RSS Feed for Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 02:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025

 - Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 459/QĐ-TTg

                               Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2011

 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHÍ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn năm 2006-2015, định hướng đến năm 2025”;
Căn cứ Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 với những nội dung chính như sau:

1. Quan điểm phát triển

Phát triển đồng bộ, hiệu quả ngành công nghiệp khí thông qua việc phát huy các nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp khí.

Phát triển ngành công nghiệp khí trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên trong nước, tăng cường nhập khẩu nhằm đảm bảo nguồn năng lượng phát triển đất nước bền vững.

Đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sử dụng của khí và hiệu quả của sản phẩm khí trong nền kinh tế, giảm thiểu tỷ trọng LPG nhập khẩu.

Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng trên nguyên tắc sử dụng tối đa công suất hệ thống hạ tầng hiện hữu (đường ống, trạm thu gom, xử lý, …).

Phát triển thị trường tiêu thụ khí theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và từng bước hội nhập với thị trường khí khu vực và thế giới.

Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho đất nước và thực hiện chính sách phát triển bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

Về tìm kiếm thăm dò, khai thác khí trong nước: đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng nhằm chính xác hóa tiềm năng, trữ lượng khí thiên nhiên để sớm đưa các phát hiện khí thương mại vào khai thác; phấn đấu đạt sản lượng khai thác khí thiên nhiên trong nước đạt trên 14 tỷ m3/năm vào năm 2015 và đạt 15 – 19 tỷ m3/năm  vào giai đoạn năm 2016 – 2025.

Về nhập khẩu khí: khẩn trương xúc tiến các hoạt động đàm phán và chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng cho nhập khẩu LNG nhằm đảm bảo cân đối cung cầu khí trong nước; ưu tiên triển khai dự án nhập khẩu LNG đầu tiên tại miền Nam để đảm bảo đủ nguồn cung, duy trì và phát triển thị trường khí tại miền Nam; nghiên cứu, triển khai các dự án nhập khẩu LNG tại miền Bắc và miền Trung.

Về phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp khí trong nước: hoàn thành hạ tầng công nghiệp khí khu vực miền Nam, hình thành và phát triển hạ tầng công nghiệp khí khu vực miền Bắc và miền Trung, từng bước triển khai xây dựng hệ thống mạng nối đường ống dẫn khí liên vùng, liên khu vực; đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng nhà máy chế biến và xử lý (GPP) nhằm chế biến sâu khí thiên nhiên khai thác trong nước (tách ethane, LPG, condensate, …) để nâng cao hiệu quả sử dụng khí và thực hiện tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên.

Về phát triển công nghiệp LPG: đầu tư phát triển các dự án sản xuất LPG trong nước (từ các nhà máy xử lý khí và nhà máy lọc dầu), nhằm giảm tỷ trọng và dần thay thế lượng LPG nhập khẩu, mở rộng công suất các kho hiện có kết hợp với triển khai xây dựng các dự án mới để đáp ứng nhu cầu trong nước với quy mô khoảng 1,6 – 2,2 triệu tấn/năm vào năm 2015 và đạt quy mô khoảng 2,5 – 4,6 triệu tấn/năm vào năm 2025. Đảm bảo đáp ứng yêu cầu dự trữ tối thiểu đạt trên 15 ngày cung cấp trong giai đoạn đến năm 2015.

Về phát triển thị trường tiêu thụ khí: tiếp tục phát triển thị trường điện là thị trường trọng tâm tiêu thụ khí (bao gồm LNG) với tỷ trọng khoảng 70% - 85% tổng sản lượng khí, đáp ứng nguồn nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất điện, đẩy mạnh sử dụng khí và sản phẩm khí trong sản xuất hóa dầu, sinh hoạt đô thị và giao thông vận tải nhằm góp phần bảo đảm môi trường và nâng cao giá trị gia tăng của khí. Phấn đấu phát triển thị trường khí với quy mô 17 – 21 tỷ m3/ năm vào năm 2015 và 22 – 29 tỷ m3/năm vào giai đoạn 2016 – 2025.

Kết hợp hài hòa các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để phát triển đồng bộ, hiệu quả và bền vững các khâu trong ngành công nghiệp khí.

3. Định hướng phát triển

a) Tìm kiếm thăm dò và khai thác khí trong nước

Các hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác khí trong nước thực hiện theo Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.

b) Hệ thống đường ống thu gom khí

- Giai đoạn đến năm 2015

Khu vực bể Cửu Long: phát triển các hệ thống đường ống thu gom khí tự nhiên/đồng hành từ các mỏ Rồng, Đồi Mồi, Tê Giác Trắng, Hải Sư Đen, Hải Sư Trắng, kết nối với giàn khí nén trung tâm của mỏ Bạch Hổ; đường ống kết nối mỏ Sư Tử Trắng với giàn khai thác khí mỏ Sư Tử Vàng, dự kiến công suất khoảng 1,5 tỷ m3/năm. Khí tự nhiên/đồng hành thuộc khu vực Lô 01&02 và các lô lân cận được thu gom để bổ sung nguồn cung cấp khí cho Hệ thống đường ống Rạng Đông – Bạch Hổ - Dinh Cố.

