RSS Feed for Năng lượng bền vững ở Việt Nam: Thách thức và kiến nghị phát triển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 11/12/2024 19:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng bền vững ở Việt Nam: Thách thức và kiến nghị phát triển

 - Qua hơn 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, ngành Năng lượng Việt Nam đã có những bước tiến khá, rất đáng ghi nhận. Giai đoạn 2001-2010 GDP tăng bình quân 7%/năm, 2011-15 khoảng 6%. Năm 2010 GDP đầu người 1.160USD/người, năm 2015 là 2.170USD/người. Việt Nam bước qua ngưỡng nước nghèo đạt mức trung bình thấp. Giai đoạn 2011-2015, sản xuất năng lượng tăng khoảng 7%/năm; năm 2015 sản xuất than sạch đạt 40 triệu tấn; dầu thô 17 triệu tấn; khí đốt 10,6 tỷ m3; tổng công suất điện khoảng 37.000MW, sản xuất điện năng đạt 164,5 tỷ kWh; điện tiêu thụ đầu người khoảng 1.580kWh/người. Cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng phát triển nhanh. Nội dung sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý thống nhất và có hiệu quả. Hoạt động năng lượng đang được định hướng dần theo cơ chế thị trường.

Phát triển nhiệt điện than trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Giảm nhiệt điện than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân?

PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG, Viện hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam           

Ngành năng lượng càng lớn mạnh, hệ thống năng lượng càng phức tạp, đa dạng, quá trình phát triển đang đòi hỏi tính cân đối, thống nhất và hiệu quả cao hơn.

Tiêu thụ và dự báo nhu cầu năng lượng Việt Nam

Thực trạng tiêu thụ năng lượng Việt Nam thời gian qua tăng khá nhanh. Theo thống kê của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam năm 2012 là 56,7 triệu TOE, trong đó than chiếm 25,6%, khí đốt 14,5%. Với tốc độ tăng 7%/năm, tiêu thụ năng lượng sơ cấp năm 2015 được đánh giá khoảng 70 triệu TOE.

Điện thương phẩm 5 năm gần đây tăng khoảng 10-11%/năm, cụ thể năm 2011: 98,5 tỷ; 2012: 105,4 tỷ; 2013: 117,0 tỷ; 2014: 128,4 tỷ; 2015: 141,8 tỷ kWh.

Quy hoạch điện VII điều chỉnh (QHĐVII ĐC), Chính phủ đã phê duyệt 3-2016 [1], tổng điện năng sản xuất so với QHĐVII, được điều chỉnh giảm khoảng 20%. Cụ thể là năm 2015: 164 tỷ; 2020: 265; 2025: 400; 2030: 575 tỷ kWh. Trong đó nhiệt điện than vẫn có tỷ trọng lớn, trên 50% tổng sản xuất điện, thủy điện giảm từ 25 xuống 12,4%, điện từ khí đốt ở mức 17-19%, điện tái tạo tăng 6,5-6,9% giai đoạn 2020-25 lên 10,7% vào 2030.

So với QHĐVII, tỷ trọng điện năng từ năng lượng tái tạo (NLTT) được điều chỉnh tăng 1,8 lần, nhưng lượng tuyệt đối không tăng nhiều - chỉ 1,3 lần, vì tổng điện năng sản xuất giảm 20%.

Với những chỉ tiêu này chỉ mới đạt 60-70% mục tiêu của Chiến lược phát triển NLTT.

Điện sản xuất đầu người năm 2015 là 1800kWh/người; dự báo năm 2020: 2800; 2025: 4100; 2030: 5200 kWh/người.

Cụ thể điều chỉnh QHĐVII về cơ cấu công suất, sản lượng theo loại nguồn năng lượng đến năm 2030 được trình bày trong bảng 1; Dự báo phát triển điện năng từ NLTT được trình bày trong bảng 2.

Bảng 1. Cơ cấu công suất, sản lượng điện theo loại nguồn đến 2030 [ %]

 

