RSS Feed for Hiện trạng Quy hoạch 403 và nhu cầu than Việt Nam [3] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 00:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiện trạng Quy hoạch 403 và nhu cầu than Việt Nam [3]

 - Trong Quy hoạch 403, dự báo nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ than ngoài điện chỉ đạt khoảng 50-60% công suất thiết kế của nhà máy. Tuy nhiên, như năm 2016, giá than thế giới giảm mạnh, thấp hơn so với giá than trong nước, sức tiêu thụ than của các nhà máy thuộc nhóm này lên đến khoảng 70-90% công suất thiết kế. Như vậy có thể thấy, giá than thế giới ảnh hưởng rất lớn đến sức tiêu thụ than Việt Nam.

Hiện trạng Quy hoạch 403 và nhu cầu than Việt Nam [1]
Hiện trạng Quy hoạch 403 và nhu cầu than Việt Nam [2]

Tình hình tiêu thụ than những năm qua

Theo báo cáo của các đơn vị ngành than và thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng than sản xuất trong nước và nhập khẩu cung ứng cho các hộ tiêu thụ trong nước giai đoạn 2011-2016 (xem bảng 7 dưới đây).

Bảng 7. Thực trạng tiêu thụ than của các hộ giai đoạn 2011-2016

TT

Nguồn than cung ứng theo hộ tiêu thụ

Khối lượng thực hiện các năm, 1.000 tấn

2011

2012

2013

2014

2015

2016

 

Tổng cộng

27.819

24.764

27.061

33.572

40.526

52.863

I

Than sản xuất trong nước

27.819

24.764

26.670

32.393

38.818

40.263

1

Hộ điện

10.869

11.374

13.699

18.929

26.197

30.901

2

Các hộ ngoài điện (phân bón, hóa chất, giấy, xi măng, VLXD, chất đốt sinh hoạt...)

16.950

13.390

12.971

13.464

12.621

9.362

II

Than nhập khẩu

-

-

391

1.179

1.708

12.600

1

Hộ điện

-

-

-

48

947

2.590

2

Các hộ ngoài điện (phân bón, hóa chất, giấy, xi măng, VLXD, chất đốt sinh hoạt...)

-

-

391

1.131

761

10.010

 

Qua số liệu trên có thể thấy:

Giai đoạn 2011-2016, tiêu thụ của hộ điện có xu hướng tăng và đặc biệt tăng nhanh từ năm 2014 (phù hợp với tốc độ gia tăng các nhà máy nhiệt điện). Đối với các hộ khác ngoài điện: tiêu thụ than năm 2012 giảm đột biến từ 16,9 triệu tấn xuống 13,4 triệu tấn, sau đó giữ ở mức khoảng 13-14 triệu tấn/năm và tăng mạnh lên khoảng 19,3 triệu tấn vào năm 2016.

Giai đoạn 2011-2015 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới đã làm các ngành công nghiệp giảm tốc độ tăng trưởng, phát triển cầm chừng, dẫn đến tiêu thụ than của các hộ tiêu thụ ngoài điện giảm mạnh và chỉ giữ ổn định ở mức 13,0-14,0 triệu tấn/năm.

Đến năm 2016, giá than thế giới giảm mạnh và thấp hơn giá than trong nước, các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân đã nhập khẩu than để cung cấp cho nhu cầu của các hộ tiêu thụ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2016, TKV và Tổng công ty Đông Bắc nhập khoảng 2,6 triệu tấn, còn lại các doanh nghiệp khác (trên 50 doanh nghiệp) nhập khẩu than với khối lượng than khoảng 10 triệu tấn.

Riêng các hộ tiêu thụ ngoài điện sử dụng than nhập khẩu với khối lượng lên đến 10 triệu tấn trên tổng khối lượng tiêu thụ than lên đến 19,3 triệu tấn trong năm 2016. Trong khi đó giai đoạn từ năm 2012-2015 chỉ tiêu thụ khoảng 13-14 triệu tấn.

Điều này cho thấy, việc giá than thế giới giảm mạnh đã kích thích các hộ tiêu thụ ngoài điện sử dụng than nhập khẩu dẫn đến thực tế tiêu thụ cao hơn so với dự báo.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay khi giá than thế giới có xu hướng tăng trở lại ở mức cao hơn so với giá than trong nước, nhu cầu sử dụng than nhập khẩu giảm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng than nhập khẩu trong hai tháng đầu năm 2017 là 1.360.727 tấn (TKV, PVN và Tổng công ty Đông Bắc không nhập khẩu than trong thời gian này), nên dự báo khả năng tiêu thụ của các hộ khác cũng sẽ giảm mạnh, không tăng đột biến như năm 2016 do các hộ tiêu thụ ngoài điện có khả năng chuyển đổi sang sử dụng các nguồn nhiên liệu khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải cân đối tài chính để sản xuất có lãi nên sẽ hạn chế sản xuất nếu giá than tăng cao.

