RSS Feed for Phát triển năng lượng xanh cho mùa xuân vĩnh hằng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 03:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển năng lượng xanh cho mùa xuân vĩnh hằng

 - Quá trình phát triển hàng nghìn năm của nhân loại, đặc biệt trong hai thế kỷ vừa qua, con người đã sử dụng quá mức tài nguyên của trái đất. Trong lĩnh vực năng lượng, tiêu thụ năng lượng thương mại toàn thế giới trong hai thế kỷ qua tăng hơn một ngàn lần: Năm 1800 chỉ tiêu thụ 11 triệu TOE than đá, năm 2005 tổng tiêu thụ lên tới 11.500 triệu TOE. Con người đã nhận thức thấm thía rằng, hành tinh của chúng ta là hữu hạn, có thể mất mùa xuân, cần được bảo vệ và chung sống. Nhiều nguyên tắc phát triển được đề xuất như: nguyên tắc 3E (Economy-Energy-Environmet); Phát triển bền vững( Sustanabile development); Tăng trưởng xanh(Green growth)... Các nguyên tắc, quan điểm phát triển đều có chung mục tiêu là điều chỉnh hành vi của con người chung sống với hành tinh, với thiên nhiên, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, phục vụ lâu dài cho con người.

>> “Thần than” đồng bằng Sông Hồng có nhỡ “chuyến tàu” công nghiệp hóa? (Kỳ 1)
>> An ninh điện lực và kiến nghị bổ sung Luật Điện lực
>> Quy hoạch năng lượng tổng thể - Cơ sở khoa học, pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng
>> Phát triển nhiệt điện chạy than Việt Nam và những thách thức
>> Phản biện, kiến nghị quy hoạch phát triển ngành và dự án năng lượng quốc gia

TS. Bùi Huy Phùng
Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

 

Mở đầu

Tăng trưởng xanh là một phương thức, một mô hình mới, được nhiều nước trên thế giới quan tâm thực hiện. Tăng trưởng xanh là một quá trình cơ cấu lại nền kinh tế quốc dân, xây dựng lại cơ sở hạ tầng, nhằm sử dụng mọi nguồn lực hiệu quả hơn, tăng trưởng và phát triển hài hoà, bền vững.

Thời gian gần đây, Việt Nam đã cam kết và cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các cương lĩnh có tính thời đại như: Công ước về biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững; Tăng trưởng xanh... Những nội dung này đều phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2020: "Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động với biến đổi khí hậu.”

 

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong vài chục năm tới

Từ những định hướng chiến lược, các quy hoạch năng lượng và một số nghiên cứu liên quan cho thấy, nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới lớn và tăng nhanh. Một số kết quả dự báo được trình bày dưới đây.

Nhu cầu điện theo Quy hoạch điện VII, đã được Chính phủ phê duyệt [1], được trình bày trong bảng 1.

Bảng 1- Dự báo phát triển nguồn điện và yêu cầu than cho nhiệt điện.

                                                 2015               2020           2025          2030

    Tổng CS nguồn, MW          43.000          75.000         97.000       147.000

     Tổng SXĐ, tỷ kWh           194-210         330-362      489-561      695-834

    Trong đó NĐ Than

           - Tổng CS, MW             15.000            32.000         45.000      77.000

           - SX điện, tỷ kWh                85                  156             246           394

           - Tiêu thụ than, tr. tấn           32                 78                118           171

           - Khả năng cung cấp, tr.tấn  28                 36                  61             63

             (theo QH Than - 2012)

Nhu cầu than sử dụng trong nước, theo Quy hoạch ngành than, mới được Chính phủ phê duyệt 1-2012, [2], được trình bày trong bảng 2.

