RSS Feed for Quy hoạch điện VIII -  Một số chính sách cần bổ sung, ban hành ngay cho 16 hạng mục cơ bản | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 16/12/2024 12:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quy hoạch điện VIII - Một số chính sách cần bổ sung, ban hành ngay cho 16 hạng mục cơ bản

 - Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023. Đã 1 năm trôi qua, nhưng hiện tại công việc triển khai thực hiện các dự án vẫn còn nhiều vướng mắc. Để gợi ý giải pháp tháo gỡ bế tắc này, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã nghiên cứu, xem xét 16 hạng mục cơ bản trong Quy hoạch và bước đầu đề xuất ‘bổ sung ngay’, ‘ban hành ngay’ một số văn bản quy phạm pháp luật để ‘triển khai ngay’ các dự án.
Mua bán điện trực tiếp - Kinh nghiệm quốc tế, đề xuất cho trường hợp Việt Nam Mua bán điện trực tiếp - Kinh nghiệm quốc tế, đề xuất cho trường hợp Việt Nam

Theo ước tính của IEA: Lượng điện năng tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu toàn thế giới đạt khoảng 240-340 tỷ kWh (lớn hơn điện năng tiêu thụ của cả nước Việt Nam). Phần lớn các trung tâm tuyên bố sử dụng 100% điện từ năng lượng tái tạo thông qua các hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Họ làm như thế nào? Tổng hợp, phân tích và đề xuất của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Đàm phán giá mua bán điện LNG - Phân tích từ báo cáo của EVN gửi Chính phủ Đàm phán giá mua bán điện LNG - Phân tích từ báo cáo của EVN gửi Chính phủ

Do khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với chủ đầu tư các dự án điện khí LNG về lượng bao tiêu điện năng (Qc), trong khi Bộ Công Thương chưa ban hành khung giá phát điện đối với nhà máy điện LNG, mới đây EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để giải quyết dứt điểm các vướng mắc này. Sau khi nghiên cứu nội dung báo cáo và các tài liệu liên quan, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một vài phân tích, nhận định ban đầu dưới đây.

Theo luật định, sau 10 năm, khi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 kết thúc, ngành điện lại căn cứ theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) để tiến hành xây dựng nguồn và lưới điện nhằm phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và một số nguyên nhân chủ quan khác, cũng như thay đổi chủ trương, mục tiêu, nên đến ngày 15/5/2023 Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt.

Không giống như trước đây, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch “mở” - khi danh mục các dự án nguồn, lưới điện không được liệt kê cụ thể thứ tự thời gian xây dựng và đưa vào vận hành. Sau khi được phê duyệt, Bộ Công Thương đã tiến hành lập Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024, sau hơn 315 ngày (kể từ ngày Quy hoạch được phê duyệt). Như vậy, thời gian thực hiện Quy hoạch điện VIII chỉ còn 6,5 năm, so với thời gian 10 năm của giai đoạn này.

Xem xét 16 hạng mục cơ bản trong Quy hoạch điện VIII:

1. Các đề án/dự án xây dựng, cũng như hoàn thiện chính sách, pháp luật: Có 7 dự án, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025 và hy vọng sẽ đảm bảo đúng tiến độ.

2. Các đề án/dự án tăng cường năng lực khoa học, công nghệ, xây dựng trung tâm nghiên cứu cơ bản, trung tâm phát triển thực hiện từ năm 2023-2030. Với thời gian kể trên, hy vọng các dự án sẽ thực hiện đúng tiến độ.

3. Các đề án/dự án đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ 2023-2030. Với thời gian còn 6,5 năm, cần khẩn trương triển khai thực hiện mới hy vọng đạt được kết quả vào năm 2030.

4. Công suất nguồn điện gió ngoài khơi theo vùng: Hiện tại Kế hoạch thực hiện mới chỉ nêu theo vùng với quy mô công suất, chưa chọn chủ đầu tư để triển khai dự án cụ thể. Có thể nhận định, sẽ rất khó đảm bảo đưa các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 6.000 MW vào vận hành năm 2030, bởi từ khi chuẩn bị đầu tư dự án cho đến lúc đưa vào vận hành nguồn điện này không dưới 7-8 năm, trong khi thời gian Quy hoạch chỉ còn lại 6,5 năm.

