RSS Feed for Thị trường điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 09:12
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thị trường điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện

 - Qua 6 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, vận hành thị trường điện cũng phát sinh một số vấn đề khó khăn; trong đó phần lớn liên quan đến các điều kiện đặc thù của hệ thống điện và cơ cấu ngành điện Việt Nam...

Cần làm rõ vai trò nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam
Quy hoạch điện VII: Kẻ hủy diệt sức khỏe và môi trường?
Vì sao năng lượng tái tạo chưa thể thay thế nhiệt điện than

Xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển quan trọng của ngành Điện Việt Nam và đã được cụ thể hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực (sau đây gọi chung là Luật Điện lực), Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 8 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, quy định lộ trình và các điều kiện hình thành thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Theo đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, xây dựng và phát triển thị trường Điện lực Việt Nam theo các cấp độ, bao gồm:

1/ Thị trường phát điện cạnh tranh.

2/ Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

3/ Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Đồng thời, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau:

Một là, bảo đảm công khai, minh bạch bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực.

Hai là, tôn trọng quyền được tự chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Ba là, nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện lực nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.

Từ ngày 1 tháng 7 năm 2012, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành. Theo đó, thị trường phát điện cạnh tranh vận hành theo mô hình thị trường điện tập trung, chào giá theo chi phí (CBP). Các đơn vị phát điện được quyền chủ động chào bán điện trên thị trường để bán điện cho đơn vị mua điện duy nhất (EVN). Việc điều độ các nhà máy điện hoàn toàn căn cứ theo bản chào giá của nhà máy theo nguyên tắc huy động các mức công suất của các nhà máy có giá chào từ thấp đến cao đến khi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của cả hệ thống.

Qua 6 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được một số các kết quả quan trọng sau:

1/ Hệ thống điện đã được vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội; không có sự cố có nguyên nhân từ việc vận hành thị trường điện đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

2/ Việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện, thông qua bản chào giá của nhà máy để đưa ra lịch huy động, các nhà máy có giá chào thấp sẽ được huy động trước sau đó đến các nhà máy có giá chào cao hơn cho đến khi đáp ứng được nhu cầu của phụ tải.

3/ Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống.

Song song với công tác củng cố và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu chuẩn bị thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Thiết kế tổng thể và thiết kế chi tiết Thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam đã được Bộ Công Thương phê duyệt, ban hành tại Quyết định số 6463/QĐ-BCT ngày 22 tháng 7 năm 2014 và Quyết định số 8266/QĐ-BCT ngày 10 tháng 8 năm 2015. Cụ thể như sau:

1/ Từ năm 2016 và 2017, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị các công tác vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm tính toán mô phỏng và thanh toán trên giấy. Bên cạnh các đơn vị đã tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, công tác thí điểm đã mở rộng đối tượng thí điểm cho 5 Tổng công ty Điện lực (TCTĐL) gồm TCTĐL miền Bắc, miền Trung, miền Nam, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, các TCTĐL - những đơn vị lần đầu tham gia thị trường điện - làm quen và nắm vững các cơ chế vận hành của thị trường điện, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường bán buôn điện cạnh tranh thông qua các khóa đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu.

2/ Từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, các đơn vị đã bắt đầu tiến hành các công tác vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm thanh toán thật. Trong hơn 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị đã và đang nghiêm túc triển khai vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm theo quy định cụ thể như sau:

Một là: Thực hiện dự báo phụ tải.

Hai là: Tính toán phân bổ sản lượng hợp đồng mua trên thị trường điện.

Ba là: Thu thập, đối soát số liệu đo đếm và kiểm tra, đối soát, xác nhận các bảng kê ngày, bảng kê tháng trên thị trường giao ngay.

Vượt qua các vướng mắc trong các tháng vận hành đầu tiên, đến nay công tác vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh cơ bản đã đi vào ổn định, làm tiền đề cho việc đánh giá, mở rộng vào năm 2019 theo lộ trình.

3/ Để chuẩn bị cho việc vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh dự kiến vận hành từ năm 2019, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục chính sau bao gồm:

Thứ nhất: Hoàn thiện khung pháp lý:

Trên cơ sở kết quả vận hành thí điểm, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Trong năm 2018, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để nghiên cứu, làm rõ và xây dựng: cơ chế bù chéo (điều tiết) giữa các TCTĐL trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh; và cơ chế thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các giao dịch trong Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Thứ hai: Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện:

Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quyết định 2760/QĐ-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Công Thương phê duyệt Thiết kế tổng thể cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.

Hoàn thiện hệ thống SCADA/EMS và hệ thống đo đếm đáp ứng các yêu cầu của thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2019.

Thứ ba: Tái cơ cấu ngành điện:

Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 7 tháng 2 năm 2017 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2017 phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017- 2020.

