RSS Feed for Lộ trình xây dựng văn bản pháp luật về điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 15:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Lộ trình xây dựng văn bản pháp luật về điện hạt nhân

 - Việc xây dựng và triển khai thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) chịu sự điều chỉnh của Luật Điện lực và nhiều luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường,… Nhưng NMĐHN là một công trình đặc biệt nhạy cảm về an toàn, an ninh, chính trị vì luôn luôn tiềm ẩn ảnh hưởng đến an toàn (nguy cơ rò rỉ phóng xạ), an ninh (nguy cơ phá hoại, khủng bố) và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Vì vậy, dự án NMĐHN là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, là một đối tượng điều chỉnh chủ yếu của các quy phạm pháp luật (QPPL) về năng lượng nguyên tử (NLNT), bao gồm Luật NLNT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; cùng với các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Xây nhà máy ĐHN Ninh Thuận theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt

ThS. ĐINH NGỌC QUANG, Phòng Pháp chế và Chính sách Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân

Thực tiễn tại các nước đã thực hiện dự án NMĐHN cũng như được Cơ quan NLNT Quốc tế (IAEA) khuyến cáo mạnh mẽ cho thấy việc ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, quy định việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về điện hạt nhân là công việc đặc biệt quan trọng và cần phải được hoàn thành trước một bước để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giai đoạn của dự án theo đúng tiến độ.

Về nội dung, có thể chia các quy định pháp luật liên quan đến dự án ĐHN theo 2 nhóm lớn. Thứ nhất, các quy định để thúc đẩy thực hiện dự án như đầu tư, xây dựng, sử dụng đất, các cơ chế đặc thù cho việc thu xếp tài chính, di dân tái định cư… nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế của dự án ĐHN. Thứ hai, các quy định liên quan đến an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân; đánh giá tác động môi trường. (Các quy định bảo đảm chất lượng công trình NMĐHN vừa trực tiếp bảo đảm an toàn cho dự án vừa trực tiếp bảo đảm hiệu quả kinh tế của dự án).

Các quy định nhằm bảo đảm an toàn cho NMĐHN là quan trọng nhất (safety first) vì nếu một NMĐHN không chứng tỏ được sự an toàn tuyệt đối thì sẽ không được phép hoạt động hoặc sẽ phải ngừng hoạt động để khắc phục gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Đó cũng là sự thể hiện của “văn hóa an toàn” trong việc thực hiện dự án ĐHN. Vì vậy, các quy định pháp luật về an toàn hạt nhân chiếm phần quan trọng trong hệ thống quy phạm pháp luật về ĐHN và cũng là một bộ phận quan trọng, được ưu tiên trước hết khi thiết lập cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân.

Thông thường, vòng đời (lifetime) của một NMĐHN (đặc biệt là NMĐHN đầu tiên) sẽ phải qua 5 giai đoạn (phase):

Giai đoạn 1. NMĐHN được xem xét quyết định xây dựng (Thời gian từ 1 đến 3 năm).

Giai đoạn 2. Chuẩn bị xây dựng NMĐHN (Thời gian từ 3 đến 7 năm). Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn này.

Giai đoạn 3. Thi công xây dựng, lắp đặt, vận hành thử NMĐHN (Thời gian từ 7 đến 10 năm).

Giai đoạn 4. Vận hành thương mại NMĐHN (Thời gian từ 40 đến 60 năm).

Giai đoạn 5. Chấm dứt hoạt động của NMĐHN (Thời gian từ 20 năm đến 100 năm hoặc hơn).

Yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng pháp luật cho ĐHN được đặt ra ngay từ giai đoạn 1, đẩy mạnh hoàn thiện trong giai đoạn 2 và hoàn thiện đầy đủ vào nửa đầu giai đoạn 3.

Thực hiện lộ trình này, Luật Năng lượng Nguyên tử đã được Quốc hội thông qua vào ngày 03/6/2008, có hiệu lực từ ngày 1/1/2009; tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận (Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009). Ngày 22/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2010/NĐ-CP quy định việc thi hành Luật NLNT về nhà NMĐHN. Thi hành Nghị định 70, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch xây dựng các văn bản QPPL phục vụ Dự án ĐHN Ninh Thuận (Văn bản số 8975/VPCP-KTN ngày 09/12/2010). Kế hoạch này đã được thay thế bằng Kế hoạch soạn thảo văn bản QPPL về ĐHN giai đoạn 2013-2020 (phê duyệt theo văn bản số 248/TTg-KTN ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