2020

2025

2030

Cơ cấu CS

Cơ cấu SL

Cơ cấu CS

Cơ cấu SL

Cơ cấu CS

Cơ cấu SL

Thủy điện + tích năng

30,1

25,2

20,1

17,4

16,9

12,4

Nhiệt điện than

42,7

49,3

50,0

55,0

42,7

53,3

Nhiệt điện khí + dầu

14,9

16,6

15,8

19,0

14,7

16,8

TĐN + NLTT

9,9

6,5

12,5

6,9

21,0

10,7

Nhập

2,4

2,4

1,5

1,6

1,2

1,2

Điện HN

0

0

0

0

3,6

5,7

Nguồn - QHĐVII-ĐC 2016

Bảng 2. Dự báo phát triển điện năng từ NLTT đến 2030

Năm

Công suất NLTT MW

Tỷ trọng trong sx điện %

Tổng sx điện NLTT
tr kWh

Tỷ trọng tổng sx điện %

2015

2.046

5,2

6.047

3,9

2020

6.004

9,9

17.265

6,5

2025

12.000

12,6

27.760

6,9

2030

27.200

21

60.900

10,7

Nguồn QHD7-ĐC

Dưới đây là một vài con số cho thấy mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam đang ở đâu trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Theo thống kê quốc tế [15], năm 2014, tiêu thụ năng lượng bình quân thế giới khoảng 1795 kgOE/người, sản xuất điện bình quân khoảng 3100kWh/người. Với các nước trong khu vực, tiêu thụ điện bình quân đầu người năm 2010, Singapore là 8300, Malaysia: 4136; Thái Lan: 2335, Trung Quốc: 2944; Hàn Quốc: 9744; Nhật Bản: 8394 kWh; vv...

Với mức tiêu thụ và dự báo như đã trình bày trên, so với các nước tiên tiến còn quá thấp, nếu so với mức trung bình thế giới, tiêu thụ năng lượng nói chung Việt Nam chỉ mới khoảng 30-35%, về tiêu thụ điện chỉ khoảng 60%; so với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng còn thấp hơn nhiều.

Điều đáng quan tâm hơn là hiệu quả sử dụng năng lượng, đó là mức tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện để làm ra một đơn vị GDP (thường gọi là cường độ năng lượng/điện đối với GDP). Ở một số nước vào năm 2010 như sau:

 

Quốc gia            

Thái Lan    

Nhật Bản  

Hàn Quốc   

CHLB Đức  

T.Quốc

LB Nga

CDĐ-kWh/USD   

0,56       

0,22        

0,40             

0,25           

          1,05      

1,0

 

CĐNL-kgOE/USD 

199

154

239

164

231

-

 

Ở Việt Nam hiện nay cường độ điện khoảng 1,15-1,2kWh/USD, lại còn được dự báo tăng lên vào 2020-25. Đồng thời hệ số đàn hồi điện - tỷ lệ tốc độ tăng trưởng điện so với tăng GDP các nước nói chung nhỏ hơn 1, Việt Nam hiện tại trên 1,5 và có xu thế tăng!

Nguồn năng lượng Việt Nam

Dưới đây trình bày tóm tắt tiềm năng và một số đánh giá các nguồn năng lượng của đất nước.

Nguồn thủy điện

Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật - môi trường về thuỷ điện được đánh giá khoảng 70-75 tỷ kWh, đến nay chúng ta đã khai thác trên 70% tiềm năng, hiện tại thủy điện đóng góp khoảng 42% lượng điện sản xuất, nhưng dự kiến đến 2020 khoảng 18% và 2030 còn khoảng 13%.

Thực tế thời gian qua chúng ta xây dựng thuỷ điện với quy hoạch chưa tốt, đặc biệt là thuỷ điện vừa và nhỏ, mới chú ý tới hiệu quả phát điện là chính, chưa quan tâm đầy đủ việc sử dụng tổng hợp nguồn nước, chưa chú ý đầy đủ phòng lũ hạ lưu, cũng như quy trình vận hành hệ thống công trình thuỷ điện bậc thang. Thậm chí một số công trình chưa kiểm định đã chạy, thiếu tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, trồng rừng thay thế,... đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng: mất rừng, hạn hán, môi sinh thay đổi, ảnh hưởng tới chiến lược phát triển xanh và bền vững.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu cần quan tâm mấy nội dung sau:

Về thủy điện trên sông Mekong: Sông Mekong là một trong 11 con sông lớn nhất thế giới, có chiều dài 4800km, lưu lượng bình quân hàng năm khoảng 15.000m3/giây. Tỷ lệ dòng chảy đóng góp (%) từ Lào: 36; Campuchia: 18; Thái Lan: 18; Trung Quốc: 16; Việt Nam: 11; Myanma: 2. Tổng tiềm năng thủy điện khoảng 60.000MW, trong đó 28.900MW ở lưu vực trên nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, gồm 14 đập lớn (đã xây dựng 8) và trên 50% ở lưu vực dưới với 11 đập lớn: 7 ở Lào, 2 trên biên giới Lào - Thái, 2 ở Campuchia.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như Chương trình Đông Nam Á, Ủy hội sông Mekong, [11,12] cho thấy chính quyền các nước ở trên lưu vực tỏ ra cương quyết, bất chấp những phản đối, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế. Ủy ban sông Meekong (nay là Ủy hội sông Mekong) tỏ ra bất lực, phía Trung Quốc thiếu hợp tác, không chia sẻ thông tin, số liệu về các công trình thủy điện; công tác tham vấn cộng đồng không có hoặc sơ sài; phía Việt Nam là nước ở cuối nguồn, có ảnh hưởng xấu nhất, nhưng thiếu chủ động đàn phán.