Khu vực bể Nam Côn Sơn: triển khai xây dựng các hệ thống đường ống thu gom khí từ các mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh, Lan Tây, Thiên Ưng, Chim Sáo và các mỏ khác nhằm cung cấp bổ sung khoảng 3 tỷ m3/năm cho thị trường khu vực Nam Bộ.

Khu vực bể Malay – Thổ Chu: xây dựng đường ống kết nối mỏ Hoa Mai và Lô 46 với hệ thống đường ống PM3 – Cà Mau từ năm 2013. Khí của các mỏ đã phát hiện thuộc Lô B & 48/95, 52/97 và các lô lân cận như 46, 50, 51 đưa về đường ống Lô B – Ô Môn và PM3 – Cà Mau.

Khu vực Bắc Bộ: kết nối các nguồn khí thuộc khu vực phía Bắc bể Sông Hồng (Lô 102 – 106, 103 – 107, …) thành cụm và nghiên cứu đặt giàn công nghệ trung tâm tại mỏ Thái Bình (Lô 102 – 106). Xây dựng đường ống thu gom khí từ các mỏ thuộc các Lô 111, 112, 113 về giàn xử lý khí trung tâm của Lô 113.

- Giai đoạn năm 2016 – 2025

Khu vực Nam Bộ: tiến hành kết nối các mỏ Rồng Vĩ Đại, Hải Âu, Thiên Nga và các mỏ lân cận nhằm bổ sung nguồn cung cấp khí cho hệ thống đường ống Nam Côn Sơn 1 và Nam Côn Sơn 2 trong giai đoạn năm 2017 – 2019. Xây dựng hệ thống đường ống kết nối các mỏ thuộc Lô 46-2 như Rạch Tàu, Khánh Mỹ, Phú Tân với hệ thống đường ống PM3 – CAA của bể Malay – Thổ Chu từ năm 2019. Xây dựng đường ống từ bể Phú Khánh về bể Cửu Long, từ bể Tư Chính – Vũng Mây về bể Nam Côn Sơn trên cơ sở các kết quả tìm kiếm thăm dò ở khu vực này.

Khu vực phía Nam bể Sông Hồng: trong trường hợp có công nghệ phù hợp để phát triển, khai thác các mỏ có hàm lượng CO2 cao, đưa khí về giàn xử lý khí Trung tâm trên mỏ Sư Tử Biển (Lô 118) nhằm thu gom khí từ các mỏ lân cận như Cá Heo (Lô 119), 115-A (Lô 115).

c) Hệ thống đường ống chính vận chuyển khí ngoài khơi

- Giai đoạn đến năm 2015

Triển khai đầu tư xây dựng theo các giai đoạn hệ thống đường ống Nam Côn Sơn 2 (Hải Thạch, Mộc Tinh, Thiên Ưng về Vũng Tàu) đưa vào vận hành từ năm 2013 – 2014 với công suất thiết kế 7 tỷ m3/năm nhằm vận chuyển kịp thời khí và condensate thương phẩm từ các mỏ Hải Thạch, Mộc Tinh, Thiên Ưng cũng như các mỏ lưới phát hiện tại bể Nam Côn Sơn, Tư Chính – Vũng Mây về bờ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ khí ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Bộ.

Hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường ống Lô B – Ô Môn đưa vào vận hành từ năm 2014, phù hợp với tiến độ phát triển các nguồn khí tại khu vực Lô B; đồng thời bố trí các đầu chờ ở ngoài khơi, trên bờ tại khu vực miền Tây Nam Bộ nơi hệ thống đường ống đi qua để phát triển các hộ tiêu thụ khí công nghiệp.

Tích cực nghiên cứu và triển khai xây dựng các hệ thống đường ống dẫn khí tại khu vực phía Bắc bể Sông Hồng (từ các mỏ Thái Bình, Hàm Rồng thuộc Lô 102 – 106, Bạch Long, Hồng Long, Hoàng Long thuộc Lô 103 – 107/04) về khu vực tỉnh Thái Bình nhằm mục tiêu trước tiên là cung cấp khí cho thị trường tiêu thụ hiện có tại tỉnh Thái Bình và từng bước mở rộng ra các tỉnh/thành phố khác thuộc đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, …).

Phát triển hệ thống đường ống vận chuyển khí thiên nhiên cho khu vực phía Nam bể Sông Hồng. Phụ thuộc vào kết quả thẩm lượng, dự kiến xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ mỏ Báo Vàng (Lô 113) về tỉnh Quảng Trị với chiều dài khoảng 120 km, công suất thiết kế khoảng 1 – 3 tỷ m3/năm.

