Hội thảo phân tích sâu về an toàn thiết kế VVER
13:59 | 03/10/2016
Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân: Những vấn đề cấp thiết (Kỳ 1)
Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân: Những vấn đề cấp thiết (Kỳ 2)
Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân?
Khởi đầu mới của nền công nghiệp điện hạt nhân
Trao đổi với Tạp chí Năng lượng Việt Nam, TS Nguyễn Hào Quang, Phó viện trưởng VINATOM, cho biết, hội thảo này nhằm hỗ trợ cho VINATOM tăng cường năng lực nghiên cứu, phân tích, đánh giá an toàn lò phản ứng hạt nhân được sử dụng thiết kế VVER công nghệ AES 2006.
Theo các diễn giả, yêu cầu an toàn của các nhà máy điện hạt nhân được nhấn mạnh hơn vào năm 2011, tiếp sau tai nạn Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật bản. Ảnh: Song Anh
Tại hội thảo này, “Khía cạnh an toàn của thiết kế VVER là nội dung được tập trung bàn thảo nhiều nhất”, TS Nguyễn Hào Quang nói.
Qua hội thảo về phân tích an toàn thiết kế VVER công nghệ AES 2006, theo TS Quang, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng hiểu hơn thiết kế VVER, để trên cơ sở đó đưa ra những đánh giá, phân tích tính an toàn của nhà máy điện hạt nhân mà Việt Nam dự định xây dựng tại Ninh Thuận.
Hội thảo về phân tích an toàn thiết kế VVER công nghệ AES 2006 được tổ chức trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật TC VIE 9/2016 về “Thúc đẩy phát triển chương trình an toàn lò phản ứng” với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu trong lĩnh vực phân tích an toàn cho chương trình an toàn lò phản ứng của Việt Nam.
Trên thực tế, an toàn điện hạt nhân là chủ đề khoa học rất phức tạp và là khoa học đa ngành, nơi hội tụ các đỉnh cao từ nhiều khoa học hiện đại.
Công nghệ và thiết bị rất quan trọng, song yếu tố con người bao gồm đội ngũ vận hành, quản lý, hệ thống pháp lý và văn hóa an toàn luôn đóng vai trò quyết định.
Các sự cố và tai nạn điện hạt nhân thường khởi nguồn từ những sai lệch trong hệ thống công nghệ, sai sót con người và những hiện tượng thiên nhiên cực đoan.
Dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án quan trọng quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy và tạo đà phát triển cho nền khoa học công nghệ và nền công nghiệp phụ trợ của quốc gia.
Dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 25/9/2009. Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác với Chính phủ Liên bang Nga để xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và ký thỏa thuận với Nhật Bản để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Thiết kế VVER công nghệ AES 2006 là công nghệ tiên tiến nhất của Liên bang Nga được đề xuất cho Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại Việt Nam.
SONG ANH