Trong thời gian 6 năm qua (2010-2015) hệ thống văn bản QPPL về ĐHN được tích cực xây dựng và ban hành. Cùng với Nghị định 70, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định: Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực NLNT; Nghị định số 124/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực NLNT.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo đầu tư dự án NMĐHN Ninh Thuận  và hàng loạt quyết định quan trọng khác liên quan đến ĐHN:

- Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020;

- Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”;

- Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 31/8/2010 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ quốc gia đến năm 2020;

-  Quyết định số 2376/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 phê duyệt định hướng quy hoạch địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 phê duyệt Đề án “Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”;

- Quyết định số 265/QĐ-TTg ngày 05/3/2012 phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh”;

- Quyết định số 1504/QĐ-TTg ngày 28/8/2013 về việc ban hành cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư Dự án ĐHN Ninh Thuận;

- Quyết định số 09/2014/QĐ-TTg ngày 23/01/2014 quy định nghĩa vụ tài chính của tổ chức có NM.ĐHN, phương thức quản lý nguồn tài chính bảo đảm chấm dứt hoạt động và tháo dỡ NM.ĐHN;  

- Quyết định số 45/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 quy định Chế độ ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực NLNT của Bộ KH&CN;

- Quyết định số 2241/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN giai đoạn đến năm 2020; và

- Quyết định số 794/QĐ-TTg ngày 08/6/2015 phê duyệt Dự án di dân, tái định cư của các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Trong giai đoạn này, Bộ KH&CN đã ban hành 11 thông tư, Bộ Công Thương đã ban hành 2 thông tư phục vụ trực tiếp cho việc  ĐHN, đặc biệt đối với giai đoạn chuẩn bị phê duyệt địa điểm và phê duyệt báo cáo đầu tư (FS) NMĐHN.  Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành văn bản hướng dẫn lập Báo cáo đánh gia tác động môi trường (ĐTM) đối với Dự án NMĐHN. Bộ Xây dựng đã chuẩn bị dự thảo Thông tư quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng NMĐHN. Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 208/2014/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 26/12/2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 124/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực NLNT.

Trong năm 2015, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 12/2015/TT-BKHCN ngày 20/7/2015 quy định về phân tích an toàn đối với NMĐHN; đang chuẩn bị ban hành Thông tư quy định về nội dung Báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng NMĐHN - tạo cơ sở pháp luật để Chủ đầu tư NMĐHN Ninh Thuận là Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành các bước khảo sát thiết kế, chuẩn bị xây dựng. Bộ KH&CN cũng đang tổ chức soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc phê duyệt: Chính sách và chiến lược quốc gia về uản lý chất thải và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; Kế hoạch quốc gia về ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; và Đề án tăng cường năng lực, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho cơ quan quản lý nhà nước về phát triển NLNT và an toàn bức xạ, hạt nhân.

Cũng trong năm 2015, triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội số 89/2015/QH13 ngày 09/6/2015 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1273/QĐ-TTg ngày 07/8/2015, Bộ KH&CN đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ thực hiện Dự án Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã được thành lập và đã họp phiên đầu tiên vào ngày 24/9/2015. Trong thời gian qua, các đơn vị chuyên môn của Bộ KH&CN đã tích cực làm việc để xây dựng dự thảo Luật NLNT (sửa đổi). Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội số 89/2015/QH13, dự kiến dự thảo Luật NLNT mới sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2016.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ KH&CN đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan để rà soát kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL về ĐHN, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện bản Kế hoạch xây dựng văn bản QPPL về ĐHN cho giai đoạn 2016-2020 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Bản Kế hoạch này sẽ thay thế cho bản Kế hoạch 248; theo đó đến năm 2020 khung pháp luật về ĐHN của Việt Nam sẽ được hoàn thiện về cơ bản, bao gồm Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) và các văn bản QPPL điều chỉnh các hoạt động thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành NMĐHN. Bên cạnh đó là hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về NMĐHN sẽ được ban hành hoặc công nhận áp dụng. 

Việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân là một công việc khó khăn, phức tạp và mới đối với một nước lần đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên trong thời gian qua chúng ta đã tích lũy được một số kinh nghiệm và đang triển khai đúng hướng. Hy vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của IAEA và các nước đối tác, các quy định pháp luật về điện hạt nhân sẽ được hoàn chỉnh và khả thi, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đúng tiến độ, an toàn, an ninh và hiệu quả.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động