RSS Feed for Tác động xuyên biên giới của hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Mê Kông | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 12/11/2024 00:57
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tác động xuyên biên giới của hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Mê Kông

 - Việc sử dụng nguồn nước từ lưu vực sông xuyên quốc gia luôn là vấn đề thời sự gây tranh cãi giữa các quốc gia ở vùng hạ lưu với các quốc gia ở thượng nguồn lưu vực, thậm chí có nơi đã xảy ra chiến tranh để giành quyền khai thác, sử dụng nước. Tuy nhiên, Chương trình "Phát triển bền vững sông Rhine” được gọi là Rhine 2020 ở châu Âu là hình mẫu cho việc sử dụng chung nguồn nước lưu vực sông xuyên biên giới. Riêng lưu vực sông Mê Kông hiện nay do việc phát triển hệ thống thủy điện bậc thang trên dòng chính đã gây ra nhiều hệ lụy cho vùng hạ lưu, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nhưng chưa có giải pháp nào căn cơ để hạn chế những tác động đó. Dưới đây là phân tích của Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Kịch bản nào cho thủy điện trong bối cảnh thời tiết cực đoan? Kịch bản nào cho thủy điện trong bối cảnh thời tiết cực đoan?

Thủy điện từ lâu đã được xem là một nguồn năng lượng tái tạo tin cậy. Nhưng trong bối cảnh hạn hán và mưa lớn, các nhà máy thủy điện thường phải dừng máy. Liệu biến đổi khí hậu có phải là dấu chấm hết cho ngành năng lượng sạch này không?

Thủy điện Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu Thủy điện Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Có thể nói, thủy điện đã giúp nhân loại tiến đến văn minh, hiện đại. Đối với Việt Nam, thủy điện cũng hết sức quan trọng, cung cấp điện liên tục cho phát triển kinh tế, dân sinh, công nghiệp hóa đất nước. Nhưng trong quá trình phát triển lâu dài, nhiều tác động của con người đã gây ra cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, mất rừng, cạn nước, v.v… Một số nước trên thế giới đã phải phá đập thủy điện trả lại nước cho dòng chảy tự nhiên. Ở Việt Nam việc xây dựng và vận hành thủy điện cũng thể hiện nhiều bất cập.


Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng, nơi sông bắt nguồn thuộc tỉnh Thanh Hải, chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khoảng 4.909 km tiếp tục đổ vào Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam và chảy ra Biển Đông. Tính theo độ dài sông Mê Kông đứng thứ 12 trên thế giới (thứ 7 tại châu Á), còn tính theo lượng nước, đứng thứ 10 (tổng lượng nước hàng năm đạt khoảng 475 tỷ m³). Lưu lượng trung bình 13.200 m³/s, vào mùa nước lũ lưu lượng có thể lên tới 30.000 m³/s.

Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), lưu vực sông Mê Kông rộng khoảng 795.000 km² hoặc hơn 810.000 km² (theo số liệu của Encyclopaedia Britannica 2004). Phần hạ nguồn của lưu vực Mê Kông nằm ở các quốc gia Đông Nam Á chiếm tổng số 79% lưu vực với tỷ lệ tại các quốc gia lần lượt là Lào (25%), Thái Lan (23%), Campuchia (20%), Việt Nam (8%) và Myanmar (3%), trong khi 21% còn lại - thượng nguồn lưu vực, hay còn gọi là lưu vực Lan Thương - nằm ở Trung Quốc. Lưu vực sông Mê Kông bao gồm một loạt các vùng địa lý và khí hậu, tạo ra nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú. Trung bình mỗi giây có 15.000 m3 nước chảy vào sông Mê Kông từ những lưu vực xung quanh. Ngoài ra, lưu vực còn chứa đựng vô số các vùng đất ngập nước, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sinh kế của người dân địa phương, cung cấp môi trường sản xuất cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản, thủy sản phi cá và doanh thu du lịch cũng như mang lại những lợi ích gián tiếp quan trọng không kém như giảm thiểu lũ lụt, trữ nước và xử lý nước thải.

Ngoài ra, lưu vực còn chứa đựng vô số các vùng đất ngập nước, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sinh kế của người dân địa phương, cung cấp môi trường sản xuất cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản, thủy sản phi cá và doanh thu du lịch cũng như mang lại những lợi ích gián tiếp quan trọng không kém như giảm thiểu lũ lụt, trữ nước và xử lý nước thải. Khoảng 80% trong số hơn 60 triệu người sống trong lưu vực phụ thuộc trực tiếp vào sông Mê Kông để lấy nguồn thức ăn.