Với tình hình thực tế như vừa qua, sông Mekong đã và đang được khai thác thiếu quy hoạch, thiếu đồng thuận giữa các nước, cũng như của các cộng đồng dân cư trên lưu vực. Từ đó đã gây nhiệu hệ lụy lớn về môi trường, môi sinh, sinh kế của nhiều khu vực dân cư. Nhiều năm qua vùng hạ lưu thiếu nước, Biển Hồ cạn nước, Đồng bằng Cửu Long mất lũ, mất phù sa, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn đã vào sâu 80-100km (những nội dung nông nghiệp, sinh kế, an sinh,… không thuộc phạm vi bài viết này), Đồng bằng Nam Bộ đang bị đe dọa có tính sống còn!

Sông ngòi, thủy điện Tây Nguyên [10] gồm bốn hệ thống sông chính: Sesan, Srepok, sông Ba và Đồng Nai, tổng lưu lượng nước mặt khoảng 50 tỷ m3; tiềm năng thủy điện khoảng 5000MW, với khoảng 400 vị trí thủy điện, hiện đã có 11 thủy điện lớn, nhiều thủy điện vừa và nhỏ đang hoạt động. Chế độ dòng chảy có tác động lớn tới khí hậu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ. Nguồn nước ngầm được đánh giá khá dồi dào, nhưng đều ở độ sâu trên 100m. Nhiều năm qua, Tây Nguyên phát triển thủy điện khá ồ ạt, nhất là từ 2004, khi Bộ Công nghiệp ban hành tài liệu Quy hoạch thủy điện nhỏ (với công suất dưới 30MW) và giao quyền cho địa phương. Nhiều thủy điện đã được xây dụng thiếu quy hoach, quản lý kém, công nghệ lạc hậu, nhà thầu không chuyên, lấy lợi ích điện là chính,… Từ đó dẫn tới sông, suối bị cắt khúc, hệ sinh thái bị biến dạng thành sinh thái hồ, mất rừng, mất cân bằng nước, ảnh hưởng lớn tại khu vực Tây Nguyên và cả vùng các tỉnh Nam Trung bộ.

Với nhiều ý kiến tư vấn cảnh báo, năm 2013 Quốc hội có nghị quyết giao Chính phủ rà soát các dự án thủy điện, kết quả đã loại bỏ khỏi quy hoạch thủy điện toàn quốc trên 400 dự án, tạm dừng 136 dự án, không đưa và quy hoạch 172 dự án tiềm năng. Trong đó riêng Tây Nguyên loại bỏ 167 dự án nhỏ, tổng công suất 617MW, 75 vị trí tiềm năng.

Tuy vậy, tình hình thủy điện và sử dụng nước ở Tây Nguyên vẫn còn là vấn đề nan giải: khô hạn, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. “Vấn nạn nước” có liên quan mật thiết với các tỉnh Nam Trung bộ - nơi đây chỉ có một số sông nhỏ, ngắn và dốc; lượng nước hàng năm trông chờ từ Tây Nguyên đổ về. Ở đây đã xây dựng một số hồ chứa, nhưng dung tích chỉ vài triệu m3, hàng năm đang xảy ra thiếu nước nghiêm trọng, cần có biện pháp căn cơ lâu dài.

Thuỷ điện là nguồn năng lượng tái tạo, sạch, tuy nhiên ngày nay khai thác thuỷ điện phải thận trọng về môi trường, môi sinh, an ninh nếu không sẽ phát triển không bền vững.

Nguồn than

Từ tài liệu quy hoạch ngành than điều chỉnh 2015 [2] cho thấy, tổng tài nguyên trữ lượng than của nước ta, tính đến 31-12-2015 là 48,8 tỷ tấn, trong đó than đá 48,4 tỷ, than bùn 0,34 tỷ tấn. Tài nguyên và trữ lượng huy động vào quy hoạch là 3,05 tỷ tấn, trong đó than bùn 0,06 tỷ tấn. Nguồn than đồng bằng Sông Hồng, tuy được đánh giá có tiềm năng lớn, nhưng chưa thể đưa vào quy hoạch.

