RSS Feed for Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Nhìn từ các kiến nghị của PVN và EVN | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 12:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Nhìn từ các kiến nghị của PVN và EVN

 - Sau kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tới Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội hỗ trợ thúc đẩy Chính phủ trong Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa nêu 3 kiến nghị với Đoàn giám sát Quốc hội xoay quanh các dự án hạ nguồn. Nhân sự kiện này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp và có một vài đánh giá về các kiến nghị của PVN, EVN.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam [kỳ 2]: Góc nhìn chuyên gia về công tác quản lý Tập đoàn Dầu khí Việt Nam [kỳ 2]: Góc nhìn chuyên gia về công tác quản lý

Theo nhìn nhận của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Trong bối cảnh ngành điện, ngành than đang gặp nhiều khó khăn, việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt được những thành tựu kỷ lục trong năm 2022, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, là nỗ lực vượt bậc của tập thể lãnh đạo, cũng như gần 60 nghìn cán bộ, công nhân viên Tập đoàn trên khắp các vùng, miền của đất nước. Trong đó, nổi bật vai trò của Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng và Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng.

Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho chúng ta Hệ thống điện ‘bị bỏ quên’ ở Nam Phi và bài học cho chúng ta

Như chúng ta đều biết, ngày 9/2/2023, Tổng thống Nam Phi tuyên bố tình trạng “thảm họa quốc gia” vì thiếu điện. Trong khi đó, hệ thống điện của quốc gia này đã từng khá mạnh, có quy mô tương đương với hệ thống điện của Việt Nam hiện nay. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích quá trình phát triển hệ thống điện Nam Phi để tìm nguyên nhân và rút ra bài học cho chúng ta.

Theo TTXVN, ngày 14/3, tại Thành phố Cần Thơ, Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khóa XV đã có buổi khảo sát, làm việc với EVN về việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc Chuỗi khí, điện Lô B tại Trung tâm Điện lực Ô Môn.

Tại buổi làm việc, các thành viên của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cùng đại biểu Quốc hội của nhiều địa phương khác trong Đoàn giám sát đã đặt nhiều câu hỏi cho EVN xoay quanh nhiều khía cạnh của dự án. Trong đó, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án được các đại biểu quan tâm hàng đầu.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (Trưởng đoàn giám sát) đánh giá cao những thông tin báo cáo và kiến nghị của EVN tại buổi làm việc. Đồng thời cho biết: Qua cuộc khảo sát và làm việc lần này Đoàn giám sát đã nắm thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến các khó khăn trong việc thực hiện dự án thuộc Chuỗi khí, điện Lô B tại Trung tâm Điện lực Ô Môn.

Để hoàn thiện hơn nội dung cho việc báo cáo giám sát, Đoàn giám sát đề nghị EVN cụ thể hóa hơn những khó khăn, vướng mắc mà Tập đoàn kiến nghị. Trong đó, chú trọng việc làm rõ những vấn đề khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách. Từ đó, xác định được thẩm quyền xử lý của các vấn đề.

Bên cạnh đó, EVN trong các cuộc làm việc tiếp theo cần bổ sung những giải trình về đánh giá hiệu quả, lợi ích kinh tế của dự án đối với xã hội, địa phương, vùng và Tập đoàn.

Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, xem xét những nội dung nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, kiến nghị những nội dung liên quan để báo cáo các với cơ quan có thẩm quyền. Rà soát các quy định pháp luật để xem xét các nội dung được nêu có thực sự vướng cơ chế, thẩm quyền của các cơ quan đó hay không.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Lưu Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận định về kiến nghị của EVN trong việc đưa dự án Trung tâm Điện lực Ô Môn vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư của nhà nước để áp dụng cơ chế cho vay lại, không chịu rủi ro tín dụng. Đây là một hướng đi của Tập đoàn nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn.

Tuy vậy, vấn đề này liên quan đến các quy định của Luật Quản lý nợ công, do đó, Đoàn giám sát mong muốn EVN có những đánh giá cụ thể về dự án để làm rõ các tiêu chí ưu tiên, sao cho phù hợp quy định pháp luật.