Ngoài ra, khu vực thủy sản nội địa lớn nhất có giá trị kinh tế khoảng 17 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm ba phần trăm tổng sản phẩm quốc nội của khu vực. Giao thông bằng đường thủy trên sông Mê Kông gặp nhiều khó khăn do dòng chảy bị thay đổi nhiều theo mùa, các đoạn chảy xiết và nhiều thác nước cao.

Đặc điểm thủy năng nổi bật của sông Mê Kông là vai trò điều tiết lưu lượng nước bởi hồ Tonlé Sap - hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á - mà chúng ta thường gọi là Biển Hồ. Tổng lượng dòng chảy bình quân năm lớn và địa hình nhiều dốc tạo nên thế năng lớn cho dòng chảy, cho nên lưu vực sông Mê Kông có tiềm năng rất lớn để phát triển thủy điện với tiềm năng kỹ thuật đạt khoảng 53.900 MW, trong đó riêng Trung Quốc là 23.000 MW. Phần còn lại ở hạ lưu vực Mê Kông thì trên dòng chính có tiềm năng phát triển thủy điện là 13.000 MW và trên các dòng nhánh là 17.900 MW. Tuy nhiên, nguồn năng lượng thủy điện của vùng hạ lưu vực chỉ tập trung chủ yếu là ở Lào với 21.000 MW (chiếm tới 70%).

Hiện nay, trước nhu cầu sử dụng điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng, các quốc gia ven sông đã và đang thúc đẩy quá trình xem xét, đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông và xem đây là một giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Ở thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc lập kế hoạch xây dựng hàng loạt công trình thủy điện trên sông Lan Thương, trong khi ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan cũng có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính, trong đó Lào có 7 công trình, Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới hai nước và Campuchia có 2 công trình. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng hàng loạt công trình thủy điện trên sông Mê Kông vào đầu thập niên 1990, đến nay Trung Quốc đã đưa vào vận hành 11 nhà máy thủy điện và dự kiến xây dựng thêm 3 công trình. Trên lãnh thổ Lào và Campuchia cũng dự kiến xây dựng 11 công trình trên dòng chính sông Mê Kông (xem hình 1 và 2).

Tác động xuyên biên giới của hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Mê Kông
Hình 1. Các công trình thủy điện đã xây dựng (vòng đen) và dự kiến xây dựng (vòng trắng) trên dòng chính Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Các kế hoạch phát triển thủy điện đã gây ra mối quan ngại sâu sắc về tác động xuyên biên giới của hệ thống bậc thang thủy điện dòng chính tới vùng Châu thổ sông Mê Kông của Campuchia và Việt Nam. Vì lý do đó, từ năm 2013 - 2015, Chính phủ Việt Nam với sự tham gia của Chính phủ Campuchia và Lào đã tiến hành “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông”. Mục tiêu chính của Nghiên cứu là đánh giá các biến động lên chế độ dòng chảy của việc xây dựng và vận hành bậc thang thủy điện dòng chính và tác động do các thay đổi đó tới môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội trên các vùng thuộc Châu thổ Mê Kông của Việt Nam và Campuchia. Ủy hội sông Mê Kông là một cơ quan liên chính phủ với trách nhiệm "thúc đẩy và phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và sự an sinh của cộng đồng", gồm các thành viên Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, còn Myanma và Trung Quốc là hai đối tác.

Tác động xuyên biên giới của hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Mê Kông
Hình 2: Các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Lào và Campuchia (Xayabury và Don Sahong đã đưa vào vận hành; đang xây dựng - Luang Prabang).

Hệ thống bậc thang thủy điện dày đặc trên dòng chính sông Mê Kông đã gây ra những tác động tiêu cực đối với các quốc gia ở hạ nguồn, nhất là đối với Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở phía Tây Nam Việt Nam, nơi sông Mê Kông đi qua trước khi đổ vào Biển Đông là vùng trồng lúa, hoa quả và thủy sản lớn nhất của nước ta. Mỗi năm, sông Mê Kông chảy về vùng ĐBSCL khoảng 450 - 475 tỷ mét khối nước, mang theo khoảng 160 triệu tấn phù sa, trong đó lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chỉ chiếm 11%. Khi lượng nước ở lưu vực Mê Kông ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 ở ĐBSCL và xâm nhập mặn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau Tết Nguyên Đán. Vì vậy, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào lượng nước từ phía thượng lưu chảy về. Liên tục nhiều năm qua, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hầu như không có lũ.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Mekong Freedom Network (Thái Lan), 8 đập thủy điện chắn ngang sông Mê Kông (Lan Thương) trên lãnh thổ Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỷ mét khối nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu..., làm thay đổi dòng chảy sông Mê Kông ở phía hạ lưu. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến mực nước sông Mê Công ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam xuống thấp là do thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong - Trung Quốc) xả ít nước; thủy điện Xayaburi ở Lào hoạt động.