- Giai đoạn năm 2016 – 2025

Trên cơ sở kết quả tìm kiếm thăm dò các nguồn khí thuộc khu vực bể Phú Khánh với khả năng khai thác dự kiến khoảng 1,5 tỷ m3/năm từ sau năm 2019, nghiên cứu xây dựng hệ thống đường ống mới trong giai đoạn sau năm 2019 dẫn khí từ bể Phú Khánh về khu vực Sơn Mỹ (Bình Thuận) và kết nối với hệ thống đường ống thu gom mỏ Bạch Hổ.

Nghiên cứu khả năng vận chuyển khí từ phần trữ lượng gia tăng (nếu có) tại Lô B&48/95, 52/97 và mỏ lân cận.

Phát triển hệ thống đường ống vận chuyển khí thiên nhiên cho khu vực phía Nam bể Sông Hồng. Trong giai đoạn này, dự kiến xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ các mỏ thuộc các Lô 117 – 118 – 119 về tỉnh Quảng Ngãi/Quảng Nam với công suất thiết kế khoảng 2 – 4 tỷ m3/năm.

Tiếp tục nghiên cứu phương án nhập khẩu khí qua hệ thống TRANS ASEAN và qua các hệ thống đường ống PM3-CAA, Lô B, Nam Côn Sơn 1 hoặc Nam Côn Sơn 2.

d) Hệ thống đường ống dẫn khí trên bờ

- Giai đoạn đến năm 2015

Tiếp tục nghiên cứu và triển khai dự án đường ống Phú Mỹ - thành phố Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1. Nghiên cứu và phát triển hệ thống đường ống từ Nhà máy điện Nhơn Trạch đến Khu công nghiệp Nhơn Trạch, từ Nhà máy điện Hiệp Phước đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Thủ Thiêm.

Trên cơ sở cân đối cung cầu khí giữa 2 khu vực, nghiên cứu xây dựng dự án đường ống kết nối Đông – Tây Nam Bộ từ Hiệp Phước đến Ô Môn để có cơ sở hạ tầng nhằm thực hiện điều tiết nguồn khí giữa hai khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, cung cấp khí cho các hộ công nghiệp dọc theo tuyến ống. Công suất thiết kế khoảng 2 – 5 tỷ m3/năm, tổng chiều dài khoảng 180 km.

Đầu tư hệ thống đường ống nối từ kho LNG Nam Bộ về GDC hiện hữu để vận chuyển khí LNG nhập khẩu hòa vào hệ thống cung cấp khí Nam Bộ.

Tại khu vực miền Bắc, xây dựng hệ thống đường ống trên bờ với công suất khoảng 1 – 3 tỷ m3/năm, dẫn khí phục vụ cho các hộ tiêu thụ khí của tỉnh Thái Bình.

Phát triển hệ thống phân phối khí thấp áp trên toàn quốc để phát triển sử dụng khí trong các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, … nhằm đảm bảo điều tiết ổn định, an toàn hệ thống khí, gia tăng giá trị các dự án khí, đồng thời góp phần hiện đại hóa các ngành kinh tế, xã hội, giảm ô nhiễm môi trường.

- Giai đoạn năm 2016 – 2025

Tiếp tục nghiên cứu và triển khai giai đoạn 2 của dự án đường ống Phú Mỹ - thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đưa khí đến các khu công nghiệp thuộc Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương và Nhà máy điện Thủ Đức.

Nghiên cứu và xây dựng đường ống dẫn khí từ Hiệp Phước – Bình Chánh – Đức Hòa nhằm mở rộng khả năng cấp khí đến các hộ tiêu thụ khí ở Long An, khu vực phía Nam và Tây Nam thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến vận hành vào năm 2017.

Trên cơ sở khả năng gia tăng nguồn cấp khí tại Bắc Trung Bộ (từ nguồn trong nước hoặc nhập khẩu) và quy hoạch phát triển thị trường khí sau này, xem xét xây dựng hệ thống đường ống khép kín trên bờ thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng nối giữa Thái Bình – Hải Phòng – Hà Nội có khả năng vận chuyển khoảng 1 – 2 tỷ m3/năm. Hệ thống đường ống có khả năng kết nối thêm với đường ống nhập khẩu khí từ kho LNG Nghi Sơn – Thanh Hóa trong trường hợp dự án nhập khẩu khí về khu vực này được triển khai thực hiện.

