RSS Feed for Những hệ lụy khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam ‘hết tiền’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 20:34
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những hệ lụy khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam ‘hết tiền’

 - Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành điện Việt Nam năm 2022 và dự báo cho năm 2023 khi giá bán lẻ điện bình quân chưa tăng sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu cho ngành điện nói riêng, cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội cả nước nói chung.
Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho chúng ta Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho chúng ta

Như chúng ta đều biết, ngày 9/2/2023, Tổng thống Nam Phi tuyên bố tình trạng “thảm họa quốc gia” vì thiếu điện. Trong khi đó, hệ thống điện của quốc gia này đã từng khá mạnh, có quy mô tương đương với hệ thống điện của Việt Nam hiện nay. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích quá trình phát triển hệ thống điện Nam Phi để tìm nguyên nhân và rút ra bài học cho chúng ta.

Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Nhìn từ các kiến nghị của PVN và EVN Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Nhìn từ các kiến nghị của PVN và EVN

Sau kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tới Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội hỗ trợ thúc đẩy Chính phủ trong Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa nêu 3 kiến nghị với Đoàn giám sát Quốc hội xoay quanh các dự án hạ nguồn. Nhân sự kiện này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp và có một vài đánh giá về các kiến nghị của PVN, EVN.

Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Mặc dù đã nỗ lực tối đa để giảm chi phí, nhưng các giải pháp đã và đang thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện (do các thông số đầu vào tăng mạnh, như giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới và các chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện) khiến EVN lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá).

Theo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất điện năm 2022, thì EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (Bộ Công Thương công bố ngày 31/3/2023).

Theo tính toán cân đối thu - chi của EVN: Đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản. Dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2023, Công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hụt khoảng 3.730 tỷ đồng tiền thanh toán và đến tháng 12/2023, mức thiếu hụt có thể lên tới 28.206 tỷ đồng.

Cụ thể, trong năm 2023, EVN dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt khó khăn như: Đảm bảo cung ứng đủ điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, cân đối tài chính do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào (như giá nhiên liệu, tỉ giá...).

Những nhân tố nào ảnh hưởng đến khoản lỗ của EVN?

Thứ nhất: Giá than nhập khẩu tăng cao:

Ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ucraina là một trong các yếu tố cơ bản gây ra nhiều khó khăn cho ngành năng lượng thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Khi liên minh châu Âu và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, lập tức nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu (trung bình chiếm 40% nhu cầu cho công nghiệp và sản xuất điện năng của châu lục này) giảm dần. Châu Âu náo loạn đi tìm nguồn cung cấp khí đốt thay thế nguồn nhập khẩu từ Liên bang Nga làm cho giá khí tăng cao kéo theo giá dầu, giá than cũng tăng lên. Mỹ là quốc gia thu được lợi lớn khi bán khí hóa lỏng (LNG) cho châu Âu với giá cao ngất ngưởng. Và nhiều nhà máy điện than ở nước ta cũng phải nhập khẩu than với mức giá cao hơn nhiều lần mức nhập khẩu trước đó.

Việc cung cấp than trong năm 2022 chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện. Đầu năm, giá than thế giới tăng cao, đồng thời nguồn than nhập khẩu hạn chế nên Tập đoàn CN Than - Khoảng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc không nhập khẩu đủ than để sản xuất than trộn cấp cho các nhà máy điện. Chỉ số giá than trên thị trường thế giới trong năm 2022 biến động mạnh so với các năm trước.

Cụ thể, chỉ số NEWC đối với chủng loại than nhiệt trị 6000 kCal/kg giao tại cảng Newcatsle (Úc) bình quân khoảng 355 USD/tấn, tăng 2,6 lần so với năm 2021 và tăng gần 6 lần so với năm 2020. Đặc biệt, tháng 9/2022 chỉ số NEWC đạt đỉnh 434 USD/tấn. Đối với chỉ số giá Indonesia Coal Index 3 (ICI3), trung bình năm 2022 là 129 USD/tấn, tăng 1,35 lần so với năm 2021 và tăng 3 lần so với năm 2020.

Đến cuối năm 2022, chỉ số giá than NEWC và ICI3 vẫn đang duy trì ở mức rất cao. Trong năm 2022, tổng khối lượng than nhập của các nhà máy điện dùng than nhập khẩu của EVN (Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng) thấp, khoảng 1,79 triệu tấn, đồng thời tiêu thụ khoảng 2,1 triệu tấn đạt khoảng 60% so kế hoạch năm 2022.

Nhưng cần biết rằng, gần một nửa số công suất điện than là từ các nhà máy điện ngoài EVN sử dụng than nhập khẩu.