Bảng 2. Dự báo nhu cầu than sử dụng trong nước

Triệu tấn

 

Nhu cầu than

2012

2015

2020

2025

2030

PA cơ sở

PA cao

PA cơ sở

PA cao

PA cơ sở

PA cao

PA cơ sở

PA cao

PA cơ sở

PA cao

Tổng

32,9

33,7

56,2

60,7

112,4

120,3

145,5

177,5

220,3

270,1

Trong đó cho sản xuất điện

14,4

15,2

33,6

38,0

82,8

90,8

112,7

144,7

181,3

231,1

 

Kết quả dự báo nhu cầu năng lượng Việt Nam của môt số nghiên cứu khác [6,7], tuy có thấp hơn dự báo từ các quy hoạch, nhưng yêu cầu cũng rất lớn, tổng nhu cầu điện năng vào 2020 khoảng 220 tỷ kWh, 2030 khoảng 448 tỷ kWh; tổng nhu cầu than nói chung tương ứng theo giai đoạn khoảng 80 tr. tấn và 150 - 160 tr. tấn; nhu cầu dầu - khí tương ứng 36 và 60 tr.TOE.

Phát thải khí nhà kính (KNH)

Những năm qua, phát thải KNK trong năng lượng nói chung (gồm sản xuất điện, giao thông vận tải, sử dụng nhiên liệu trong công nghiệp, dân dụng...) tăng nhanh; năm 2000 lĩnh vực năng lượng phát thải khoảng 52,7 tr. tấn CO2tđ, chiếm 35% tổng phát thải quốc gia; theo số liệu ước tính của tài liệu Thông báo quốc gia lần 2 về biến đổi khí hậu [4], phát thải KNK trong lĩnh vực năng lượng năm 2010 là 113 tr. tấn, chiếm 67%; năm 2020 là 251 tr. tấn, chiếm 83%, năm 2030 là 470 tr. tấn CO2tđ, chiếm trên 90% tổng phát thải KNK quốc gia.

Ước tính lượng phát thải KNK của Việt Nam năm 2010 - 2030, tr. tấn CO2tđ, từ TBQG 2, như sau:

          Lĩnh vực                  2010                  2020               2030

          Năng lượng               113,1                 251,0              470,8

            - Trong đó NĐT*        21                     160                250

          Nông nghiệp              65,8                   69,5               72,5

          LULUCF**              -9,7                    -20,1             -27,9

           Tổng                        169,2                 300,4             515,8

        * Số liệu tính toán bổ sung của tác giả.

** LULUCF: Lĩnh vực lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất

Từ số liệu trên cho thấy, nhiệt điện đốt than đã và sẽ tăng phát thải KNK lớn, đặc biệt vào giai đoạn 2020 - 2030, chiếm tới trên 60% tổng phát thải quốc gia. Đây là một thách thức đối với chiến lược tăng trưởng xanh!

Chiến lược tăng trưởng xanh

Ngày 25/9/2012, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”. Đây là một văn kiện quan trọng cụ thể hóa nội dung Phát triển bền vững của đất nước [5].

 Mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

- Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, với giá trị gia tăng cao.

- Nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải KNK, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

- Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.

Nhiệm vụ chiến lược liên quan tới ngành năng lượng

Giảm cường độ phát thải KNK và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT) theo những chỉ tiêu chủ yếu sau:

Giai đoạn 2011 - 2020: Giảm cường độ phát thải KNK từ 8 - 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm. Giảm lượng phát thải KNK trong các hoạt động năng lượng từ 10% - 20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó, mức tự nguyện khoảng 10%, số 10% còn lại là mức có thêm hỗ trợ quốc tế.

Định hướng đến năm 2030: Giảm mức phát thải KNK mỗi năm ít nhất 1,5 - 2%, giảm lượng phát thải KNK trong các hoạt động năng lượng từ 20% - 30% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó, mức tự nguyện khoảng 20%, số 10% còn lại là mức có thêm hỗ trợ quốc tế.

Định hướng đến 2050: Giảm mức phát thải KNK mỗi năm 1,5 - 2%.

Một số mục tiêu, nội dung trong chiến lược tuy còn cần cụ thể hoá trong quá trình thực hiện nhưng đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam, sự đồng thuận với cộng đồng quốc tế trong sự nghiệp ứng phó với BĐKH, phát triển xanh cho mùa xuân vĩnh hằng.

Khai thác, sử dụng năng lượng hiệu quả cho mùa xuân vĩnh hằng

Nguồn thủy điện

Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật - môi trường về thuỷ điện được đánh giá khoảng 70 - 75 tỷ kWh. Đến nay, chúng ta đã khai thác khoảng 60% tiềm năng. Thủy điện trước đây đóng góp tới trên 70% lượng điện sản xuất, nhưng năm 2010, tỷ trọng này chỉ còn chưa đầy 30%, dự kiến đến 2020 khoảng 20% và 2030 khoảng 10%. Thực tế thời gian qua, chúng ta xây dựng thuỷ điện với quy hoạch chưa tốt, đặc biệt là thuỷ điện vừa và nhỏ, mới chú ý tới hiệu quả phát điện là chính, chưa quan tâm đầy đủ việc sử dụng tổng hợp nguồn nước, chưa chú ý đầy đủ phòng lũ hạ lưu cũng như quy trình vận hành hệ thống công trình thuỷ điện bậc thang, thậm chí một số công trình chưa kiểm định đã chạy, không tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, trồng rừng thay thế... đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thật đáng mừng, ngày 23/12/2012, thủy điện Sơn La, công suất 2.400MW, lớn nhất Đông Nam Á, đã được khánh thành đưa vào chính thức hoạt động, hàng năm có thể cung cấp cho đất nước khoảng 10 tỷ kWh. Một điều đáng mừng nữa là sau những sự cố liên quan thuỷ điện và nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cơ quan chức năng, Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo rà soát công tác xây dựng thủy điện trên phạm vi toàn quốc 2 đợt (năm 2010 và 2011). Bộ Công Thương đã báo cáo Quốc hội vào tháng 11/2012, theo đó, yêu cầu loại bớt 107 dự án, với tổng công suất trên 600MW và không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 156 vị trí có tiềm năng khoảng 335MW, bởi các dự án không đáp ứng những điều kiện quy định.

Mới đây, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì rà soát và bổ sung Nghị định: 72/2007/NĐ-CP-2007, về quản lý an toàn đập (theo văn bản số: 10237/VPCP, ngày 13/12/2012). Đây là những hoạt động được dư luận đánh giá tích cực, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, tài nguyên rừng, giữ màu xanh cho mùa xuân vốn có.

Hiện nay, cả nước còn trên 1.000 công trình và dự án thuỷ điện, với tổng công suất khoảng 25.000MW. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nơi tập trung nhiều thuỷ điện nhất là Tây Nguyên, có khoảng 50 dự án, dự kiến sử dụng khoảng 10.000 ha rừng. Với những thuỷ điện sử dụng rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh quốc gia là loại tài sản vô giá, không thể đưa phân tích kinh tế - tài chính như các loại tài nguyên khác. Đây là những bài toán đáng suy nghĩ và cần tiếp tục tìm lời giải. Thuỷ điện là nguồn năng lượng tái tạo, tuy nhiên ngày nay, khai thác thuỷ điện phải thận trọng về môi trường, môi sinh, phát triển bền vững. Hội thuỷ điện quốc tế đã đưa ra quan điểm chỉ xây dựng các “thuỷ điện bền vững”.

Nguồn than

Từ tài liệu quy hoạch ngành than [2] cho thấy, tổng tài nguyên - trữ lượng than của nước ta, tính đến 1/1/2011 là 48,7 tỷ tấn, trong đó than đá 48,4 tỷ, than bùn 0,3 tỷ tấn. Tài nguyên và trữ lượng huy động vào quy hoạch là 7,2 tỷ tấn, trong đó than đá 7 tỷ và than bùn 0,2 tỷ tấn.

Nguồn than đồng bằng Sông Hồng tuy được đánh giá có tiềm năng lớn, nhưng chưa thể đưa vào quy hoạch.

Theo quy hoạch, sản lượng khai thác than có thể đạt như sau:

         Năm 2012: 45-47 tr. tấn;         2015: 55-58 tr.tấn

         Năm 2020: 60-65 tr. tấn;         2025: 66-70 tr. tấn;                 2030:75 tr. tấn.

Riêng bể than ĐBSH, Quy hoạch than - 2012 chỉ mới ghi: Lựa chọn một số diện tích chứa than có triển vọng, có điều kiện địa chất - mỏ thích hợp để tiến hành thăm dò trong kỳ kế hoạch 2012 - 2015, phục vụ việc đầu tư khai thác thử nghiệm vào cuối kế hoạch; phấn đấu đến 2030 hoàn thành công tác thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện khai thác thuận lợi thuộc vùng Khoái Châu - Tiền Hải; đến 2020 có sản lượng 0,5-1 triệu tấn; 2025: 2 triệu; 2030: khoảng 10 triệu tấn. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch đối với than ĐBSH là chậm, chưa thoả đáng. Đã vậy, cho tới nay, kế hoạch khai thác thử nghiệm vẫn còn thảo luận, "Thần than" ĐBSH chắc nhỡ “chuyến tàu” công nghiệp hoá đất nước!

Vấn đề nhập than chủ yếu cho sản xuất điện mấy năm qua được đề cập khá nhiều, tuy nhiên chưa có giải pháp nào chắc chắn. Theo dự báo của những quy hoạch hiện có, yêu cầu nhập than với số lượng ngày càng lớn. Đây là vấn đề mà nhiều chuyên gia đã kiến nghị cần rà soát lại, có thực sự thiếu, phải nhập hàng trăm triệu tấn? Mặt khác, việc nhập than với khối lượng lớn là không dễ, nhiều nước cũng có nhu cầu nhập. Bởi vậy, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng từ nguồn than, tính ổn định, giá cả, xây dựng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận, kể cả việc đầu tư ra nước ngoài để có than. Thời gian qua, ngành than được đánh giá là chậm đổi mới cộng nghệ, một số chính sách đối với công nhân hầm mỏ chưa thoả đáng, khó nâng cao và phát triển đội ngũ này. Nếu Nhà nước, các ngành liên quan không quan tâm đầy đủ thì tính bền vững và an ninh năng lượng khó đảm bảo.

Nguồn dầu - khí

Theo đánh giá của ngành dầu - khí [1,3], trữ lượng dầu - khí của Việt Nam có thể thu hồi là 3,8 - 4,2 tỷ tấn dầu quy đổi (TOE), trữ lượng đã được xác minh khoảng 1,05 - 1,14 tỷ TOE, trong đó khí đốt chiếm trên 60%.

Dự báo khả năng khai thác dầu - khí giai đoạn tới 2030, kể cả đầu tư ra nước ngoài như sau:

                                            2010   2015    2020    2025       2030

 Dầu thô PA cơ sở (tr. tấn)     19,86   20,0      20,7    21,7         22,0

 - Trong đó nội địa               19,16  17         16,3     16,2        16

 Khí đốt tỷ m3                      8       11         17        17           17

Nguồn dầu - khí trong nước, với mức độ hiểu biết hiện nay, rõ ràng rất hạn chế, không thể đảm cho nhu cầu (như phần trên đã trình bày). Các nhà hoạch định chính sách cũng đã nhìn thấy bất cập này; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN cũng đang nỗ lực tìm giải pháp khắc phục, trong đó kể cả đầu tư ra nước ngoài để bổ sung sản lượng dầu. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn nhận một số hạn chế: Thiếu đồng bộ của quy hoạch phát triển dầu - khí so với quy hoạch điện, than, với quy hoạch, kế hoạch cung cấp khí cho một số công trình có chậm như: điện đạm Cà mau, Ô môn...

Gần đây, câu chuyện nhập khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) được nhiều người quan tâm, với mục đích bổ sung nguồn nhiên liệu có khả năng thiếu hụt, thay thế than, giảm phát thải KNK. Đây là quan điểm, ý đồ rất tích cực.

Tuy nhiên, việc này cũng cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng. Hiện nay, giá LNG là 15 - 16 USD/1 tr. BTU (tại châu Á). Nếu dùng cho nhà máy điện sử dụng công nghệ chu trình kết hợp khí - hơi hiện đại nhất, chi phí riêng LNG để sản xuất 1 kWh sẽ khoảng 11,5 cents, tương đương giá điện gió hiện nay ở Việt Nam!

Ngoài ra, để nhập LNG, cần phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng từ cảng, đường ống, kho bãi... Vấn đề này chúng tôi thiết nghĩ, cũng như nhập than, cần được xem xét tổng thể hơn, kỹ lưỡng hơn trong Quy hoạch năng lượng tổng thể, để làm rõ hơn vai trò của LNG trong cân bằng năng lượng quốc gia, lúc nào nên nhập và nhập bao nhiêu là hợp lý. Công việc này cũng không ngoài chiến lược tăng trưởng xanh.

Nguồn năng lượng tái tạo (NLTT)

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng năng NLTT lớn, tuy nhiên đến nay, các tài liệu, số liệu khảo sát, đo đạc còn thiếu và độ tin cậy thấp; về thể chế đã có quan tâm nhưng chưa đủ để khuyến khích đầu tư, phát triển sử dụng. Việc sử dụng năng lượng mặt trời để đun nước được đánh giá là bắt đầu có hiệu quả. Một số dự án điện gió như ở Ninh Thuận, Bạc Liêu... tuy giá thành điện còn khá cao nhưng bước đầu đã phát huy tác dụng.

Theo QHĐVII, dự kiến đưa tỷ lệ NLTT trong sản xuất điện đạt 4,5% vào năm 2020 và 6% vào 2030, như vậy tương ứng phải đạt 16 tỷ kWh (6 - 7 nghìn MW) và 42 - 45 tỷ kWh (15 - 20 nghìn MW). Trong bối cảnh hiện nay, với những tiến bộ công nghệ và yêu cầu của chiến lược tăng trưởng xanh, tỷ lệ này được đánh giá là còn thấp, cần phải nghiên cứu, nỗ lực hơn từ khảo sát, quy hoạch, lựa chọn công nghệ thích hợp, đầu tư và nội địa hoá dần để nâng cao hơn tỷ trọng NLTT, đáp ứng nhu cầu phát triển xanh, góp phần cho mùa xuân vĩnh hằng.

Sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm

Là khâu cực kỳ quan trọng, nó được đánh giá là tạo ra nguồn năng lượng xanh giá rẻ, là quốc sách thâm canh trong năng lượng. Tiến trình phát triển kinh tế và năng lượng đã có hiệu ứng “tách đôi” diễn ra từ những năm 50 của thế kỷ trước ở các nước công nghiệp phát triển, đó là hiện tượng tốc độ tăng trưởng năng lượng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Để đạt được điều này đồng thời với tiết kiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, phải nghiên cứu tái cơ cấu hợp lý nền kinh tế quốc dân, phát hiện và khuyến khích các ngành tiêu thụ ít năng lượng mà cho giá trị gia tăng cao. Đây là phương thức quan trọng để giảm tiêu thụ năng lượng, giảm cường độ điện/năng lượng đối với GDP, không thể chấp nhận cường độ điện đối với GDP ngày càng tăng như dự báo của QHĐ VII (2010 là 1; 2020 là 1,5; 2030 là 1,7); tiến hành nội dung này chính là góp phần tăng trưởng xanh.

Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia (QHNLTTQG)

Trong cả quá trình phát triển cho tới nay (2012), chúng ta đã xây dựng 7 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ); 5 Quy hoạch phát triển ngành than (QHT); 3 Quy hoạch phát triển dầu - khí (QHDK); 1 Dự thảo Quy hoạch năng luợng tái tạo (NLTT); 1 Chiến lược phát triển NLQG - 2007.

Các quy hoạch này đã góp phần quan trọng cho định hướng phát triển năng lượng. Tuy nhiên, ngành năng lượng có tính hệ thống rất cao, sản phẩm đầu vào của phân ngành này là đầu ra của phân ngành kia, nhưng hiện nay, chúng ta đang thực hiện các quy hoạch phân ngành một cách riêng lẻ, nên thiếu hài hoà, đồng bộ về khối lượng, vốn đầu tư, giá cả và cả về thời gian quy hoạch: Quy hoạch than ra sau Quy hoạch điện, Quy hoạch dầu - khí, NLTT thì chưa có. Các kết quả dự báo về nhu cầu, khả năng đáp ứng còn chênh lệch nhiều [9].

Một biện pháp cơ bản góp phần khắc phục những bất cập nói trên là nghiên cứu xây dựng QHNLTTQG nhằm tái cơ cấu ngành năng lượng, thực hiện phát triển xanh. Theo quan điểm lý thuyết hệ thống, ngành năng lượng là một hệ thống lớn, trong đó bao gồm các đối tượng năng lượng (hầm mỏ, cơ sở sản xuất chế biến, vận tải, xuất - nhập, tiêu thụ năng lượng...), hoạt động và phát triển không ngừng trên cơ sở các mối quan hệ vật lý - kỹ thuật, biến đổi và thay thế lẫn nhau (được gọi là các mối quan hệ trong) và các mối quan hệ với các ngành kinh tế quốc dân khác và môi trường (được gọi là các mối quan hệ ngoài), nhằm cung cấp năng lượng hiệu quả và bền vững. HTNL còn được phân cấp theo chuyên ngành gồm: phân ngành điện, than, dầu -khí, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân và phân cấp theo quy mô lãnh thổ: quốc gia, vùng, các trung tâm.

Nội dung cơ bản của QHNLTT: Xuất phát từ tình hình phát triển kinh tế - năng lượng quốc tế, chiến lược phát triển KT - XH của đất nước, điều kiện các nguồn năng lượng trong và ngoài nước (than, dầu, khí, thuỷ năng, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân…), tính thay thế lẫn nhau giữa chúng, tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu bảo vệ môi trường, tính toán đồng thời và xây dựng phương án hợp lý phát triển hệ thống năng lượng hiệu quả, bền vững trong suốt thời gian quy hoạch. Bằng phương pháp khoa học và công cụ tính toán hiện đại, mà hiện nay ở Việt Nam đã được chuyển giao và nghiên cứu, có thể giải quyết được bài toán lớn này [7,8 ].

QHNLTT là cơ sở khoa học để xây dựng quy hoạch các phân ngành năng lượng, là tiền đề cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. Bởi vậy, nó là giải pháp để xây dựng cơ cấu hợp lý phát triển các phân ngành năng lượng, là giải pháp cụ thể hoá chiến lược tăng trưởng xanh, phù hợp với quan điểm, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của quốc gia, góp phần cho mùa xuân vĩnh hằng.

Thể chế và thị trường năng lượng

Trong quá trình phát triển, ngành năng lượng Việt Nam không ngừng hoàn thiện về thể chế, hướng tới phát triển và hoạt động hiệu quả, hài hoà giữa các phân ngành năng lượng. Những năm gần đây, năng lượng cũng đang chuyển đổi sang cơ chế thị trường có định hướng quản lý của Nhà nước. Đến nay, về quản lý Nhà nước có Chính phủ, Bộ Công Thương; trực thuộc Bộ có Tổng cục Năng lượng, Cục Điều tiết Điện lực; trực tiếp vận hành ngành năng lượng có 3 tập đoàn chính: Điện lực (EVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí Việt Nam (PVN) và những đơn vị tư nhân. Cùng với cả nước, các tập đoàn trong ngành năng lượng đang tiến hành tái cơ cấu. Vừa qua, ngày 23/11/2012, Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của EVN giai đoạn 2012-2015. Đây là những hoạt động tích cực bước đầu rất đáng khích lệ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nội dung tái cấu trúc không nên chỉ dừng lại ở xác định ngành nghề kinh doanh, thoái vốn đối với những kinh doanh trái ngành, tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp... Đặc biệt đối với ngành năng lượng, có tính hệ thống cao, việc nghiên cứu tái cấu trúc cần được xem xét tổng thể hơn, không chỉ trong từng phân ngành điện, than, dầu - khí, mà trong cả ngành năng lượng.

