RSS Feed for Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 6]: Xu hướng của điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 17:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 6]: Xu hướng của điện hạt nhân

 - Để đạt được mục tiêu mới năm 2030 giảm 46% khí nhà kính so với năm 2013, đã đến lúc Nhật Bản đối diện trực tiếp với các vấn đề liên quan đến điện hạt nhân. Theo mục tiêu hiện tại của quốc gia này, năm 2030 điện hạt nhân dự kiến sẽ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện. Để đạt được mục tiêu này, cần tái khởi động khoảng 30 lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, hiện tại, ngoài 3 lò đang xây dựng, Nhật Bản chỉ còn 33 lò phản ứng hạt nhân.


Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 1]: Thiếu điện và những thách thức trong cơ cấu nguồn điện

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 2]: Nhìn lại 10 năm sau sự cố Fukushima

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 3]: Vấn đề xử lý nước thải tại Fukushima số 1

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 4]: Tái khởi động nhà máy điện hạt nhân U40


Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 5]: Thách thức giảm phát thải carbon


Sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (năm 2011), Nhật Bản có 24 lò phản ứng bị tháo dỡ trong tổng số 60 lò phản ứng (bao gồm cả lò đang xây dựng). Trong số đó, cho đến nay chỉ có 9 lò phản ứng đã được tái khởi động.

Thêm vào đó, theo chính sách sửa đổi sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (năm 2011), thời gian vận hành tối đa của một lò phản ứng hạt nhân được quy định là 40 năm. Dù trường hợp đặc biệt được cho phép kéo dài, thì thời gian vận hành tối đa của lò phản ứng hạt nhân cũng chỉ là 60 năm.

Theo số liệu của Diễn đàn công nghiệp Nguyên tử Nhật Bản (JAIF), đến cuối năm 2030 số lò phản ứng dưới 40 năm tuổi ở Nhật Bản sẽ giảm còn 21 lò (bao gồm cả lò đang xây dựng). Dù tái khởi động tất cả thì Nhật Bản vẫn thiếu 9 lò để hoàn thành mục tiêu 20%. Để bù đắp phần thiếu hụt đó, buộc phải yêu cầu những lò phản ứng trên 40 năm tuổi tái khởi động. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ kéo dài thời gian vận hành các lò phản ứng hạt nhân trên 40 năm tuổi với khoản trợ cấp là 2,5 tỷ yên/lò phản ứng cho tỉnh đặt nhà máy điện hạt nhân đó.

Nếu vẫn giữ tình trạng như hiện tại, không xây mới, hoặc tái thiết, thì dù có kéo dài hoạt động lên 60 năm, số lò phản ứng còn lại đến năm 2050 sẽ chưa tới 20 lò. Đến năm 2070 thì con số sẽ là 0.

Năng lượng hạt nhân của Nhật Bản bắt đầu từ công nghệ của Mỹ. Trong khi ở Mỹ, các nhà máy điện hạt nhân được kéo dài hoạt động lên đến 80 năm. Hơn nữa, sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã ngừng hoạt động khoảng 10 năm, nhiều thiết bị đang được thay thế nên vẫn có thể vận hành tốt. Ngoài việc xây mới nhà máy điện hạt nhân, việc kéo dài thêm thời gian vận hành cũng được kỳ vọng.

Năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió cũng là nguồn điện không phát thải carbon, tuy nhiên khác với điện hạt nhân, sản lượng điện tạo ra phụ thuộc vào sự thay đổi của thời tiết. Để ứng dụng một lượng lớn năng lượng tái tạo, cần phải nâng cao hiệu suất của pin lưu trữ, giảm chi phí, tăng cường củng cố lưới điện... nhưng tất cả vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Việc mất điện theo kế hoạch ở bang California (Hoa Kỳ) vào mùa hè năm 2020, hay tình trạng thiếu điện ở Nhật Bản xảy ra (tháng 1/2021) cũng được chỉ ra là do thúc đẩy mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo, trong khi thiếu nguồn cung cấp điện ổn định như nhiệt điện, hay điện hạt nhân. Điện hạt nhân có thể luôn vận hành với công suất nhất định, nên cũng có thể góp phần cung cấp ổn định năng lượng điện.

Từ quan điểm duy trì công nghệ và đảm bảo nhân lực, ngành công nghiệp và Đảng dân chủ tự do (LDP)  đã lên tiếng yêu cầu chỉ rõ việc tái thiết và xây mới nhà máy điện hạt nhân trong Kế hoạch năng lượng cơ bản nhiệm kỳ tới, đang trong quá trình hoạch định. Chính quyền các địa phương đã hỗ trợ điện hạt nhân và cung cấp điện ổn định, cũng muốn làm rõ tầm nhìn trong tương lai.

Hiện tại, thời gian vận hành tối đa là 60 năm. Nếu đến thời hạn thì lò phản ứng buộc phải bị dỡ bỏ. Vì vậy, nếu việc tái thiết không được quyết định thì điện hạt nhân sẽ bị xóa bỏ khỏi địa phương đó. Đây là vấn đề sống còn đối với những địa phương có nền kinh tế phụ thuộc vào điện hạt nhân.

Nhóm nghiên cứu chiến lược năng lượng toàn diện của Đảng dân chủ tự do (LDP) đã tập hợp các đề xuất đưa việc thúc đẩy tái thiết và xây mới điện hạt nhân vào Kế hoạch năng lượng cơ bản lần thứ 6 sẽ được sửa đổi trong mùa hè này.

Trong đề xuất nêu rằng: Để đạt được mục tiêu năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính 46% so với năm 2013, cần tận dụng tối đa năng lượng tái tạo, điện hạt nhân… là những công nghệ sản xuất điện không phát thải khí CO2.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét các vấn đề như ảnh hưởng đến bầu cử… và cho biết "việc thúc đẩy tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân hiện có rất quan trọng và ở thời điểm hiện tại chưa có dự định tái thiết hay xây mới nhà máy điện hạt nhân".

Hơn nữa, vào ngày 4/6 vừa qua, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) thông báo đã xóa cụm từ "tận dụng tối đa điện hạt nhân" liên quan đến Chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã đưa ra để giảm khí nhà kính. Thủ tướng Suga cũng nêu lý do tuyên bố năm 2050 đưa lượng phát thải khí nhà kính  về 0 "không phải là bởi tận dụng tối đa điện hạt nhân, mà là muốn sử dụng tối đa năng lượng tái tạo".

Có thể thấy, ngay cả trong Chính phủ cũng có những cách nhìn nhận khác nhau về việc nên tận dụng năng lượng hạt nhân ở mức độ nào để thực hiện hóa một xã hội không phát thải carbon. METI đang xúc tiến sửa đổi Kế hoạch năng lượng cơ bản, bao gồm tương lai của điện hạt nhân, nhưng công việc này đang chậm trễ so với kế hoạch ban đầu. Khó khăn trong việc điều chỉnh giữa Chính phủ và đảng cầm quyền có thể sẽ tăng thêm đối với quyết định Nội các về Kế hoạch năng lượng cơ bản lần thứ 6, ​​dự kiến ban hành trong mùa hè này.

(Đón đọc kỳ tới...)

NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động