Ngoài ra, trong trường hợp có thêm các phát hiện khí tại các Lô 111 đến Lô 120, nguồn cấp khí sẽ được bổ sung cho khu vực Trung Trung Bộ, từng bước nghiên cứu phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ, quy hoạch hệ thống đường ống vận chuyển trên bờ, kết nối giữa 2 khu vực thị trường dự kiến phát triển đầu tiên tại miền Trung là tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Ngãi/Quảng Nam để cung cấp khí cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

đ) Nhà máy xử lý khí (GPP)

- Giai đoạn đến năm 2015

Miền Đông Nam Bộ: đầu tư nâng cấp, mở rộng 02 nhà máy xử lý khí hiện có tại Dinh Cố, đồng thời tích cực triển khai dự án đầu tư mới 01 nhà máy xử lý khí đồng bộ với dự án đường ống Nam Côn Sơn thứ 2 từ năm 2013 – 2014 nhằm gia tăng giá trị sử dụng của khí trên cơ sở phù hợp với tình hình gia tăng sản lượng khí khai thác của bể Cửu Long và Nam Côn Sơn theo các phương án dự báo sản lượng khai thác khí.

Miền Tây Nam Bộ: triển khai dự án đầu tư GPP gần Trung tâm phân phối khí Cà Mau để xử lý chung nguồn khí từ hệ thống đường ống PM3 và Lô B về Cà Mau, để tách ethane, LPG và condensate, gia tăng giá trị tài nguyên.

Khu vực phía Bắc: nghiên cứu và triển khai xây dựng GPP tại tỉnh Thái Bình và Quảng Trị cùng thời gian với việc xây dựng đường ống từ các Lô 102 – 106 và 111 – 113.

- Giai đoạn năm 2016 – 2025

Khu vực tỉnh Quảng Ngãi/Quảng Nam: nghiên cứu, xây dựng mới GPP với lưu lượng dự kiến khoảng 1 – 4 tỷ m3/năm, vận hành từ năm 2018 để xử lý khí từ các Lô 115, 117, 118, 119 và các lô khác thuộc khu vực phía Nam bể trầm tích Sông Hồng.

e) Kho nhập khẩu LNG và tái hóa khí

- Giai đoạn đến năm 2015

Khẩn trương nghiên cứu và triển khai dự án kho nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Nam Bộ với quy mô giai đoạn 1 khoảng 3 – 5 tỷ m3/năm. Tích cực triển khai nghiên cứu xây dựng các kho LNG trên bờ tại các địa điểm có điều kiện cảng biển phù hợp để có thể tiếp nhận tàu LNG.

Ở khu vực miền Bắc, nghiên cứu đầu tư xây dựng 1 – 2 cảng kho LNG và tái hóa khí ở các vị trí có cơ sở hạ tầng thuận lợi như thành phố Hải Phòng và Thanh Hóa.

- Giai đoạn năm 2016 – 2025

Tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 kho LNG hiện hữu tại Nam Bộ quy mô khoảng 7 – 10 tỷ m3/năm, đồng thời xem xét khả năng xây dựng mới 1 – 2 kho LNG tại các địa điểm khác trên toàn quốc.

g) Kho chứa LPG đầu mối

Tổng sức chứa các kho LPG cần bổ sung tối thiểu trên phạm vi cả nước giai đoạn năm 2011 – 2015 vào khoảng 14.000 đến 27.500 tấn, giai đoạn năm 2016 – 2025 vào khoảng 54.000 đến 85.000 tấn.

Mở rộng công suất của các kho hiện có, đồng thời triển khai các dự án xây mới để sức chứa tối thiểu đạt 75.600 đến 85.600 tấn vào năm 2015 và đạt khoảng 127.600 đến 176.600 tấn vào năm 2025. Các kho LPG đầu mối tập trung chủ yếu tại một số tỉnh/thành phố của từng khu vực như: Hải Phòng (Bắc Bộ), Thanh Hóa, Hà Tĩnh (Bắc Trung Bộ), Đà Nẵng, Quảng Ngãi (Trung Bộ) và Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh (Nam Bộ), …

h) Tổng nhu cầu vốn đầu tư

Ước tính sơ bộ, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 khoảng 9 – 12,5 tỷ USD theo các phương án cơ sở và cao. Trong đó, giai đoạn năm 2010 – 2015 cần khoảng 5,3 đến 5,4 tỷ USD, giai đoạn năm 2016 – 2025 cần khoảng 3,6 đến 7 tỷ USD.

Danh mục các dự án khí đầu tư trong giai đoạn đến 2015 và định hướng đến năm 2025 được mô tả tại Phụ lục.

4. Các giải pháp, chính sách thực hiện quy hoạch

a) Chính sách giá khí

- Xây dựng phương pháp định giá khí bán đến hộ tiêu thụ phản ánh đủ các chi phí cung cấp thực tế, nhưng phải phản ánh đúng giá trị cạnh tranh của khí với các nhiên liệu khí trên thị trường.

