RSS Feed for Thêm ý kiến phản biện chuyên gia trong Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 22:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thêm ý kiến phản biện chuyên gia trong Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh)

 - “Không cần đầu tư xây dựng mới khoảng 30.000 tới 40.000 MW nhiệt điện than mà có thể dùng nguồn đầu tư này vào việc thực hiện sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu”.

8 đề xuất hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII

Trên đây là một trong những thông tin quan trọng được đề cập trong Báo cáo “Phân tích Quy hoạch điện VII và một số khuyến nghị đối với Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh - hướng tới phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam” do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thực hiện với sự tham gia và tư vấn của các chuyên gia năng lượng trong nước và quốc tế.

GreenID: Phát triển bền vững và hiệu quả cần được coi là mục tiêu quan trọng của Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh. Ảnh: EVN

Sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, ngành điện đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, từ chỗ phải tiết giảm điện trong các năm 2010-2011 do thiếu điện đến nay ngành điện không những đã cung cấp được đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân mà còn có dự phòng.

Tuy nhiên, Quy hoạch điện VII cũng đã bộc lộ một số vấn đề mang tính vĩ mô và ảnh hưởng tới tính khả thi như dự báo nhu cầu điện năng quá lớn khiến nhu cầu vốn đầu tư quá nhiều mà nền kinh tế không chịu nổi; huy động nhà máy nhiệt điện chạy than quá cao, nhu cầu than cung cấp cho điện quá lớn, có thể dẫn tới không đủ nguồn cung cấp kể cả nhập khẩu, không đảm bảo môi trường và phát triển bền vững; chưa chú trọng đúng mức tới nguồn năng lượng tái tạo.
 
Báo cáo này sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp kết quả từ các nghiên cứu và hội thảo nêu trên kết hợp với tham vấn ý kiến chuyên gia nhằm đóng góp một số ý kiến cho Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh sẽ được Chính phủ phê duyệt trong thời gian sắp tới. GreenID và VSEA ủng hộ nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc hiệu chỉnh Quy hoạch điện VII để đáp ứng với tình hình phát triển mới của đất nước.

Đây là thời điểm quan trọng và là cơ hội để trao đổi về triển vọng mới và những lựa chọn khôn ngoan cho một tương lai năng lượng bền vững và hiệu quả ở Việt Nam.

Phát triển bền vững và hiệu quả cần được coi là mục tiêu quan trọng của Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh. Các phương án, kịch bản đưa ra trong Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh cần phải được xem như chỉ dẫn cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế tăng trưởng Xanh của Việt Nam.

Báo cáo này đưa ra những phân tích và đánh giá về một số nội dung lớn của Quy hoạch điện VII, tập trung vào các vấn đề chính sau đây: dự báo nhu cầu, tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cơ cấu nguồn điện than trong hệ thống điện và vấn đề đánh giá tác động môi trường chiến lược.

Báo cáo ghi nhận rằng Quy hoạch điện VII đã có những đóng góp tích cực, bảo đảm cung cấp đủ điện cho các hoạt động kinh tế xã hội và nhu cầu dân sinh đồng thời có dự phòng cao. Trong Quy hoạch điện VII, dự báo nhu cầu điện thiên cao, lớn hơn nhiều so với thực tế.

Kết quả dự báo cao là do lựa chọn tốc độ phát triển kinh tế và sử dụng phương pháp dự báo chưa hợp lý. Việc dự báo cao đã dẫn tới lựa chọn tỷ trọng nhiệt điện than chiếm hơn một nửa trong cơ cấu nguồn điện dẫn đến nhu cầu than quá lớn và phải phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu.

Theo dự báo nguồn than nhập khẩu chiếm tới 70% nguồn than nhiên liệu để phát điện vào năm 2030. Việc nhập khẩu than với số lượng lớn không hề đơn giản mà đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính, cơ sở hạ tầng cho việc vận chuyển than, điều mà Việt Nam chưa sẵn sàng.

Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội của nhiệt điện than khi gia tăng loại hình năng lượng này cũng là một vấn đề lớn cần phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng.

