RSS Feed for Tập đoàn Dầu khí Việt Nam [kỳ 2]: Góc nhìn chuyên gia về công tác quản lý | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 09:12
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam [kỳ 2]: Góc nhìn chuyên gia về công tác quản lý

 - Theo nhìn nhận của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Trong bối cảnh ngành điện, ngành than đang gặp nhiều khó khăn, việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt được những thành tựu kỷ lục trong năm 2022, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, là nỗ lực vượt bậc của tập thể lãnh đạo, cũng như gần 60 nghìn cán bộ, công nhân viên Tập đoàn trên khắp các vùng, miền của đất nước. Trong đó, nổi bật vai trò của Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng và Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam [kỳ 1]: Tổng quan năm 2022 và kế hoạch năm 2023 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam [kỳ 1]: Tổng quan năm 2022 và kế hoạch năm 2023

Năm 2022, kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn. Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), công tác quản trị biến động đã được triển khai trong 3 năm (từ 2020) là yếu tố quan trọng, quyết định đến kết quả hoạt động của Tập đoàn trong thời gian qua. Với phương châm hành động “Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững”, PVN triển khai kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh thành công. Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp, đánh giá những thành tựu đã đạt được của ngành Dầu khí Việt Nam, nhận định khó khăn, thách thức và triển vọng trong tương lai tới. Trân trọng gửi tới bạn đọc.

KỲ 2: ĐÁNH GIÁ CHUYÊN GIA VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH SẢN XUẤT CỦA TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM

Nhìn tổng thể, năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến Nga - Ukraina kéo theo những biến động làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, ứng dụng khoa học, công nghệ và các dòng sản phẩm, kéo theo giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng cao, PVN đã đạt được doanh thu và lợi nhuận vượt mức chỉ tiêu kế hoạch.

Trong bối cảnh ngành điện và than đang gặp nhiều khó khăn, việc PVN đạt được những thành tựu kỷ lục trong năm 2022, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, là nỗ lực vượt bậc của tập thể lãnh đạo, cũng như của gần 60 nghìn cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn trên khắp các vùng, miền của đất nước. Trong đó, nổi bật vai trò của Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng và Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng.

Mặc dù phạm vi hoạt động rộng trên nhiều lĩnh vực, trên nhiều vùng, miền (trên đất liền, ngoài khơi, cả trong nước và nước ngoài) có nhiều rủi ro, cũng như biến động của thị trường, công tác quản trị, điều hành của PVN những năm gần đây luôn được triển khai chuyên nghiệp, quyết liệt, hiệu quả. Công tác quản trị chiến lược, quản trị sản xuất, quản trị rủi ro và biến động đi kèm việc nhận diện những khó khăn, thách thức để triển khai giải pháp tối ưu cho mỗi lĩnh vực, mỗi đơn vị thành viên xứng đáng là đỉnh cao về quản lý doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế.

Chúng ta thấy rất rõ, để có được thành công như vừa qua, PVN đã làm tốt vai trò điều tiết, phân bổ nguồn lực nhằm triệt tiêu sự đứt gãy các chuỗi cung ứng nhằm duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh xuyên suốt, ổn định và bền vững; bảo đảm nguồn cung nhiên liệu đầu vào cho sản xuất, chế biến ở khâu sau (gồm công nghiệp khí, lọc hóa dầu, đạm, hóa chất), cũng như lĩnh vực điện, để thỏa dụng nhu cầu thị trường nội địa và quốc tế.

Đặc biệt, về lĩnh vực công nghiệp điện, sau khánh thành, vận hành phát điện ổn định Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 từ tình trạng bế tắc và mất phương hướng trước đây (dừng thi công từ tháng 8/2018), đến nay đã được “hồi sinh”, hoàn thành các mốc tiến độ quan trọng. Tính đến 0h00 ngày 14/12/2022, sản lượng điện (chạy thử) từ Nhiệt điện Thái Bình 2 đã phát điện lên luới điện quốc gia là 199,111 MWh.

Cùng với tổ máy 1, gần đây nhất (vào lúc 4 giờ 13 phút sáng ngày 5/3/2023), lực lượng vận hành chạy thử tại tổ máy 2 của Nhiệt điện Thái Bình 2 đã thực hiện thành công công tác nâng công suất tối đa tổ máy 2 lên 600 MW. Đây là mốc tiến độ đặc biệt quan trọng trong giai đoạn vận hành tin cậy của tổ máy số 2 trong vòng 30 ngày.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam [kỳ 2]: Góc nhìn chuyên gia về công tác quản lý
Các thông số kỹ thuật của tổ máy số 2 - Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 rất ổn định.

Cùng với những nỗ lực đưa 2 dự án trên đi vào vận hành, trong thời gian qua, PVN đã hoàn thành kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phạm vi công việc các gói thầu tư vấn phục vụ lựa chọn tổng thầu EPC (mới) thay thế Công ty Power Machines (Liên bang Nga) bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa vào danh sách cấm vận toàn phần tại dự án Nhiệt điện Long Phú 1 và hoàn thiện cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ. Với mục tiêu sẽ hoàn thành dự án này vào năm 2026.