- Nghiên cứu áp dụng hệ thống “định giá tổng thể chung” trộn khí từ các nguồn khí thiên nhiên và LNG từ trong nước và nhập khẩu để tính ra một mức giá/chi phí mua buôn khí chung trên thị trường. Từ đó xây dựng giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng tùy theo hộ tiêu thụ trong nền kinh tế, tỷ trọng của hộ tiêu thụ trên thị trường khí và khả năng chấp nhận của từng hộ tiêu thụ.

- Xây dựng, ban hành lộ trình và khung biểu giá tiếp cận với giá thị trường áp dụng cho các nhóm hộ tiêu thụ chiến lược (như điện, hóa chất, giao thông vận tải) và chi phí vận chuyển khí đường ống (cụ thể theo từng mức sản lượng và khu vực địa lý).

- Việc định giá cho từng khâu trong ngành công nghiệp khí thực hiện trên quan điểm thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý.

- Áp dụng chính sách định giá mua khí từ các nhà sản xuất/nhập khẩu khí trên cơ sở thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý trong giai đoạn đến năm 2018, sau đó từng bước thúc đẩy áp dụng cơ chế giá khí cạnh tranh để xác định giá mua bán khí.

- Giá khí cạnh tranh tính cho hộ tiêu thụ điện, giao thông vận tải được tính toán với một tầm nhìn dài hạn và theo phương pháp có xét đến chi phí bảo vệ môi trường.

b) Giải pháp, chính sách về mô hình thị trường khí

- Tiếp tục duy trì triển khai mô hình thị trường một người mua buôn duy nhất trong giai đoạn đến năm 2020, từng bước phát triển ngành khí theo mô hình thị trường cạnh tranh bán buôn.

- Cụ thể và công khai cơ chế quản lý và điều tiết hoạt động mua bán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để “đơn vị mua buôn khí duy nhất” tạo nên giá trị gia tăng trên dây chuyền khí.

- Nghiên cứu và ban hành quy định điều tiết hoạt động vận chuyển khí nhằm đảm bảo quản lý, vận hành an toàn và hiệu quả.

c) Giải pháp, chính sách khuyến khích đầu tư

- Kết hợp hài hòa nguồn vốn đầu tư nhà nước và huy động tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân trong và ngoài nước để đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò khai thác khí thiên nhiên trong nước, phát triển đồng bộ, hiệu quả và bền vững các khâu trên dây chuyền khí.

- Nghiên cứu, đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng dầu khí tại các bể Sông Hồng, Phú Khánh, Malay – Thổ Chu, Tư Chính – Vũng Mây, Trường Sa – Hoàng Sa nhằm thúc đẩy phát triển khai thác các mỏ quy mô nhỏ, nước sâu, mỏ có hàm lượng CO­2 cao để tận thu các nguồn khí thiên nhiên.

- Khuyến khích các chủ mỏ, các nhà nhập khẩu khí, các hộ tiêu thụ khí lớn liên kết đầu tư các dự án khí tích hợp giữa khâu thượng nguồn với khâu trung và hạ nguồn.

- Nghiên cứu và đưa các dự án đầu tư liên quan đến thu gom, vận chuyển, chế biến, dự trữ, thương mại, nhập khẩu khí, phát triển sử dụng khí và sản phẩm khả năng cho giao thông vận tải, khí đô thị (city gas) … vào danh sách lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư và cụ thể hóa các chính sách ưu đãi cho các dự án này.

- Nghiên cứu và xây dựng chính sách và cơ chế đảm bảo an toàn, đơn giản hóa các thủ tục và hỗ trợ thu xếp vốn cho các dự án khí.

d) Giải pháp, chính sách phát triển tự lực

- Nhà nước vẫn tiếp tục tham gia đầu tư với tỷ lệ vốn chi phối trong các doanh nghiệp dầu khí của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở về khí.

- Có chính sách phát triển các đơn vị tư vấn, thiết kế và xây dựng mạng đường ống khí, dự trữ khí.

đ) Giải pháp, chính sách về khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh nghiên cứu kinh tế - kỹ thuật và nhận chuyển giao công nghệ xử lý, chế biến khí có hàm lượng CO2 cao, nguyên nhiên liệu được chế biến từ khí thiên nhiên.

- Triển khai nghiên cứu vấn đề dự trữ khí, quy hoạch nối mạng đường ống khí quốc gia và ASEAN.

- Đầu tư, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sử dụng CNG, LPG rộng rãi trong lĩnh vực giao thông vận tải.

- Nghiên cứu và ban hành quy chuẩn quốc gia về chất lượng khí vận chuyển qua hệ thống đường ống, kho cảng, phân phối và tiêu thụ tại Việt Nam và quy chuẩn thiết kế các chương trình cơ sở hạ tầng khí thiên nhiên.