Theo công bố của EVN, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2022 đạt 268,442 tỷ kWh, tăng 5,26% so năm 2021. Trong đó, sản lượng điện năng từ thủy điện đạt 95,054 tỷ kWh, tăng 16,381 tỷ kWh so với năm 2021; điện năng từ tua bin khí đạt 29.563 tỷ kWh; điện năng từ năng lượng tái tạo đạt 34,757 tỷ kWh, tăng 3,249 tỷ kWh. Trong đó, từ năng lượng mặt trời là 25,526 tỷ kWh và điện gió là 8,852 tỷ kWh, còn lại điện sinh khối là 0, 379 tỷ kWh. Còn điện năng từ nhiệt điện than đạt 104,921 tỷ kWh, giảm 13, 153 tỷ kWh so với năm 2021.

Cơ cấu sản lượng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2021 và năm 2022, xem bảng dưới đây (tỷ kWh):

TT

Loại nguồn

Năm 2021

Năm 2022

Điện lượng, 106 kWh

So sánh với hệ thống, %

Điện lượng, 106 kWh

So sánh với hệ thống, %

1

Thủy điện

78.605

30,6

95.054

35,4

2

Nhiệt điện than

118.074

46,0

104.921

39,1

3

Tuabin khí

26.312

10,2

29.563

11,0

4

Nhiệt điện dầu

3

-

56

0,02

5

Nhập khẩu

1.403

0,55

3.390

1,26

6

Năng lượng tái tạo

31.508

12,3

34.757

12,93

trong đó: điện gió

3.343

1,3

8.852

3,30

điện mặt trời

27.843

10,85

25.526

9,51

điện sinh khối

321

0.15

379

0,12

7

Nguồn khác

821

0,35

701

0,29

TỔNG CỘNG

256.727

100

268.442

100

Qua bảng trên cho thấy: Tuy sản xuất điện năng từ nhiệt điện than năm 2022 có giảm so với năm 2021 là 13,153 tỷ kWh, nhưng giá than tăng cao dẫn đến chi phí cho sản xuất điện năng từ nhiệt điện than tăng cao.

Thứ hai: Giá mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo:

Năm 2022 sản lượng điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đạt 34,757 tỷ kWh, chiếm 12,9% tỷ trọng điện năng toàn hệ thống. Hiện EVN đang mua điện gió trên bờ với giá FIT là 1.928 đồng/kWh (tương đương 8,5 UScent/kWh - theo QĐ 39/2018/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ) và cho điện mặt trời (theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đối với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh (tương đương 7,69 UScent/kWh); dự án điện mặt trời mặt đất là 1.644 đồng/kWh (tương đương 7,09 UScent/kWh) và hệ thống điện mặt trời mái nhà là 1.943 đồng/kWh (tương đương 8,38 UScent/kWh).

Nhiều chuyên gia cho rằng: Nếu không có các nguồn điện mặt trời, điện gió, rất có thể nhiệt điện than phải phát cao hơn nữa trong năm 2022, và EVN còn lỗ nặng hơn do giá than nhập cao vọt. Mặc dù trong năm 2022 do thuận lợi về nguồn nước, các nhà máy thủy điện đã phát huy hết công suất lắp máy với sản lượng tăng cao kỷ lục, đạt 95,054 tỷ kWh, tăng 16,381 tỷ kWh so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 35,4% điện năng toàn hệ thống, nhưng cũng không thể đủ bù cho giá điện năng từ nhiệt điện than và NLTT, cho dù giá thành thủy điện rẻ nhất trong hệ thống điện của nước ta.

Những hệ lụy khi EVN “hết tiền”:

Theo tính toán dự kiến của EVN: Nếu giá bán lẻ điện vẫn giữ nguyên như hiện nay thì đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản. Nếu giá bán lẻ điện bình quân cơ sở vẫn chưa thay đổi và vẫn tiếp tục áp dụng theo Quyết định 648/QĐ-BCT (tháng 3/2019), đồng thời mức giá bán điện thực hiện vẫn như năm 2022 - tức là vẫn theo mức 1.880,9 đồng/kWh (tăng 16,5 đồng/kWh so với giá bình quân tại Quyết định 648/QĐ-BCT), thì việc sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 của Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và tổng công ty truyền tải điện dự kiến sẽ tiếp tục bị lỗ khoảng 64.941 tỷ đồng. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng.