Do quá tập trung vào nguồn nhiên liệu than, Quy hoạch điện VII chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như năng lượng tái tạo trong việc đáp ứng nhu cầu điện.

Quy hoạch điện VII đặt ưu tiên vào mục tiêu phát triển kinh tế chưa chú ý và quan tâm đầy đủ tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Quan niệm “các tác động về môi trường và xã hội do phát triển điện là không thể tránh khỏi” trong Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Quy hoạch điện VII cho thấy rõ ưu tiên trên. Điều này thể hiện trong phương án lựa chọn tỷ trọng điện than chiếm 56% trong tổng sản lượng điện vào năm 2030.

Sự lựa chọn này gây áp lực quá lớn đối với môi trường - xã hội và rủi ro cao cho an ninh năng lượng quốc gia, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với thiên tai bất thường và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Tiếp theo những phân tích đó, GreenID và VSEA đưa ra các giải pháp đề xuất cho công tác dự báo nhu cầu và định hướng xem xét lại tỷ trọng cơ cấu nguồn trong Quy hoạch điện VII trên cơ sở tính toán, cân nhắc các yếu tố: tính hiện thực của chỉ tiêu tăng trưởng GDP, vai trò của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, yếu tố giá than theo cơ chế thị trường, xu thế phát triển của công nghệ năng lượng tái tạo trên thế giới và mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, GreenID đưa ra 2 phương án dự báo nhu cầu điện: phương án cơ sở và phương án tiết kiệm điện.

Theo phương án cơ sở của GreenID, nhu cầu điện năm 2030 sẽ là 464,7 tỷ kWh, chỉ bằng 76% dự báo nhu cầu điện của Quy hoạch điện VII. Theo phương án tiết kiệm điện của GreenID, khi xem xét đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhu cầu điện vào năm 2030 sẽ giảm xuống còn 407 tỷ kWh, chỉ bằng 66% nhu cầu điện dự báo trong Quy hoạch điện VII.

Theo các phương án dự báo nhu cầu GreenID đề xuất, hệ số đàn hồi điện vẫn đạt được mục tiêu mà Quy hoạch điện VII đề ra là giảm dần xuống dưới 1 vào năm 2030 đồng thời mục tiêu phát triển kinh tế vẫn đảm bảo ở mức khoảng 7%/năm theo chỉ số GDP mà Chính phủ đặt ra trong giai đoạn tới.

Xét về giá trị tuyệt đối của phụ tải điện thương phẩm, phương án dự báo nhu cầu điện tiết kiệm điện do GreenID đề xuất sẽ giúp giảm được 208 tỷ kWh so với Quy hoạch điện VII vào năm 2030.

Điều này có ý nghĩa tương đương với việc có thể cắt giảm được toàn bộ 13,7 tỷ kWh từ nguồn điện nguyên tử và 194 tỷ kWh từ nguồn điện than nhập khẩu.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc có thể không cần đầu tư xây dựng mới 5.000MW điện nguyên tử và 30.000 tới 40.000 MW nhiệt điện than mà thay vào đó có thể dùng nguồn đầu vào của việc thực hiện sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu.

Hơn thế nữa, các phân tích về giá thực của các nguồn năng lượng tham gia sản xuất điện đã mang lại cơ sở cho sự tin tưởng rằng trong tương lai không xa, năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng gió sẽ có thể tham gia tích cực hơn vào hệ thống điện Việt Nam.

Những kiến giải của GreenID và VSEA sẽ giúp giảm đáng kể phụ tải điện, từ đó giảm gánh nặng về vốn đầu tư, về chi phí vận hành, giảm đáng kể các tác động của nhiệt than đối với môi trường, đặc biệt biến đối khí hậu.

Với các giải pháp đưa ra, GreenID và VSEA kiến nghị Ban soạn thảo, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh tham khảo và xem xét sử dụng các kết quả phân tích, nghiên cứu và đề xuất của GreenID và VSEA đã đưa ra.

Về dự báo nhu cầu điện, Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh nên xem xét và cân nhắc sử dụng các kịch bản dự báo nhu cầu mà GreenID và VSEA đề xuất. Về vấn đề nguồn điện, Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh cần đảm bảo sự cân đối và đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng trên cơ sở cân nhắc lại nhu cầu, cập nhật giá thành thực tế sản xuất điện từ các nguồn năng lượng khác nhau.

