RSS Feed for Hướng tới Net Zero [kỳ 3]: Cập nhật một số dự án năng lượng sạch ở Đông Nam Á | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 13:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hướng tới Net Zero [kỳ 3]: Cập nhật một số dự án năng lượng sạch ở Đông Nam Á

 - Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc tăng tốc đến Net Zero là mục tiêu quan trọng và cần thiết của toàn cầu, cũng như khu vực. Cập nhật dưới đây Tạp chí Năng lượng Việt Nam là một số dự án năng lượng gió, mặt trời, thủy điện, hydro xanh quy mô lớn đang thực hiện đầu tư, chuẩn bị đầu tư ở Đông Nam Á.
Hướng tới Net Zero [kỳ 2]: Hoa Kỳ, Trung Quốc ưu tiên đầu tư nguồn điện lớn Hướng tới Net Zero [kỳ 2]: Hoa Kỳ, Trung Quốc ưu tiên đầu tư nguồn điện lớn

Hoa Kỳ và Trung Quốc - hai cường quốc và là những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Mục tiêu Net Zero của họ sẽ được các quốc gia khác rất lưu tâm. Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật về những kịch bản của hai quốc gia này hướng tới mục tiêu và những dự án năng lượng lớn đang đầu tư.

Hướng tới Net Zero [kỳ 1]: Kịch bản và một số dự án năng lượng tiêu biểu ở châu Âu Hướng tới Net Zero [kỳ 1]: Kịch bản và một số dự án năng lượng tiêu biểu ở châu Âu

Theo European Green Deal - EGD: Liên minh châu Âu (EU) có tham vọng hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) theo hai giai đoạn năm 2030 và 2050. Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật những kịch bản giúp EU đạt được mục tiêu và một số dự án năng lượng lớn, tiêu biểu đang đầu tư tại khu vực này.

Bà Xinying Tok - Trưởng khu vực Đông Nam Á (ĐNÁ) của Quỹ Tín thác Carbon (Carbon Trust) của Anh cho biết: Những thách thức cấp bách đe dọa cả tính mạng và sinh kế đối với khu vực ĐNÁ đòi hỏi phải giải quyết cả các vấn đề liên ngành lẫn hệ thống. Theo dự báo, ĐNÁ là nơi tỷ lệ tổn thất GDP vào năm 2048 cao gấp hai lần mức trung bình toàn cầu do tác động của biến đổi khí hậu, nhưng hiện cho thấy nhiều tích cực đáng mừng.

“Ví dụ năm 2022 là năm cam kết tăng đối với quá trình chuyển đổi công bằng khỏi nhiệt điện than, dựa trên động lực của COP26 - nơi 23 quốc gia cam kết mở rộng quy mô năng lượng xanh và loại bỏ dần than đá. Indonesia, Việt Nam và Singapore nằm trong số các quốc gia tiên phong này” - bà Xinying Tok nhấn mạnh.

Theo Carbon Trust: Các doanh nghiệp cần làm gì để thực hiện cam kết về Net Zero của khu vực hiện đang là chủ đề nóng được dư luận quan tâm. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo thành xương sống của nền kinh tế ĐNÁ, vì vậy, giúp họ nắm bắt tính bền vững là chìa khóa để thúc đẩy quá trình khử cacbon trong nền kinh tế thực và để đáp ứng các cam kết Net Zero.

Ví dụ tại Việt Nam, Chính phủ có kế hoạch thí điểm mở thị trường các-bon vào năm 2025, được kỳ vọng là một cơ hội kinh doanh mới có nhiều tiềm năng giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu Net Zero. Ngoài các khoản đầu tư mà các ngân hàng thực hiện vào các dự án năng lượng tái tạo và LNG, Chính phủ còn khuyến khích các doanh nghiệp theo đuổi chứng chỉ công trình xanh thông qua các khoản vay liên kết xanh và bền vững nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26). Đây được xem là bước ngoặt lịch sử, tiền đề cho những toan tính của doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Những cam kết này phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, và là động lực thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang hướng hiện đại hóa.