Việc mất cân đối dòng tiền trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện nay EVN đang nợ tiền mua điện nhiều tháng từ các nhà máy điện, nợ tiền mua than từ các nhà cung cấp than, khí trong nước. Nếu các nhà máy điện tiếp tục không nhận được tiền bán điện, dù vẫn bán điện lên lưới và nếu các nhà cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho phát điện không nhận được thanh toán tiền nợ thì các nhà máy điện có thể sẽ dừng sản xuất cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, vì bản thân các nhà máy điện không có dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất điện ngoài việc nguồn thu tiền điện duy nhất từ EVN.

Nếu hiện tượng này xảy ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, nguy cơ không đạt tăng trưởng GDP theo kế hoạch.

Phát triển dự án điện mới thêm khó khăn:

Trong các năm 2020 - 2022, EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10 - 30% do không cân đối được nguồn vốn. Nếu kết quả sản xuất, kinh doanh tiếp tục bị lỗ, việc sửa chữa tài sản bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện. Nếu chi phí bảo trì, bảo dưỡng bị cắt giảm, tần suất xảy ra sự cố trong vận hành của các nhà máy điện thuộc EVN sẽ cao hơn và sẽ khó đáp ứng yêu cầu huy động ở mức công suất cao trong các tháng cao điểm nắng nóng, dẫn tới khả năng thiếu điện trong những tháng nắng nóng là hiện hữu. Và như vậy, EVN không thu hồi được đủ số vốn khấu hao cơ bản của tài sản cố định trích trong năm, dẫn đến không đảm bảo đủ nguồn vốn tự có huy động cho trả nợ gốc vay và đầu tư xây dựng cơ bản.

Như chúng ta đều biết, EVN là doanh nghiệp Nhà nước và cũng như các doanh nghiệp khác, không được Nhà nước bảo lãnh để vay vốn. Do vậy, khi đang bị lỗ, EVN không thể vay vốn để tiếp tục đầu tư phát triển các dự án mới, trong khi bình quân hàng năm ngành điện cần khoảng 10,4 - 14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đầu tư phát triển nguồn điện từ 8,9 - 12,6 tỷ USD và lưới truyền tải điện từ 1,5 - 1,6 tỷ USD (dự thảo Quy hoạch điện VIII) [3]. Và nếu không có nguồn điện mới để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cùng một số yếu tố hệ lụy về dân sinh.

Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo sẽ khó tiếp tục phát triển. Đồng thời, việc đàm phán giá của các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp cũng sẽ rất khó khăn do mức giá mà EVN chấp nhận được thấp hơn nhiều so với mức giá mà các chủ dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp kỳ vọng. Các nhà đầu tư tư nhân cũng sẽ e ngại khi tham gia đầu tư các nguồn điện mới, đặc biệt là nguồn điện tái tạo, do việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ khó khăn, kéo dài, với giá mua điện cũng sẽ ở mức thấp, khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Đó là chưa kể việc tiếp tục thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh của EVN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 90.000 người lao động trong Tập đoàn - những người trực tiếp sản xuất, vận hành hệ thống điện.

Lời kết:

Câu chuyện “giá điện đầu ra duy trì bốn năm qua (từ 2019) không được tăng, trong khi chi phí đầu vào biến động mạnh, khiến EVN thua lỗ lớn” hiện nay không chỉ những người hoạt động trong ngành điện hiểu rõ, mà các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân trong xã hội cũng nhận biết điều đó. Thế nhưng, để giải quyết vấn đề này không chỉ đơn giản là “tăng giá điện” là xong, mà việc tăng giá điện nếu không hợp lý cũng sẽ kéo theo hệ lụy cho toàn xã hội, vì giá điện có tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống của người dân.

Bộ Công Thương khẳng định: Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc hết sức đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Ngày 3/2/2023, Chính phủ đã quyết định về khung giá bán lẻ điện bình quân (QĐ số 02/2023/QĐ-TTg). Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 1.826,22 đ/kWh và mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 2.444,09 đ/kWh.

Hy vọng, Chính phủ sẽ sớm quyết định giá bán điện mới, giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay là không phải tiếp tục bù lỗ, mở ra cơ hội sản xuất, kinh doanh có lãi, qua đó thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện Việt Nam./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2022 và mục tiêu, kế hoạch năm 2023 (EVN - tháng 1/2023).

2. Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay. NangluongVietNam online 07:03 | 22/03/2023. Nguyễn Thái Sơn. chuyên giaTạp chí Năng lượng Việt Nam

3. Dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tờ trình của Bộ Công Thương, số 8129/TTr-BCT ngày 16 tháng 12 năm 2022.

4. Quyết định Về khung giá của mức bán lẻ điện bình quân. QĐ số 02/2023/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động