Cũng theo báo cáo của Ủy hội sông Mê Công, nếu cả 3 công trình thủy điện của Lào gồm Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng đi vào hoạt động, thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm 6,2%/tháng và sự xâm nhập mặn trên sông Tiền, sông Hậu lấn sâu vào từ 2,8 - 3,8 km. Và với viễn cảnh không xa, khi cả chuỗi 11 đập thủy điện trên lãnh thổ Lào và Campuchia hoạt động thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm hơn 27%/tháng, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trên sông Tiền, sông Hậu khoảng từ 10 - 18 km. Hơn nữa, nước ngọt có thể sẽ bị suy thoái và trở thành một vấn đề ngày càng bức xúc do việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Cho đến nay, nước ngọt ở sông Mê Kông thường được coi là nguồn cung cấp nước ngọt không bị ô nhiễm. Chất lượng nước sông ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ tồi tệ hơn có thể làm giảm năng suất của trái cây hoặc gạo. Theo các số liệu nghiên cứu đánh giá, các đập thượng nguồn ở lãnh thổ Trung Quốc đã giữ lại 30% phù sa, các đập xây trên dòng chính của Lào và Campuchia sẽ chặn thêm khoảng 5% nữa và như vậy ít nhất 50% đất canh tác ở ĐBSCL sẽ bị tác động do mất phù sa và dinh dưỡng từ các công trình thủy điện. Nếu tính thêm tác động bậc thang của 11 công trình thủy điện dòng chính ở hạ nguồn lưu vực sông (thuộc lãnh thổ Lào và Cămpuchia) và của các công trình thủy điện dòng nhánh sông Mê Kông thì tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm có thể giảm tới 80%. Tính toán sơ bộ, tác động tích lũy của dự án thủy điện trên dòng chính cùng với các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Kông có thể làm giảm từ 6 - 10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho ĐBSCL, theo đó, năng suất cây trồng được dự báo sẽ giảm từ 0,6 - 1 tấn/ha. Ngoài ra, việc xuất hiện hệ thống bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống và sự phát triển của cá nước ngọt lưu vực này.

Theo một nghiên cứu của MRC, việc phát triển thủy điện đến năm 2040 - bao gồm cả một số công trình thủy điện của Trung Quốc đang được xây dựng hoặc đã được lên kế hoạch - dẫn tới trữ lượng cá sẽ giảm khoảng 40 - 80%, trong đó, 40% loài cá trắng ở Việt Nam và 37% ở Campuchia sẽ “rất dễ bị tổn thương hoặc bị đe dọa” bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn. Các đập thủy điện chặn lối đi của cá và tăng thời gian đi lại của tàu, tạo ra các rào cản vật lý bổ sung gây khó cho quá trình di cư của cá.

Các nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Mê Kông cho thấy có khoảng 70% cá di cư dọc theo sông Mê Kông, di chuyển giữa các vùng thượng lưu và hạ lưu, giữa sinh cảnh biển và nước ngọt và giữa các nhánh của sông Mê Kông và vùng đồng bằng ngập nước. Các đập thủy điện sẽ đe dọa làm gián đoạn việc di cư của cá đến đồng bằng sông Cửu Long. Cá da trơn, di cư từ thượng lưu sông Mê Kông, chiếm khoảng 70% cá có giá trị kinh tế cao nhất ở Việt Nam và loại cá này sẽ bị mắc kẹt hoàn toàn sau khi xây dựng các đập đề xuất trên cả dòng chính và các nhánh của sông Mê Kông.

Số liệu của MRC cho thấy bình quân sản lượng đánh bắt trên sông Mê Kông hằng năm là hơn 2 triệu tấn với trị giá hàng chục tỷ USD. Với quy mô hệ thống bậc thang thủy điện nêu trên, một khi thủy sản bị ảnh hưởng thì toàn bộ chuỗi thức ăn của cả hệ sinh thái bị tác động dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường đối với cộng đồng dân cư không chỉ ở ĐBSCL mà còn ở các nước thượng nguồn. Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt chưa từng thấy trong đầu năm 2020, tiếp theo đợt hạn hán năm 2019. Khó ai ngờ ở xứ sở kênh rạch chằng chịt lại có ngày người dân phải mang can đi mua nước ngọt.