Ngoài ra, một số vấn đề khác mà Đoàn quan tâm như: Những phân tích về mặt rủi ro quanh dự án, liên quan đến trữ lượng khí và giá thành; vấn đề về phát triển kinh tế của dự án song song với bảo vệ môi trường v.v…

Còn theo ông Đào Chí Nghĩa - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ: Trung tâm Điện lực Ô Môn là một dự án trọng điểm được lãnh đạo Thành phố Cần Thơ rất quan tâm và tập trung nhiều nguồn lực giải quyết khó khăn trong thời gian qua. Đây được xác định là một dự án động lực không chỉ với Thành phố mà là cả Đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn Đại biểu Quốc hội và nhân dân Thành phố mong muốn PVN và EVN đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các khó khăn liên quan đến Chuỗi khí, điện của dự án. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của Đoàn làm việc Quốc hội lần này, các khó khăn của dự án sẽ được giải quyết thông qua tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ nhận định: Nếu chỉ xét các dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn và cụm khí Lô B là 2 dự án riêng lẻ thì không thể giải quyết được các vấn đề đang đặt ra.

Theo ông Hồng, với những tác động mà dự án mang lại, đây nên được xem xét là một công trình mang tầm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thay vì chỉ riêng Thành phố Cần thơ. Từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế để đưa dự án vào danh mục công trình trọng điểm, ưu tiên của quốc gia.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Cao Quang Quỳnh - Thành viên Hội đồng Thành viên EVN cho biết: Hiện nay, EVN đang quản lý và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, 3 và 4. Trong đó, dự án Nhiệt điện Ô Môn 1 đã đi vào vận hành ổn định.

Từ khi đi vào đầu tư, EVN đã tính tới việc chuyển đổi nhiên liệu của Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 sang chạy khí khi có dòng khí đầu tiên (first gas) từ Lô B. Tuy vậy, đến hiện nay, PVN chưa có quyết định chính thức về việc dòng khí đầu tiên sẽ cung cấp vào thời điểm nào. Đó cũng là khó khăn lớn nhất của EVN trong việc triển khai các dự án hiện tại.

Để tháo gỡ những bế tắc, EVN nêu ra 3 kiến nghị với Đoàn giám sát Quốc hội xoay quanh các dự án tại Trung tâm Điện lực Ô Môn như sau:

Thứ nhất: EVN mong muốn PVN đẩy nhanh tiến độ khí Lô B để có cơ sở triển khai chuyển đổi nhiên liệu Nhiệt điện Ô Môn 1, phát hành hồ sơ mời thầu của Nhiệt điện Ô Môn 4.

Thứ hai: Kiến nghị Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Trong đó, có việc điều chỉnh công suất của dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3.

Thứ ba: EVN mong muốn Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cho vay lại, không chịu rủi ro tín dụng.

Bế tắc tại Trung tâm Điện lực Ô Môn và các kiến nghị của EVN
Phối cảnh Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ).

Trước đó (ngày 13/3/2023), tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã có buổi làm việc với PVN về tình hình triển khai dự án phát triển mỏ khí Lô B và đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn; thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đánh giá các rủi ro liên quan tới thu xếp tài chính, cũng như làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đối với các dự án trong Chuỗi chậm tiến độ.

Theo PVN, Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn đã bị lỡ tiến độ nhiều năm, năm 2023 là năm quan trọng để thúc đẩy tiến độ dự án nhằm sớm có first gas (đón dòng khí đầu tiên) vào cuối năm 2026. Và để giảm thiểu các rủi ro tới việc chậm trễ của Chuỗi dự án này, PVN kiến nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội hỗ trợ thúc đẩy Chính phủ một số nội dung như sau:

Thứ nhất: Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 2 sớm thống nhất và phê duyệt nội bộ để ký kết các thỏa thuận thương mại với PVN vào tháng 6/2023 như kế hoạch đặt ra.

Thứ hai: Chỉ đạo tổ hợp chủ đầu tư Nhà máy điện Ô Môn 2 thúc đẩy công tác đàm phán để sớm ký kết thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí (GSA) với PVN không muộn hơn quý 1/2024.