- Xây dựng và ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm, định mức … trong các hoạt động thu gom, xuất nhập khẩu – vận chuyển – xử lý – dự trữ - phân phối khí và các sản phẩm khí nhằm đảm bảo ngành công nghiệp khí hoạt động an toàn, thuận lợi và hiệu quả.

- Ưu tiên kinh phí trong các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ về lĩnh vực công nghiệp khí.

- Nghiên cứu phổ biến và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách quản lý của các nước để rút ra bài học kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp khí.

e) Giải pháp phát triển nhân lực

- Đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh khí hiện có, đào tạo bổ sung cho những khâu còn thiếu, còn yếu; kết hợp các hình thức đào tạo như đào tạo mới, đào tạo thực tập tại chỗ, đào tạo chuyên đề, đào tạo theo dự án, theo đề tài nghiên cứu một cách có hệ thống từ trình độ cơ bản đến trình độ cao.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo và quy hoạch sử dụng cán bộ chủ chốt, đầu ngành thông qua hợp tác với các cơ sở đào tạo chuyên ngành có uy tín quốc tế.

- Áp dụng chính sách hợp lý thu hút Việt kiều và người nước ngoài đã có kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí về làm việc tại Việt Nam.

g) Giải pháp về an toàn và bảo vệ môi trường

- Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn, phòng, chống cháy nổ, điều kiện lao động, vệ sinh công nghiệp, cung cấp trang thiết bị lao động, sử dụng công nghệ cao, thiết bị an toàn, định kỳ kiểm tra hệ thống điều khiển, báo động tự động.

- Xây dựng, cập nhật, hoàn thiện và duy trì thường xuyên các kế hoạch ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp: kế hoạch phòng, chống cháy nổ, ứng cứu sự cố, các trường hợp tai nạn, thiên tai …

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, đào tạo về an toàn và bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí đối với cán bộ, công nhân viên ngành dầu khí và cộng đồng.

- Phối hợp các giải pháp bảo vệ môi trường trong công nghiệp khí với các giải pháp bảo vệ môi trường trong các hoạt động khác trên cùng địa bàn hoạt động. Tổng hợp, phân tích, đánh giá và triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo sức khỏe người lao động, chủ động phòng tránh và điều trị, xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp.

- Đầu tư mạnh cho khâu điều tra cơ bản tại các vùng hoạt động hoặc các dự án phục vụ cho công tác đánh giá và giải pháp bảo vệ môi trường.

h) Giải pháp về an ninh, quốc phòng

- Tăng cường phối hợp giữa chủ đầu tư các công trình công nghiệp khí với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để chủ động chuẩn bị và thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng biển và chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh cho việc triển khai các hoạt động thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn của công nghiệp khí.

- Phối hợp giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để triển khai các hoạt động dầu khí nói chung trong khuôn khổ của nền “ngoại giao dầu khí”, tranh thủ các mối quan hệ giữa các Chính phủ để thu hút đầu tư, tạo lá chắn an ninh bằng các công trình có đầu tư nước ngoài tham gia.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương

- Chỉ đạo và giám sát việc triển khai, thực hiện Quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, trước mắt, cần tập trung triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư trong giai đoạn đến năm 2015.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tăng cường và đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác tại các khu vực có nhiều tiềm năng dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng xác minh, đảm bảo đạt chỉ tiêu sản lượng khai thác khí trong giai đoạn quy hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai dự án nhập khẩu LNG, xây dựng các cảng, kho chứa LNG và tái hóa khí nhằm nâng cao khả năng cung cấp khí cho nhu cầu thị trường trong nước trong giai đoạn đến 2015, định hướng đến 2025.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành chính sách giá khí hợp lý nhằm đưa ra được hệ thống định giá khí linh hoạt, phương án trộn giá khí để đảm bảo khuyến khích tài chính cho đầu tư khai thác các mỏ khí đặc biệt là các mỏ nhỏ, nước sâu, xa bờ, mỏ có hàm lượng CO2 cao, …, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh của nguyên, nhiên liệu khí với các nguyên, nhiên liệu thay thế khác, xây dựng lộ trình cải cách thị trường khí giai đoạn trước năm 2020.

- Tiếp tục xem xét bổ sung và điều chỉnh nội dung Quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển của ngành dầu khí Việt Nam và các biến động của công nghiệp khí thế giới; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp khí có điều kiện phát triển, nâng cao và hoàn thiện năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới.

- Chủ trì thẩm định và phê duyệt bổ sung Quy hoạch đối với các dự án kho LPG thương mại có công suất kho dưới 5.000 tấn.

- Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, trình duyệt theo quy định hiện hành trong năm 2011.

2. Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong phạm vi chức trách được giao, triển khai cụ thể hóa các giải pháp, chính sách nêu trên và hỗ trợ chủ đầu tư trong việc thu xếp vốn cho các dự án trọng điểm về công nghiệp khí trong Quy hoạch.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải và các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn liền với sự phát triển cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp khí để có tác động hỗ trợ liên ngành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
 - Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, QHQT, TH;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b)

THỦ TƯỚNG


 

(Đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN KHÍ ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2015,                                            ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2011 của                           Thủ tướng Chính phủ)

 

I. KHÍ THIÊN NHIÊN

TT

Công trình

Thời điểm bắt đầu vận hành

Công suất dự kiến
(Tỷ m3/năm)

Chiều dài (Km)

I

Các đường ống thu gom khí

 

 

 

A

Bể Cửu Long

 

 

 

1

Hệ thống thu gom khí cụm mỏ Rồng, Nam Rồng, Đồi Mồi – Bạch Hổ

2010

0,4

47

2

Hệ thống thu gom khí từ mỏ Hải Sư Trắng, Hải Sư Đen, Tê Giác Trắng về Bạch Hổ

2011

0,8

20

3

Đường ống thu gom khí Sư Tử Trắng về Sư Tử Vàng

2012

2

20

4

Hệ thống thu gom khí cụm mỏ Lô 01&02 (Ruby, Pearl, Topaz, Diamond, Jade, Emerald) Rạng Đông

2014

1,3

54

5

Đường ống thu gom khí mỏ Thăng Long, Đông Đô về Emerald

2014

0,1

30

B

Bể Nam Côn Sơn

 

 

 

1

Đường ống thu gom khí mỏ Lan Đỏ - Lan Tây

2012

2

25

2

Đường ống thu gom khí mỏ Chim Sáo – Nam Côn Sơn 1

2012

1

68

3

Đường ống thu gom khí mỏ Hải Thạch, Mộc Tinh về Nam Côn Sơn 1 (KP-75)

2013

4,5

56

4

Đường ống thu gom khí mỏ Rồng Vĩ Đại – Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây

2017

0,3

20

5

Đường ống thu gom khí Hải Âu, Thiên Nga về mỏ Chim Sáo

2019

0,8

20

6

Đường ống thu gom khí mỏ Kim Cương Tây, Nguyệt Thạch về Hải Thạch

2017-2018

0,5

20

7

Đường ống thu gom khí Đại Hùng – Nam Côn Sơn 2

2013-2015

0,1

30

8

Đường ống thu gom khí các mỏ Lô 04 – 3 & 04 – 1 về Thiên Ưng

2018

2-4

20

9

Hệ thống thu gom khí từ bể Tư Chính – Vũng Mây về Hải Thạch

2019

2

200

C

Bể Ma Lay – Thổ Chu

 

 

 

1

Đường ống thu gom khí mỏ Hoa Mai – PM3_CAA

2013

0,4

20

2

Đường ống thu gom khí Ác Quỷ/Kim Long – Cá Voi (Lô B, 48/95&52/97)

2014

-

-

3

Đường ống thu gom khí từ cụm mỏ Lô 46 – 2 (Khánh Mỹ - Phú Tân – Rạch Tàu …)

2019

0,6

50

D

Bể Sông Hồng

 

 

 

1

Đường ống thu gom khí mỏ Bạch Long – Hồng Long

2017

0,3

20

2

Đường ống thu gom khí mỏ A/Cá Voi Xanh/Cá Heo – Sư Tử Biển (Lô 117)

2019

1

115

II

Các đường ống chính ngoài khơi

 

 

 

1

Hệ thống đường ống Nam Côn Sơn 2 (Hải Thạch – Vũng Tàu)

2013-2014

7

325

2

Đường ống Lô B – Ô Môn

2014

7

398

3

Hệ thống đường ống từ mỏ Hồng Long, Hoàng Long, Bạch Long, Hàm Rồng, Thái Bình về tỉnh Thái Bình

2014-2016

2-4

80

4

Hệ thống đường ống từ lô 112-113-111/04 (mỏ Báo Vàng) về tỉnh Quảng Trị

2014-2016

1-3

120

5

Hệ thống đường ống từ mỏ lô 117-118-119 về tỉnh Quảng Ngãi/Quảng Nam

2014-2017

2-4

120

6

Hệ thống đường ống từ bể Phú Khánh về tỉnh Bình Thuận/Bà Rịa – Vũng Tàu

2017

2

120

7

Hệ thống đường ống khí bể Tư Chính – Vũng Mây về Nam Côn Sơn 2

2017-2025

 

 

III

Các Đường ống trên bờ

 

 

 

1

Đường ống từ kho tái hóa khí LNG – GDC hiện hữu

2014-2017

-

-

2

Đường ống kết nối Đông – Tây (Hiệp Phước – Ô Môn)

2015-2017

2-5

145

3

Đường ống Phú Mỹ - Nhơn Trạch – TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2