Cập nhật một số dự án năng lượng tiêu biểu đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư ở Đông Nam Á:

1/ Siêu dự án điện mặt trời 3,5 GW ở Indonesia:

Quantum Power Asia (Singapore) và Ib vogt của Đức mới đây đã ký Bản ghi nhớ (MoU) nghiên cứu khả thi siêu dự án điện mặt trời 3,5 GW ở Riau Archipelago, Indonesia, trong khuôn khổ tam giác phát triển Indonesia - Malaysia - Singapore (IMS-GT). Dự án có vốn đầu tư 5 tỷ USD được đề xuất có thể xuất khẩu điện mặt trời sang Singapore vào năm 2032. Tuy nhiên, thay vì phục vụ nhu cầu chuyển đổi năng lượng tái tạo của Indonesia, các đối tác phát triển dự án có kế hoạch xuất khẩu 4 tỷ kWh năng lượng mặt trời được tạo ra hàng năm của nhà máy sang Singapore.

Quần đảo Riau của Indonesia bao gồm 1.796 hòn đảo giữa Sumatra, Borneo và Bán đảo Mã Lai, phía Nam Singapore. Quantum Power Asia và ib vogt có kế hoạch xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời 3,5 GW trên một khu đất rộng 4.000 ha ở quần đảo, với dung lượng lưu trữ là 12 GWh. Điện sẽ được xuất khẩu sang Singapore thông qua cáp quang biển và dùng cho sản xuất hydro xanh ở Indonesia.

Dự án Anantara đáp ứng yêu cầu đề xuất của Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) của Singapore nhằm cung cấp và nhập khẩu năng lượng sạch từ các nước láng giềng, vì dự án này mong muốn đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Sau khi được vận hành hoàn toàn vào năm 2032, Quantum Power Asia tuyên bố dự án có thể đáp ứng khoảng 8% nhu cầu điện hàng năm của Singapore. Đây không phải là dự án điện mặt trời quy mô lớn đầu tiên dự kiến nhập khẩu năng lượng mặt trời đến Singapore thông qua cáp biển.

Dự án Liên kết năng lượng Úc - ASEAN trị giá 19,2 tỷ đô la được đề xuất, đứa con tinh thần của Sun Cable có trụ sở tại Singapore, sẽ có ít nhất 14 GW các tấm pin mặt trời 5B Maverick đúc sẵn và đi dây sẵn ở lãnh thổ phía Bắc của Úc. Dự án sẽ được hỗ trợ bởi một bộ lưu trữ pin ước tính 33 GWh và được truyền tải qua cáp ngầm dòng điện một chiều điện áp cao (HVDC) dài 3.800 km từ Darwin, Úc đến Singapore.

2/ Terra Solar - trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới của Philippines:

Theo Forbes: Công ty Prime Infrastructure Holdings (PIH) của tỉ phú Enrique Razon Jr. đang tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, với kế hoạch mới nhất trong việc xây dựng cơ sở năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tại Philippines. Tập đoàn tư nhân này thông báo mua lại quyền sở hữu dự án khí gas Malampaya tại biển Tây Philippines và sẽ xây dựng trang trại năng lượng mặt trời có khả năng sản xuất 2.500 - 3.500 MW điện năng. Tuy không đưa ra con số cụ thể, nhưng theo những nguồn tin trong ngành thì dự án trên có vốn đầu tư xây dựng vào khoảng 3 tỷ USD.

Sau khi hoàn thành, nhà máy trang bị tấm pin năng lượng mặt trời cỡ lớn 3.500 MW sẽ vượt qua tổng công suất 2.250 MW của Bhadla Solar Park - trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới trải rộng trên diện tích 5.700 hecta ở miền Bắc Ấn Độ.

PIH cho biết thêm, họ sẽ tận dụng mối quan hệ hợp tác với Solar Philippines, doanh nghiệp của doanh nhân Leandro Leviste tìm địa điểm cho dự án ở phía Bắc và Nam Luzon. Solar Philippines hiện đang xây dựng trang trại năng lượng mặt trời tại tỉnh Nueva Ecija, cách Manila gần 100 km về phía Bắc, là đối tác của Prime Infra phát triển thêm trang trại khác tại Tarlac, cách Nueva Ecija khoảng 70 km về phía Tây.

3/ Dự án điện gió hơn 2 tỷ USD ở Lào:

Dự án Monsoon Wind Power, gọi tắt dự án MWPP do Impact Energy Asia Development Limited (IEAD) làm chủ đầu tư, có tổng công suất 600 MW, được xây dựng tại vùng Đông Nam nước Lào, nằm cách biên giới Lào - Việt Nam khoảng 22 km. Khu vực dự kiến xây dựng dự án điện gió có tổng diện tích 28.513 ha với công suất lắp đặt 1.200 MW và chi phí xây dựng ước tính khoảng 2,16 tỷ USD. Ngày vận hành thương mại (COD) dự kiến vào năm 2025.