So sánh số liệu tiêu thụ than thực tế và dự báo năm 2016 có thể thấy thực tế tiêu thụ cao hơn so với dự báo khoảng 5 triệu tấn than (chủ yếu ở các hộ khác ngoài điện). Như vậy, giá than thế giới có ảnh hưởng rất lớn đến sức tiêu thụ than của các hộ khác ngoài điện.

Cập nhật nhu cầu than cho nền kinh tế đến năm 2030

Như trên phân tích, những năm gần đây do ảnh hưởng của nền kinh tế, giá than trong nước và thế giới đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của thị trường tiêu thụ than, nhất là các hộ khác ngoài điện dẫn đến việc dự báo nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Đối với hộ điện: Nhu cầu than của các nhà máy điện hiện có tương đối ổn định và được xác định theo số liệu thống kê thực hiện trong những năm gần đây. Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện đang đầu tư được xác định theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Theo đó, tổng nhu cầu than Antraxit và bitum (như bảng 8).

Đối với các hộ tiêu thụ còn lại: Phần lớn các hộ trong nhóm này đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, phát triển theo xu thế thị trường. Vì vậy, sức tiêu thụ than của các hộ này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi giá nguyên, nhiên vật liệu, giá bán sản phẩm... Trong những năm gần đây, hầu hết các nhà máy thuộc nhóm này sản xuất chỉ đạt trung bình khoảng 50%÷80% công suất thiết kế.

Trong Quy hoạch 403, dự báo nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ than ngoài điện chỉ đạt khoảng 50-60% công suất thiết kế của nhà máy. Tuy nhiên, như năm 2016, giá than thế giới giảm mạnh, thấp hơn so với giá than trong nước, sức tiêu thụ than của các nhà máy thuộc nhóm này lên đến khoảng 70-90% công suất thiết kế. Như vậy có thể thấy, giá than thế giới ảnh hưởng rất lớn đến sức tiêu thụ than.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, giá than thế giới tăng ở giai đoạn 2005÷2008, giảm vào năm 2009, tăng dần trở lại vào năm 2010÷2011, sau đó suy giảm dần đến nay.

Theo dự báo giá than của Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức khác: Năm 2015-2016 là mức đáy của cuộc suy thoái và sẽ phục hồi dần vào những năm sau, nhưng tốc độ tăng chậm khoảng từ 4,1%÷4,7%/năm, tương đương khoảng 67- 130USD/t (tùy theo chủng loại than nhập).

Theo Quy hoạch 403, giá than trong nước tính bình quân theo từng giai đoạn như sau: Giai đoạn 2016÷2020: 1.687.000 đồng/tấn (77,1 USD/tấn); Giai đoạn 2021÷2025: 1.765.000 đồng/tấn (80,6 USD/tấn); Giai đoạn 2026÷2030: 1.856.000 đồng/tấn (84,8 USD/tấn).

Có thể thấy, trong tương lai giá than trong nước và thế giới sẽ tương đương nhau. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ than của các hộ khác ngoài điện sẽ hạn chế nếu nền kinh tế thị trường không khởi sắc.

Theo Báo cáo "Thế giới năm 2050" về "Tầm nhìn dài hạn: Trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?" của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) dựa trên những kết quả mới nhất của mô hình dự báo tăng trưởng dài hạn do các chuyên gia PwC xây dựng từ năm 2006, báo cáo đã đưa ra dự báo về triển vọng tăng trưởng GDP của 32 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu - hiện đang chiếm khoảng 85% GDP thế giới. Theo đó, quy mô kinh tế toàn cầu có thể tăng gấp đôi vào năm 2042 và mức tăng trưởng thực tế hằng năm sẽ đạt khoảng 2,5% trong giai đoạn 2016 - 2050, chủ yếu nhờ các thị trường mới nổi và đang phát triển. Trong đó có Việt Nam với mức tăng trưởng hằng năm đạt khoảng 5%.

Do đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ than của các hộ khác ngoài điện sẽ dao động trong khoảng 50%-100% công suất thiết kế. Nhu cầu than cho nền kinh kế quốc dân đến năm 2030 (xem bảng 8).

Bảng 8. Dự báo nhu cầu than đến năm 2030

TT

Danh mục

Nhu cầu than (triệu tấn)

2017

2018

2019

2020

2025

2030

 

Tổng nhu cầu

59,57±3,0

69,59±4,0

83,44±4,0

94,07±4,0

137,8±5,0

165,37±5,0

1

Hộ điện

40,42

47,84

58,74

66,82

107,8

135,32

+

Than Antraxit

36,74

40,74

45,09

49,41

56,55

59,18

+

Than Bitum

3,68

7,1

13,65

17,41

51,25

76,14

2

Các hộ khác ngoài điện

19,15±3,0

21,75±4,0

24,70±4,0

27,25±4,0

30,00±5,0

30,50±5,0

 

Những khó khăn, thách thức

Nhu cầu than giảm mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới dẫn đến việc cạnh tranh trên thị trường than trở nên khốc liệt, giá than xuất khẩu giảm 30-50% so với năm 2011, lượng than tồn kho tăng cao dẫn đến sản lượng than sản xuất giảm; tỷ giá hối đoái tăng đã làm tăng chi phí tài chính của các đơn vị ngành than.