Theo quy hoạch, sản lượng khai thác than có thể đạt như sau:

Năm 2015: 55 triệu tấn;  năm 2020: 60 triệu tấn; 2030:70 triệu tấn.

Để có thể đạt được kế hoạch đề ra cần thăm dò nâng cấp bể than Đông Bắc, thực hiện hàng chục dự án mở rộng các mỏ: Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí, Na Dương,… Bể than ĐBSH cần thăm dò, lựa chọn một số diện tích chứa than có triển vọng, có điều kiện địa chất - mỏ thích hợp, đồng thời lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp, hiệu quả, đảm bảo an toàn môi trường, làm cơ sở cho kế hoạch khai thác các giai đoạn tới.

Vấn đề nhập than chủ yếu cho sản xuất điện mấy năm qua được đề cập khá nhiều, tuy nhiên chưa có giải pháp nào chắc chắn, bền vững. Tuy vậy, đầu năm 2016 lại có chuyển biến mau lẹ, các doanh nghiệp thương mại trong 7 tháng đầu năn 2016 đã nhập khoảng 8 triệu tấn than (25% thị phần). Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất năm 2016.

Câu hỏi đặt ra là: Trong khi than trong nước có khả năng phát triển, viêc nhập than như vậy liệu có bình thường?

Nguồn dầu - khí

Theo đánh giá của ngành dầu - khí, trữ lượng dầu - khí của Việt Nam có thể thu hồi là 3,8-4,2 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng đã được xác minh khoảng 1,05-1,14 tỷ tấn, trong đó khí đốt chiếm trên 60%[3]. Dự báo khả năng khai thác dầu - khí giai đoạn tới 2030, kể cả đầu tư ra nước ngoài như sau:

Dầu thô 2015: 20,0; 2020: 20,7; 2025: 21,7; 2030: 22,0 triệu tấn; trong đó khai thác nội địa chiếm khoảng 80%.

Khí đốt 2015: 11;  2020: 17; 2025: 17; 2030: 17 tỷ m3.

Nguồn dầu - khí trong nước, với mức độ hiểu biết hiện nay, rõ ràng rất hạn chế, không thể đảm cho nhu cầu. Các nhà hoạch định chính sách cũng đã nhìn thấy bất cập này; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đang nỗ lực tìm giải pháp khắc phục, trong đó kể cả đầu tư ra nước ngoài để bổ sung sản lượng dầu. Tuy nhiên, việc đầu tư ra nước ngoài những năm qua cũng gặp nhiều khó khăn. Hai năm gần đây, thị trường dầu thế giới cung vượt cầu, giá dầu giảm tới 60% tính từ giữa năm 2014, hiện nay chỉ còn khoảng 45-48USD/thùng; gây bất ổn thị trường năng lượng nói chung, ảnh hưởng lớn tới cả kinh tế thế giới. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giá dầu còn thay đổi khó lường, ảnh hưởng lớn tới nguồn năng lượng trong nước.

Nguồn năng lượng tái tạo (NLTT)

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng năng NLTT khá phong phú, tiềm năng gió được đánh giá khoảng 150.000 MW, bức xạ mặt trời trung bình đạt 3,5 kWh/m2/ngày ở phía Bắc; 4,5 kWh/m2/ngày ở phía Nam. Tuy nhiên đến nay tài liệu, số liệu khảo sát, đo đạc còn thiếu và độ tin cậy thấp. Về thể chế đã có quan tâm nhưng chưa đủ để khuyến khích đầu tư, phát triển, sử dụng. Việc sử dụng năng lượng mặt trời để đun nước được đánh giá là bắt đầu có hiệu quả. Đến 2015 tổng công suất điện tái tạo so với tiềm năng còn khá khiêm tốn, mới khoảng 2000 MW, chiếm 5% công suất và 3,9% tổng điện năng hệ thống. Một số dự án điện gió như ở Ninh Thuận, Bạc Liêu… tuy giá thành điện còn khá cao, nhưng bước đầu đã phát huy tác dụng.