Trước mắt, cần ưu tiên đẩy mạnh thực thi các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường khai thác tối đa công xuất của các nhà máy hiện có và gia tăng tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo vào hệ thống điện trước khi phát triển các công trình điện mới.

Đối với thủy điện, quy hoạch hiệu chỉnh cần nghiên cứu những bất cập trong quá trình triển khai quy hoạch hiện tại và đưa ra các giải pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời để tránh không lặp lại những vấn đề đã xảy ra trong thời gian qua.

Đối với nhiệt điện than, GreenID và VSEA đề xuất Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh cần rà soát lại các nhà máy nhiệt điện đốt than trong quy hoạch và loại bỏ những nhà máy có khả năng gây tác động lớn và tiêu cực tới môi trường, xã hội, hiệu quả kinh tế thấp.

Theo kịch bản nhu cầu do GreenID đề xuất, có thể giảm từ 30.000 tới 35.000 MW công suất từ nguồn nhiệt điện than mới vào năm 2030 so với con số trong Quy hoạch điện VII.

Việc giảm công suất này sẽ không có ảnh hưởng tới nguồn cung cấp điện vì hệ thống điện hiện tại đang có dự phòng lớn và những cải cách về thị trường điện sẽ đóng góp cho việc đảm bảo nhu cầu năng lượng.

Cùng với lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh, giá điện năng đang đi theo cơ chế thị trường, trong khi đó, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo có xu hướng ngày càng giảm tạo điều kiện cho sự phát triển và cạnh tranh của nguồn năng lượng này với nhiệt điện than nhất là than nhập khẩu.

Để giúp phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai, cần gỡ bỏ các rào cản về chính sách, cần đưa chi phí môi trường xã hội phải trở thành một yếu tố cấu thành giá điện để tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch.

Việc tính toán giá thành thực tế của các nguồn điện, trong đó bao gồm các chi phí về môi trường và xã hội là vô cùng cần thiết để cung cấp thông tin cho các nhà ra quyết định về cơ sở lựa chọn loại nguồn điện phù hợp nhất, đồng thời tạo lập cơ sở tính toán chi phí giá điện công bằng từ các nguồn năng lượng khác nhau.

Cuối cùng, báo cáo khuyến nghị, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững cần phải trở thành những mục tiêu quan trọng của quy hoạch điện hiệu chỉnh. Quy hoạch không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh mà cần phải đưa ra định hướng để sao cho nền kinh tế, các ngành phải đổi mới công nghệ và quản lý tốt đảm bảo sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng.

Đề xuất thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng tập trung phát triển các ngành sử dụng hiệu quả năng lượng, hạn chế những ngành sử dụng nhiều năng lượng, hiệu quả kinh tế thấp thay vì cứ cố gắng để đáp ứng nhu cầu cho các cỗ máy luôn khát năng lượng cũng cần được xem xét.

Quy hoạch điện cũng phải cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường, công bằng xã hội và phát triển bền vững. Do tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của quy hoạch điện và năng lượng quốc gia, nên cần có sự tham gia có ý nghĩa của cộng đồng và các bên liên quan vào quá trình tham vấn, thảo luận về các kịch bản phát triển điện của quốc gia.

Quá trình này sẽ đảm bảo mối quan tâm của các bên liên quan khác nhau được xem xét thấu đáo và đạt được đồng thuận nhiều hơn cũng như hỗ trợ quá trình thực hiện quy hoạch có tính khả thi cao hơn.

Ngày 3/12, GreenID tổ chức hội thảo với chủ đề “Đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh” nhằm tạo ra một diễn đàn mở trao đổi giữa các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách về chủ đề quy hoạch và phát triển điện hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam. Qua diễn đàn này, các nhà khoa học đã khuyến nghị tới cơ quan hoạch định chính sách thúc đẩy ngành điện Việt Nam phát triển theo hướng bền vững hơn và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

SONG ANH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động