Thuế tài nguyên than tăng cao trong thời gian qua làm cho tổng chi phí trong giá thành tăng. Tổng các loại thuế, phí trong giá thành than hiện nay như sau:

Đối với than tiêu thụ trong nước khoảng 15%, bao gồm: Thuế tài nguyên đối với than khai thác bằng phương pháp lộ thiên 12%, than khai thác bằng phương pháp hầm lò 10%, bình quân chiếm khoảng 9%; Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 2%; phí môi trường nộp ngân sách địa phương 10.000 đồng/tấn than nguyên khai, chiếm khoảng 1%; Thuế bảo vệ môi trường đối than tiêu thụ trong nước 20.000 đồng/tấn, chiếm khoảng 1,3%; Thuế đất, tiền sử dụng đất và các loại thuế, phí phải nộp khác khoảng 1,2%).

Đối với than xuất khẩu (khoảng 35%), bao gồm các loại thuế, phí như than trong nước ở trên, còn phải chịu thêm 10% thuế xuất khẩu và 10% thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.

Đặc thù của ngành khai thác mỏ là không thể gia tăng đột biến sản lượng khai thác, thời gian đầu tư các dự án mỏ thường kéo dài từ 6-8 năm (có dự án đến 10 năm) với nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Khai thác than là ngành công nghiệp nặng nhọc, nguy hiểm, nhiều rủi ro nên đòi hỏi quy trình sản xuất phải chặt chẽ và khoa học, đảm bảo tính an toàn cao.

Hiện nay và những năm tới, hầu hết các mỏ than đều khai thác xuống sâu, đi xa hơn nên mức độ nguy hiểm, rủi ro ngày càng tăng. Đối với các mỏ lộ thiên thì hệ số bóc đất đá tăng và cung độ vận chuyển xa. Đối với các mỏ hầm lò thì điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, áp lực mỏ lớn, khí, nước nhiều (do ảnh hưởng của tình hình thời tiết, khí hậu biến đổi cực đoan) dẫn đến suất đầu tư tăng. Mặt khác, chi phí khai thác ngày càng cao dẫn đến giá thành sản xuất than ngày càng tăng, giảm sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước.

Thời gian qua việc tiêu thụ than sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, khối lượng than tồn kho lớn, ảnh hưởng rất không nhỏ đến việc ổn định sản xuất và tích lũy để đầu tư cho công tác thăm dò, cải tạo mở rộng, nâng công suất các mỏ hiện có, xây dựng mỏ mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày một tăng cao của nền kinh tế, đặc biệt là nhu cầu than cho sản xuất điện tăng dự báo sẽ tăng nhanh từ sau năm 2017.

Đề xuất một số giải pháp

Thứ nhất: Đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các đề án thăm dò công tác thăm dò than để chuẩn bị đủ trữ lượng - tài nguyên đảm bảo đủ độ tin cậy để huy động vào khai thác theo kế hoạch.

Thứ hai: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án mỏ than đang trong giai đoạn đầu tư XDCB và sớm chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư duy trì các mỏ than theo Quy hoạch 403, đặc biệt là các dự án có công suất lớn.

Thứ ba: Tăng cường công tác quản trị chi phí; áp dụng tối đa công nghệ cơ giới hoá đào lò, khai thác than trong điều kiện kỹ thuật mỏ cho phép, hoàn thiện và áp dụng tối đa việc đào chống lò bằng vì neo để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động. Sử dụng đồng bộ thiết bị khai thác có công suất, tải trọng lớn ở các mỏ lộ thiên. Rà soát và hoàn thiện lại các định mức, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật... phù hợp với điều kiện thực tế và quy định hiện hành để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản xuất than.

Thứ tư: Cần sớm xây dựng chính sách thị trường than cho Việt Nam, nhằm xác định lại cho rõ vai trò của ngành than đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia để hoạt động theo một cơ chế nhất quán, kế hoạch hóa tập trung hay theo quy luật của thị trường.

Thứ năm: Tích cực, chủ động tìm kiếm và thu xếp nguồn than nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu cho các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là than cho ngành điện.

Thứ sáu: Tăng cường thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bao gồm cán bộ quản lý, quản trị cao cấp, công nhân kỹ thuật trong các lĩnh vực. Vì đây chính là chìa khóa tạo ra năng suất và phát triển bền vững của ngành than.

Thứ bảy: Khai thác than là ngành nghề cực kỳ độc hại nguy hiểm do vậy cần có các chế độ chính sách ưu đãi để giữ chân và thu hút lao động vào làm việc tại các mỏ than, đặc biệt là lao động làm việc trong các mỏ than hầm lò.

ThS. ĐỖ HỒNG NGUYÊN, ThS. NGUYỄN VIỆT CƯỜNG, TS. NGUYỄN TIẾN CHỈNH, ThS. NGUYỄN VIỆT HÙNG, ThS. NGUYỄN THỊ THANH THỦY, ThS. TRẦN VĂN HÙNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động