Với ý chí của cộng đồng quốc tế, để ứng phó với BĐKH, bảo vệ hành tinh, 12/2015 thỏa thuận Paris được 190 nước và vùng lãnh thổ ký kết. Theo đó NLTT được khuyến khích sử dụng. Hiện nay giá điện sản xuất từ gió, mặt trời đã giảm 30-40% so với năm 2010 và được dự báo sẽ giảm mạnh trong 5-10 năm tới [14,15], tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam phát triển nguồn năng lượng này. Trong QHĐ VII ĐC cũng đã tăng tỷ lệ điện từ NLTT lên 6% vào 2020 và trên 10% vào 2030.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là khâu cực kỳ quan trọng, nó được đánh giá là tạo ra nguồn năng lượng sạch giá rẻ, là quốc sách “thâm canh” trong năng lượng. Chúng ta đã xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thực hiện các chương trình, dự án TK&HQNL, tuy hoạt động khá sôi nổi nhưng tính lan tỏa và hiệu quả còn hạn chế. Mức độ tiết kiệm chưa được đánh giá đầy đủ và tin cậy. Chúng ta cần xây dựng các chỉ tiêu pháp lý cho hoạt động này.

Việt Nam có tiềm năng TKNL lớn, nhưng để giảm tiêu thụ năng lượng nhiều hơn thì nền kinh tế cần phát triển các ngành tiêu thụ năng lượng thấp mà đem lại giá trị gia tăng cao, giảm dần các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng (nếu không phải là bắt buộc) mà giá trị gia tăng thấp. Hiện nay công nghiệp Việt Nam tiêu thụ 52,5% điện năng, 38,6% tổng năng lượng thượng mại (NLTM) mà chỉ làm ra 32,5% GDP, trong đó sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thép,… được đánh giá là tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi đó nông - lâm - ngư nghiệp vốn là những ngành tiêu thụ ít năng lượng, hiện chỉ tiêu thụ 1,4% tổng điện năng, 1,28 % tổng NLTM mà đem lại 22% GDP. Thực tế hiện nay nông nghiệp vẫn bị đánh giá, canh tác còn thủ công, chế biến, bảo quản kém làm mất đi giá trị sản phẩm, phải nhập nhiều nhu yếu phẩm cho sản xuất, chăn nuôi,… Phải chăng chúng ta chưa làm tốt việc cung cấp năng lượng và nội dung điện khí hóa trong nông nghiệp. Bên cạnh đó các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ, thường được xem là “đầu tư ngắn ngày mau ăn”, đặc biệt các ngành công nghệ cao, thiếu định hướng chiến lược - nghĩa là chúng ta cần cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Như vậy vấn đề sử dụng hợp lý hiệu quả có ý nghĩa lớn, bao quát hơn; cơ cấu hợp lý các ngành của nền KTQD, cho phép giảm cường độ năng lượng lớn hơn. Thời đại ngày nay không thể định hướng công nghiệp hóa kiểu tiền tư bản, mà cần hướng tới hiện đại hóa và kinh tế tri thức, có như vậy mới giảm được cường độ năng lượng và tránh tụt hậu.

Nguồn Uranium

Nguồn quặng uranium cho tới nay chỉ mới thăm dò chủ yếu trên bề mặt với cách khoan nông, địa vật lý, mới chỉ xử lý mẫu công nghệ với khối lượng nhỏ vài tấn đến vài chục tấn quặng, chưa thể tiến hành khai thác. Theo báo cáo của cơ quan địa chất tiềm năng urani của Việt Nam có khoảng 200 ngàn tấn U3O8, trong đó cấp C1:113 tấn; cấp C2: 16.000 tấn. Với chủ trương phát triển điện hạt nhân, cần điều tra thăm dò bổ sung trử lượng, chuẩn bị công nghệ khai thác, thì trong tương lai mới có điều kiện chủ động sử dụng nguồn nhiên liệu này.

Những tồn tại, thách thức đối với phát triển năng lượng bền vững

Nguồn năng lượng chưa đảm bảo

Như đã trình bày trên, tiềm năng, trữ lượng năng lượng Việt Nam được đánh giá không giàu. Nguồn dầu - khí tiềm năng hạn chế; Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thủy điện cơ bản đã được sử dụng và còn tồn tại những nội dung về môi trường, cân bằng nước cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Các nguồn NLTT được đánh giá có tiềm năng khá, cần tiếp thu công nghệ mới, đầu tư mạnh mẽ để có thể phát triển nhanh. Tiềm năng, trữ lượng than được đánh giá tuy không nhiều nhưng là khả thi trong giai đoạn tới, nhu cầu than của Việt Nam tới đây vẫn tăng cao, có nhiều thách thức về thăm dò bổ sung trữ lượng đặc biệt là than nâu ở Đồng bằng Sông Hồng, nghiên cứu ứng dụng công nghệ than sạch để sử dụng hiệu quả. Nguồn uran để có thể sử dụng cho các lò hạt nhân cần có nghiên cứu và đầu tư dài hạn.