Tiếp tục thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành điện theo quy định tại Quyết định số 168/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN triển khai xây dựng 2 đề án gồm:

1/ Đề án chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước hạch toán độc lập. Phạm vi của Đề án hướng tới xây dựng, hoàn thiện chuyển đổi mô hình vận hành Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia theo từng giai đoạn, đảm bảo thực hiện chức năng thanh toán thị trường điện giao ngay.

2/ Đề án tách bạch về tổ chức khâu phân phối và khâu bán lẻ điện của các TCTĐL. Đề án hướng tới mục tiêu tách bạch khâu phân phối và khâu bán lẻ điện thuộc các TCTĐL, phù hợp với chiến lược phát triển thị trường điện, đặc biệt là thị trường bán lẻ điện trong dài hạn - khi cần phân tách các khâu mang tính độc quyền tự nhiên (phân phối điện) ra khỏi khâu mang tính cạnh tranh (kinh doanh bán lẻ điện) để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử giữa các thành viên thị trường điện.

Tiếp sau thị trường bán buôn điện, thị trường bán lẻ điện là cấp độ phát triển cao nhất của thị trường điện cạnh tranh. Về cơ bản, mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ trao quyền lựa chọn cho khách hàng sử dụng điện cuối cùng, cũng như tạo động lực để các đơn vị bán lẻ điện cạnh tranh với nhau để tìm kiếm và bán điện cho các khách hàng sử dụng điện tuy nhiên phải đảm bảo các nguyên tắc hoạt động chung của thị trường điện đã được quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, quy định lộ trình và các điều kiện hình thành thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Việc xây dựng, phát triển và hoàn thiện thị truờng điện cạnh tranh là phù hợp với Chiến lược phát triển ngành điện đã đuợc Ðảng, Nhà nuớc và Chính phủ đề ra. Thị truờng điện cạnh tranh đã đạt được những thành quả quan trọng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh điện; đồng thời cũng cho thấy tính đúng đắn của Chiến lược phát triển thị trường năng lượng, phù hợp với xu hướng phát triển thị trường năng lượng thế giới.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận quá trình xây dựng, vận hành thị trường điện cũng phát sinh một số vấn đề khó khăn; trong đó phần lớn liên quan đến các điều kiện đặc thù của hệ thống điện và cơ cấu ngành điện Việt Nam gồm:

Một là, hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ vận hành hệ thống điện - thị trường điện còn nhiều hạn chế, như hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm... dẫn đến một số ảnh huởng nhất định đến công tác vận hành thị trường.

Hai là, các nhà máy thủy điện chiếm tỷ lệ lớn, trong khi các yếu tố đầu vào thủy văn thường bất định, khó dự báo, do vậy công tác lập kế hoạch vận hành thị truờng điện hàng năm, hàng tháng cũng ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp.

Ba là, việc nghẽn mạch đuờng dây truyền tải 500kV trong các chu kỳ cao điểm cũng tác động lớn đến kết quả vận hành thị truờng. Ngay cả trong mùa mưa, dù công suất sẵn sàng của các nhà máy thủy điện miền Bắc tương đối cao nhưng không thể truyền tải hết vào miền Nam.

Bên cạnh các vấn đề nội tại của ngành điện, thị trường điện cạnh tranh cũng chịu thách thức lớn từ các nhân tố bên ngoài, trong đó nhân tố đặc biệt quan trọng là vấn đề cung ứng nhiên liệu sơ cấp (than, khí) cho phát điện. Cụ thể:

Thứ nhất, các cụm nhà máy điện tua bin khí (cụm Phú Mỹ, Nhơn Trạch….) cùng chia sẻ một hệ thống cung cấp khí nhưng lại có nhiều ràng buộc khác nhau về giá khí (giá bao tiêu, giá trên bao tiêu, thay đổi về khí khi hòa thêm nguồn khí mới…).

Thứ hai, việc tăng giá nhiên liệu đầu vào (than/khí) gây áp lực tăng giá thị trường điện.

Hiệu quả hoạt động của thị trường điện lực cũng như an ninh cung cấp điện trung - dài hạn phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng, phân bổ tối ưu dài hạn các nguồn nhiên liệu đầu vào (than, khí), tận dụng đuợc tối đa nguồn lực trong nuớc để phát triển. Về lâu dài, hướng tới đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong các chính sách quy hoạch phát triển, quản lý giám sát, sử dụng tối ưu các nguồn năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia nói chung và cho vận hành thị truờng điện lực nói riêng.

LÊ ĐỒNG HẢI - PHÒNG THỊ TRƯỜNG ĐIỆN (CỤC ĐIỀU TIẾT ĐIỆN LỰC)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động