5. Các dự án điện gió trên bờ (trên đất liền và gần bờ): Những dự án này nếu được cấp phép đầu tư thì khả năng đáp ứng tiến độ là phù hợp.

6. Công suất nguồn thủy điện nhỏ theo địa phương: Kế hoạch liệt kê công suất các công trình thủy điện nhỏ theo từng địa phương, nhưng chưa nêu tên công trình và chủ đầu tư cụ thể. Mặt khác, những quy định mới về chuyển đổi đất rừng rất phức tạp và đòi hỏi thời gian xin phép dài. Do vậy, muốn đạt được tổng công suất từ nguồn thủy điện nhỏ đến năm 2030 cần khẩn trương yêu cầu các địa phương và các chủ đầu tư vào cuộc mới hy vọng đạt được kế hoạch.

7. Công suất nguồn điện sinh khối theo địa phương: Mặc dù từ năm 2023 đến năm 2030 chỉ nêu “cả nước tăng thêm 766 MW”, nhưng khả năng thực hiện đúng kế hoạch tương đối khó khăn do vướng mắc nhiều thủ tục, quy định và giá mua điện sinh khối cũng chưa thực sự hấp dẫn.

8. Công suất nguồn điện sản xuất từ rác theo địa phương: Từ nay đến năm 2030 tăng thêm 1.112 MW công suất, nhưng khả năng thực hiện đúng kế hoạch không cao (như trường hợp của điện sinh khối nêu trên).

9. Công suất nguồn điện mặt trời mái nhà theo địa phương: Hiện nay vướng mắc lớn nhất là theo đề nghị của Bộ Công Thương, nếu đấu nối lên lưới, thì EVN chỉ ghi nhận và không thanh toán (không mua bán), dẫn đến khó thu hút đầu tư từ người dân và các doanh nghiệp, nhà máy, công sở. Mặt khác, việc không cho phép bên thứ ba (ngoài EVN) đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để bán điện cho hộ công nghiệp tại chỗ cũng ngăn trở việc phát triển mô hình này.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu mong muốn có chứng chỉ “điện xanh”, nhưng không có đủ năng lực - kỹ thuật về vận hành điện mặt trời mái nhà, tại sao không để bên thứ ba hợp tác kinh doanh? Nếu có quy định pháp luật phù hợp thì điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có thể phát triển thay cho điện mặt trời mái nhà phát lên lưới. (Hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư mô hình này mong muốn được làm thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh).

10. Các dự án nhiệt điện khí trong nước và điện khí LNG: Vướng mắc lớn nhất trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa chủ đầu tư dự án với EVN là tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn và giá bán điện đối với các dự án điện khí. Vấn đề này cần được tháo gỡ sớm để có thể đưa 22.400 MW điện khí LNG vào vận hành năm 2030.

11. Các dự án nhiệt điện than: Đều gặp khó khăn trong vấn đề thu xếp vốn do các nước lớn đã cắt nguồn tín dụng cho điện than. Nếu không có bước đột phá về vốn, thì khả năng các dự án này đưa vào vận hành năm 2030 là không khả thi.

12. Các dự án nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp và các dự án mở rộng thủy điện vừa và lớn: Hy vọng các dự án này thực hiện đúng tiến độ.

13. Các dự án thủy điện tích năng: Thủy điện Tích năng Bác Ái, công suất 1.200 MW đang thi công và khả năng đưa vào vận hành năm 2029 (chậm tiến độ so với kế hoạch là 1 năm), còn Thủy điện Tích năng Phước Hòa hiện chưa có chủ đầu tư. Khả năng đưa vào vận hành 2.400 MW năm 2030 là không khả thi.

14. Các dự án pin lưu trữ: Hiện nay chưa rõ chủ đầu tư và chưa có giá điện cho lưu trữ. Do vậy, mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 300 MW pin lưu trữ đưa vào hoạt động là một dấu hỏi lớn.

15. Các dự án lưới điện truyền tải: Vướng mắc thủ tục trong việc lựa chọn chủ đầu tư, giá truyền tải… nên dù Luật Điện Lực cho phép các thành phần kinh tế tư nhân được tham gia đầu tư, nhưng không có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai. Đến thời điểm hiện tại chưa có doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia.

