần thận trọng và có những nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng hơn, dựa trên các thông tin số liệu cập nhật kịp thời để việc điều hành cung cấp điện đảm bảo các tiêu chí: An ninh - kinh tế - bền vững./.
NGUYỄN ANH TUẤN B - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM