RSS Feed for Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam [Kỳ cuối]: Việt Nam cần làm gì? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 22:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam [Kỳ cuối]: Việt Nam cần làm gì?

 - Việc phát triển ngành điện Việt Nam theo hướng nâng cao hiệu quả (có sự tham gia của các thành phần kinh tế) và thân thiện với môi trường (với sự gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo) đòi hỏi hệ thống điện phải ngày càng trở nên thông minh và minh bạch hơn. Lưới điện thông minh là giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu phát triển và khắc phục tình trạng không có cạnh tranh của thị trường điện.


Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam [Kỳ 1]: Giới thiệu tổng quan


KỲ 2: ĐỂ PHÁT TRIỂN LƯỚI ĐIỆN THÔNG MINH - VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ?

Lưới điện thông minh (LĐTM) là lưới điện được hiện đại hóa sử dụng công nghệ thông tin và mạng truyền thông để thu thập thông tin về sản xuất, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện, cho phép tự động nâng cao hiệu quả, độ tin cậy, lợi ích kinh tế, cũng như tính bền vững trong tất cả các khâu.

Các quy tắc phát triển LĐTM đã được xác định ở Mỹ trong USCTC 42 152 IX § 17381 [1], ở châu Âu trong “Nền tảng Công nghệ châu Âu về Lưới thông minh” [2], ở Nga trong “Các qui định chính về hệ thống điện thông minh với lưới điện chủ động thích ứng” (IES AAS) [3].

Sự phát triển công nghệ LĐTM đồng nghĩa với việc tổ chức lại cơ bản thị trường điện, mặc dù thực tế thuật ngữ LĐTM có vẻ chỉ liên quan đến phát triển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật [4].

Hình 1. So sánh lưới điện truyền thống và LĐTM.

   Hình 2. Mô hình cấu trúc của LĐTM.


Lịch sử phát triển lưới điện

Trong thế kỷ 19: Lưới điện là một hệ thống truyền tải và phân phối một chiều với đặc tính: "cầu" điều khiển "cung", và có không gian rất hẹp. Lưới điện xoay chiều đầu tiên được lắp đặt vào năm 1886 [5].

Đầu thế kỷ 20: Các mạng điện được phát triển theo khu vực, sau đó được kết nối với nhau vì lý do kinh tế và để nâng cao độ tin cậy của toàn bộ hệ thống. Đến những năm 1960, lưới điện ở các nước công nghiệp đã phát triển theo cấp số nhân, và được kết nối với nhau thông qua hàng nghìn “trung tâm” phát điện. Cấu trúc liên kết lưới của những năm 1960 là kết quả được hình thành nhờ các cơ sở phát điện quy mô lớn. Các nhà máy nhiệt điện (chạy than, khí đốt và dầu) có quy mô 1÷3 GW đã có hiệu quả kinh tế cao nhờ tối ưu hóa chi phí để tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Các nhà máy này được xây dựng ở gần mỏ than hoặc giếng dầu, gần đường sắt, đường bộ hoặc cảng. Các nhà máy thủy điện được xây dựng ở các vùng núi, xa các trung tâm phụ tải. Các nhà máy điện hạt nhân cũng rất kén chọn địa điểm. Tất cả các yếu tố khách quan này đều ảnh hưởng đáng kể đến cấu trúc của lưới điện.

Tuy nhiên, vào cuối những năm 1960, lưới điện đã đến được với đa số người tiêu dùng ở các nước phát triển, và chỉ một số khu vực vùng sâu vùng xa nằm ‘ngoài lưới’.

Ban đầu, việc đo đếm điện năng được thực hiện riêng cho từng hộ. Do hạn chế về khả năng thu thập và xử lý dữ liệu, chỉ có biểu giá cố định, sau đó là biểu giá kép được áp dụng. Việc áp dụng các biểu giá này đã làm tăng lợi nhuận của các nhà sản xuất và truyền tải điện. Vì vậy, trong những năm 1960, lưới điện không có khả năng phản ánh chi phí thực của điện năng tại bất kỳ thời điểm nhất định nào.

Trong những năm 1970÷1990, “cầu” về điện tăng nhanh hơn “cung”. Nhiều khu vực, nguồn điện không đáp ứng kịp nhu cầu, đặc biệt là trong giờ cao điểm, dẫn đến chất lượng cung cấp điện bị giảm (sự cố tăng và dao động điện áp tăng). Người dùng điện ngày càng bị phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện đã yêu cầu phải nâng cao mức độ tin cậy trong cung cấp điện dựa trên các dự báo tin cậy về nhu cầu điện.

Từ những năm 1970, ở Liên Xô, Mỹ, và châu Âu người ta đã bắt đầu nghiên cứu về tính thông minh (chủ yếu là tự chuẩn đoán) của lưới điện với nhiệm vụ chính là tăng độ tin cậy trong hoạt động của thiết bị và khả năng điều khiển từ xa.

Vào cuối thế kỷ 20: Các mô hình dự báo về nhu cầu điện đã được phát triển. Nhu cầu điện trong giờ cao điểm được đáp ứng bằng các ‘tổ máy phát điện cao điểm’. Các tổ máy này thường là tua bin khí có chi phí so sánh thấp và có thể khởi động nhanh. Nhưng, chúng chỉ được sử dụng vào giờ cao điểm và trở nên "dư thừa" trong giờ thấp điểm, nên giá điện tua bin khí đã tăng lên đáng kể.

Vào đầu thế kỷ 21: Đã xuất hiện các cơ hội sử dụng những tiến bộ kỹ thuật trong công nghệ điện tử để loại bỏ những khiếm khuyết và giảm giá thành của lưới điện. Các giải pháp công nghệ cho phép khống chế các phụ tải điện trong những giờ cao điểm của các hộ tiêu dùng với mức độ ảnh hưởng như nhau. Các quốc gia tiêu dùng nhiều điện (Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil) đã bắt đầu áp dụng các giải pháp này [6].

Đồng thời, vấn đề môi trường trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã dẫn đến việc phát triển mạnh hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Chi phí đầu tư điện mặt trời và điện gió đang giảm nhanh chưa từng thấy. Tuy nhiên, các nguồn điện này rất không ổn định, đã đặt ra sự nghi vấn về việc phát triển các trung tâm điện mặt trời và điện gió lớn, và đòi hỏi phải có các hệ thống điều khiển thông minh hơn để kết nối các nguồn này với hệ thống lưới điện có điều khiển. Hệ thống điều khiển thông minh ra đời đã cho phép phát triển điện mặt trời và điện gió một cách có hiệu quả theo hướng chuyển dịch từ “tập trung lớn” sang “phân tán cao”.

Cuối cùng, những lo ngại ngày càng tăng về chủ nghĩa khủng bố ở một số quốc gia đã dẫn đến nhu cầu về một hệ thống điện đáng tin cậy hơn, ít phụ thuộc hơn vào các nhà máy điện tập trung - mục tiêu tiềm tàng của một cuộc tấn công [7].

Quá trình hoàn thiện lưới điện

Thuật ngữ “lưới điện thông minh” đã xuất hiện từ năm 2003 trong bài báo “Nhu cầu về độ tin cậy sẽ thúc đẩy đầu tư” của Michael T. Burr [8], trong đó đã liệt kê một số định nghĩa về chức năng và công nghệ, cũng như một số lợi ích của LĐTM. Một điểm chung trong hầu hết các định nghĩa là áp dụng việc xử lý dữ liệu và truyền thông kỹ thuật số vào lưới điện. Khả năng tích hợp rộng rãi các công nghệ kỹ thuật số, cũng như tích hợp mạng truyền thông số để điều khiển các quá trình và vận hành hệ thống tối ưu, là những vấn đề công nghệ then chốt trong LĐTM. Ngành điện đang được chuyển đổi theo ba cấp: Cải thiện cơ sở hạ tầng; áp dụng kỹ thuật số - bản chất của LĐTM và chuyển đổi các quy trình kinh doanh để LĐTM trở nên có hiệu quả.

Các công nghệ cơ bản của LĐTM đã xuất hiện từ những nỗ lực ban đầu trong việc sử dụng điều khiển, đo lường và giám sát bằng điện tử. Năm 1980, việc đọc công tơ tự động được sử dụng để theo dõi mức tiêu thụ năng lượng của các khách hàng lớn và phát triển thành công tơ điện thông minh của những năm 1990, cho phép lưu trữ thông tin về việc sử dụng điện vào các thời điểm khác nhau trong ngày [9]. Công tơ điện thông minh có liên lạc liên tục với nhà sản xuất điện, cho phép việc giám sát diễn ra theo thời gian thực và có thể được sử dụng làm giao diện cho các thiết bị phản ứng nhanh và phích cắm thông minh.

Các hình thức quản lý nhu cầu ban đầu là các thiết bị ghi nhận một cách thụ động phụ tải trên hệ thống điện bằng cách giám sát các thay đổi về tần số của nguồn điện. Các thiết bị chạy điện công nghiệp và gia dụng (máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, máy sưởi v.v...) có thể điều chỉnh chu kỳ hoạt động của chúng để tránh khởi động trong thời gian cao điểm của lưới.

Từ năm 2000, dự án Telegestore của Ý đã áp dụng công nghệ băng thông rộng cho một mạng điện lớn của 27 triệu ngôi nhà (có sử dụng công tơ điện thông minh) được kết nối qua một mạng kỹ thuật số sử dụng chính đường dây tải điện [10]. Sau đó, công nghệ không dây đã được sử dụng trong cấu trúc liên kết lưới để kết nối đáng tin cậy hơn với các thiết bị khác nhau trong một ngôi nhà, cũng như hỗ trợ đo đếm cho các tiện ích khác như khí đốt và nước.

Cuộc cách mạng giám sát và đồng bộ hóa mạng WAN diễn ra vào đầu những năm 1990 khi cơ quan Bonneville Power Administration của Mỹ mở rộng nghiên cứu về LĐTM với các cảm biến có khả năng phân tích rất nhanh các dị thường về chất lượng điện trên các quy mô rất về lớn địa lý. Công việc này đã đạt đến đỉnh cao trong Hệ thống đo lường diện rộng (WAMS) đầu tiên vào năm 2000 [11]. Nhiều quốc gia đã ngay lập tức áp dụng công nghệ này, ví dụ như Trung Quốc [12].

 

Các yếu tố thúc đẩy LĐTM

LĐTM trên thế giới được coi là:

1/ Một bước chuyển đổi sáng tạo, tiên phong của ngành điện trong kỷ nguyên số.

2/ Thể hiện vai trò/vị trí ngày càng quan trọng của ngành điện trong xã hội hiện tại và tương lai.

3/ Xác định những yêu cầu khách quan của xã hội đối với ngành điện, cách tiệm cận, nguyên tắc, phương pháp và công cụ để ngành điện đáp ứng yêu cầu đó.

LĐTM được hình thành dựa trên hệ thống quan điểm (tầm nhìn) tổng thể đã được phát triển và thống nhất toàn diện trong xã hội về vai trò và vị trí của ngành điện trong tương lai, về các mục tiêu và yêu cầu đối với sự phát triển của ngành điện, về cách tiếp cận triển khai, nguyên tắc và phương pháp thực hiện, và về thiết lập các cơ sở công nghệ cần thiết. Điều này được thể hiện rõ ràng và đầy đủ nhất trong các tài liệu cơ bản do các cơ quan quản lý nhà nước của EU và Hoa Kỳ soạn thảo và thông qua.

Quá trình phát triển của ngành điện trong những thập kỷ qua đã làm xuất hiện nhiều yếu tố mới đòi hỏi ngành điện phải được chuyển đổi một cách cơ bản, đó là:

Thứ nhất: Sự gia tăng liên tục của chi phí điện trên toàn thế giới.

Thứ hai: Nhu cầu nâng cao hiệu quả về năng lượng và về môi trường của ngành điện.

Thứ ba: Yêu cầu của người tiêu dùng về độ tin cậy và chất lượng cung cấp điện tăng.

Thứ tư: Có nhiều công nghệ tiên tiến xuất hiện, nhưng chưa được ứng dụng trong ngành điện.

Thứ năm: Độ tin cậy trong cung cấp điện bị suy giảm.

Thứ sáu: Những thay đổi trong hoạt động của thị trường điện và công suất phát điện.

Trên thế giới, người ta đã tiến hành một cuộc phân tích sâu về các phương thức phát triển có thể có của ngành điện. Kết quả phân tích đã chỉ ra những rào cản lớn cho việc phát triển ngành điện, đó là:

1/ Sự cạn kiệt trong dài hạn của các nhiên liệu hóa thạch.

2/ Sự xuất hiện các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường.

3/ Sự kìm hãm trong phát triển cơ sở hạ tầng mạng (ở các khu vực có mật độ dân số cao - có rủi ro ngày càng gia tăng cho phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng).

4/ Cơ sở công nghệ hiện có của ngành năng lượng thực tế đã không còn khả năng tăng năng suất của thiết bị.

5/ Sự hạn chế về nguồn lực đầu tư cho xây dựng các cơ sở năng lượng mới và phát triển cơ sở hạ tầng mạng.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, xã hội loài người phát triển theo hướng thay đổi cơ bản các đặc tính sử dụng điện năng; và, các nền kinh tế phát triển theo hướng đột phá về hiệu quả sử dụng điện. Trong bối cảnh như vậy, đòi hỏi phải có sự thay đổi cơ bản về nguyên tắc phát triểncơ chế hoạt động của ngành điện.

Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống các quan điểm mới về chiến lược phát triển/đổi mới của ngành điện dựa trên hai trụ cột chính:

Một là: Phù hợp với các quan điểm, mục tiêu và giá trị hiện đại của phát triển xã hội và cộng đồng, đáp ứng các nhu cầu mới nổi và được mong đợi của con người và của toàn xã hội.

Hai là: Dựa trên các xu hướng chính của tiến bộ khoa học và công nghệ trong mọi lĩnh vực đời sống và hoạt động của xã hội. LĐTM chính là chiếc cầu được xây trên hai trụ cột này để ngành điện bước vào tương lai.

Khái niệm LĐTM không có biên giới giữa truyền tải và phân phối điện, vì về lâu dài, biên giới giữa các phương thức hoạt động này sẽ dần biến mất. Các nhiệm vụ của LĐTM trong lĩnh vực mạng đường trục gồm:

1/ Đánh giá mức độ an toàn của lưới điện theo thời gian thực - phân tích độ tin cậy theo thời gian thực của hệ thống điện có phụ tải cao và sử dụng trong tính toán về động lực học khi ra quyết định theo thời gian thực.

2/ Đánh giá tình trạng lưới truyền tải - đảm bảo chất lượng và độ chính xác của dữ liệu hệ thống điện trong thời gian thực (ví dụ, sử dụng rộng rãi hơn công nghệ WAMS).

3/ Nâng cao an toàn lưới truyền tải - nâng cao an ninh lưới điện và đảm bảo không vượt quá giới hạn đã thiết lập về ổn định chức năng.

4/ Trực quan: Thể hiện các điều kiện phức tạp và tới hạn của hệ thống thông qua giao diện của người dùng.

Trong LĐTM, độ tin cậy về thông tin và vật lý đóng một vai trò quan trọng. Nhiều chuyên gia lo ngại về tính bảo mật thông tin của LĐTM vì mọi thông tin được truyền qua Internet đều có thể bị tấn công và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Ví dụ nổi bật về sự ‘không hoàn thiện’ của LĐTM là sản phẩm phần mềm của công ty sản xuất bộ vi điều khiển cho tấm pin mặt trời của Trung Quốc. Trang web của nhà sản xuất này chứa thông tin về các hệ thống giám sát quang điện đã được lắp đặt rất phổ biến trên khắp thế giới. Có hơn 200 nghìn trạm điện mặt trời và gần 1 triệu bộ biến tần được kết nối với máy chủ của công ty này. Nếu muốn, người ta có thể tìm thấy nhiều hệ thống điện riêng của người dùng và các dữ liệu về tiêu thụ và sản xuất điện từ các hệ thống điện của các nước khác nhau.

Theo các đánh giá [13], việc áp dụng LĐTM mang lại hiệu quả tích cực: Giảm đáng kể nhu cầu phát triển các nguồn cung và lưới điện mới có liên quan nhờ tối ưu hóa mối tương quan cung - cầu, giảm vốn đầu tư cho toàn hệ thống; giảm chi phí nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện, và cũng nhờ đó, giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí vận hành của toàn hệ thống.