Bên cạnh biến đổi khí hậu toàn cầu và việc sử dụng nước tại chỗ bất hợp lý, các đập thủy điện, đặc biệt các đập thủy điện do Trung Quốc xây ở thượng nguồn sông Mê Kông được coi là nguyên nhân chính gây hạn hán. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như chưa có nghiên cứu nào cụ thể chỉ rõ vấn đề này.

Báo cáo mới có tên “Dòng chảy thấp và tình trạng hạn hán của sông Mê Kông giai đoạn 2019 - 2023” do Ban Thư ký MRC công bố ngày 13-1-2022 cho thấy trong 3 năm qua, các dòng chảy chính của sông Mê Kông đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm, trong đó, năm 2020 là năm khô hạn nhất của lưu vực hạ lưu sông Mê Kông khi lượng mưa dưới mức bình thường hàng tháng (trừ tháng 10).

Báo cáo nhấn mạnh, kể từ năm 2015, chế độ thủy văn đã thay đổi, với dòng chảy mùa khô nhiều hơn và dòng chảy mùa mưa giảm do số lượng hồ chứa trong lưu vực tăng lên, điều này mang lại những kết quả vừa tích cực vừa tiêu cực. Tuy nhiên, giai đoạn 2019 - 2021 rất khác thường do lượng mưa giảm nhiều và điều kiện khí hậu ngày càng xấu đi.

Theo báo cáo, những yếu tố trên kết hợp với nhau có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng thủy sản và nông nghiệp, gây áp lực lên sinh kế của người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đe dọa gây xáo trộn các hệ sinh thái mong manh của lưu vực sông Mê Kông.

Báo cáo dài 100 trang nói trên cũng đánh giá tác động của dòng chảy thấp đối với dòng chảy ngược vào hồ Tonle Sap trong mùa mưa, một yếu tố quan trọng liên quan đến thủy văn của lưu vực rộng lớn hơn. Trong khi dòng chảy ngược của năm 2019 gần với mức trung bình, dòng chảy ngược trong các năm 2020 và 2021 đứng ở mức thấp nhất được ghi nhận. Tổng lượng dòng chảy ngược năm 2020 và 2021 lần lượt là 58% và 51% tổng lượng dòng chảy ngược bình quân trong giai đoạn 2008 - 2021.

Báo cáo cho rằng việc quản lý vận hành phối hợp các hồ chứa có thể là chìa khóa để giảm bớt những tác động tồi tệ nhất trong các năm hạn hán, chẳng hạn như 2019 - 2021. Ban Thư ký MRC đang làm việc với các nước ven sông Mê Kông để hỗ trợ sáng kiến này. Đồng thời Ban Thư ký MRC tiếp tục kêu gọi 6 nước dọc sông Mê Kông khẩn trương giải quyết vấn đề dòng chảy thấp trong khu vực, sự thay đổi bất thường của mực nước và tình trạng hạn hán trong bối cảnh khu vực hạ lưu sông Mê Kông tiếp tục có dòng chảy thấp kỷ lục năm thứ 3 liên tiếp.

Để giải quyết những tác động tiêu cực do hệ thống bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, các nước trong lưu vực sông đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương lần thứ nhất vào tháng 11 năm 2018 tại Côn Minh, Trung Quốc. Tiếp theo thành công của Diễn đàn Hợp tác tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương lần thứ nhất, do đại dịch Covid-19 nên Diễn đàn Hợp tác Tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương lần thứ hai đã được tổ chức vào ngày 7 - 8 tháng 12 năm 2021 theo hình thức trực tuyến.

Với chủ đề “Hợp tác giải quyết những thách thức và thúc đẩy sự phát triển chung”, Diễn đàn được tổ chức nhằm tiếp tục tăng cường đối thoại chính sách, trao đổi kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước giữa 6 quốc gia thành viên, tăng cường việc thực hiện các quyết định của lãnh đạo Cấp cao Hợp tác Mê Kông - Lan Thương và những thỏa thuận tại các Hội nghị Bộ trưởng, trong đó tập trung vào việc thúc đẩy việc cải thiện sinh kế của người dân thông qua Hợp tác Tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương. Để hợp tác tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương ngày càng có hiệu quả và mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia ven sông, kiến nghị cần xây dựng một kế hoạch phát triển tổng hợp và bền vững cho toàn bộ lưu vực trên cơ sở xem xét các điều kiện cụ thể và lợi ích của mỗi nước thành viên; tăng cường quan hệ đối tác giữa các chính phủ và tất cả các bên liên quan, bao gồm các tổ chức khu vực và quốc tế, cộng đồng khoa học, doanh nghiệp, xã hội dân sự; các chính sách và hành động về quản lý tài nguyên nước phải phù hợp với các mục tiêu nhằm phục hồi nền kinh tế xanh sau đại dịch Covid-19, phát triển bền vững trên cơ sở các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) và các cam kết đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26).