Mục tiêu của dự án là: (i) Tăng cường cung cấp điện cho Việt Nam bằng cách xuất khẩu điện xuyên biên giới giữa CHDCND Lào và Việt Nam, và (ii) đa dạng hóa nguồn điện của CHDCND Lào để phục vụ mục tiêu xuất khẩu.

IEAD đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) thời hạn 25 năm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để cung cấp lượng điện gió từ MWPP cho Việt Nam vào tháng 7 năm 2021.

Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với tư cách là cơ quan thu xếp tài trợ chính, bao gồm tổng số tiền cho vay là 490 triệu Bảng Anh (650 triệu USD). Các rủi ro và tác động về môi trường, xã hội (ES) của dự án đã được ADB đánh giá. Sau khi đi vào hoạt động đầy đủ, dự án MPP ước tính sẽ bù đắp khoảng 35 triệu tấn khí thải carbon dioxide (CO2) trong suốt vòng đời của dự án… Dự án cũng đã nhận được các đề xuất tài trợ từ các Ngân hàng Phát triển Đa phương và các ngân hàng thương mại ở Thái Lan, cũng như các quốc gia khác.

Dự án cần phát triển, xây dựng và vận hành một cơ sở phát điện gió có công suất khoảng 600 MW, một trạm biến áp 500 kV, một đường dây truyền tải 500 kV ở tỉnh Sekong và tỉnh Attapeu ở CHDCND Lào. Lượng điện sản xuất dự kiến sẽ được bán cho Việt Nam.

Tính đến nay, Lào đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại 23 dự án, tổng công suất lắp đặt 2.180 MW. Trong đó, có 3 dự án đã bắt đầu xuất khẩu, gồm có các nhà máy thủy điện: Sekaman 1, Sekaman Sanxay và Sekaman 3, với tổng công suất lắp đặt 572 MW. Trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ hoàn thành nốt các dự án còn lại và xuất khẩu điện sang Việt Nam với tổng công suất lắp đặt 1.608 MW.

Theo thỏa thuận đã được ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, đến năm 2025 Việt Nam sẽ nhập khẩu điện từ Lào khoảng 3.000 MW và dự kiến đến năm 2030 đạt 8.148 MW.

4/ Dự án điện gió La Gàn của Việt Nam:

Đầu tháng 3/2023, Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gàn (Công ty La Gàn) đã được khai trương tại thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là bước tiến mới của dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2021, Công ty Cổ phần Phát triển Dự án điện gió La Gàn cũng đã khai trương văn phòng đầu tiên tại Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với sự góp mặt của các đơn vị đã đồng hành và hỗ trợ dự án, gồm các đại diện từ Đại sứ quán Đan Mạch cùng lãnh đạo tỉnh và các đối tác mà dự án đã ký MOU.

Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn ở tỉnh Bình Thuận là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam được phát triển bởi Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) và do các chuyên gia điện gió ngoài khơi Copenhagen Offshore Partners (COP) quản lý.

Dự án nằm ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, với tổng công suất dự kiến 3,5 GW, khi hoàn thành có thể cung cấp năng lượng cho hơn 7 triệu hộ gia đình mỗi năm. La Gàn đặt mục tiêu trở thành dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dự án có tổng giá trị đầu tư khoảng 10,5 tỷ USD, được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, cũng như ứng dụng những công nghệ điện gió tiên tiến nhất.

Công ty Cổ phần Phát triển Dự án điện gió La Gan được thành lập vào năm 2020 bởi các thành viên ban đầu của liên doanh nhà đầu tư để triển khai kế hoạch phát triển dự án điện gió La Gàn sẽ cung cấp nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho cộng đồng địa phương nói riêng. Từ những ngày đầu phát triển, dự án đã có những đóng góp tích cực cho công tác xã hội và cộng đồng địa phương tại Bình Thuận - nơi mà dự án được hình thành và phát triển.

5/ Indonesia xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á:

Công ty Kayan Hydro Energy (KHE) - Chi nhánh Tập đoàn xây dựng điện Trung Quốc (PowerChina) hiện đang triển khai xây dựng dự án cụm Nhà máy Thủy điện Kayan Cascade dọc theo sông Kayan, ở tỉnh Bắc Kalimantan, thuộc Borneo, Indonexia. Công tác xây dựng giao thông phải đi trước một bước do không có cách nào để tiếp cận các mặt bằng xây dựng bằng đường bộ. Cụm Nhà máy Thủy điện Kayan Cascade tương lai gồm 5 đập, với tổng công suất phát điện là 9 gigawatt. Dự án có vốn đầu tư 17 tỉ USD, ​​hoàn thành và vận hành vào năm 2035.