Việc giám sát hoạt động trong lĩnh vực lưới điện ở nhiều nước cho thấy mức độ đổi mới của các quyết định được đưa ra trong tổ hợp phân phối cao hơn so với trong truyền tải điện cao áp. Điều này có nhiều nguyên nhân, trước hết, đây là hệ quả của nhu cầu kết nối các nguồn năng lượng tái tạo và phát điện phân tán, cũng như giao tiếp trực tiếp với khách hàng. Lưới điện cao áp là một thành phần thiết yếu của LĐTM, vì vậy hàng loạt các dự án thử nghiệm và các giải pháp sáng tạo về LĐTM được thực hiện trong lĩnh vực này. Ví dụ:

Thứ nhất: Công nghệ chuyển đổi điện áp nguồn VSC (Voltage-Sourced Converter) đa cấp để truyền tải điện năng (Siemens Energy, Mỹ và Đức) gồm các giải pháp HVDC (dòng điện một chiều cao áp) và FACTS (hệ thống truyền tải điện xoay chiều linh hoạt) đảm bảo tính thích ứng với những thách thức mới của LĐTM. Công nghệ VSC đã trở thành tiêu chuẩn cho các bộ chuyển đổi tự chuyển mạch và sẽ ngày càng được sử dụng cho lưới cao áp trong tương lai.

Thứ hai: Công nghệ quản lý vận hành các hệ thống điện tự trị của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Điện lực Trung ương Nhật (CRIEPI, Tokyo). Dự án này là một phần của chương trình triển khai các hệ thống điện tự trị, với mục tiêu là đảm bảo kết nối và vận hành hiệu quả của hệ thống phát điện phân tán, tránh ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn cung cấp điện. Dự án đã chứng minh khả năng cung cấp điện liên tục trong điều kiện vận hành độc lập phần cao áp của mạng sử dụng điều khiển công suất vòng, cũng như thiết kế và trình diễn hoạt động độc lập của mạng phân phối hạ áp có các nguồn năng lượng tái tạo, ác qui điện và công nghệ ngắt tải tiêu dùng riêng. Nhờ áp dụng công nghệ này, khi xảy ra sự cố, toàn bộ mạng hạ áp vẫn có thể tiếp tục vận hành độc lập, không phải cắt điện ở người tiêu dùng.

Thứ ba: “Strong Smart Grid” (Lưới thông minh mạnh): Dự án của Công ty lưới điện Trung Quốc State Grid hợp tác với McKinsey. State Grid có kế hoạch triển khai hệ thống LĐTM bao gồm truyền tải điện siêu cao áp (UHV) với các thiết bị đo lường tiên tiến (AMI) và các thiết bị mạng được nâng cấp. Ở Trung Quốc, các thiết bị lưới điện được chú ý đặc biệt nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển hệ thống truyền tải điện áp siêu cao từ các khu vực miền Trung và miền Tây thừa năng lượng đến các vùng duyên hải thiếu năng lượng.

Tóm lại: LĐTM là một hệ thống truyền tải điện từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, có khả năng tự theo dõi và phân phối dòng điện một cách độc lập để đạt được hiệu quả năng lượng tối đa. Tất cả các thiết bị của LĐTM tương tác với nhau, tạo thành một hệ thống cung cấp điện thông minh thống nhất nhờ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại. Thông tin thu thập được từ thiết bị được phân tích, kết quả phân tích giúp tối ưu hóa việc sử dụng điện, giảm chi phí, tăng độ tin cậy và tăng hiệu quả của hệ thống điện.

Các phương tiện kỹ thuật của LĐTM

Các phương tiện kỹ thuật của LĐTM, đảm bảo khả năng điều khiển của nó, quyết định phần lớn khả năng “trí thức hóa” của ngành điện. Về cơ bản, các phương tiện kỹ thuật này có thể được chia thành các nhóm chính sau [3]:

1/ Thiết bị điều chỉnh (bù) công suất phản kháng và điện áp kết nối song song với mạng.

2/ Thiết bị điều chỉnh các thông số mạng (các điện trở mạng mắc nối tiếp vào mạng).

3/ Thiết bị kết hợp các chức năng của hai nhóm đầu tiên - thiết bị chuyển mạch dọc - ngang.

4/ Thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch.

5/ Các thiết bị lưu trữ năng lượng điện.

6/ Các bộ biến đổi dòng điện (AC thành DC và DC thành AC).

7/ Các đường dây cáp điện cho dòng điện một chiều và xoay chiều dựa trên chất siêu dẫn nhiệt độ cao.

Nhận xét

Việc phát triển ngành điện Việt Nam theo hướng nâng cao hiệu quả (có sự tham gia của các thành phần kinh tế) và thân thiện với môi trường (với sự gia tăng các nguồn điện tái tạo) đòi hỏi hệ thống điện phải ngày càng trở nên thông minh và minh bạch hơn.