Nhu cầu năng lượng tăng cao

Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa, yêu cầu năng lượng ngày càng cao, với dự báo trên, nhu cầu năng lượng từ nay đến 2030 tăng khoảng ba lần, cần phấn đấu mới đạt được. Nhưng so với các nước trong vùng và bình quân thế giới vẫn còn khá thấp. Tiềm năng năng lượng quốc gia không nhiều, là thách thức lớn. Giải pháp nào để đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển? Ngoài việc tăng cường, bổ sung nguồn, biện pháp quan trọng nhất là phải sử dụng hiệu quả và tiết kiệm. Ở đây nhấn mạnh nội dung hiệu quả, cơ cấu lại kinh tế quốc dân để có cường độ năng lượng/điện thấp. Ngày nay để phát triển không đòi hỏi quá nhiều năng lượng.  

Thiếu quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia (QHNLTTQG)

Trong cả quá trình phát triển cho tới 2016, chúng ta đã xây dựng các quy hoạch, chiến lược sau: 7 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ) và QHĐ7 ĐC; 5 Quy hoạch phát triển ngành than (QHT); 3 Quy hoạch phát triển dầu - khí (QHDK); 1 Quy hoạch năng luợng tái tạo (NLTT); 1 Chiến lược phát triển NLQG - 2007. Các quy hoạch đã góp phần định hướng quan trọng cho phát triển các phân ngành năng lượng; lập kế hoạch phát triển các công trình năng lượng, tạo cơ sở phục vụ phát triển KTQD; Xây dựng và hoàn thiện dần các bộ tư liệu, số liệu phục vụ tính toán quy hoạch và quản lý nhà nước về năng lượng. Đồng thời cũng thể hiện nhiều nhược điểm, bất cập: (i) Ngành năng lượng có tính hệ thống cao nhưng các quy hoạch phân ngành Điện, Than, Dầu - khí, NLTT được xây dựng riêng, khá biệt lập, vì vậy thể hiện thiếu đồng bộ, thiếu cân đối. (ii) Dự báo nhu cầu năng lượng là khâu đầu tiên và rất hệ trọng, cần được thực hiện với các phương pháp thích hợp, đủ tin cậy, nhưng vừa qua chúng ta thực hiện dự báo nhu cầu điện và năng lượng nói chung còn sơ lược, thủ công, thiếu đồng bộ, thiếu chính xác, thường thiên cao. (iii) Thời gian quy hoạch của các phân ngành chưa thống nhất. (iv) Tư liệu, số liệu phục vụ quy hoạch thiếu thống nhất, thiếu tin cậy, thiếu thẩm định. (v) Các nội dung quy hoạch chưa được xem xét, tính toán một cách hệ thống, dẫn tới khập khiễng, thiếu thống nhất; Cơ cấu, tỷ lệ đầu tư chưa hợp lý giữa các phân ngành năng lượng, giữa các giai đoạn quy hoạch; Giá cả của các loại nhiên liệu - năng lượng là đầu vào đầu ra của nhau nhưng thiếu cân đối, tương quan chưa hợp lý, chưa có dự báo giá trung và dài hạn. (vi) Phương pháp tính toán xây dựng quy hoạch chưa hợp lý, thể hiện ở hai khía cạnh chính: xây dựng riêng lẽ thiếu tính hệ thống; về phướng pháp ngoại trừ Quy hoạch điện lực có sử dung một số phương pháp và công cụ hiện đại, tuy chưa đồng bộ, hợp lý, các phân ngành khác chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công.

Ngoài ra quan điểm về chiến lược, quy hoạch vẫn còn thiếu thống nhất [13].  Những phân tích chi tiết hơn đã được trình bày trong các tài liệu [8,9].

Công nghệ lạc hậu

Hiện nay chúng ta chưa có nghiên cứu chính thức nào về đánh giá trình độ công nghệ nói chung và công nghệ năng lượng nói riêng. Tuy vậy, theo ý kiến nhiều chuyên gia, công nghệ năng lượng ở Việt Nam còn khá lạc hậu. Trong khai thác, sản xuất, chế biến than công nghệ cũ, chậm đổi mới, giá thành khai thác cao. Công nghệ phát điện, ngoại trừ một số nhà máy lớn sử dụng công nghệ G7, còn lại các máy nhiệt điện than công nghệ từ Trung Quốc được đánh giá chỉ ở mức trung bình, hiệu suất thấp, độ tin cậy thấp và ô nhiểm. Các thủy điện vừa và nhỏ hầu hết công nghệ Trung Quốc được đánh giá khá lạc hậu, số lượng lớn, gây hệ lụy phụ thuộc.