Câu chuyện giá điện/giá năng lượng vẫn luôn được người dân, các chuyên gia, các nhà quản lý quan tâm, bởi giá là đòn bẩy cho phát triển sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội. Hiện nay, công tác kiểm toán, công bố giá thành sản xuất năng lượng đang được chú ý. Tháng 12/2012, EVN vừa công bố giá thành sản xuất điện năm 2011; đây là những hoạt động bước đầu thể hiện tính nghiêm túc trong sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, giá điện chỉ là một thành phần của giá năng lượng. Để có thể giải quyết vấn đề cơ bản hơn, cần nghiên cứu, rà soát giá năng lượng nói chung từ điện, than, dầu, khí, trên cơ sở đó mới có thể cân đối, hài hoà, làm tăng tính minh bạch.

Công việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh là nội dung quan trọng, có tính chiến lược. Vừa qua, Quốc hội, Nhà nước, Bộ Công Thương, EVN, các ngành liên quan đã rất quan tâm nghiên cứu xây dựng mô hình, lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện. Qua một thời gian thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1), tuy thời gian còn ngắn và chưa có những đánh giá cụ thể nhưng nhiều chuyên gia có nhận xét đã bộc lộ những bất cập về mô hình thị trường, cơ chế tổ chức, chức năng các đơn vị điều hành, quản lý chưa được làm rõ, còn tập trung, trùng chéo. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường điện, giá điện nên được thực hiện thận trọng, có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước và giải quyết hài hoà với than, dầu - khí.

Xây dựng thể chế và thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh là những yếu tố quan trọng, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh cho mùa xuân vĩnh hằng.

Vài lời kết

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong vài thập niên tới yêu cầu lớn và tăng nhanh, các nguồn năng lượng trong nước không phải dồi dào. Để đáp ứng đầy đủ năng lượng cho phát triển bền vững quốc gia, ngành năng lượng Việt Nam còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để góp phần phát triển bền vững, ngành Năng lượng cần những nghiên cứu kỹ lưỡng, khách quan, xây dựng QHNLTTQG, rà soát nhu cầu đích thực, khả năng cung cấp năng lượng cũng như các điều kiện liên quan, điều mà mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương và các ngành liên quan thực hiện. Các kết quả sẽ tạo cơ sở khoa học, pháp lý cho tái cấu trúc các phân ngành năng lượng, xây dựng cơ cấu hợp lý; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, giảm phát thải KNK, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng. Đây chính là thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đối với ngành năng lượng, góp phần cho mùa xuân xanh tươi vĩnh hằng.

      NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Á châu "Mùa biển động"
"Tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác"
Bắc Triều sẵn sàng cho 'bước chuyển mình vĩ đại'
"Con tim kiều bào cùng nhịp đập đất Mẹ Việt Nam"
Trước nguy cơ đại chiến Trung - Nhật
Tái cơ cấu nền kinh tế: 'Làm thật, chứ đừng nói... chơi'

                                           

Tài liệu tham khảo

1. QHĐ VII, 7-2011.

2. QH phát triển ngành than VN, 1-2012.

3. DT QHPT ngành dầu - khí giai đoạn 2006 - 2015 định hướng đến 2025, Hà Nội 2007.

4. Thông báo quốc gia lần thứ 2 về BĐKH, Hà Nội, 2010.

5. Chiến lược quốc gia về phát triển xanh, số: 1393/QĐTTg, ngày 25/9/2012.

6. Nguyễn Mạnh Hiến - Phát triển cơ sở hạ tầng điện lực đến năm 2020, BCHT - Xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng đến năm 2020, HHNLVN, Hà Nội tháng/ 5/2012.

 7. Bùi Huy Phùng và cs. Nghiên cứu phương án tổng thể khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng VN, BCĐT thuộc CTKH&CN trọng điểm. Bộ CN, GĐ 2001 - 2005 (Viện KH&CN VN, tháng 8/2005.

 8. Bùi Huy Phùng, Phương pháp tính toán tối ưu phát triển bền vững HTNL, NXB KH&KT, Hà Nội - 2011.

9. Bùi Huy Phùng, Quy hoạch năng lượng tổng thể - cơ sở khoa học và pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng, TCNLVN, số 89-90/2012.

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động