Đập thủy điện đầu tiên, Kayan 1 với công suất 900 megawatt, bắt đầu phát điện vào năm 2026. Đập cuối (Kayan 5) dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2035, với công suất lớn nhất trong 5 đập là 3,3 gigawatt. Dự án chính thức được khởi động sau khi Indonesia nới lỏng các hạn chế chống dịch Covid-19 và sau cam kết đạt mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2060 mà Indonesia công bố vào năm ngoái, cũng như kế hoạch chuyển đổi Indonesia từ một nước xuất khẩu nguyên liệu thô sang quốc gia công nghiệp hóa.

Chính phủ Indonesia đặt nhiều hy vọng vào tỉnh Bắc Kalimantan. Các quan chức địa phương cho biết: Các con sông lớn chảy qua tỉnh có thể sản xuất tới 23 gigawatt điện, cung cấp năng lượng sạch cho một quốc gia phụ thuộc nhiều vào điện than. Trong khi đó, tỉnh Đông Kalimantan - nơi Indonesia sẽ xây dựng thủ đô mới là Nusantara, với chi phí ước tính khoảng 466 nghìn tỉ rupiah (31 tỉ USD).

6/ Dự án hydro xanh trị giá 7 tỷ USD tại Thái Lan:

Trang tin Năng lượng trực tuyến Mỹ Gaspathways số cuối tháng 11/2022, trích dẫn thông cáo báo chí từ Công ty Năng lượng Quốc gia Thái Lan PTT Public (PTT) cho hay: Công ty ACWA Power của Ả Rập Saudi, PTT và Cơ quan phát điện Thái Lan đã ký một biên bản ghi nhớ để đầu tư 7 tỷ USD vào các dự án hydro xanh ở quốc gia Đông Nam Á này.

Bộ ba sẽ hợp tác trong kế hoạch thành lập các cơ sở sản xuất hydro và dẫn xuất xanh quy mô lớn, sử dụng năng lượng tái tạo ở Thái Lan và tiêu thụ tại địa phương, cũng như xuất khẩu. Các công ty có kế hoạch sản xuất khoảng 225.000 tấn hydro/năm, tương đương với khoảng 1,2 triệu tấn/năm amoniac xanh.

Thái Lan đang đặt mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 và lượng khí thải ròng bằng 0 vào năm 2065. Trong khi đó, PTT đặt mục tiêu giảm 15% GHG từ các hoạt động thông thường vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2040 và mức 0 ròng vào năm 2050.

ACWA Power đang mở rộng và tạo dấu ấn của mình trong lĩnh vực hydro xanh ở châu Á. Vào tháng 10/2022, Công ty này đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc để phát triển các dự án hydro, amoniac xanh. Tuyên bố cho biết, các bên sẽ bắt đầu nghiên cứu khả thi cho dự án.

Dự án nói trên nằm trong kế hoạch thực hiện Hiệp ước Năng lượng Saudi - Thái Lan đã được hai nước ký (bao gồm dầu mỏ, hydro, thu hồi và lưu trữ carbon, công nghệ tái tạo và carbon thấp). Đầu tháng 11/2022, PTT đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Đầu tư Ả Rập Saudi (MISA) để thăm dò và mở rộng hoạt động kinh doanh hóa dầu tại Ả Rập Saudi.

Đón đọc kỳ tới...

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

THEO: CTC/SNC/BGC/AC/GWC - 3/2023


Link tham khảo:

1/ https://www.carbontrust.com/news-and-insights/news/accelerate-to-net-zero-a-view-from-southeast-asia

2/ https://www.pv-magazine.com/2022/04/19/quantum-power-asia-ib-vogt-propose-3-5-gw-solar-storage-project-in-indonesia/

3/ https://www.saurenergy.com/solar-energy-blog/the-top-5-game-changing-renewable-energy-projects-in-southeast-asia

4/ https://balkangreenenergynews.com/terra-solar-to-install-8-mw-solar-power-plant-in-southern-serbia/

5/ https://www.agenzianova.com/en/news/indonesia-largest-hydroelectric-power-plant-in-south-east-asia/

6/https://gaspathways.com/saudi-thai-cos-plan-7bn-investment-in-green-hydrogen-projects-1464

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động