Với khối lượng nêu trong Quy hoạch Điện VIII về lưới điện truyền tải là rất lớn, nhưng thời gian không còn nhiều, nên khả năng thực hiện các dự án truyền tải khó có thể đạt được như mục tiêu đề ra.

16. Các dự án đấu nối giải phóng công suất các nguồn điện (kể cả ở cấp điện áp phân phối): Hiện tại chưa rõ địa điểm nguồn điện, chưa rõ chủ đầu tư thực hiện, chưa rõ cơ chế lựa chọn chủ đầu tư triển khai… nên khả năng không đảm bảo đồng bộ trong xây dựng nguồn, lưới điện và trạm biến áp.

Trước áp lực thời gian Quy hoạch và tiến độ dự án:

Thứ nhất: Cấp thẩm quyền cần ban hành ngay các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cơ chế, chính sách quy định về điện khí LNG, điện gió ngoài khơi, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), điện mặt trời mái nhà (kể cả tự sản, tự tiêu), hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án nguồn điện, lưới điện truyền tải và phân phối.

Thứ hai: Với điện gió ngoài khơi, do nhiều quy định pháp luật còn thiếu, kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành cơ chế đặc thù, thí điểm để vừa sớm triển khai, vừa rút kinh nghiệm mở rộng quy mô, trong khi tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba: Nghị định về khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu cần xem xét việc cho bên thứ ba đầu tư hệ thống tấm panel mặt trời bán điện cho doanh nghiệp tại chỗ (kể cả không phát lên lưới, hoặc phát lên lưới không được thanh toán).

Thứ tư: Bổ sung các văn bản, thông tư nhằm giải quyết các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, các dự án còn tồn đọng (đã và đang tiếp tục hoàn thành).

Thứ năm: Cải tiến đơn giản các quy trình đầu tư xây dựng, trong đó phân cấp cho các địa phương, các doanh nghiệp được thẩm định các dự án, giảm thời gian ách tắc thủ tục. Cùng với đó là sửa đổi, hoặc ban hành mới các quy định đồng bộ về môi trường, sử dụng đất rừng, đền bù giải phóng mặt bằng… theo hướng rõ ràng trách nhiệm các cấp và đơn giản hóa thủ tục.

Thứ sáu: Thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng cho phép chủ đầu tư và địa phương được thay đổi quy mô dự án trong quá trình triển khai (trong phạm vi +- 10% công suất so với quyết định trong Quy hoạch) mà không cần trình duyệt lại, nhằm gấp rút dành thời gian cho việc triển khai dự án.

Quy hoạch điện VIII được xây dựng để triển khai thực hiện trong vòng 10 năm (2021-2030) với tổng kinh phí dự kiến là 134,7 tỷ USD (bình quân mỗi năm toàn ngành điện cần huy động khoảng 13,5 tỷ USD). Sau 1 năm (kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII đến nay) cho thấy vẫn còn nhiều rào cản để thực hiện đầy đủ các mục tiêu của Quy hoạch.

Mới đây, Bộ Công Thương trình bổ sung Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII sau nhiều nỗ lực phối hợp với các địa phương rà soát thêm các dự án cụ thể. Là Quy hoạch mở, việc bổ sung Kế hoạch thực hiện nhằm điều chỉnh kịp thời các dự án có vướng mắc là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, với quỹ thời gian còn lại (chỉ còn 6,5 năm) để thực hiện khối lượng công việc của 10 năm, với nguồn vốn cần huy động hàng năm phải đạt 20,7 tỷ USD cho thấy áp lực rất lớn.

Chúng tôi hiểu và chia sẻ với cơ quan quản lý Nhà nước về năng lượng trong bối cảnh hiện nay. Nhưng phía trước là thách thức, áp lực đang đòi hỏi sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, vào cuộc khẩn trương của Bộ Công Thương, chính quyền địa phương các cấp và nhà đầu tư để các dự án trong Quy hoạch điện VIII sớm được triển khai, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế quốc dân (giai đoạn đến đến năm 2030 và các năm sau)./.

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động