Trong tiêu thụ năng lượng công nghiệp và dân dụng được đánh giá trên 70% thiết bị ở mức lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn và ô nhiểm cao. Sử dụng công nghệ tiên tiến là chìa khóa tiết kiệm năng lương và bảo vệ môi trường.

Tài chính hạn hẹp

Theo QHĐ VII - ĐC, tổng vốn đầu tư (kể cả lãi vay xây dựng) cho phát triển điện lực như sau (triệu USD):

Giai đoạn         

2014-15

2016-20

2021-25

2026-30

2014-30

Nguồn điện          

6262

25876

28320

35179

95637

Lưới điện              

3407

9791

13245

14516

40959

Đầu tư lưới (%)       

35,2

27,5

32

29,2

30

BQ năm (tỷ USD)

5

7,1

8,3

      9,9

8

 

Tỷ trọng đầu tư lưới điện chỉ xấp xỉ 30% tổng đầu tư điện lực là khá khiêm tốn.

Theo QH ngành than - 2012, bình quân mỗi năm khoảng 1 tỷ USD; ngành dầu - khí (chưa rõ), nhưng chắc cũng khoảng vài tỷ USD.

Như vậy từ nay đến 2030 cần đầu tư cho năng lượng bình quân hàng năm khoảng 10 tỷ USD, một thách thức không nhỏ đối với kinh tế quốc dân! Thiết nghĩ, tổng và cơ cấu đầu tư các phân ngành năng lượng cũng cần được xác định thông qua QHNLTT quốc gia.

Sức ép về biến đổi khí hậu

Theo dự báo của quốc tế, Việt Nam là một trong năm nước có nguy cơ tổn thương nặng nề do BĐKH, trái đất nóng lên, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, gây xâm thực mặn, nay tình hình đã là hiện hữu, một số vùng ven biển và đặc biệt là Đồng bằng song Cửu Long đã bị xâm thực mặn và hạn hán, thiệt hại lớn về kinh tế và sinh kế dân cư. Nguyên nhân quan trọng đã đựơc xác định là do lượng phát thải KNK toàn cầu tăng nhanh từ hoạt động của con người. Theo đánh giá của tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể bị thiệt hại khoảng 15 tỷ USD/năm, tức khoảng 7-10% GDP hiện nay.

Việt Nam là nước đang phát triển, nhưng đã ký và phê chuẩn sớm Công ước khung về BĐKH của Liên hợp quốc từ 1992 và nhiều nghị định, văn bản khác, cam kết cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hành tinh. Gần đây, 2015 Việt Nam đã cam kết Thỏa thuận Paris ứng phó với BĐKH. Việt Nam đã thực hiện, đóng góp nhiều nội dung về giảm thiểu, thích ứng với BĐKH. Trong đó có công tác kiểm kê KNK quốc gia, nội dung quan trọng của Thông báo quốc gia về BĐKH trình Ban Thư ký Công ước.

Riêng lĩnh vực năng lượng, kết quả kiểm kê KNK năm 2010 [6] cho các hoạt động chi tiết được trình bày trong bảng 3. Trong đó hoạt động đốt nhiên liệu chiếm tới 88%, trong hoạt động đốt nhiêu liệu thì công nghiệp năng lượng, mà chủ yếu là đốt than ở các nhà máy điện chiếm tới gần 30% (29 triệu tấn CO2tđ).

Bảng 3. Phát thảỉ  KNK trong lĩnh vực năng lượng năm 2010

                                                                     Đơn vị: nghìn tấn CO2

Nguồn phát thải

Tổng

Tỷ lệ-%

Đốt nhiên liệu

124.275,0

88,03

- Công nghiệp NL

41.057,9

29,08

- CNSX&XD

38.077,6

26,97

- GTVT

31.817,9

22,54

- TM&DV

3.314,2

2,35

- Dân dụng

7.097,6

5.03

- NN-LN-Thủy sản

1.630,8

1,16

- Các ngành khác không sử dụng năng lượng

1.279,0

0,91

Phát tán

16.895,9

11,97

- Nhiên liệu rắn

2.243,1

1,59

- Dầu và khí

14.652,7

10,38

Tổng cộng

141.170,8

100

       Nguồn: BC kiểm kê KNK năm 2010 và DA 2014, Bộ TN&MT

Đồng thời đã ước tính phát thải KNK cho giai đoạn đến 2020 và 2030. Kết quả tương ứng các năm là: 226; 466; 760 triệu tấn CO2tđ; trong đó lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn, theo các năm tương ứng là 62; 82; 85% tổng phát thải quốc gia.

Cùng với phát thải khí nhà kính, lượng thải các chất độc hại từ các cơ sở công nghiệp, nhà máy điện thường xuyên thải ra môi trường (công nghiệp sản xuất gang thép, giấy, nhiệt điện than, hóa dầu,…) nếu không có biện pháp làm sạch, ngăn chặn hữu hiệu thì hậu quả khó lường.

Môt số kiến nghị

1. Về nguồn năng lượng, tổ chức thăm dò bổ sung, kiểm kê, đánh giá các nguồn tài nguyên năng lượng, đặc biệt là than, thủy năng, NLTT, nâng cao độ tin cậy, làm cơ sở cho xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng.

Xây dựng dự án nghiên cứu cân bằng nguồn nước (nước mặt và ngầm) cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ, rà soát mức độ sử dụng thủy điện ở Tây Nguyên; mở rộng, bổ sung các hồ chứa ở các tỉnh Nam Trung bộ, đề xuất giải pháp khoa học, căn cơ sử dụng tối ưu nguồn nước cho phát điện, phát triển kinh tế và sinh hoạt. Thiếu nước thì không thể phát triển!

Về thủy điện và nguồn nước sông Mekong, cần tổ chức dự án tổng thể, nghiên cứu dòng chảy, công nghệ, môi trường, ngoại giao, vận động pháp lý, sự đồng thuận các tổ chức quốc tế, ý kiến cộng đồng. Ngay việc mua điện từ Lào, Trung Quốc cũng cần xem xét kỹ lưỡng,… để Việt Nam có tiếng nói thuyết phục trong việc sử dụng nguồn nước, trên tinh thần phân chia lợi ích công bằng. Việt Nam cần chủ động, không thể để chịu áp lực “vũ khí nước” như đã và đang diễn ra.

2. Sớm xây dựng QHNLTT quốc gia, quy hoạch này là cơ sở khoa học và pháp lý cho các quy hoạch các phân ngành năng lượng: Điện, Than, Dầu-khí, NLTT, Hạt nhân, theo đúng tinh thần Luật Điện lực sửa đổi 2014, xác định mục tiêu, chương trình phát triển năng lượng cho cả giai đoạn, hướng tới giảm nhiệt điện than, tăng thêm tỷ trọng NLTT.

3. Tổ chức tính toán xác định cơ cấu hợp lý các ngành KTQD, theo hướng đảm bảo chỉ tiêu phát triển kinh tế mà tiêu hao năng lượng thấp, giảm cường độ năng lượng chung.

4. Tổ chức đánh giá trình độ công nghệ năng lượng, để đề xuất giải pháp cải tạo, nâng cấp, thay mới các thiết bị sản xuất và sử dụng năng lượng, nâng cao hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiểm và phát thải CO2.

5. Tình hình tài chính dự báo có nhiều khó khăn, hạn hẹp, cần có nghiên cứu kế hoạch sát sao, nói không với các “phương án tình huống”. Đặc biệt khuyến khích vai trò các tập đoàn công nghiêp, doanh nghiệp tư nhân trong phát triển năng lượng.

Theo các nội dung trên, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PHNT chủ trì và phối hợp với các cơ quan khoa học xem xét.

1-9-2016

Tài liệu tham khảo chính

1.     QHĐ VII ĐC-2016;

2.     QH phát triển ngành Than, 2012 và ĐC-2016

3.     QH dầu-khí, 2013

4.     Luật Điện lực, 2013

5.     Bùi Huy Phùng-Phương pháp tính toán tối ưu phát triển bền vững HTNL, NXBKHKT, Hà Nội, 2011

6.     BC KK KNK quốc gia 2010, Bộ TN&MT, HN 2015

7.     Bùi Huy Phùng- Quy hoạch năng lượng tổng thể là cơ sở khoa học và pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, 6-2012

8.     Bùi Huy Phùng - Ngày xuân bàn huyệt đạo ngành NLVN- Tạp chí Năng lượng Việt Nam, 2015

9.     Bùi Huy Phùng- Kiến nghị giảm NĐ than trong QHĐVII-ĐC, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, 3-2016

10.  Sông ngòi thủy điện Tây Nguyên, Website: nong nghiep.vn

11.  Ngô thế Vinh, Trên bàn cờ Mekong những con đập thủy điện và tỵ nạn môi sinh, 2015

12.  Lang Anh, Vũ khí nước của Trung Quốc và việc giải lời nguyền sông Mekong, 3-2016

13.  Hoàn thiện CLPT điện lực VN đến 2025, nangluongvietnam online, 19-8-16

14.  IEA-Renewable Energy Medium Term Market Report 2014&2015

15.  Website: data.worldbank.org

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động