Kết luận:

Ảnh hưởng kép của biến đổi khí hậu và hệ thống bậc thang thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông càng trở thành vấn đề khó khăn hơn đối với khu vực ĐBSCL. Ngày càng có nhiều thiên tai, lũ lụt, các hiện tượng thời tiết cực đoan, chất lượng nguồn nước và mạch nước ngầm thay đổi…

Do vậy đối với Việt Nam cần phải xây dựng các giải pháp phòng chống, giảm nhẹ và thích ứng cho Đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của các dự án phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông; triển khai các chương trình nhằm tiếp tục theo dõi các diễn biến và đánh giá tác động của các hoạt động phát triển tài nguyên nước ở phía thượng nguồn nhằm đảm bảo ĐBSCL phát triển ổn định và bền vững.

Làm thế nào để dung hòa giữa nhu cầu phát triển thủy điện với bảo vệ môi sinh và an ninh lương thực, đó là bài toán ngày càng nan giải đối với các quốc gia lưu vực sông Mê Kông. Để giải quyết vấn đề này trong tầm nhìn trên 10 năm, bắt đầu ngay từ bây giờ cần nỗ lực đi đến một Hiệp định ứng xử cho toàn lưu vực với sáu quốc gia đang chia sẻ nguồn nước lưu vực sông Mê Kông, tương tự Hiệp định khai thác và phát triển lưu vực sông Rhine ở châu Âu.

Công ước về Bảo vệ sông Rhine ra đời vào năm 1999, tạo cơ sở cho việc hình thành Chương trình "Phát triển bền vững sông Rhine” được gọi là Rhine 2020 [1]. Hiện nay, chất lượng nước sông Rhine được theo dõi và kiểm tra thường xuyên, để đảm bảo không có nguy cơ nào có thể gây ô nhiễm nước sông. Rõ ràng, sự thành công trong công tác cải tạo và phục hồi môi trường nước lưu vực sông Rhine là một minh chứng cho thấy hiệu quả của việc hợp tác xuyên biên giới để bảo vệ nguồn nước lưu vực sông.

Hy vọng rằng từ “Diễn đàn Hợp tác tài nguyên nước Mê Kông - Lan Thương” có thể đi đến một “Hiệp định khai thác và phát triển lưu vực sông Mê Kông” để tất cả các quốc gia trong lưu vực sông đều được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên do thiên nhiên ban tặng, như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nhiệm kỳ 2016 - 2021) ở Hội nghị thượng đỉnh MRC lần thứ ba 2018 tại Siem Reap ngày 5 - 4 - 2018 “Chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác và có những hành động để sông Mê Kông là dòng chảy hòa bình vĩnh viễn và liên kết thịnh vượng lâu dài cho tất cả các quốc gia và người dân trong khu vực”./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Ghi chú: [1] Sông Rhine bắt nguồn từ dãy Alps ở Thụy Sĩ, rồi chảy qua Pháp, Đức và Hà Lan để đến Biển Bắc, với tổng chiều dài khoảng 1.320 km với diện tích lưu vực khoảng 185.000 km², bao gồm 9 nước: Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Liechtenstein, Luxembourg, Hà Lan và Thụy Sĩ. Do tầm quan trọng của sông Rhine trong giao thông, công nghiệp, cung cấp nước và du lịch, dòng sông đã bị khai thác nghiêm trọng trong quá khứ. Không chỉ vậy, trong những năm 1950 - 1970, với sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ của các nước trong lưu vực làm cho nguồn nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm hóa chất, kim loại và các hợp chất hữu cơ, làm suy giảm các loài thủy sinh, tác động lớn đến cuộc sống người dân các nước trong lưu vực.

Tài liệu tham khảo:

1/ https://vnmc.gov.vn/nghien-cuu-tac-dong-cua-cac-cong-trinh-thuy-dien-tren-dong-chinh-song-me-cong/

2/ https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Mekong-low-flow-and-drought-conditions-2019-2021df.pd.

3/ Bài học bảo vệ môi trường sông Rhine thành công nhờ sức mạnh hợp tác xuyên biên giới. Tạp chí môi trường. 15/09/2015.

4/ Phát phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh MRC lần thứ ba 2018 tại Siem Reap ngày 5-4-2018.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động