2015-2020

-

57

4

Đường ống GDC Nhơn Trạch – KCN Nhơn Trạch

2013

3

15

5

Đường ống GDC Hiệp Phước – KĐT Thủ Thiêm

2014

1,3

18

6

Đường ống KCN Nhơn Trạch – KCN Long Thành – Biên Hòa

2017

-

24

7

Đường ống GDC Hiệp Phước – Bình Chánh – Đức Hòa

2017

-

45

8

Đường ống Cần Đước – Đức Hòa (Long An)

2017

-

40

9

Đường ống nối từ KCN của Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương, Thủ Đức

2021

1,3

45

10

Hệ thống đường ống khu vực tỉnh Thái Bình

2014

1 - 3

30

11

Hệ thống đường ống khu vực Đồng bằng Sông Hồng (Thái Bình đi các tỉnh lân cận)

2014-2020

2 – 6

250

12

Hệ thống đường ống từ kho LNG phía Bắc kết nối với Hệ thống đường ống khu vực Đồng bằng Sông Hồng

2014-2020

4 – 6

180

13

Hệ thống đường ống từ Quảng Trị - Quảng Ngãi/Quảng Nam

2020

-

 

IV

Nhà máy xử lý khí

 

 

 

1

Nhà máy xử lý khí tại Cà Mau

2014

4 – 7

 

2

Nhà máy xử lý khí tại Thái Bình

2013-2015

1 - 3

 

3

Nhà máy xử lý khí NCS2 tại Bà Rịa – Vũng Tàu (giai đoạn 1)

2013-2014

1 - 3

 

4

Nhà máy xử lý tại Quảng Trị

2014-2017

1 - 3

 

5

Nhà máy xử lý khí tại Quảng Ngãi/Quảng Nam

2014-2017

1 – 4

 

6

Nhà máy xử lý khí NCS2 tại Bà Rịa – Vũng Tàu (giai đoạn 2)

2018

1 – 2

 

V

Kho nhập LNG

 

 

 

1

Kho LNG Nam bộ (giai đoạn 1)

2014-2015

1 – 3 triệu tấn

 

2

Kho LNG Nam bộ (giai đoạn 2)

2017-2020

3 – 5 triệu tấn

 

3

Kho LNG Nghi Sơn – Thanh Hóa

2014-2020

2 – 3 triệu tấn

 

4

Kho LNG mới tại Nam Bộ/Nam Trung bộ hoặc địa điểm khác (1-2 kho)

2015-2018

-

 

5

Kho LNG tại Bắc Bộ

-

-

 

II. KHÍ DẦU MỎ HÓA LỎNG (LPG)

TT

Khu vực

Cảng

Công suất kho mở rộng và xây mới (tấn)

Tổng cộng (tấn)

2010-2015

2016-2025

I

Bắc bộ

 

 

 

 

 

Hải Phòng

Đình Vũ

5.000

6.000

7.500

Lạch Huyện

10.000

40.000

50.000

II

Bắc Trung bộ

 

 

 

1

Thanh Hóa

Nghi Sơn

8.100

 

8.100

2

Hà Tĩnh

Vũng Áng

 

3.500

3.500

III

Nam Trung Bộ

 

 

 

1

Đà Nẵng

Thọ Quang

3.000

6.000

9.000

2

Quảng Ngãi

Dung Quất

3.000

3.000

6.000

IV

Nam bộ

 

 

 

 

1

Bà Rịa – Vũng Tàu

Thị Vải (Kho lạnh)

60.000

8.100

68.100

Cái Mép

 

20.000

20.000

2

Đồng Nai

Tiền Giang (Kho lạnh)

84.000

 

84.000

Gò Dầu

 

4.000

4.000

Trà Nóc

 

2.000

2.000

III. TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ CHO CÔNG NGHIỆP KHÍ GIAI ĐOẠN NĂM 2010-2025

Đơn vị tính: triệu USD

STT

Loại công trình

Nhu cầu vốn theo giai đoạn

Tổng

2010 – 2015

2016 – 2025

PA
Cơ sở

PA
Cao

PA
Cơ sở

PA
Cao

PA
Cơ sở

PA
Cao

I

Hệ thống đường ống (HTĐÔ) khí

2.849

2.874

1.267

3.784

4.116

6.658

1

HTĐÔ khai thác/thu gom khí

729

754

34

1.101

763

1.855

2

HTĐÔ vận chuyển khí ngoài khơi

1.679

1.679

1.037

1.743

2.716

3.422

3

HTĐÔ vận chuyển khí trên bờ

441

441

196

940

637

1.381

II

Trạm tách, xử lý khí

1.303

1.383

980

1.383

2.283

2.766

III

Kho LPG

238

268

420

567

658

835

IV

Kho nhập khẩu LNG

924

924

950

1.346

1.874

2.270

Tổng nhu cầu vốn đầu tư

5.314

5.449

3.617

7.080

8.931

12.529

 

 

 

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động