Chúng tôi cho rằng, nếu lựa chọn được các nhà thầu có năng lực mạnh để thực hiện gói thầu EPC (phần còn lại), cũng như sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, dự án Nhiệt điện Long Phú 1 sẽ sớm được khởi động trở lại và hoàn thành phát điện như mục tiêu đã đề ra (năm 2026).

Còn với Chuỗi dự án khí - điện Lô B, sau rất nhiều năm bế tắc, ngày 22/2/2023, PVN và Marubeni (Nhật Bản) đã ký kết thỏa thuận khung hợp đồng mua bán khí cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2. Đây là bước quan trọng để các bên tiếp tục triển khai các công việc tiếp theo và là cơ sở để thúc đẩy tiến độ đầu tư toàn bộ các dự án trong Chuỗi khí - điện Lô B (đón dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026 và vận hành thương mại dự án Nhiệt điện Ô Môn 2 trong năm 2026 - 2027).

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam [kỳ 2]: Góc nhìn chuyên gia về công tác quản lý
Ký kết thỏa thuận khung hợp đồng mua bán khí cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 giữa PVN và Marubeni (Nhật Bản).

Ngoài các nhóm giải pháp về tài chính, đầu tư, thương mại, thị trường, Tập đoàn đã, đang tập trung chỉ đạo điều hành các giải pháp về quản trị và cơ chế chính sách. Trong đó, phần cơ chế chính sách đặc biệt được coi trọng. Cụ thể là:

1/ Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Dầu khí (sửa đổi), trình Chính phủ ban hành trong năm 2023.

2/ Bám sát hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để Chính phủ phê duyệt.

3/ Bám sát cấp có thẩm quyền để sớm ban hành khung pháp lý/cơ chế hoạt động cho các hợp đồng dầu khí mà PVN hiện được giao tiếp nhận, đặc biệt là Lô 01/97 và 02/97 (mỏ Thăng Long - Đông Đô), Lô 01 và 02/17 (Cụm mỏ Ruby/Pearl/Topaz/ Diamond) để PVN có cơ sở pháp lý và có thể thực hiện gia tăng sản lượng khai thác dầu trong nước năm 2023.

4/ Xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù để tiếp tục triển khai dự án Nhiệt điện Long Phú 1.

5/ Bám sát cấp có thẩm quyền để phê duyệt Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

6/ Bám sát cấp thẩm quyền để sớm có chủ trương cho phép Tập đoàn, cũng như các đơn vị thành viên đầu tư/tham gia đầu tư điện gió ngoài khơi.

Có thể khẳng định, bên cạnh chủ trương, định hướng nhất quán tạo sự kết nối và tương tác cao giữa tập đoàn với các đơn vị thành viên, dù chịu áp lực từ dịch bệnh, thì trong 3 năm qua, PVN vẫn luôn làm tốt vai trò an sinh xã hội, lan tỏa tinh thần Người dầu khí ra toàn xã hội. Đó là những giá trị phổ quát tạo nên thương hiệu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gắn kết, nghĩa tình, hùng mạnh và thịnh vượng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam [kỳ 2]: Góc nhìn chuyên gia về công tác quản lý
Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc, cùng các Phó tổng Giám đốc PVN chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Năm nay là một năm bản lề của PVN - nơi đánh dấu một số thay đổi về nhân sự cấp Tập đoàn và nhu cầu mở rộng thị trường khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ quý 2/2023.

Với xu thế kinh tế, chính trị thế giới đang thay đổi hàng ngày kéo theo nhu cầu chuyển dịch năng lượng của các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới, hướng đến trở thành tập đoàn đầu tư năng lượng đa ngành, thân thiện với môi trường theo tinh thần COP26. Do đó, PVN sẽ phải tiếp tục hoàn thiện cơ cấu hoạt động và tái đầu tư cho các danh mục dự án mới để tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực của cả nền kinh tế.

Việt Nam là một quốc gia trên biển, đang theo đuổi đường lối đối ngoại đa phương và có mối quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước lớn như: Anh, Ý, Nga, Pháp, Đức, Nhật, Canada và Hoa Kỳ và là một thành viên quan trọng của ASEAN. Trước những biến động từ tình hình thế giới, cũng đang bị ảnh hưởng và đứng trước những lựa chọn khó khăn về đối ngoại (gồm mô hình hợp tác, đối tác chiến lược).

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - một trong những ngọn cờ đầu của cả nền kinh tế, không ngoại lệ, sẽ chịu những ảnh hưởng sâu rộng cả về chính trị, kinh tế trong và ngoài nước thông qua các hợp tác dầu khí quốc tế xuyên Á, Âu, Phi và Mỹ La-tinh.

Về đối ngoại, từ những thành tựu trong năm qua, PVN sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP quốc gia, giữ nhịp và điều tiết kinh tế vĩ mô, cũng như làm tiền đề cho các hợp tác quốc tế sâu rộng hơn nữa trong năm nay và những năm sắp tới.

Về đối nội, cùng với các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, PVN sẽ tiếp tục làm sáng tỏ hơn các Nghị quyết của Bộ Chính trị về ngành dầu khí, năng lượng và kinh tế biển, hướng đến một thị trường năng lượng phát triển bền vững, năng động hơn nữa trước xu thế chuyển dịch năng lượng trong nước, khu vực ASEAN, cũng như trên toàn cầu.

Đón đọc kỳ tới…

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động