Thứ ba: Sớm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư, liên quan đến vốn ODA của Nhà máy điện Ô Môn 3, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của Nhà máy điện Ô Môn 2 để các nhà máy điện có thể sớm triển khai phù hợp với tiến độ cung cấp khí của thượng nguồn (như dự kiến).

Nhìn từ các kiến nghị của PVN và EVN:

Theo nhìn nhận của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Các thủ tục liên quan đến Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn đã quá chậm trễ giải quyết. Một trong các nguyên nhân là các quy định chính sách không rõ ràng đã gây cản trở tiến độ.

Ví dụ, dự án Nhiệt điện Ô Môn 3, thời gian thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư kéo dài trên 4 năm 6 tháng (các cơ quan quản lý nhà nước không xác định được cơ quan thẩm định nên “chuyền ban” cho nhau, chờ ban hành nghị định mới). Vì vậy, đối với dự án khí, để có được quyết định đầu tư (FID) vào tháng 6 năm nay nhằm bảo đảm tiến độ thi công và đón dòng khí về bờ vào năm 2026, sẽ còn rất nhiều phạm vi công việc cần phải làm. Cụ thể là hoàn tất đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại (hợp đồng mua bán khí, điện), phê duyệt thiết kế kỹ thuật (nghiên cứu khả thi cho các nhà máy điện), cũng như các phương án thu xếp vốn vay cho các dự án thành phần của PVN và EVN.

Đối với các cam kết thương mại, giá khí từ Lô B về đến cổng các Nhà máy Nhiệt điện khí Ô Môn được cho biết có thể tiệm cận tới hơn 14 USD/triệu BTU vào cuối năm 2026 - thời điểm dự kiến có dòng khí đầu tiên. Do đó, giá điện bình quân của Nhà máy Ô Môn 3, Ô Môn 4 sẽ ở mức cao hơn khá nhiều so với mức giá bình quân hiện nay, và có thể gây khó khăn trong quá trình huy động phát điện (dù các nhà máy này không phải tham gia thị trường điện cạnh tranh).

Đối với phê duyệt kỹ thuật (nghiên cứu khả thi các nhà máy điện), việc thay đổi thiết kế kỹ thuật để sử dụng nhiên liệu thay thế trong tương lai sẽ kéo theo thay đổi, theo hướng tăng chi phí đầu tư ban đầu.

Đối với việc thu xếp vốn vay, trong bối cảnh Chính phủ không phát hành Bảo lãnh Chính phủ (GGU) nữa, thì đây sẽ là vấn đề rất khó khăn đối với PVN, EVN khi phải chứng minh hiệu quả kinh tế, cũng như cam kết Net zero theo tinh thần COP26 đối với các khoản vay ODA (từ Nhật Bản) và các định chế tài chính, ngân hàng quốc tế. Theo đó, các dự án nhà máy điện (khâu hạ nguồn) có vòng đời 25 năm, nếu tính từ thời điểm đón dòng khí về bờ năm 2026 thì đã vượt qua năm 2050, sẽ là một trong những thách thức đối với việc thu xếp vốn vay từ các ngân hàng quốc tế.

Như chúng ta đều biết, vòng đời của dự án khâu thượng nguồn (theo phê duyệt FDP) là 23 năm. Vì vậy, ngay cả khi dự án được thông quan, PVN sẽ phải cấp bù khí cho các nhà máy điện những năm còn lại theo cam kết hợp đồng.

Để tháo gỡ được những khó khăn và bế tắc như đã nêu trên, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cả về mặt quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp khi mà PVN, EVN là các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trong Chuỗi dự án này.

Theo dự báo, Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn sẽ còn rất nhiều phê duyệt có liên quan đến vốn nhà nước, từ đó phát sinh chậm trễ tiến độ.

Nhưng dù theo hướng nào, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, các bộ, ngành, cũng như các nhà đầu tư cần phải có giải pháp tối ưu. Bởi Chuỗi dự án không chỉ đem lại lợi ích quốc gia (thông qua PVN, EVN), mà còn tạo dựng và tái khẳng định một môi trường đầu tư, hợp tác dầu khí nói riêng, cũng như kinh tế năng lượng nói chung năng động, chuyên nghiệp của thị trường Việt Nam thông qua các hợp tác liên Chính phủ và các nhà đầu tư quốc tế./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động