Vernon Smith - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002 nói: “Các cuộc đấu giá của người bán, trong đó người mua bị động và không thể sử dụng cơ chế đấu thầu để gửi hồ sơ dự thầu của chính họ, làm suy yếu sự cạnh tranh”. Nhận xét này rất đúng đối với thị trường điện Việt Nam hiện nay (không có bất cứ cơ chế nào tạo ra sự cạnh tranh từ phía người mua, hiệu quả sử dụng điện năng thấp và giá điện cao).

LĐTM là giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu phát triển và khắc phục tình trạng không có cạnh tranh của thị trường điện.

Kiến nghị

1/ Quốc hội cần sửa đổi Luật Điện lực để tạo ra khung pháp lý cho việc phát triển LĐTM: Tạo ra thị trường cạnh tranh cho người dùng điện; và xây dựng cơ chế tích lũy vốn cho LĐTM từ hiệu quả của việc ứng dụng LĐTM (‘mỡ nó rán nó’).

2/ Chính phủ cần hỗ trợ việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, khoa học và giáo dục về phát triển công nghệ LĐTM với sự tham gia của các viện nghiên cứu và các trường đại học trong và ngoài nước.

3/ Bộ Khoa học Công nghệ cần sớm ban hành các tiêu chuẩn về LĐTM. Sử dụng tiêu chuẩn hóa để mở đường cho việc áp dụng các công nghệ LĐTM trong ngành điện.

4/ Bộ Công Thương cần đưa LĐTM vào nội dung quy hoạch ngành điện như một công cụ quan trọng nhất để đổi mới toàn diện và phát triển hiệu quả ngành điện./.

NGUYỄN THÀNH SƠN - ĐẠI HỌC ĐIỆN LỰC

PHAN NGÔ TỐNG HƯNG - PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

Tài liệu tham khảo:

[1] U.S. Department of Energy. Smart Grid / Department of Energy.

[2] Smart Grids European Technology Platform | www.smartgrids.eu.

[3] Các qui định chính về hệ thống điện thông minh với lưới điện thích ứng tích cực/Основные положения концепции интеллектуальной энергосистемы с активно-адаптивной сетью. 2012

[4] Torriti, Demand Side Management for the European Supergrid Energy Policy, vol. 44, pp. 199-206, 2012.

[5] [http://edisontechcenter.org/HistElectPowTrans.html The History of Electrification: The Birth of our Power Grid]. Edison Tech Center.

[6] Mohsen Fadaee Nejad, AminMohammad Saberian and Hashim Hizam. Application of smart power grid in developing countries (англ.) // 7th International Power Engineering and Optimization Conference (PEOCO) : journal. - IEEE, 2013. - 3 June.

[7] Smart Grid Working Group. Challenge and Opportunity: Charting a New Energy Future, Appendix A: Working Group Reports (PDF). Energy Future Coalition (июнь 2003).

[8] Michael T. Burr, "Reliability demands drive automation investments, " Public Utilities Fortnightly, Technology Corridor department, Nov. 1, 2003.

[9] Federal Energy Regulatory Commission staff report. Assessment of Demand Response and Advanced Metering (Docket AD06-2-000) (англ.) : journal. - United States Department of Energy, 2006. - August. - P. 20.

[10] National Energy Technology Laboratory. NETL Modern Grid Initiative- Powering Our 21st-Century Economy (англ.): journal. - United States Department of Energy Office of Electricity Delivery and Energy Reliability, 2007. - August. - P. 17.

[11] Gridwise History: How did GridWise start?. Pacific Northwest National Laboratory (30 октября 2007). Дата обращения: 3 декабря 2008. Архивировано 27 октября 2008 года.

[12] Qixun Yang, Board Chairman, Beijing Sifang Automation Co. Ltd., China and .Bi Tianshu, Professor, North China Electric Power University, China. WAMS Implementation in China and the Challenges for Bulk Power System Protection (англ.) // Panel Session: Developments in Power Generation and Transmission - Infrastructures in China, IEEE 2007 General Meeting, Tampa, FL, USA, 24–28 June 2007 Electric Power, ABB Power T&D Company, and Tennessee Valley Authority: journal. - Institute of Electrical and Electronics Engineers, 2001. - 24 June.

[13] https://eneca.by/novosti/energetika-i-energoeffektivnost/smart-grid-ili-umnye-seti-elektrosnabzheniya.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động